Hương Khê (Danlambao) - Vậy là trận “đánh úp” nhằm bắt sống Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, được Bộ Công an CSVN chuẩn bị mấy tháng nay, đã hoàn toàn thất bại.
Mấy ngày nay, báo lề đảng đã đốt nóng dư luận trong và ngoài nước khi đồng loạt đưa tin về việc Bộ Công an khởi tố Phan Văn Anh Vũ về hành vi “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”; đồng thời phát lệnh truy nã Phan Văn Anh Vũ do trốn khỏi nơi cư trú. Và tiến hành khám xét nhà Vũ “nhôm” tại số nhà 82 Trần Quốc Toản, P. Hải Châu, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng (1).
Vũ “nhôm” tên thật là Phan Văn Anh Vũ, sinh ngày 2.11.1975 tại Đà Nẵng, trú 82 Trần Quốc Toản, P. Hải Châu, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng; là Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79 (nay là Công ty CP đầu tư và phát triển Chấn Phong).
Vũ là con trai út trong một gia đình đông con và nghèo, do đó học hành dở dang. Học hết lớp 10, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Vũ đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, và theo người anh làm nghể cửa sắt, cửa nhôm. Biệt danh Vũ “nhôm” bắt nguồn từ đấy.
Cuộc đời của Vũ thay đổi từ khi Vũ lấy con gái ông Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam-Đà Nẵng. Vợ ông này là con chị con em với vợ đương kim Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Từ đây, do các mối quan hệ đã đưa Vũ nhảy vào thị trường kinh doanh bất động sản, và Vũ trở thành ông trùm bất động sản với nhiều dự án khủng, và đã thu về những nguồn lợi khổng lồ.
Vũ “nhôm” phạm tội gì?
Tuy rằng, cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với Vũ “nhôm” với tội danh cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS. Nhưng đồng loạt các báo lại tập trung nói về những dự án bất động sản và nhà công sản do Vũ có dính líu.
Báo Dân trí ra ngày 22/12/2017 có bài: “Điểm mặt những dự án, nhà công sản đang bị điều tra ở Đà Nẵng”.
Theo đó, 9 dự án đầu tư gồm:
1. Công viên An Đồn (năm 2010),
2. Khu đô thị Harbour Ville của Công ty CP Đầu tư Mega (năm 2008),
3. Khu đất tại đường 2/9 - Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012),
4. Dự án Phú Gia Compound phường Tam Thuận, quận Thanh Khê (năm 2007),
5. Khu dịch vụ du lịch nhà hàng - café - bar và bến du thuyền (khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng, phía Tây cầu Rồng, năm 2015),
6. Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha, năm 2008),
7. Lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (năm 2009),
8. Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010),
9. Khu du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (4,5ha phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, năm 2007).
31 nhà, đất công sản gồm:
- 16 Bạch Đằng (2015), 20 Bạch Đằng (2009), 158 Bạch Đằng (2006), 07 Bạch Đằng (2009), 100 Bạch Đằng (2010), 86 Bạch Đằng (chủ cũ) (2007),
- 318 Lê Duẩn (hoán đổi) (2014), 57 Lê Duẩn (2010), 17 Lê Duẩn (2006),
- 354 Hùng Vương (2004), 81 Hùng Vương (2004), 89 Hùng Vương (2004),
- 45 Nguyễn Thái Học (2007), 47 Nguyễn Thái Học (2010), 49 Nguyễn Thái Học (2007), 73 Nguyễn Thái Học (2011),
- 106 Trần Phú (2008), 37 Pasteur (2010), 39 Pasteur (2011), 02 Hải Phòng (2010), 82 Trần Quốc Toản(2004), 107 Hoàng Hoa Thám (2016), 22 Cô Giang (2007),
- 32 Lê Hồng Phong (2004), 34 Hoàng Văn Thụ (2009), 11 Phạm Hồng Thái (25) (2001), 121 Phan Châu Trinh (2012), 319 Lê Duẩn (2010), 36 Bạch Đằng (2007), 38 Bạch Đằng (2008), 38 Bạch Đằng mở rộng (2009).
Theo tìm hiểu của PV, các dự án, nhà công sản này đều nằm ở những vị trí đắc địa. Sau khi mua, chuyển nhượng, phần lớn nhà công sản đều đang được sử dụng với các mục đích kinh doanh (2).
Với 9 dự án và chuyển nhượng 31 nhà, đất của Vũ “nhôm” tại Đà Nẵng đã trải qua một thời gian dài gần 20 năm, và qua 5 đời chủ tịch TP Đà Nẵng. Trong đó, nhà 11 Phạm Hồng Thái được bán vào năm 2001 khi ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch. Còn lại 30/31 căn nhà trong số trên được chuyển nhượng từ năm 2004 đến nay.
Từ năm 2004 đến nay, Tp. Đà Nẵng đã trải qua 4 đời chủ tịch TP: ông Hoàng Tuấn Anh (từ tháng 6.2004 - 4.2006), ông Trần Văn Minh (từ tháng 7.2006 - 8.2011), ông Văn Hữu Chiến (từ tháng 10.2011 - 1.2015), ông Huỳnh Đức Thơ (từ tháng 1.2015 đến nay).
Cụ thể, trong khoảng thời gian ông Hoàng Tuấn Anh làm chủ tịch đã diễn ra việc bán các nhà công sản gồm: 158 Bạch Đằng (2006); 354 Hùng Vương (2004); 82 Trần Quốc Toản (2004); 81 Hùng Vương (2004); 32 Lê Hồng Phong (2004); 89 Hùng Vương (2004).
Ở thời kỳ ông Trần Văn Minh làm chủ tịch diễn ra việc bán các nhà công sản sau: 20 Bạch Đằng(2009); 07 Bạch Đằng (2009); 100 Bạch Đằng (2010); 57 Lê Duẩn (2010); 17 Lê Duẩn (tháng 8.2006);45 Nguyễn Thái Học (2007); 47 Nguyễn Thái Học (2010); 49 Nguyễn Thái Học (2007); 86 Bạch Đằng(chủ cũ) (2007); 02 Hải Phòng (2010); 22 Cô Giang (2007); 106 Trần Phú (2008); 37 Pasteur (2010); 39 Pasteur (2011); 319 Lê Duẩn (2010); 36 Bạch Đằng (2007); 38 Bạch Đằng (2008); 38 Bạch Đằng mở rộng (2009); 34 Hoàng Văn Thụ (2009). Các dự án thực hiện trong thời kỳ này, gồm: khu du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (4,5 ha P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, năm 2007); dự án Phú Gia Compoud P. Tam Thuận, Q. Thanh Khê (năm 2007); dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181 ha, năm 2008); khu đô thị Harbour Ville của Công ty CP đầu tư Mega (năm 2008); lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà (năm 2009); khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ, năm 2010); công viên An Đồn (năm 2010).
Những dự án trên đều bị kết tội là “Mua bán, chuyển nhượng không qua đấu giá” (3).
Vậy thì chỉ có ông Nguyễn Bá Thanh đã chết. Còn lại 4 ông chủ tịch kia đều đang sống sờ sờ ra đấy. Cái tội mua bán bất động sản không qua đấu giá là lỗi tại cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là các đời chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chứ người mua là Vũ “nhôm” thì làm sao có tội?
Và tại sao một doanh nghiệp như Vũ “nhôm”, chỉ kinh doanh bất động sản, thì làm sao lại làm ‘lộ bí mật nhà nước”?
Báo chí lề đảng còn kết tội Vũ “nhôm” tự tung tự tác, lộng hành và khuynh đảo cả lãnh đạo Tp. Đà Nẵng. Đến nỗi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải trực tiếp yêu cầu Bộ CA điều tra Vũ “nhôm”.
Thông tin này được ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết tại buổi gặp mặt các cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu trên địa bàn nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập QĐND VN, diễn ra vào ngày 20/12/2017.
“Tại buổi gặp mặt, đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), cho hay dư luận đang xôn xao về Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”), được cho đã có những tác động khiến Ban Thường vụ Thành ủy có những vi phạm, khuyết điểm và bị T.Ư kỷ luật tập thể. Ông Thạnh đặt câu hỏi, có hay không việc người này gây sức ép buộc chính quyền TP phải thực hiện giải quyết nhà, đất công sản ở nơi thuận lợi, đắc địa của TP. Ông Thạnh cũng hỏi thẳng: Có hay không việc Vũ “nhôm” chỉ mặt và hăm dọa Chủ tịch UBND TP khi chính quyền không đồng ý yêu cầu của Vũ về một dự án nào đó. Ông Thạnh đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ Phan Văn Anh Vũ là ai, thế lực và cá nhân nào đứng đằng sau”.
Cũng tại buổi gặp mặt này, ông Trương Quang Nghĩa đã tiết lộ một thông tin rất quan trọng, mà lâu nay dư luận rất quan tâm, là Vũ “nhôm” có phải là sĩ quan công an (chìm) không? Thực ra thông tin Vũ “nhôm” là sĩ quan công an (chìm) thì dư luận đã biết từ lâu. Nay ông Trương Quang Nghĩa nói ra càng chứng tỏ những thông tin trên mạng xã hội là có cơ sở.
“Quân đội vừa xử lý, bắt Út 'trọc' rồi. Công an hiện cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi về Vũ “nhôm”… “Hiện nay Bộ Công an, đặc biệt là Tổng bí thư trực tiếp yêu cầu Bộ Công an điều tra và trả lời với Tổng bí thư và Bộ Chính trị về chuyện này”… “Trường hợp tương tự, vừa rồi quân đội đã bắt một trường hợp. Ở đây có Vũ “nhôm” mà mọi người đang nói thì ở ngoài bắc, trong quân đội có nói về Út “trọc”, cũng thượng tá cả. Nhưng với quan điểm là người của ai thì đơn vị đó phải xử lý. Quân đội vừa xử lý, bắt Út “trọc” rồi”. Ông Nghĩa cũng cho biết, hiện công an cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi về Vũ “nhôm” (4).
Cuộc rút lui êm ả
Ngay từ tháng 4/2017, khi cuộc chiến nội bộ giữa Bí thư Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đang hồi gay cấn, chưa phân thắng bại, thì Vũ “nhôm” đã kịp thoái vốn hàng ngàn tỷ đồng ra khỏi hàng loạt công ty do Vũ “nhôm” làm chủ:
“Sau lùm sùm tại dự án Khu đô thị Đa Phước vào đầu tháng 4, ông Vũ 'nhôm' đã đồng loạt thoái vốn tại những công ty do ông làm chủ.
Cụ thể, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sửa đổi ngày 26/4/2017 cho thấy ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn.
Tại Công ty TNHH Minh Hưng Phát (nay đổi tên thành Công ty TNHH Phú Gia Compound) - pháp nhân đã tặng cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh xe Toyota Avalon để sử dụng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 7/4/2017 thể hiện ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên.
Với siêu dự án Vầng Trăng Khuyết (The Sunrise Bay), 2 pháp nhân liên quan đến ông Vũ 'nhôm' là Công ty CP Xây dựng 79 và Công ty CP Nova Bắc Nam 79 từ ngày 19/4/2017 - 28/6/2017 đã rút 100% vốn tại dự án trên.
Bản thân Công ty CP Nova Bắc Nam 79 hiện cũng không còn cổ phần của ông Phan Văn Anh Vũ và đã đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong” (5).
Như vậy là đã rõ. Có thể khẳng định rằng, Vũ “nhôm” là người của Tổng cục 5 Bộ Công an. Điều này giải thích tại sao, Vũ “nhôm” có thể “làm mưa làm gió” tại Đà Nẵng, và khuynh đảo nhiều thế hệ lãnh đạo Đà Nẵng trong một thời gian dài, có thế ‘đập bàn” và đe dọa lãnh đạo Đà Nẵng đến thế?
Và trong số 9 dự án và 31 bất động sản liên quan đến Vũ ‘nhôm”, không phải là của một mình Vũ, mà là của ông A, ông B, ông C v.v... mà Vũ chỉ là cái bình phong, được dùng để che chắn cho những vụ làm ăn mờ ám của các thế lực, các nhóm lợi ích hiện nay đang hoạt động hết sức sôi nổi trên chính trường Việt Nam.
Điều này giải thích tại sao, một kế hoạch “tuyệt mật” của Bộ Công an, với những chuyên gia đầu sỏ lão luyện, với mấy chục năm kinh nghiệm trong nghề “rình mò”, lại có thể bị bại lộ, và Vũ đã kịp thời cho vợ con “cao chạy xa bay”, và kể cả Vũ cũng “tàng hình”, khiến cho kế hoạch “đánh úp, bắt sống” Vũ “nhôm” đã hoàn toàn thất bại. Để rồi sau đó BCA phải phát lệnh truy nã toàn quốc, làm cho BCA tức “ói máu”. Có tin nói rằng, ngay từ lúc cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật, Vũ “nhôm” đã thấy tình hình bất lợi, và đã bố trí cho vợ con “bay” trước.
“Cả khi công an khám xét nhà ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) tại số 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng vào chiều tối 21/12 và cả khi đọc quyết định khởi tố bị can vào sáng 22/12 đều không có mặt vợ, con của Vũ” ( 6).
Chúng ta đều biết, hiện nay thế lực của Tổng cục II (tình báo quân đội) vô cùng mạnh. Đã từ lâu, mối quan hệ giữa TC II và TC 5 (tình báo công an) đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Nhất là sau vụ Tổng cục 5 sang Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về Việt Nam “đầu thú”, đã hớt tay trên TC II, thì mối quan hệ này lại càng xấu đi.
Ngay tại buổi gặp mặt các tướng lĩnh quân đội đã nghỉ hưu tại Đà Nẵng vào ngày 20/12/2017, những vị tướng lĩnh nói trên phát biểu rất căng về Vũ “nhôm”, nhằm gây sức ép với ông Bí thư ĐN Trương Quang Nghĩa, cũng là việc “thực hiện hợp đồng” với TC II. Vì họ thừa biết, những miếng mồi béo bở tại các dự án và mấy chục nhà công sản tại Đà Nẵng mà Vũ “nhôm” dính líu, thực chất là của những ai.
Và lần này, dưới bàn tay đạo diễn của TC II, Bộ Công an buộc lòng phải “bắt” bằng được Vũ “nhôm” theo chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng. Nhưng chẳng lẽ Bộ Công an lại đi “đập bụi” cho TC II “ăn chồn”? Vì vậy việc Phan Văn Anh Vũ biết trước toàn bộ kế hoạch chuẩn bị bắt mình là điều dễ hiểu.
Thực chất của kế hoạch bắt Vũ “nhôm” lần này, cũng như chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng trong thời gian qua, là “lập lại trật tự”, để giành lại thị phần bấy lâu nay đã bị nhóm khác thâu tóm.
Tất cả những Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Trầm Bê v.v... đều là những thanh củi đã được cho vào lò, để rồi sẽ thắt chặt vòng vây, nhắm vào Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Bình, và cuối cùng là Nguyễn Tấn Dũng, kẻ đã làm cho ông Trọng ôm hận mấy năm nay.
Thời Tam Quốc bên Tàu ngày xưa, khi Gia Cát Lượng là tướng bên nhà Thục, lập kể hoạch bắt sống Tư Mã Ý là người bên nhà Ngụy rất hoàn hảo. Nhưng trận đó, Tư Mã Ý lại cho Trương Cáp đi thay. Vì thế, khi thấy Trương Cáp đã bị nằm trong vòng vây, Gia Cát Lượng bèn chỉ vào Trương Cáp và nói: “Ta hôm nay đi săn, định bắt một con ngựa (ý chỉ Tư Mã Ý) lại bắn nhầm phải con nai (chỉ Trương Cáp). Người hãy nói với Tư Mã Ý là nay mai thế nào ta cũng bắt được”.
Tuy rằng Gia Cát Lượng tài giỏi hơn Tư Mã Ý, nhưng cuối cùng cũng phải thất bại bởi Tư Mã Ý. Bởi vì “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Không biết rồi đây ông Trọng có cho người tìm bắt Vũ “nhôm” để đem về “đầu thú” như từng bắt Trịnh Xuân Thanh hay không? Nhưng xem ra cuộc chiến tranh giành quyền lực và qua đó là tranh giành quyền lợi giữa các thế lực, và các nhóm lợi ích đang tiếp tục diễn ra rất hấp dẫn.
Chúng ta hãy chờ xem, sau màn kịch này, thì tiếp theo, ai sẽ là người được phe ông Trọng tiếp tục cho vào lò?
Và cái lò của ông Trọng chỉ biết đốt củi. Nay có đốt được “nhôm” hay không?
25.12.2017
__________________________________
Chú thích: