Bắc Hàn là một vấn đề nan giải - Dân Làm Báo

Bắc Hàn là một vấn đề nan giải

Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Trong mấy ngày qua, cả thế giới nín thở vì có cảm giác căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Hàn có thể nổ tung dẫn đến chiến tranh nguyên tử bất cứ lúc nào. 

Ngày 15/4 vừa qua đánh dấu 105 năm sinh nhật của Kim Nhật Thành. Đối với Bắc Hàn thì đây là một ngày lễ lớn. Trước đây, Bắc Hàn thường có những hành động chẳng hạn như tiến hành thử vũ khí nguyên tử hoặc hỏa tiễn ngay trong ngày lễ để kích động tinh thần quốc gia cũng như thu hút sự chú ý của thế giới. Nhưng năm nay thì có Tổng Thống Trump. Chỉ một tuần trước đó, Trump đã đón Tập Cận Bình tại Mar-A-Lago hội đàm mà đề tài chính là Bắc Hàn. Và như để dằn mặt tay ngựa non háo đá họ Kim, Trump đảo ngược chính sách đối với Syria và hạ lệnh cho hải quân Mỹ bắn 59 hỏa tiễn Tomahawke vào al-Sharyat một căn cứ không quân của Syria mà Hoa Kỳ cho rằng máy bay ném bom hóa học đã xuất phát. Chẳng những thế, Tổng Thống Trump cũng ra lệnh cho một đoàn tàu chiến dẫn đầu là hàng không mẫu hạm Carl Vinson từ Singapore trực chỉ đến bán đảo Triều Tiên nhưng thật ra đoàn tàu lúc đó đi về hướng Ấn Độ Dương để tập trận với Úc. Không biết đây là một ‘’tin giả’’ (fake news) cố ý của Trump hay là đòn tung hỏa mù? Chưa đủ, Mỹ cũng quyết định thả "bom mẹ" tại A Phú hãn với mục đích chính là phá hủy hệ thống đường hầm và hang động của phiến quân Nhà Nước Hồi Giáo nhưng mặt khác cũng để dằn mặt Kim Chánh Ân. Làm tổng thống chưa tròn 100 ngày mà Trump đã có những quyết định sử dụng biện pháp quân sự cứng rắn và mạnh bạo, khác rất nhiều với phong cách của người tiền nhiệm Obama.

Vào đúng ngày Thứ Bảy 15/4, Bắc Hàn tổ chức một ngày diễu binh ‘’hoành tráng’’ như mọi năm phô trương vũ khí gồm có hỏa tiễn tầm xa thiệt có, giả có. Qua hôm sau ngày Chủ nhật, Bình Nhưỡng bắn thử hỏa tiễn tầm trung nhưng không thành. Hỏa tiễn nổ tung chỉ vài giây sau khi rời khỏi giàn phóng. Có tin là Mỹ đã dùng ‘’vi khuẩn vi tính’’ để phá cuộc thử nghiệm này. Thật giả thế nào chưa kiểm chứng được nhưng chiến tranh mạng là một phần không thể thiếu trong mọi cuộc chiến hiện đại.

Khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc và Nhật đầu hàng, Triều Tiên bị phân hai tại vĩ tuyến 38. Bắc Triều Tiên theo cộng sản dưới sự bảo trợ của Liên Xô. Nam Triều Tiên hoặc Hàn Quốc theo thế giới tự do dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Cuộc chiến tranh lạnh ngăn cản giấc mơ thống nhất của người dân Triều Tiên. Vào ngày 25/6/1950, Kim Nhật Thành xua quân xâm chiếm phương Nam với sự hậu thuẫn của phe cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc. Theo một Quyết Nghị của Liên Hiệp Quốc, phe đồng minh dẫn đầu bởi Hoa Kỳ cùng với 20 quốc gia khác tham chiến đánh đuổi quân Bắc Hàn về bên kia vĩ tuyến 38. Sau 3 năm đánh nhau bất phân thắng bại, các bên đồng ý đình chiến vào ngày 27/7/1953. Về mặt lý thuyết thì cuộc chiến Triều Tiên vẫn chưa kết thúc vì chưa có bên nào ký hòa ước.

Theo Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, có khoảng 34,000 quân Mỹ tử thương trong cuộc chiến Triều Tiên. Nam Hàn cho biết là có gần 140,000 lính hy sinh và 400,000 thường dân tử vong. Trung Quốc cho biết tổng cộng có khoảng 150,000 chí nguyện quân của họ thiệt mạng. Bắc Hàn thì đưa ra con số là khoảng 300,000 quân lính chết trận trong cuộc chiến xâm lăng miền Nam bất thành.

Cuộc chiến Triều Tiên thật không khác gì với cuộc chiến Việt Nam. Cũng là miền Bắc cộng sản xua quân xâm chiếm miền Nam với lời xúi dục của quan thầy từ phương Bắc. Chỉ khác về hậu quả. Nếu Mỹ không bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa thì có lẽ miền Nam tự do bây giờ cũng phát triển phồn thịnh và văn minh tương tự như Nam Hàn và miền Bắc thì nghèo đói và bị cai trị bởi những lãnh tụ triều đại cộng sản man rợ như Bắc Hàn. Bánh xe lịch sử chạy song song nhưng lại rẽ ra hai ngã khác nhau. 

Mỹ có lưu giữ vũ khí hạt nhân tại Nam Hàn nhằm răn đe Bắc Hàn từ 1958. Có nguồn tin cho rằng tất cả các loại vũ khí này đã được dời khỏi Nam Hàn từ 1991 nhưng chưa có sự kiểm chứng hoặc xác nhận độc lập nào. Kim Nhật Thành cũng đã tính tới chuyện phát triển vũ khí hạt nhân từ thập niên 60 và tiếp xúc Liên Xô và Trung Quốc nhờ giúp đỡ nhưng bị từ khước. Sau đó, Bắc Hàn gia nhập Hiệp Ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty hoặc NPT) vào năm 1985 dẫn đến các cuộc thương thuyết và Thỏa thuận Triều Tiên phi hạt nhân vào năm 1992 giữa Bình Nhưỡng và Hán Thành. Nhưng tình báo Mỹ chụp được một số hình ảnh khả nghi là Bắc Hàn lén lút chế biến vũ khí nguyên tử. Cơ quan năng lượng nguyên tử IAEA gửi chuyên gia đến trung tâm hạt nhân Yongbyon kiểm tra và phát hiện là trái với những lời tuyên bố phát triển năng lượng hạt nhân với mục đích dân sự, Bắc Hàn cũng sử dụng lò phản ứng và cơ sở tái chế luyện plutonium dùng để làm vũ khí hạt nhân. Trước những cáo buộc đó, Bình Những dọa là sẽ rút khỏi NPT.

Sau nhiều vòng đàm phán, Mỹ và Bắc Hàn đạt được Thỏa Thuận Khung (Agreed Framework) vào tháng 10 năm 1994. Dưới thỏa thuận này, Bắc Hàn đồng ý đóng băng chương trình sản xuất plutonium để đối lấy xăng, dầu, lương thực cùng hai nhà máy điện hạt nhân phục vụ cho sinh hoạt dân sự.

Trong lúc tranh cử, George W. Bush tuyên bố là không ủng hộ Thỏa Thuận Khung với Bắc Hàn nhưng sau khi nhậm chức, Bush đồng ý trao cho Bắc Hàn 95 triệu và bỏ điều kiện dưới Thỏa Thuận Khung là Bình Nhưỡng cho phép chuyên gia IAEA kiểm tra để bảo đảm là Bắc Hàn không cất dấu plutonium từ lò phản ứng hạt nhân. Cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 thay đổi tất cả. Trong Thông Điệp Liên Bang ngày 29/1/2002, Tổng Thống Bush miêu tả Bắc Hàn cùng với Iran và Iraq là một "trục ma quỷ"’ vì chính sách ủng hộ khủng bố và theo đuổi vũ khí giết người hàng loạt. Vào cuối năm 2002, Bush bày tỏ quyết tâm tấn công Iraq viện cớ Saddam Hussein lén lút chế biến vũ khí hóa học. Bình Nhưỡng trả đũa bằng cách rút khỏi NPT và đuổi hết kiểm tra viên IAEA ra khỏi Bắc Hàn vào tháng Giêng năm 2003.

Nỗ lực ngoại giao dẫn đến các Cuộc Thảo Luận 6 bên gồm có Mỹ, Bắc Hàn, Nam Hàn, Trung Quốc, Nhật và Nga từ 2003 tới 2005 nhưng vẫn không đi tới đâu. Có nghĩa là Bắc Hàn vừa đàm phán để xin viện trợ nhưng vừa lén lút chế biến uranium để làm vũ khí nguyên tử. Bắc Hàn thử vũ khí nguyên tử lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2006. Lần thứ hai vào tháng 5 năm 2009, thứ ba vào tháng 2 năm 2013 và thứ tư vào tháng Giêng năm 2016. Lần thứ 5 và gần đây nhất là vào tháng 9 năm 2016. Cứ sau mỗi lần như vậy thì Liên Hiệp Quốc đều ra quyết nghị lên án và siết chặt lệnh cấm vận nhưng chẳng có kết quả gì. Lý do đơn giản là hơn 90% giao thương của Bắc Hàn là với Trung Quốc. Các công ty quốc doanh Trung Quốc vẫn làm ăn đều đặn với Bình Nhưỡng coi như không có chuyện gì xảy ra. Hơn nữa, cấm vận cũng có nhiều kẻ hở và chỉ nhắm vào khoáng sản và than đá. Thực phẩm, dầu hỏa và các thứ cần thiết cho đời sống không nằm trong danh sách hàng hóa bị cấm vận.

Các biện pháp đối phó với Bắc Hàn có thể chia thành 4 loại: cấm vận kinh tế, ngoại giao, đánh phá bí mật và chiến tranh. Giải pháp nào cũng có mặt giới hạn của nó. Hoa Kỳ có thể siết chặt cấm vận và trừng phạt luôn cả các ngân hàng quốc tế cũng như các công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng nhưng sẽ có đụng độ với Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng Thống Trump đang sử dụng biện pháp ngoại giao là nhờ Chủ Tịch Tập giúp và thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ tham vọng vũ khí nguyên tử. Mỹ cũng có thể đánh phá hệ thống mạng internet của Bắc Hàn làm rối loạn các chương trình và hệ thống điện tử nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời.

Hoặc Mỹ có thể đánh phủ đầu vào các cơ sở nghi ngờ có chứa vũ khí nguyên tử. Bắc Hàn chắc chắn sẽ đáp trả bằng một cuộc chiến tàn khốc. Theo ước lượng của Leon Panata cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, với dàn đạn pháo ngay biên giới tại vĩ tuyến 38 chỉ cách 50 km từ Hán Thành có dân số hơn 10 triệu thì chỉ trong 2 tiếng đồng hồ sẽ có hơn 100,000 người bị đạn pháo Bắc Hàn giết chết. Nếu cuộc chiến tiếp tục thì con số tử vong có thể lên tới hàng triệu. Chỉ với vũ khí thường thì đã là như vậy. Cộng thêm vũ khí nguyên tử và hóa học thì thương vong không biết lên tới cỡ nào. Đó là chưa kể hỏa tiễn của Bắc Hàn có thể tấn công Nhật và các căn cứ quân sự của Mỹ ở đó. Vì cái giá phải trả quá cao nên có nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp quân sự là bất khả thi.

Có điều là giàn lãnh đạo mới của Mỹ từ Tổng Thống Trump đến Cố Vấn An Ninh McMaster và Bộ Trưởng Quốc Phòng Matthis hầu như đặt quá nhiều kỳ vọng vào Trung Quốc nếu không muốn nói là đang năn nỉ Trung Quốc giúp kiềm chế Bắc Hàn. Chắc chắn là Kim Chánh Ân sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng theo đuổi hỏa tiễn hạt nhân tầm xa có thể đe dọa an ninh của Mỹ vì theo Bắc Hàn đó cũng là lá bùa hộ mạng duy nhất có thể bảo vệ triều đại Kim. Kim đã nhìn thấy kết cuộc bi thảm của Saddam Hussein và Gaddafi. Chưa chắc Trung Quốc có thể ngăn cản được. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc triệt để áp dụng lệnh cấm vận thì có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế và chế độ Bắc Hàn. Mà dù là vậy thì tại sao Trung Quốc lại phải đi giúp đối thủ lớn nhất là Mỹ và đồng minh gồm có Nam Hàn và Nhật? Mỹ sẽ đáp trả ân huệ này thế nào? Khác với những người tiền nhiệm, Trump căn bản là một doanh nhân và theo đuổi chính sách ngoại giao không dựa trên những giá trị nền tảng và nguyên tắc căn bản mà tính toán lời lỗ qua từng chuyến giao dịch một. Tổng Thống Trump đã công khai tuyên bố là sẽ ban cho Trung Quốc một món quà thương mại để trao đổi với việc kiềm chế Bắc Hàn, cụ thể là Mỹ sẵn sàng tiếp tục đón nhận tỷ lệ chênh lệch hàng trăm tỷ Mỹ kim hàng năm trong cán cân mậu dịch giữa hai nước. Như vậy có khác nào cấp thêm cánh cho hổ dữ? Và liệu người dân Mỹ chấp nhận tình trạng đó được bao lâu trước khi công ty quốc doanh Trung Quốc thâu tóm hết các công ty Mỹ? Mặt khác, Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ khi nắm trong tay trái phiếu trị giá hơn 1,000 tỷ Mỹ kim. Chính quyền mới của Mỹ vẫn chưa bổ nhiệm đầy đủ chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm vào Bộ Ngoại Giao trong việc xử lý quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Bắc Hàn. Trong khi đó, Trung Quốc thuộc về hạng cáo già khi nói đến nghệ thuật lợi dụng Bắc Hàn để gây khó khăn cho Mỹ và các nước đồng minh. Ngoài quyền lợi giao thương thì Trump sẽ thêm những nhượng bộ nào tại Biển Đông? Từ khi nhậm chức và nhất là sau lần diện kiến nồng nàn tại Mar-A-Lago, Trump không có bất cứ lời phát biểu nào liên quan tới Biển Đông. Trong mấy tháng qua, Mỹ không thực hiện thêm chiến dịch tuần tra tự do hàng hải nào. Tuy Bộ Quốc Phòng có gửi lời yêu cầu nhưng Nhà Trắng chưa chấp thuận. 

Khi được hỏi về Bắc Hàn, Trump trả lời bằng ngôn ngữ giang hồ "phải ngoan nghe mày" (gotta behave). Kim cũng dùng lối anh chị đáp trả là "tao sẽ thử vũ khí hạt nhân mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm". Đúng là kỳ phùng địch thủ, ít nhất là về mặt đốp chát. Tập chỉ cần ngư ông thủ lợi. Có lẽ là với những ngôn từ như vậy thì Trump và Kim không thể quay trở lại được và cuộc chiến sắp tới chắc không thể tránh khỏi. 

28.04.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo