Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Sau (5) năm cố gắng, Hà Nội chỉ dựng được 886 tổ chức đảng [1] trong tổng số 457 ngàn doanh nghiệp tư đang hoạt động tại Việt Nam. Kết quả này cho thấy, dù bị chèn ép, đối xử bất công, phải đối mặt với giải thể, ngưng hoạt động, doanh nghiệp tư cũng vẫn không hoan nghênh chế độ muốn “cài cắm” người vào các công ty của họ. Hà Nội một mặt vận động, mong mỏi các nước phương Tây nhìn nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng trong đường lối cai trị, chế độ lại muốn đặt ách đô hộ trên kinh tế cả nước. Chính ở điểm không xác định được nền kinh tế đi theo hướng nào rõ rệt, nên Việt Nam nằm trong thế giằng co, một bên tư nhân muốn cởi trói kinh doanh, bên kia là đảng chuyên quyền muốn kiểm soát kinh tế. Dù cho qua bao nhiêu cố gắng cộng đảng cũng không chỉ ra được thế nào là “nền kinh tế thị trường theo đinh hướng xã hội chủ nghĩa”. Sự kiện này đưa đến phá sản dần một nền kinh tế từ 31 năm nay. Đây chính là mấu chốt doanh nghiệp tư không thể cạnh tranh với các nước trong vùng. Và cũng là nguyên cớ đưa đến 217 ngàn công ty tư nhân ngưng hoạt động.
Hiện nay, theo báo trong nước, trung bình mỗi ngày có trên 315 công ty giải thể [2]. Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, đã có 18.900 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Trong số này, có 92% thuộc doanh nghiệp nhỏ, vốn 10 tỷ đồng, còn lại là doanh nghiệp vốn trên 10 tỷ đồng.
Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, Hà Nội chỉ còn trông cậy vào nguồn thế khóa nơi 38% các công ty có nguồn vốn ngoại quốc FDI (Foreign Direct Investment).
Mới đây (Feb 14) tin từ phía Nhật nói, một số doanh nghiệp ô tô của Nhật có thể rút khỏi Việt Nam do thủ tục rườm ra, tiền “bôi trơn” tốn kém, thuế khóa cao và ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa đủ mạnh. Hơn nữa nhu cầu tại Việt nam chưa đạt tới mức phải duy trì nhà máy. Giá thành nhập khẩu cả chiếc xe từ nước ngoài còn rẻ hơn là nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ráp.
Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa trong các năm trước, và liên tục giải thể đầu năm nay sẽ gây thất thu rất lớn cho ngân sách của cộng đảng.
Thời gian 16 năm trước, miếng bánh chia chác trong 6000 tập đoàn và tổng công ty nay đang teo tóp lại. Cộng đảng hiện chỉ còn làm chủ 718 Tập Đoàn, Tổng Công Ty, trong đó có hàng trăm công ty con trực thuộc. Tuy phần lớn Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) làm ăn thua lỗ, nhưng là nơi duy nhất hiện nay chế độ dùng đãi ngộ loại đảng viên “có máu mặt”, chuyên chia chác quyền lợi, thao túng kinh tế. Do thiếu tiền chi tiêu, cộng đảng dự trù, từ nay đến năm 2020, bán 500 (DNNN) Hà Nội sẽ kiếm được xít soát 400 tỷ Mỹ Kim [3]
Ngày 8 tháng 11 năm 2016, Quốc hội gồm 96% là đảng viên cộng sản đã “đồng ca” mở đường cho âm mưu “bán từng nhóm” tài sản quốc gia đó cho Tầu cộng. Việc này, theo nghị quyết “phải được thực hiện xong năm 2019, gồm tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác”. Quyết nghị cũng cho hành pháp quyền “giải thể, phá sản các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả”. Đây chỉ là gian kế của Hà Nội đưa ra Quốc Hội cho “đúng quy trình”.
Về điểm cho phép “phá sản, giải thể”các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, nghị quyết 8 -11 đã mở ra con đường cho các đảng viên giữ các chức vụ then chốt, tìm cách phi tang tội ăn cắp của dân trọn gói. Bởi vì doanh nghiệp nhà nước là tài sản quốc gia, bị cộng đảng đục khoét đến rục mọt, rồi cho giải thể. Như vậy toàn khối tài sản 400 tỷ Mỹ Kim lớp bán cho Tầu, còn lại sẽ lần lượt biến mất hợp pháp, chả ai có lỗi hay chịu trách nhiệm gì! Từ trước đến nay, cộng đảng vẫn làm ngơ, giữ kín những chuyện mờ ám, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, cho đến lúc nội bộ đấu đá khốc liệt, dân chúng mới thấy một lũ tranh ăn!
Giải quyết tình trạng ngân sách thất thu, bội chi, Hà Nội buộc phải chọn Tầu cộng, khách hàng có thế giá chính trị cao nhất, được nhìn nhận là đối tác ưu tiên hàng đầu, duy nhất được mua rẻ mạt những cổ phần nhà nước Việt Nam có trong các tập đoàn, tổng công ty và khu tài nguyên khoáng sản mà Tầu cộng đã ngắm nghía từ trước.
Tuy nhiên, khi mua khối tài sản dưới dạng đầu tư trực tiếp, Tầu cộng đòi quyền quản lý, được mua đất đai giá rẻ và bỏ qua những điều kiện về môi trường, an toàn lao động. Các “ông chủ” ngầm từ Tầu cộng, như trường hợp Formosa, vì lợi ích của mình bất chấp tất cả thiên nhiên môi trường hay quyền lợi người lao động.
Nguồn thu này được gọi mỹ miều là thu hút đầu tư và thoái vốn nhà nước. Thực chất đây là hình thức bán nước để có tiền trang trải các khoản nợ và chi tiêu trước mắt.
Nương vào thế mạnh, Tầu cộng được đà vươn thêm cánh tay nắm chặt cổ Hà Nội, mới đây Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) của Tàu cộng qua Chủ tịch AIIB Jin LiQun nói rằng, sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động đầu tư cho tư nhân Việt Nam và các đầu tư cơ sở hạ tầng mà không cần bảo lãnh Chính phủ nhằm “giảm áp lực nợ công cho Việt Nam”. Tầu cộng sẽ chỉ tài trợ các dự án do chính họ kiểm soát. Chiêu thức này sẽ làm tăng sự háo hức sẵn sàng làm tôi Tầu cộng để có thêm lợi quyền.
Hôm 15 tháng 3, FED quyết định tăng lãi xuất thêm 0.25%, tức từ 0.75% lên 1%. Đây là lần tăng lãi xuất thứ hai trong 3 tháng. Sự kiện này sẽ làm cho việc trả nợ của Hà Nội vất vả hơn với lãi xuất mới của đồng Mỹ Kim. Ngay sau khi FED tăng lãi xuất, thị trường vàng Việt Nam lập tức tăng giá; đồng bạc Việt cộng dần mất giá thêm. Muốn có tờ 100 Mỹ Kim bé bằng bàn tay, bạn phải đếm 23 tờ mệnh giá 100 ngàn đồng tiền Việt cộng, nếu dùng tờ mệnh giá 10 ngàn, phải đếm hơi mỏi tay, nhưng đành chịu thôi!
Việc FED tăng lãi xuất sẽ thu hút đồng Mỹ Kim nằm lại Hoa Kỳ, đưa đến giảm thiểu lượng kiều hối về Việt Nam. Năm ngoái, thay vì 12 tỷ như mong muốn, Hà Nội chỉ nhận được 9 tỷ, giảm lối 30%. Năm 2017 kiều hối về Việt Nam có thể còn giảm thêm nữa. Sự việc này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp tư và thị trường địa ốc lâu nay cậy dựa vào tiền vốn từ thân nhân ngoài nước. Việc rửa tiền của tham quan cũng bị “bó” lại. Các chuyên gia tài chánh vạch ra rằng, phần lớn lượng kiều hối gần như chỉ vào Việt Nam qua thủ tục tài chánh trên computer. Khi có người gởi tiền, hệ thống tham nhũng ở Việt Nam dùng Mỹ Kim ăn cắp có sẵn để ở Việt Nam chuyển cho người nhận tiền, tiền ở ngoại quốc sẽ vào tài khoản riêng của bọn tham nhũng. Người Việt Nam ở Hoa Kỳ vào khoảng 4.5 triệu, gởi về Việt Nam khoảng 60% trong tổng số kiều hối.
Tháng 7 năm ngoái, Hà Nội tuyên bố hoãn phát hành trái phiếu vì chưa phu hợp với tình hình quốc tế [4]. Thật ra việc này sau khi đưa ra cho quốc hội thông qua, Hà Nội cử người đi dạm bán trái phiếu khắp nơi, chẳng mấy ai mua, vì điểm tín nhiệm trên thị trường tài chánh của Hà Nội quá thấp.
Tổng Cục Hải Quan nhìn nhận, lượng gạo xuất khẩu năm 2016 chỉ đạt 4,8 triệu tấn [5]. Con số này thấp hơn so với kế hoạch Hà Nội đề ra là 5,4 triệu tấn. Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan, thì từ 4 năm nay lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm: năm 2013 là 6,7 triệu tấn, năm 2014 là 6,5 triệu tấn, năm 2015 là 6,6 triệu tấn. Nhưng đến năm 2016 chỉ còn 4,8 triệu tấn. Như vậy về số lượng giảm 25,5%, về giá trị giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan là những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 72% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Tính đến hết ngày 31-1-2017, lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp tại Việt Nam còn khoảng hơn 955.900 tấn. Gạo là mặt hàng xuất khẩu đem về cho Hà Nội nhiều ngoại tệ nhất trên cả café và hải sản. Nhưng nay gạo lâm vào tình trạng, phẩm chất kém quá, không thể cạnh tranh với gạo của 3 nước nói trên.
Đa phần dân số Việt Nam từ ngàn xưa sống chết với ruộng vườn, cây lúa. Rau trái ăn không xuể phải bán ra nước ngoài. Nhưng lần hồi bị cộng đảng áp dụng kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, gây ra cảnh biển chết, vựa lúa bị ngập mặn dẫn tới tình trạng phải nhập cảng cả bó rău. Theo số liệu thống kê của Hải Quan Việt Nam, trong 02 tháng đầu năm nay số tiền dùng để nhập cảng rau trái là 164 triệu Mỹ Kim, và trong vòng hai năm qua, số tiền này đã tăng từ 200 triệu hàng năm lên đến 1 tỷ Mỹ Kim [6]. Nhưng 02 tháng đầu năm nay Việt Nam chỉ bán ra nước ngoài một lượng rau trái khiêm tôn vô cùng, thu về có 421 ngàn Mỹ Kim.
Tình trạng trên mô tả đầy đủ chế độ này không có căn bản tối thiểu để điều hành một nền kinh tế tạm đủ ăn; ngân sách của Hà Nội vì vậy sẽ gặp muôn vàn khó khăn là điều không thể tránh. Những nguồn thu ngày càng cạn kiệt, đất đai cũng khó cưỡng chiếm hơn xưa, quan chức không còn nhiều cơ hội kiếm chác. Ở những năm tháng trước, cơ hội và nguồn thu còn nhiều, đủ cho các phe cánh, quan chức thoả mãn. Vì thế sự yên bình giữa các phe nhóm còn tồn tại, nhưng đến khi nguồn thu giới hạn thấy rõ, thì theo quy luật sinh tồn tranh giành miếng ăn trong nội bộ cộng đảng buộc phải diễn ra khốc liệt như mọi người đều thấy từ giữa năm 2016 đến nay.
Mar 19-2017
________________________________________
Chú thích:
Bán cát
Mở cửa bừa bãi cho khách Tầu tràn qua biên giới