Phạm Trần (Danlambao) - Sau 18 năm không dụ dỗ được người Việt Nam ở nước ngoài bằng Nghị quyết 36 ngày 26/3/2004, Bộ Chín trị của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) lại tung ra Kết luận mới ngày 12/08/2021, tập trung vào “công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, đặt trọng tâm: “Đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại.”
Tại sao? Bởi vì người Việt Nam ở nước ngoài đã thấy rõ những cạm bẫy của Nghị quyết 36 (NQ-36) là nhằm: chiêu dụ Trí thức về giúp nước; đầu tư vào Việt Nam; dùng người Việt làm nhịp cầu hợp tác kinh tế và ngoại giao với các nước sở tại; thành lập các tổ chức chính trị, văn hóa và xã hội để tuyên truyền cho nhà nước và thao túng Cộng đồng.
Trong lĩnh vực văn hóa, NQ-36 còn âm mưu nắm bắt giới trẻ, thế hệ thứ hai và thứ ba hướng về Quê hương bằng các chiêu trò mở các lớp dậy tiếng Việt, tổ chức về thăm quê hương, thăm Trường Sa để tuyên truyền bảo vệ biển đảo v.v..
Riêng về báo chí-truyền thông, NQ-36 đã thất bại ê chề trước sức mạnh bao phủ của lớp người làm báo tị nạn ở khắp nơi trên Thế giới. Những âm mưu mua chuộc hợp tác của các văn nghệ sỹ hải ngoại cũng mặc nhiên bị phủ nhận từ âm nhạc tới kịch nghệ.
Tuy nhiên, Ủy ban Quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) của đảng CSVN vẫn không từ bỏ tham vọng muốn chiếm lấy số 700,000 trí thức, chuyên viên kỹ thuật đa năng của người Việt ; tổ chức các hội đoàn thân nhà nước; tìm cách kết nối với những người nổi tiếng trong cộng đồng để lợi dụng và lũng đoạn báo chí-truyền thông.
Đó là lý do ra đời của Kết luận Số 12-KL/TW (KL-12), ngày 12 tháng 8 năm 2021 “về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”.
Bằng giọng điệu mơn trớn quen thuộc, KL-12 viết: "Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố.”
Nhưng ai đã “hướng về Tổ quốc” để có “niềm tin” này, ngoại trừ những phần tử của CSVN đang sống và làm việc ở nước ngoài. Hàng ngũ những người Việt Nam thoát họa Cộng sản chạy ra nước ngoài từ năm 1975 chắc chắn sẽ không bao giờ “hướng về Tổ quốc” khi nào CSVN vẫn còn cai trị đất nước.
Vì vậy, KL-12 đã đề ra kế hoạch nắm bắt mới, theo đó: "Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.”
Chi tiết hơn, KL-12 đề ra một số nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên làm công tác vận đồng NVNONN gồm:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước.
2. Kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc. Tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước sở tại và pháp luật Việt Nam; kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3.- Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại, triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại.
4.-Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh... Tăng cường lực lượng, biện pháp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, an ninh, phòng, chống tội phạm, ngăn chặn hiệu quả nạn buôn người, xuất nhập cảnh, cư trú trái phép, qua đó hỗ trợ bảo đảm an ninh trong cộng đồng; xử lý triệt để, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật nước sở tại.
Trong lĩnh vực “quản lý lao động, du học sinh” cũng đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp làm mất quyền tự do của người bị qủan lý bởi các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Nghiêm trọng hơn cả là vấn đề nhà nước muốn “đảng hóa” tập thể công nhân và du học sinh để dễ bề kiểm soát.
5. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh... Giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36. Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.”
Phần này chỉ nói cho đẹp mẽ vậy thôi chứ thật ra những “sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức” nếu có, cũng chẳng mấy khi được quan tâm. Tư duy phe cánh, người của đảng, kỳ thị trong-ngoài, vùng miền vẫn còn tồn tại trong cách ứng xử ở Việt Nam.
Cuối cùng KL-12 đề xướng “Đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước.”
Nói như thế, nhưng KL-12 không cho biết “đổi mới” như thế nào, và tại sao đường lối tuyên truyền và thông tin hiện nay không còn hiệu qủa nữa.
Một điều không thể phủ nhận là những mánh lới che giấu thất bại của Tuyên giáo và Ủy ban nhà nước về NVNONN đã bị các cơ quan thông tin, báo chí của cộng đồng người Việt lật tẩy. Chẳng hạn như quốc nạn tham nhũng, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái đạo đức lối sống của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên chưa bao giờ được Ủy ban quốc gia về NVNONN đem ra bàn luận với NVNONN. Đảng CSVN cũng đã phớt lờ một thực tế là chừng nào còn đảng độc quyền cai trị dựa trên nền tảng Chú nghĩa Cộng sản Mác-Lênin thì chừng đó đất nước còn lầm than và bị đồng bào ở nước ngoài quay lưng phủ nhận.
Hơn nữa, chưa bao giờ đảng CSVN muốn đối thoại trực tiếp với NVNONN và, ngay cả với những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong nước. Ngược lại, đã có từ 170 đến 300 người tranh đấu đang bị cấm tù, nổi bật là Nhà báo, bà Phạm Đoan Trang, nhóm Hội Nhà báo Độc Lập gồm Tiến sỹ Chủ tịch Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thuỵ và ông Lê Hữu Minh Tuấn.
Trong số những người đấu tranh cho dân oan còn bị giam có mẹ con bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư.
Đó là lý do tại sao lời cãi ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị đã bị báo chi hải ngoại bác bỏ.
Cuối cùng KL-12 chỉ thị: “Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài; kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài có đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tâm huyết.”
KL-12 cũng yêu cầu “chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp tại nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Ngăn chặn và phòng ngừa việc lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài để trục lợi, chống phá đất nước, ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích quốc gia - dân tộc.”
Như vậy xem ra mục đích thì có vẻ “cao cả”, nhưng mơ hồ và viển vông vì cũng những con người này, từ bao năm nay đã không làm nên cơm cháo gì thì dù có cách nghĩ và làm mới cũng không che đậy được những cạm bẫy mồi chài Cộng đồng NVNONN. Mọi việc cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ” mà thôi.
Còn nhớ vào năm 2020, nhân dịp 45 năm kỷ niệm ngày 30/04/1975, ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao CSVN, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (VNVNONN) đã giải bầy tâm sự của mình trong bài viết kỷ niệm 15 năm ra đời Nghị quyết 36 NQ/TW (26/03/2004 – 26/03/2019) do ông đóng vai chính hình thành.
Ông viết: "Sau 15 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 36 NQ/TW đã được thực thi phần nào, được cộng đồng hoan nghênh, tạo ra khá nhiều đổi thay. Nhưng tôi vẫn buồn: vết thương dân tộc thực sự vẫn chưa lành!!! Với các nước ngoài đã từng đô hộ, xâm lược nước ta, gây ra biết bao tội ác tầy trời, biết bao đau thương, mất mát, hậu quả khủng khiếp, nặng nề… mà nhân dân ta vẫn còn phải gánh chịu, với truyền thống khoan dung, hòa hiếu, chúng ta đã gác lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ và kết bạn, trở thành những đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện… vì tương lai của mỗi quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Vậy mà, vì sao, cuộc chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà dân tộc ta, nói cho cùng đều là nạn nhân của sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài nói trên, vẫn chưa hòa giải được với nhau? Cũng chính sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài đó đã chia ly bao gia đình Việt và cả dân tộc Việt, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn trên đất nước ta. Thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn chúng ta, anh em một nhà “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, thì lại chưa hòa giải được với nhau?”
Đến ngày 30/4/2022, ông Nguyễn Đình Bin còn mạnh dạn vạch ra sai trái của đảng CSVN trong bài viết mới: "Dù đã có nghị quyết về đổi mới toàn diện và đồng bộ, Đảng CSVN vẫn chưa thực hiện đổi mới thật sự về chính trị, vẫn kiên trì níu giữ mô hình quản lý đất nước cũ - hệ thống chính trị hiện hành - theo quan điểm Mác - Lênin, XHCN, thực chất là Đảng trị, độc quyền, không dân chủ, đã quá lẻ loi, lạc lõng, lỗi thời trên thế giới.
Đây chính là điều đã và đang ngăn cản dân tộc ta hàn gắn vết thương nội chiến, thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết.
Đồng thời, đây cũng chính là cội nguồn đẻ ra đặc quyền, đặc lợi, các nhóm lợi ích vị kỷ, nạn tham nhũng và các quốc nạn khác đã và đang hoành hành, phá hoại Đảng và đất nước; là nguyên nhân làm cho kinh tế thị trường ở nước ta bị méo mó, không phát huy được đầy đủ các mặt ưu việt, ngược lại tạo điều kiện cho các mặt tiêu cực tác oai, tác quái.”
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao CSVN viết tiếp: "Mặt khác, đây cũng chính là hàng rào đang ngăn cản đất nước ta thực sự độc lập, tự chủ, hòa nhịp bước với tuyệt đại đa số các quốc gia đang phấn đấu xây dựng một thế giới thực sự hòa bình, tự do, dân chủ, phồn vinh, văn minh, bền vững.
Vậy thì, Đảng CSVN phải loại bỏ cội nguồn đã và đang tạo ra ba hậu họa nói trên. Tức là Đảng phải thực hiện đổi mới chính trị thật sự và triệt để. Cụ thể là, cũng như năm 1986, Đảng đã chiến thắng chính mình, dũng cảm từ bỏ quan điểm xây dựng kinh tế XHCN theo quan điểm Mác – Lênin đã lỗi thời, để chấp chấp nhận và vận dụng vào nước ta thành tựu chung của nhân loại cho đến nay về phát triển kinh tế là kinh tế thị trường, mà trước đó Đảng kiên quyết chống lại, thì giờ đây, Đảng cũng phải dũng cảm từ bỏ mô hình quản trị quốc gia - hệ thống chính trị - hiện hành theo quan điểm Mác – Lênin đang cản trở sự phát triển của đất nước, để vận dụng mô hình phổ cập mà tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đang áp dụng. Đây là thành tựu của loài người trên phạm trù này, phải sau mấy thế kỷ đấu tranh quyết liệt, với biết bao máu, mồ hôi và nước mắt, mới đạt được, vẫn không ngừng được đổi mới, hoàn thiện theo quy luật phát triển khách quan, và đã mang lại những thành quả tốt đẹp về các mặt, điển hình là tại các nước Bắc u, các thành quả mà chính nước ta đã và đang phải tranh thủ, nghiên cứu và học tập.”
Đảng CSVN đã bỏ ngoài tai lời khuyên của ông Nguyễn Đình Bin. Ngược lại, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, trong nhiều lần tuyên bố vẫn buộc đảng viên phải kiên định và tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đảng còn cấm đảng viên không được "Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (Quy định 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021)
Như vậy thì dù có cách ứng xử khác và ngôn ngữ mới, chiêu bài dụ dỗ người Việt ở nước ngoài hợp tác với đảng CSVN vẫn không giấu được một bồ dao găm. -/-
(08/022)