Trần Trường Sa (Danlambao) - Trước năm 1975, ở miền Nam, nhiều trường học thường đặt ngay phía trên bảng đen câu khẩu hiệu Tổ Quốc trên hết. Hàng loạt thế hệ học sinh được đào tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã thấm nhuần tư tưởng ấy. Khi Tổ Quốc lâm nguy, họ sẵn sàng gạt bỏ mọi thành kiến, mọi khác biệt cá nhân… để cứu nguy Tổ Quốc. Thực ra, chế độ VNCH chỉ khẳng định và tiếp nối truyền thống này của cha ông nên đã chú tâm nhấn mạnh trong giáo dục. Chính tư tưởng này đã giúp dân tộc Việt trường tồn hàng ngàn năm qua bên cạnh âm mưu xâm lược, bành trướng Đại Hán. Đáng tiếc, trong công cuộc xây dựng đất nước, tư tưởng này của dân tộc ta chưa được phát huy. Khi thì sùng Phật khinh Nho, khi thì trọng Nho khinh Phật. Mãi khi Thiên Chúa giáo tràn vào thì Nho - Phật mới hòa quyện vào nhau để đồng tâm “diệt Đạo”. Việc “bài Đạo” làm suy yếu sinh khí quốc gia mở đường cho thực dân Pháp xâm chiếm nước ta khá dễ dàng. Cụ Phan Chu Trinh đã ra sức vận động “Khai dân trí” để “Chấn dân khí” bởi vì dân trí có cao thì mới dung nạp được một nền văn hóa đa dạng; mọi tôn giáo, tư tưởng… chỉ cần cùng chung một tư tưởng “Tổ quốc trên hết” là có thể chấn hưng dân tộc, phát triển dân sinh. Độc lập dân tộc sẽ dễ dàng giành lại được mà khỏi phải tốn nhiều xương máu.
Các Mac đề ra khẩu hiệu “Vô sản các nước, đoàn kết lại”. Với lý tưởng này xem ra Mac có thể xứng danh là “ông tổ của toàn cầu hóa”. Ý muốn toàn cầu hóa này được các học trò ông thực hiện bằng bạo lực. Về mặt lý thuyết được tuyên truyền công khai, quyền lợi Quốc gia bị xem nhẹ hơn quyền lợi giai cấp; từ đó những người cộng sản mù quáng thủ tiêu luôn sự thiêng liêng của ý niệm “Quốc gia”.
Nguyễn Tất Thành đã rất cạn nghĩ và hồ đồ khi quyết định tham gia Đệ tam quốc tế cộng sản chỉ vì phái này có đề cập đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Một so sánh sinh động nhất trong thời điểm Việt Nam hiện nay là các cô gái nghèo tự bán mình làm vợ cho người Tàu. Những cô gái này chịu một sức ép về kinh tế do gia đình quá nghèo khổ. Dĩ nhiên là có nhiều giải pháp để thoát nghèo, nhưng ở điều kiện (gia đình, nơi cư trú, bản thân…) các cô gái này thì chẳng có cách gì khác là bán đi cái “vốn tự có” trời cho. Có hai cách lựa chọn: bán tạm thời (làm “gái bán hoa”) hoặc bán vĩnh viễn (làm vợ cho người Tàu).
Nguyễn Tất Thành đã chọn cách thứ hai! Ông ta đã cạn nghĩ khi chưa nghiên cứu kỷ (do trình độ ngoại ngữ và tư duy lý luận kém) đã hồ đồ ủng hộ Đệ tam quốc tế cộng sản (do háo danh và ảo tưởng). Sau này, dù có yêu mến nhân dân cỡ nào đi nữa thì ông ta cũng không thể thoát khỏi “vòng kim cô” đã tự đặt vào đầu mình. Bởi vì Việt Nam là một nước nhược tiểu nên Hồ Chí Minh không thể láo lường như Mao Trạch Đông.
Không có gì ngu dại hơn khi dùng một chủ thuyết hướng tới xóa bỏ ranh giới quốc gia, dân tộc để hô hào giải phóng quốc gia, dân tộc. Một điều dể thấy là xã hội Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp (Cộng sản cho là đại diện của giai cấp tư sản Pháp) có nhiều tiến bộ hơn dưới thời các vua quan triều Nguyễn như Thiệu Trị, Tự Đức (rỏ nhất là ở Nam Kỳ). Nhưng trong tình thế đó, từ nông dân đến trí thức, địa chủ… ai cũng tham gia chống Pháp cả là vì họ đều muốn giành lại sự thiêng liêng trong ý niệm “Tổ Quốc trên hết”.
Cộng sản quốc tế đã buộc những người yêu nước Việt Nam ký vào một khế ước đặt “đấu tranh giai cấp” lên trên “đấu tranh giải phóng dân tộc”. Vì lẽ này, hằng trăm ngàn người bị giết oan trong cải cách ruộng đất, hàng ngàn nhân sĩ từng có công dựng nên Chế độ cộng sản Việt Nam phải chịu tù đày khổ ải. Oan trái này không thể than van được vì Nguyễn Tất Thành đã đặt tay ký vào bản khế ước cộng sản. Hàng vạn trí thức nhân sĩ cùng hàng triệu người dân yêu nước đã bị cộng sản lừa khi bọn chúng giương cao ngọn cờ “giải phóng dân tộc”; nhưng sau khi giải phóng dân tộc khỏi tay đế quốc thực dân rồi, ngọn cờ này lập tức bị hạ xuống và xé cho tơi tả để nhường chỗ cho ngọn cờ “Chủ nghĩa xã hội”
Nguyễn Văn Linh lại càng ngu dại hơn khi Tàu cộng đã công khai bộc lộ tư tưởng “Đại Hán”; ngọn cờ đấu tranh giai cấp ở Tàu đã bị hạ bệ nhưng y vẫn ngã theo Tàu chỉ đơn giản vì “Trung Quốc với ta dù gì cũng là nước XHCN cả” (dù chỉ là CNXH về mặt danh xưng để độc tài cầm quyền). Thế hệ đàn em như Trọng lú bị lạc lối như đi giữa sa mạc để tìm CNXH là điều tất nhiên! Khổ thân 90 triệu dân Việt quờ quạng tìm lối ra vì quả báo coi thường lý tưởng “Tổ Quốc trên hết”.
Nay, thành trì cộng sản đã sụp đổ, Trung cộng đã lộ rõ bộ mặt bành trướng Đại Hán, câu khẩu hiệu “vô sản các nước - đoàn kết lại” không còn lừa mị được ai nữa. Nhưng hồn ma cộng sản vẫn được dùng làm bình phong để duy trì quyền lực độc tôn của một nhóm lợi ích. Chúng tự cho mình là hậu duệ của những người thắng trận nên việc chúng nắm độc quyền cai tri đất nước là lẻ đương nhiên, dù cộng sản bây giờ không còn là cộng sản nữa.
Dưới sự lãnh đạo của một bọn tham lam như thế, tinh thần “Tổ Quốc trên hết” bị xem nhẹ. Nguy cơ đánh mất chủ quyền lộ rỏ hơn bao giờ hết.
Trí thức ngày nay ai cũng biết rõ điều này. Nhưng đáng buồn là “trí thức lưu manh” ngày càng xuất hiện nhiều thêm. Bọn này chỉ biết tiền và cuộc sống của vợ con chúng chứ không hề màng đến “tinh thần quốc gia”, sẵn sàng làm tay sai, bồi bút cho cộng sản. “Trí thức tiêu cực” cũng nhiều không kém. Trước hiện tình đất nước như thế, họ tìm cách đưa con cái ra định cư nước ngoài, xem như đó là một sự lánh nạn, nhận nước người làm tổ quốc thứ hai. Mặc cái tổ quốc thứ nhất tội nghiệp này ra sao thì ra!
Hiện có một số nhà giáo đề nghị giương cao khẩu hiệu “Tiên học Lễ - Hậu học Văn" trong nhà trường. Thiết nghĩ, "chữ Lễ" chỉ mang tính tương đối theo tập tục của từng dân tộc từng vùng miền, thay đổi theo từng thời đại, không trường tồn nhất định lâu dài. Ví như có một số hành vi người dân miền đồng bằng Bắc bộ cho là bình thường nhưng người dân duyên hải miền Trung lại cho là vô lễ hoặc ngược lại. Ngày trước, con cái không được nói trái ý cha mẹ; khi ăn cơm, không được cho đũa vào những món cha mẹ, ông bà chưa ăn, thậm chí không được ăn cùng mâm. Ngày nay, tư duy phản biện được khuyến khích, cha mẹ phải tích cực tranh luận cùng con cái mới nắm bắt được sự phát triển trong suy nghĩ của chúng nhằm kịp thời phòng tránh những cám dỗ tiêu cực đầy dẫy ngoài xã hội. Quy tắc ăn uống giữa con cái và cha mẹ cũng bình đẳng hơn. Như vậy các hành vi ngày trước cho là vô lễ thì ngày nay không còn coi là vô lễ nữa. Khẩu hiệu "Tiên học Lễ - Hậu học Văn" chỉ là khẩu hiệu suông, thiếu tính cụ thể và khả thi vì sự mơ hồ của chữ "Lễ.
Xem ra khẩu hiệu "Tổ Quốc trên hết" là thước đo quan trọng nhất khi cần cân nhắc một việc có nên làm hay không. Việc ghi sâu vào tiềm thức của học sinh ý niệm này là vô cùng cần thiết cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Quốc gia - Dân tộc. Vào thời điểm hiện nay, trước âm mưu xâm lược của Trung cộng, chủ nghĩa dân túy quay lại tại nhiều nước, tình hình chính trị thế giới rối ren, chủ nghĩa thực dụng - lối sống coi trọng vật chất phổ biến trong xã hội nước ta, đạo đức xã hội đã chạm đáy, lợi ích nhóm được đẩy lên hàng đầu; việc xuất hiện ngày càng nhiều bè lũ “mãi quốc cầu vinh” là điều dễ hiểu. Nêu cao khẩu hiệu "Tổ Quốc trên hết" nhằm ngăn chận các hành vi bán nước không có chủ ý của những người nhẹ dạ cả tin là hết sức cần thiết vào lúc này.
27.04.2017