K. Thuyên (VRMI) - Cuộc bầu cử QH một mặt là đảng CSVN chủ động sắp xếp nhân sự, mặct khác chính những người sắp xếp đó cũng đang rất lo sợ vì có sự “đổi cờ” do nhân dân tự giành lại quyền thiêng liêng của mình, do đó, càng sát ngày bầu cử QH, người ta thấy những gian dối, âm mưu giành phiếu cho các ứng viên đảng đã tuyển chọn bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
1. Đại biểu QH khai man lý lịch: Phóng viên Minh Nhật, VRNs thấy trên “blogger Nguyễn Xuân Diện đã đăng lại bài viết từ báo LAO ĐỘNG. Bái báo phản ánh việc khai man lý lịch của bà Châu Thị Thu Nga, ứng cử viên Đại biểu QH thuộc khu vực bầu cử số 3 Thành phố Hà Nội.
Tin cho hay trong hồ sơ khai để ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, bà Nga sinh ngày 29/4/1965 tại phường Thuận Thành, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện cư trú tại số 75A9, phố Hồng Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội sử dụng 2 văn bằng Cao học – Thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Pacific Western (Hoa Kỳ 2003 – 2006) và Nghiên cứu sinh – Tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại ĐHQGHN hợp tác với Đại học Califonia Mirana (Hoa Kỳ, 2006 – 2009).
Tuy nhiên, phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Kim Long – Phó trưởng ban Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này. Ông Long cho hay chất lượng các trường ở Hoa Kỳ trải trên một phổ khá rộng, tuy nhiên đây là vấn đề nhạy cảm nên theo thông lệ quốc tế không có nước nào có quyền công nhận hoặc không công nhận đại học của nước khác.
Về tấm bằng thạc sĩ của bà Nga là do trường Đại học Pacific Western sau đổi thành Đại học Califonia Mirana cấp. Việc thẩm định cấp bằng cũng do trường Pacific Western thực hiện. Sau khi có tấm bằng Thạc sỹ thì bà này có xin học tiếp chương trình Nghiên cứu sinh – Tiến sĩ nhưng tôi khẳng định rằng, bà Nga không được cấp bằng.
Cũng nội dung trên, ngày 18 tháng 5 năm 2011, Ban biên tập báo Kinh tế nông thôn nhận được Công văn số 1447/ĐHQGHN-ĐT của Đại học Quốc gia Hà Nội phúc đáp Công văn số 255/CVBĐ-KTNT ngày 12 tháng 5 năm 2011 của Báo Kinh tế nông thôn về việc liên quan đến bà Châu Thị Thu Nga. Công văn khẳng định, Trung tâm phát triển hệ thống và trường đại học Califonia Mirana (PW) khóa 2006-2009 không hề cấp bằng Tiến sĩ cho bà Châu Thị Thu Nga.
Mới đây Báo Nhân Dân cũng đăng tải vụ việc khai man trình độ của thượng tọa Thích Thanh Quyết khi ứng cử vào QH. Trường hợp của Giáo Sư, Tiến Sĩ Phật học này cũng đã bị phanh khui là gian dối. Ông tiến sĩ giấy này được biết đến từ khi dự án đúc tim cho tượng Thánh Gióng tốn kém hơn 60 tỉ tiền của nhân dân và 25 tỉ đồng cung tiến của một công ty.
Nhiều người đang nghi ngờ về sự minh bạch của việc bầu cử Đại biểu quốc hội ngay từ những khâu tổ chức cho đến khi có kết quả”.
Đây mới chỉ là khai man về trí thức, nếu kê khai tới nơi tới chốn tài sản sẽ không biết bao nhiêu người bị dân chỉ mặt là khai man nữa đây.
2. Quá nhiều người có hai thẻ cử tri (TCT). Cử tri Mẹ Nấm cho biết trên trangfacebook, chị cho biết mình có tới hai TCT, tức là có hai quyền đi bầu cử ở hai nơi khác nhau. Một số comment cho rằng chị có hai TCT là do chị hộ khẩn một nơi, đăng ký tạm trú một nẻo, nên có hai TCT là bình thường. Nhưng sự việc không thể bình thường, chị Mẹ Nấm cho biết: “Tôi có hộ khẩu thường trú ở đâu thì gửi thẻ ở đó chứ? Tôi đâu có tạm vắng?? Còn nữa, bên xã Vĩnh Thái cũng đã buộc chồng tôi ký xác nhận là tôi không ở đó rồi, sao lại còn phát thẻ cử tri cho tôi làm gì? Chữa cháy à?”
Một người quen của tôi có con đang học đại học kiến trúc ở Sài Gòn cho biết con mình cũng có hai TCT, một ở nhà tại Cần Thơ, một tại ký túc xã đại học ở Sài Gòn. Một số cha thuộc DCCT Sài Gòn cũng cho biết mình có tới 2 TCT.
Theo thể thức bầu cử thông thường thì chỉ những ai đăng ký đi bỏ phiếu (bầu cử) thì Ban bầu cử mới làm TCT cho, còn những ai không đăng ký thì không làm. Hình như ở cuộc vận động bầu cử này, Ban tổ chức bỏ qua việc ghi danh đi bầu cử, mà các nơi cứ tự động làm TCT theo danh sách thường trú và tạm trú gì đó. Số lượng TCT không bao giờ được nhiều hơn số người đăng ký đi bầu. Nếu nhiều hơn, như các trường hợp mỗi người có hai TCT thì cuộc bầu cử đó sẽ bị cho la có nguy cơ gian lận rất cao, và nếu trên thực tế ngày bầu cử, có chuyện một cử tri có tên bỏ phiếu ở hai nơi thì cuộc bầu cử đó là gian dối. Sự gian dối này không thuộc trách nhiệm của cử tri/người đi bầu, mà thuộc về Ban tổ chức bầu cử, mà đứng đầu là ngài chủ tịch Ủy ban bầu cử quốc gia, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, đương kiêm tổng bí thư đảng CSVN.
Những năm sau 1975, tại Miền Nam, mỗi lần sau bầu cử, ra ngoài đường phải mang theo TCT, không có TCT là bị công an làm khó dễ. Một cha thuộc DCCT cho biềt mẹ mình bảo, nếu mình không về bỏ phiếu thì bà sẽ nhờ người em đi bỏ giúp kẻo không bỏ, người ta gây khó khăn cho mục vụ. Một hình thức bắt buộc phải bầu cử, tức là cuộc bầu cử bắt buộc chứ không phải cuộc bầu cử tự do theo nghĩa thông thường.
3. Quán triệt trúng cử ! Sáng nay tôi nhận được tin từ Nghệ An cho biết tại các trường cao đẳng, đại học ở tỉnh này, chi bộ đảng của nhà trường đưa ra bản hướng dẫn bầu cử QH cho các sinh viên làm theo. Theo đó, bên cạnh tên của các ứng cử viên QH là chức vụ rồi đến mục ghi chú hay lưu y gì đó ghi dòng chữ như sau: “Quán triệt trúng cử”. Tức là nhìn vào tên các ứng viên có dòng chữ “Quán triệt trúng cử” đó thì sinh viên phải bầu, còn những vị không được ghi chú thích như vậy thì không bầu.
Cuộc bầu cử trá hình nhưng đã mang lại lợi ích rất lớn cho một nhóm nhỏ trong số hơn 3 triệu đảng viên, nên họ phải làm mọi cách để giành được quyền từ tay nhân dân, kể cả nhân danh nguyên tắc “dân chủ tập trung” để ép buộc đảng viên chân chính làm theo, mà thực lòng, nhiều đảng viên biết rõ những vị được cơ cấu không đủ tư cách, không có khả năng thực về tài – đức. Không biết đã đến lúc chưa, người thường dân và những đảng viên chân chính, chỉ muốn vì dân vi nước, cùng nhau tìm con đường riêng để bảo vệ chính mình?
K. Thuyên