Quyền tự do phát biểu và sân chơi dân chủ - Dân Làm Báo

Quyền tự do phát biểu và sân chơi dân chủ

Nguyễn Hưng Quốc -Gần đây, tôi nhận được khá nhiều email của bạn bè cũng như độc giả nói về một số ý kiến phản hồi trên blog của tôi, trong đó, có không ít ý kiến hoàn toàn có tính chất tiêu cực, nếu không muốn nói là chỉ xuất phát từ dụng ý phá bĩnh. Họ cho đó chỉ là một thủ đoạn chính trị được chỉ đạo từ đâu đó và khuyên tôi đừng nản chí. Với tất cả, tôi chỉ trả lời ngắn gọn: Theo tôi, đó chỉ là một cái giá mà tự do và dân chủ phải trả.

Nhớ, cách đây mấy năm, trong một bài viết về văn hóa blog, tôi có gọi blog là một “cuộc đồng khởi của đám đông”, ở đó hầu như người nào cũng có thể lên tiếng được. Chủ nhân blog lên tiếng, đã đành. Độc giả cũng có thể lên tiếng. Gần đây, nhiều blog ở Việt Nam, vì e ngại những đòn trừng phạt của chính quyền, đã tự động khóa mục Ý kiến. Tuy nhiên có thể xem đó như những trường hợp đặc biệt. Còn, bình thường, blog nào cũng rộng cửa đón nhận mọi phản hồi. Phản hồi hay và nhiệt tình: càng tốt. Phản hồi kém và đầy ác ý: Cũng chẳng sao cả. Rất hiếm blog đặt ra chế độ kiểm duyệt. Sân chơi trên internet hầu như hoàn toàn tự do.

Chính sự tự do gần như tuyệt đối ấy đã bị không ít người lợi dụng. Nhiều người, phải nói là khá nhiều người, hoặc không nén được cảm xúc hoặc xuất phát từ một động cơ nào đó, sử dụng một loại ngôn ngữ và một loại tác phong rất ư phản cảm. Tác phong: chụp mũ. Lúc nào cũng sẵn sàng chụp lên đầu người khác những cái mũ mà mình căm ghét nhất, từ Việt cộng đến chống cộng và tay sai của đế quốc. Ngôn ngữ: rất hàng tôm hàng cá. Người ta tung lên mạng những chữ, bình thường, một người có học rất ít khi dám sử dụng.

Xin lưu ý: loại tác phong và ngôn ngữ ấy không phải là độc quyền của ai cả. Nó xuất hiện ở mọi phe, bênh cũng như chống, ủng hộ chính quyền cũng như đối lập với chính quyền. Một số blogger ở trong nước xem đó như một đặc trưng của phe dân chủ (họ gọi một cách mỉa mai là “rân chủ”) là không đúng. Thử đọc phần ý kiến trên các blog ở đài VOA thì thấy: số lượng những sự vu khống, chụp mũ và mạt sát do các “đồng chí” thuộc “phe ta” tung ra không phải ít, có khi lấn át hẳn, cả về “lượng” lẫn về “chất”.

Đối diện với tình trạng phát biểu ồn ào, thậm chí, phản cảm như vậy, một số blogger đã nản lòng: hoặc họ vừa đăng vừa phàn nàn, thậm chí, rên rỉ, đau đớn, hoặc họ đóng hẳn phần Ý kiến.

Tôi không tán đồng giải pháp ấy. Tôi cho đó là một sự yếu đuối xuất phát từ tình trạng còn lạ lẫm với văn hóa dân chủ.

Dân chủ sẽ không có ý nghĩa gì cả nếu không có quyền tự do phát biểu. Quyền tự do phát biểu sẽ không có ý nghĩa gì cả nếu quyền phản đối và quyền được sai lầm không được thừa nhận. Sẽ dễ dàng vô cùng nếu chúng ta chỉ chấp nhận quyền tự do phát biểu với điều kiện chúng hợp với ý muốn và sở thích của mình. Hầu hết các nhà độc tài đều làm như thế: Họ vẽ ra một cái vòng tròn và giới hạn tự do ngôn luận trong cái vòng tròn ấy. Những tiếng nói khác, trái chiều và trái ý, đều bị kiểm duyệt hoặc bị lên án gắt gao. Dân chủ, thực sự là dân chủ, không có những giới hạn như thế. Người khác đồng ý: Hoan nghênh. Nhưng khi người khác phản đối mình: Cũng hoan nghênh nữa. Người khác ăn nói lịch sự: Hoan nghênh. Nhưng khi người khác gay gắt hay bất nhã: Cũng hoan nghênh. Giới hạn cuối cùng không phải là chuyện mình thích hay không thích mà là luật pháp: không vu khống, bôi nhọ hay bới móc đời tư của nhau. Vậy thôi.

Ở đây, không thể không nhớ một câu nói nổi tiếng của triết gia Pháp Voltaire qua lời tường thuật của Evelyn Beatrice Hall: "Tôi không tán thành những gì anh/chị nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng cái quyền anh/chị được nói như thế." Noam Chomsky, một nhà ngôn ngữ học và người cổ vũ nhiệt thành cho quyền tự do và dân chủ lỗi lạc, cũng có một câu phát biểu gần như tương tự: "Nếu bạn tin vào quyền tự do ngôn luận, bạn tin vào quyền tự do ngôn luận trong những quan điểm mà bạn không thích. Stalin và Hitler, chẳng hạn, là những nhà độc tài chỉ ưa chuộng loại tự do ngôn luận theo quan điểm mà họ thích thôi. Nếu bạn đang ủng hộ tự do ngôn luận, điều đó có nghĩa là bạn đang ủng hộ quyền tự do phát biểu những gì mà bạn coi thường."

Điều đó cũng có nghĩa là: Một thái độ dân chủ thực sự bao giờ cũng đi liền với tinh thần khoan dung; và một tinh thần khoan dung thực sự không chỉ dành cho những sự khác biệt mà còn dành cho cả những sự đối lập, không những với những sự đối lập có tính duy lý và hợp lý mà còn với cả những sự đối lập đầy cảm tính, thậm chí, đầy bản năng.

Những sự đối lập – trong trường hợp này là những phát biểu cảm tính và đầy bản năng như vậy có làm hoen ố hình ảnh của dân chủ hay không? Theo tôi, đó là điều không nên xảy ra. Nó là biểu hiện của một văn hóa tranh luận còn thấp nơi người ta giành giựt sự hơn thua không phải bằng lý luận mà bằng sự xuyên tạc và bôi nhọ, nơi người ta không cãi mà chỉ chửi, nơi người ta không dùng kiến thức hay lý trí mà dùng gạch đá hay rơm rác. Tuy nhiên, đó cũng là hiện tượng khá thông thường trong mọi nền văn hóa đại chúng. Dân chủ, trên nguyên tắc, là tôn trọng đại chúng, tôn trọng tất cả mọi người. Do đó, trong tinh thần dân chủ, chúng ta phải chấp nhận, dù không thích, những sự phát biểu làm mình khó chịu. Ở một khía cạnh nào đó, cũng có thể nói: sống với dân chủ là sống với cảm giác khó chịu thường trực ấy. Trong một thế giới đầy những bất toàn, những sự chịu đựng như thế nhẹ nhàng cả triệu lần hơn cái không khí ngột ngạt của sự áp chế. Hơn nữa, chính những sự trao đổi thoạt nhìn có vẻ nhào nháo và vô chính phủ ấy sẽ dần dần vun đắp tinh thần đối thoại để một lúc nào đó, nó trở thành nền tảng cho dân chủ. Tự nhiên tôi sực nhớ một câu của Tổng thống Mỹ, Thomas Jefferson, trong bức thư gửi Đại tá Edward Carrington vào năm 1787: “Nếu tôi phải quyết định chọn lựa giữa một chính phủ không có báo chí và một nền báo chí không có chính phủ, tôi sẽ chọn cái sau không một chút ngần ngừ nào cả.”

Có điều, cũng không nên đánh giá quá cao ý nghĩa của những lời phát biểu nặng cảm tính và bản năng như thế. Những “độc giả” cứ nhao nhao lên chửi bới hoặc đả kích tất cả những người bất đồng chính kiến, bất chấp sự thật và lẽ phải, trên các blog có thể bảo vệ cho chế độ được không? Trong bài viết "Về sự sợ hãi" của Giáo sư Ngô Bảo Châu, có một câu, câu kết luận, tôi rất thích: “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ." Viết câu đó, Ngô Bảo Châu nghĩ đến phiên tòa xét xử Cù Huy Hà Vũ một cách vội vã và vụng về ở Hà Nội vào ngày 4 tháng 4 vừa qua. Liên quan đến sự ồn ào trong các ý kiến phản hồi nhằm bênh vực cho chế độ thường thấy trên các blog, chúng ta cũng có thể nói một câu tương tự: Không thể lấy sự cuồng tín hay nhồi sọ làm phương pháp bảo vệ chế độ.

Càng làm thế càng có tác dụng ngược lại.

Bạn có đồng ý vậy không?

Nguyễn Hưng Quốc

http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/quyen-tu-do-phat-bieu-05-19-2011-122244084.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo