Nguyễn Phú Trọng tiếp tục “truy cùng giết tận” thế lực Nguyễn Tấn Dũng - Dân Làm Báo

Nguyễn Phú Trọng tiếp tục “truy cùng giết tận” thế lực Nguyễn Tấn Dũng

CTV Danlambao - Sau một thời gian dài yên ắng, phe Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục châm ngòi cho một cuộc chiến mới nhắm vào các thế lực tay chân của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương 5, hàng loạt lá đơn tố cáo đã được tung ra nhằm mục đích bôi tro trát trấu vào chính những người từng gọi nhau là “đồng chí”. Kịch bản đấu đá được lặp lại y hệt những gì đã diễn ra trước đại hội đảng lần thứ 12.

Nhân vật được phe Nguyễn Phú Trọng cho “lãnh ấn tiên phong” trong trận chiến này là ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn) - một lão thành cách mạng từng giữ chức bí thư Bí thư tỉnh uỷ Tây Ninh và Vĩnh Long, uỷ viên Trung ương đảng 2 khoá liên tiếp.

Trong một lá đơn gửi đến bộ chính trị vào hôm 28/2/2017, ông Lâu đã tố cáo đích danh và yêu cầu khởi tố hình sự đối với 3 nhân vật được coi là những tay chân thân cận nhất của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bao gồm: Nguyễn Văn Bình, vợ chồng Trần Quốc Liêm và Trầm Bê.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình được ông Dũng cài cắm lại bộ chính trị để đối chọi với thế lực Nguyễn Phú Trọng tại đại hội 12. Thiếu tướng công an Trần Quốc Liêm là em vợ ông Dũng, hiện đang giữ chức Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh. Cuối cùng là Trầm Bê, ông trùm tài phiệt có mối quan hệ chặt chẽ đối với gia tộc Nguyễn Tấn Dũng.

Theo nội dung lá đơn tố cáo mà Danlambao nhận được, đây đều là những đại án tham nhũng lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng xảy ra dưới thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Dù đã được mang ra xét xử, nhưng cả 3 thủ phạm chủ mưu vụ việc không những không bị truy tố mà còn được thăng quan tiến chức.

Điều này cho thấy Nguyễn Tấn Dũng vẫn là một thế lực đáng gờm trong chính trường CSVN, dù ngoài mặt ông ta đang cố tạo dựng hình ảnh là một "người tử tế". Trong khi đó, thế lực Nguyễn Phú Trọng đang ngày càng trở nên suy yếu do ông này đã cho thấy sự thất bại trong cuộc chiến thanh trừng phe phái dưới chiêu bài "chống tham nhũng".

Châm ngòi cho cuộc chiến mới là thủ đoạn để ông Trọng có thể lấy lại uy quyền trong đảng, nhưng đồng thời cũng là lý do chính đáng để ông ta có thể tiếp tục tại vị tại Hội nghị Trung ương 5, dù trước đó Nguyễn Phú Trọng cam kết sẽ về hưu sau nửa nhiệm kỳ. Âm mưu một mũi tên trúng hai đích đầy nham hiểm của Nguyễn Phú Trọng.

Dưới đây là toàn văn nội dung lá đơn tố cáo:

*
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Vĩnh Long, ngày 28 tháng 02 năm 2017

BẢN KIẾN NGHỊ

- Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng;
- Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị- Thường trực Ban Bí thư;
- Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ;
- Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung Ương;
- Đồng kính gửi: Các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.


Tôi là Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn) nguyên Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa VI, VII; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy Ban kiểm tra Trung ương Đảng; nguyên Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Tây Ninh, Cửu Long, Vĩnh Long;  Bí thư Đảng bộ nhà tù Côn Đảo.

Kính thưa các đồng chí!

Thời gian gần đây, dư luận quần chúng nhân dân, nhất là các vị lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp về hưu, đặc biệt các cựu tù Côn Đảo đều phấn khởi về kết quả việc phát hiện, điều tra, xử lý kỷ luật tập thể và cá nhân liên quan đến các vụ án tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhất là đã và đang phanh phui tới  cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh và người đứng đầu các cơ quan tương đương… do báo chí, dư luận xã hội phát hiện.

Bước đầu đã chứng minh lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trong phiên họp thứ X, ngày 28/12/2015 như sau: "...Sau Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa, có hiệu quả rõ ràng hơn...".

Với tinh thần đó, tôi xin đại diện các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ cao  cấp nghỉ hưu gởi đến tôi và nhờ tôi gửi đến các đồng chí Bản kiến nghị này với những bức xúc của đông đảo đồng chí, đồng bào ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Để gởi đến đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị với tất cả niềm tin và tâm huyết. Mong các đồng chí tiếp tục xem xét và xử lý đối với những vụ trọng án đã và đang được xét xử nhưng vẫn còn những nhân vật liên quan, có trách nhiệm to lớn, nặng nề trong các vụ án đó, vẫn chưa được điều tra phanh phui làm rõ trước kỷ cương pháp luật. Cụ thể: 

Thứ nhất: Việc ông Nguyễn Văn Bình, đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam có trách nhiệm trực tiếp trong các vụ án vừa qua, nhưng chưa được quy trách nhiệm và đưa ra xét xử? Cụ thể:

1- Vụ án Phạm Công Danh và Ngân hàng xây dựng:

Một là, Qua Bản cáo trạng xét xử vụ trọng án này, Nhân dân rất bức xúc và hiểu cặn kẽ: Phạm Công Danh nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đòan Thiên  Thanh, là Tập đoàn nợ lớn, tài chính yếu kém. Phạm Công Danh phải thụ án 6 năm tù vì sự thua lỗ ấy. Vậy mà Tập đoàn Thiên Thanh lại được Ngân Hàng nhà nước lựa  chọn để tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín và Phạm Công Danh lại được Ngân hàng nhà nước bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Ngân hàng TMCP Xây  dựng Việt Nam nầy?

Hai là. Cần được làm rõ là: Ngân hàng Xây dựng là Ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng nhà nước mua lại với giá “không đồng” vào ngày 02/02/2015.

Được biết, đến cuối năm 2014 phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.

Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Xây dựng đang thua lổ trầm trọng với giá “không đồng” là việc làm kỳ lạ, cần được điều tra làm rõ. Trong lúc đó, ai  đứng phía sau cho Phạm Công Danh thành lập hàng chục Chi nhánh “Ngân hàng  ảo”để rút tiền Nhà nước?

Ba là: Có quy định khi Ngân hàng Xây dựng thua lỗ lớn, phải được kiểm soát đặc biệt mỗi khi rút tiền từ Ngân hàng này có số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên, phải được sự  đồng ý của Tổ giám sát thuộc Ngân hàng nhà nước đặt tại đây.

Vậy mà, chỉ trong vòng hơn 01 năm, Phạm Công Danh đã rút được từ Ngân hàng Xây dựng hơn 18.678 tỷ đồng. Trách nhiệm này, ngoài Tổ giám sát, còn có trách  nhiệm của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Cần phải được điều tra làm rõ?

2- Ngân hàng nhà nước mua lại “không đồng” với Ngân hàng Phương Nam và câu hỏi “Ai bảo kê ông Trầm Bê”?

Ở đồng bằng Sông Cửu Long, Nhân dân các giới vẫn còn bức xúc việc... "Ngân hàng nhà nước đứng ra nhận ủy quyền phần vốn âm nhiều chục nghìn tỷ đồng của gia đình ông Trầm Bê sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank...", "...còn được gọi Ngân hàng nhà nước mua lại Ngân hàng Phương Nam bằng "không đồng" để lãnh lấy số nợ khổng lồ của gia đình Trầm Bê về cho Nhà nước phải trả nợ thay? Và đông đảo dư luận không quên chuyện Trầm Bê còn cho Dương Thanh Cường ở Ngân hàng Agribank vay 1.500 lượng vàng từ Ngân hàng Phương Nam trong vụ án Dương Thanh Cường gần như ai cũng biết. Đặc biệt vụ Trầm Bê đã mua với giá rẻ trên 150 héc ta đất Quốc phòng của Quân Khu 9 do ông Huỳnh Tiền Phong, nguyên Tư lệnh Quân Khu 9 đứng bán cho Trầm Bê và Trầm Bê kinh doanh bán lại đã thu lợi có được hàng chục ngàn tỷ đồng, chưa kể đất Quốc phòng của Quân khu 7 tại thành phố Hồ Chí Minh mà Trầm Bê đã mua.

Hiện Trầm Bê còn những tài sản: dinh thự, cảng biển, những ngôi chùa mênh mông, bao gia sản, nhà cửa ở thành phố Hồ Chí Minh và Trầm Bê đã “đền ơn” ông Tiền Phong mấy căn biệt thự ở Sài Gòn... Tại sao từ khi sáp nhập và được mua “không đồng”, Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank, Trầm Bê và con trai là Trầm Khải Hòa vẫn giữ chân Hội đồng thành viên và điều hành Ngân hàng Sacombank cho đến nay?

Tại sao Ngân hàng nhà nước và ông Nguyễn Văn Bình bắt Nhà nước phải lãnh khối nợ khổng lồ của gia đình Trầm Bê để trả nợ, còn Trầm Bê thì cứ sống ngoài vòng pháp luật, giàu có, nhởn nhơ, đường hoàng? Liệu đây có phải là một nhóm lợi ích của những người có chức, có quyền bảo kê không?

3- Ngân hàng Nhà nước mua lại “không đồng” với Ngân hàng Đại dương (Oceanbank): là một trong 6 đại án tham nhũng, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hà Văn Thắm đã được Ngân hàng Nhà nước với sự chỉ đạo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình mua Ngân hàng Đại dương với giá “không đồng” từ ngày 25/04/2015

Dư luận của cán bộ, đảng viên được biết: theo đánh giá, nhận định của Bộ Công an thì đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.Theo thông tin chính thống từ các nguồn tin: đây là những diễn biến vi phạm nổi bật của Ngân hàng Oceanbank trước lúc được Ngân hàng Nhà nước mua với giá “không đồng”.

- Đến 31/03/2014 nợ xấu lên đến 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84%. Vốn Điều lệ 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lỗ gần 10.200 tỷ đồng, bằng 299,63% (âm vốn chủ sở hữu gấp 2,5 lần).

- Hà Văn Thắm lập khống 09 hồ sơ vay, chiếm đoạt 137 tỷ đồng của Oceanbank.

- Hà Văn Thắm cho Phạm Công Danh vay trong danh nghĩa Công ty TNHH-MTV Dịch vụ và thương mại Trung Dung vay gần 350 tỷ đồng không có tài sản bảo đảm, không có khả năng thu hồi và nhiều vi phạm khác.

- Tháng 5/2014 Hà Văn Thắm cho lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ…

Với những vi phạm, tham ô, chiếm đoạt tiền Nhà nước của Hà Văn Thắm và   Ngân hàng Đại dương vô cùng nghiệm trọng như vậy, ông Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại quyết định mua lại Ngân hàng này với giá “không đồng”? Nhà nước phải  lãnh số nợ khổng lồ để trả thay cho Hà Văn Thắm và nhóm lợi ích của hắn. Ông Bình phải chịu trách nhiệm về quyết định này?

Thứ hai: Vụ án  liên quan đến Thiếu tướng Trần Quốc Liêm - (Tổng Cục phó Tổng Cục An ninh - Bộ Công An) - em ruột của vợ cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và vợ là Trần Hoa Mai trong vụ án Dương Thanh Cường cùng đồng bọn lừa đảo, chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của Ngân hàng Agribank.

Mối quan hệ đó là: Với “Dự án ma - Thạnh Phát”, Dương Thanh Cường cùng đồng bọn chiếm đoạt của Agribank 966 tỷ đồng (trên thực tế, theo luật sư Trương Thị Hòa là 1.500 tỷ đồng). Đó là Dự án “Bất động sản”, trong đó có thương vụ của vợ chồng Thiếu tướng Liêm - Mai bán cho Dương Thanh Cường 5 héc ta (đất ruộng) ở huyện Bình Chánh với giá 397,9 tỷ đồng (7,95 triệu đồng/1m2). Số tiền lớn này vợ chồng ông Liêm vừa nhận trực tiếp 171,2 tỷ đồng, vừa chuyển khoản vào tài khoản Trần Hoa Mai đứng tên: 119 tỷ đồng; Còn 52,2 tỷ đồng Cường mang đến giao tận nhà của Liêm - Mai nhiều lần. Thực tế 5 ha đất ruộng của vợ chồng Trần Quốc Liêm với  giá trị thị trường lúc đó không đến 5- 6 tỷ đồng;mà vợ chồng Liêm lấy 397,9 tỷ đồng của Dương Thanh Cường là điều cần làm rõ?

Trong mối quan hệ này, Dương Thanh Cường đã khai: "Có nhờ Trần Quốc Liêm, là Thiếu tướng An ninh, Bộ Công An làm giấy tờ tín chấp nói với Tổng Giám đốc Agribank là Nguyễn Thế Bình để Cường được vay tiền của Ngân hàng. (Sau này vào  tù, Cường rút lại lời khai đó). Theo cáo trạng (liệt kê) có tới 566 tỷ đồng (một con số khác là 386,2 tỷ đồng) trong số 628 tỷ đồng từ Ngân hàng Agribank chuyển cho  Dương Thanh Cường đều qua tài khoản của bà Trần Hoa Mai (vợ Trần Quốc Liêm) đã mở tại Ngân hàng này.

Có nguồn tin, cơ quan chức năng có đủ những chứng cứ này. Cũng có dư luận rằng, cơ quan điều tra trước đây đã có kết luận khởi tố vợ chồng Liêm-Mai, nhưng lại có thế lực chỉ đạo nên coi vi phạm này là quan hệ giao dịch dân sự. Nhưng theo chúng tôi đây là phạm tội trực tiếp giúp sức của vợ chồng ông Liêm - bà Mai cho Dương Thanh Cường lừa đảo chiếm đoạt của Agribank 966 tỷ đồng (theo LS Trương Thị  Hòa là 1.500 tỷ đồng).

Được biết, Dương Thanh Cường lúc ấy mới vừa ra tù (từ án tử hình, xuống chung thân, rồi còn 20 năm với 5 tội danh, trong đó có tội lừa đảo và đưa hối lộ. Nhưng chỉ đến năm 2005 thì Cường được ra tù rất sớm). Vì thế, sự tiếp tay, giúp sức của Thiếu tướng Liêm đối với Cường là đã có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, vi phạm pháp  luật cần được xử lý nghiêm minh. Chúng tôi kiến nghị: đình chỉ công tác đối với Thiếu tướng Trần Quốc Liêm và làm rõ những hành vi vi phạm của họ trước pháp luật.

Kính thưa đồng chí Tổng bí thư và các đồng chí!

Như nhận xét của đồng chí Tổng Bí thư: “…Khó là chỗ lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt giữa kinh tế và chính trị, giữa doanh nhân và những người có chức, có quyền, ngoắt ngoéo với nhau. Không giải quyết được thì đó là một trong bốn nguy cơ...”. Từ những nhận xét trên, chúng tôi càng thấy rõ cuộc chiến chống tham nhũng, chống “giặc nội xâm” là hết sức gay go và phức tạp.

Chúng tôi tha thiết kiến nghị như sau:

Một là: Đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình trong việc tiếp tay cho hệ thống các Ngân hàng thua lỗ để Ngân hàng nhà nước mua lại “không đồng” . Đặc biệt, đó là những ngân hàng gắn với những can phạm với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt khối tiền hàng ngàn tỷ để Nhà nước phải gánh nợ, trả thay. Việc mua lại “không đồng” thường vào năm 2015, trước Đại   hội XII của Đảng, trong khi hàng ngàn tỷ đó lại nằm trong túi bọn tham nhũng đang sống trong sự chở che, đùm bọc của ông Bình gắn với những đại án, trọng án tham nhũng? 

Hai là: Đề nghị xử lý ông Nguyễn Văn Bình về những sai phạm trong việc Ngân hàng nhà nước quyết định cho Phạm Công Danh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, giám đốc Ngân hàng Xây dựng khi vừa thụ án 6 năm tù. Đây là Ngân hàng nhà nước làm trái với quy định đối với các tổ chức tín dụng. Đồng thời, điều tra làm rõ việc ông Nguyễn Văn Bình đã tiếp tay cho Phạm Công Danh, trong vòng 1 năm được Ngân  hàng nhà nước giải ngân để hắn rút ruột hơn 18 nghìn tỷ đồng, trái với qui định của chính Ngân hàng nhà nước đã đề ra đối với Ngân hàng Xây dựng đang thua lỗ này?

Ba là: Điều tra làm rõ việc ông Nguyễn Văn Bình chỉ đạo về việc mua lại “không đồng” Ngân hàng Phương Nam, để Nhà nước phải gánh trả nợ thế cho cha con gia   đình Trầm Bê, trong khi đó Trầm Bê và gia đình vẫn tồn tại với tài sản kết sù ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Trà Vinh, Đồng bằng sông Cửu Long và cả ở nước  ngoài. Có dư luận rằng: Trầm Bê đã tẩu tán tài sản và rửa tiền.

Từ những sai phạm của ông Nguyễn Văn Bình nêu trên. Chúng tôi đề nghị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên trung ương Đảng đối với ông Nguyễn Văn Bình và đưa ra xét xử công khai trước pháp luật để giử nghiêm kỷ cương phép nước.

Bốn là: Đề nghị bắt Trầm Bê - nguyên Giám đốc Ngân hàng Phương Nam để điều tra, làm rõ những thua lỗ, sai phạm, cũng như nhóm lợi ích đang bảo kê cho   Trầm Bê mà dư luận Nhân dân, cán bộ ở đồng bằng sông Cửu Long rất bức xúc trong nhiều năm nay với câu hỏi: “Ai bảo kê Trầm Bê?”

Năm là: Đề nghị đưa Thiếu tướng Trần Quốc Liêm và vợ Trần Hoa Mai ra trước pháp luật vì có liên quan đến việc chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng trong vụ án Dương Thanh Cường với ngân hàng Agribank, lâu nay đã trở thành vùng cấm (?)

Cán bộ và nhân dân ở đồng bằng sông Cửu Long hết sức vui mừng và tin tưởng ở đồng chí Tổng bí thư, Bộ chính trị, và Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trong  cuộc chiến chống tham nhũng hết sức quyết liệt, đầy phức tạp nhưng ngày càng giành được thắng lợi to lớn để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ yêu quí được Bác Hồ, các bậc tiền nhân cùng máu xương biết bao đồng bào, đồng chí đã dựng xây và truyền lại cho chúng ta!

Xin kính chào! 

Đại diện cán bộ lão thành, cao cấp nghỉ hưu đồng kiến nghị.

Trịnh Văn Lâu

(Tư Cẩn)








Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo