K. Thuyên (VRMI) - Khi đọc được lời hứa của ông Nguyễn Đăng Trừng, đại biểu QH khóa XII, tiếp tục ứng cử vào cũng vị trí này trong kỳ bầu cử sắp tới, một độc giả đã gọi điện thoại cho chúng tôi biết: Liệu khi vận động cho nhiệm kỳ trước, ông có hứa như vậy không mà tình trạng tôn giáo bị đàn áp trong 5 năm qua mà không thấy ông QH nào lên tiếng. Từ Thái Hà – Tòa Khâm Sứ năm 2008 đến Bát Nhã thiền viện năm 2009. Từ Cha Nguyễn Văn Lý bị xử bất công đến việc gây khó khăn cho việc tổ chức tang lễ và suy cử Đức Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.
1. Tình cảnh đất nước cứ càng ngày càng bệ rạc ra về mọi phương diện theo nhà báo Bùi Tín là do ở Việt Nam này, các vị lãnh đạo đều là đảng viên CSVN, và trong thực tế mọi sự lệ thuộc vào một nhóm nhỏ nhân danh “nguyên tắc dân chủ tập trung, trên thực tế Bộ Chính trị mới là cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng, cũng là cơ quan lãnh đạo duy nhất của đảng, tuy rằng trên lý thuyết Bộ Chính trị chỉ là cơ quan cấp dưới của Ban Chấp hành Trung ương. Đây là một nghịch lý giữa lý thuyết và thực hành, nói và làm trái ngược nhau. Chính vì thế mà ông Nguyễn Văn An, nguyên chủ tịch Quốc hội, nguyên ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII và IX đã nhận xét rằng tất cả quyền lực của đất nước, từ lập pháp, hành pháp và tư pháp, từ chính trị, kinh tế, quốc phòng đến đối ngoại và văn hóa đều tập trung trong tay chiếc ngai vàng tập thể của 14 ông vua, không chia sẻ cho một ai khác. Quốc hội cũng chỉ là một công cụ của đảng, tức là của Bộ Chính trị, của 14 ông vua ngồi chung một chiếc ngai vàng. Quốc hội khóa XIII gồm có gần 500 đại biểu sắp được bầu ngày 22-5 tới đây thực chất là sản phẩm của 14 ông vua tập thể do Đại hội XI đầu năm nay bầu ra lựa chọn và xét duyệt”. (Cuộc ‘chiến tranh một phía’ với toàn dân).
Nếu đúng như nhà báo Bùi Tín nói, thì chuyện vận động tranh cử chỉ là chuyện của “một số ghế” không quan trọng, ai được bầu vào cũng được, còn những vị trí quan trọng của QH đã được các ông tự cho mình quyền làm “vua’ quyết định mất rồi.
2. Vì không có thực lực, nên những người được gọi là đại biểu QH dù có tài có đức cũng không làm gì được.
Một chuyện rất phi lý đang xảy ra lại được bảo trợ bởi danh nghĩa của QH.
Đó là theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam, các cơ sở tôn giáo không được phép mua, bán, sang nhượng quyền, nhận hiến tặng quyền sử dụng đất từ các cá nhân. Một nhà thờ quá nhỏ muốn mở rộng, giáo xứ phải mua đất của những hộ chung quanh, nhưng sau khi đã thỏa thuận xong (kể cả đã thánh toán tài chánh) thì người bán phải làm giấy giả “hiến tặng’. Sau khi trình với chính quyền sự việc hiến tặng này, người đứng tên “hiến tặng” đất phải làm một đơn gọi là “trao trả đất lại cho nhà nước với lý do không còn nhu cầu sử dụng”. Sau đó nhà thờ phải nộp đơn xin cấp đất mình đã bỏ tiền mua. Kế đó là hồi hộp chờ đợi sự xét duyệt của cơ quan chức năng, ở đây là UBND tỉnh. Nếu nơi nào thuận tiện thì thổ đất đã mua đó sẽ được cấp cho nhà thờ, còn nếu không thì sẽ bị mất tiền mua, vì nhà nước thấy cơ sở tôn giáo đó không có nhu cầu hoặc nơi đó không phù hợp để mở rộng diện tích sinh hoạt tôn giáo.
Năm 2008, đại diện cho 6 triệu công dân Công giáo, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã lên tiếng: “Trước hết, nếu luật về đất đai còn nhiều bất cập thì nên sửa đổi cho hoàn chỉnh. Việc sửa đổi này cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới. Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân, đồng thời góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển vững bền của đất nước.” (TríchQuan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay). Nhưng đến nay ý kiến trực tiếp và công khai đó của 7% dân số không hề được các đại biểu QH quan tâm giải quyết.
Một độc giả đã gởi phản hồi trên bài Thời sự: Sáu ngày trước bầu cử Quốc Hội viết: “Tôi nghỉ là lần sau đừng nên bầu cử nũa bởi vì vừa tốn kém cho tiền thuế của dân mà không đem lại lợi ích gì, theo điều lệ đảng thì đảng viên phải phụ tùng. Do vậy ý kiến của dân mà đảng không duyệt thì củng như không”.
Có hy vọng gì các ông bà nghị của QH khóa XIII sẽ tuyệt vời hơn 12 khóa trước?
K. Thuyên