Tạ Phong Tần (Người Việt) - Sau cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011 (dĩ nhiên là tự phát chớ không phải do nhà nước tổ chức để ca ngợi đảng cộng sản hay ca ngợi nhà nước) của người dân Việt Nam ở Hà Nội và Sài Gòn phản đối Trung Quốc có hành vi ngang ngược dùng vũ lực lấn chiếm lãnh hải Việt Nam ở khu vực miền Trung, ngay lập tức sáng Thứ Hai (6 tháng 6, 2011) các báo trong nước như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật TPHCM, QÐND... đồng loạt đăng nguyên văn bài của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN).
Nội dung như sau:
“Theo TTXVN, ngày 5 tháng 6, một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra “các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc” trước cửa Ðại Sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở TP.HCM. Ðó là thông tin sai sự thật.
Thực tế sáng 5 tháng 6 có một số người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua Ðại Sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở TP.HCM để thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, bày tỏ thái độ phản đối việc các tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những người này cho rằng hành động của các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm UNCLOS, vi phạm DOC ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Những người này tụ tập trật tự, bày tỏ thái độ một cách ôn hòa và sau khi được các đoàn thể, các cơ quan chức năng của Việt Nam giải thích đã tự giải tán.”
Ðây là điều lạ so với các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 12 năm 2007 và tháng 1 năm 2008 ở Việt Nam, lúc đó tất cả các tờ báo trong nước đều đồng loạt “im hơi lặng tiếng” không hề nhắc đến một chữ nào sự kiện trên.
Thậm chí, báo Du Lịch bị đóng cửa, tổng biên tập và toàn bộ phóng viên, cán bộ của tờ báo đã bị mất việc vì đã cho đăng một bài báo về sự kiện biểu tình nói trên trên số báo Xuân Kỷ Sửu.
Bản tin trên BBC đăng: “Quyết định do Bộ Trưởng Lê Doãn Hợp ký hôm Thứ Ba, 14 tháng 4 viết “lãnh đạo báo Du Lịch đã không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp và nhạy cảm.”
Tuy nhiên, lần này người dân Việt Nam đã quá sức căm phẫn trước hành động TQ công khai mỗi ngày xua 150-200 tàu cá (dưới sự yểm trợ của Hải Quân TQ) sang vùng biển Việt Nam để đánh bắt, còn tàu ngư dân Việt Nam thì phải nằm bờ vì bị tàu TQ đuổi bắt, bắn, cướp trong khi thời điểm này đang là mùa cá.
Không dám phản kháng trước thái độ ngạo mạn của TQ, nhà cầm quyền Việt Nam (thông qua báo chí) đã “thả cửa” cho người dân, nhà khoa học, cán bộ hưu, vận động viên (tức những thành phần không có chút quyền lực gì về chính trị, ngoại giao) tha hồ lên báo, đài phát biểu lên án TQ. Nhà cầm quyền Việt Nam thừa khôn ngoan để hiểu rằng đất nước đang lâm nguy trước nạn ngoại xâm, nếu phương tiện truyền thông nhà nước vẫn cứ bịt miệng dân như 3-4 năm về trước, thì có nghĩa là công khai thừa nhận rằng họ đã “bán nước” cho Tàu.
Vì vậy, lần này, một mặt nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cứ công khai tổ chức đàn áp, bắt bớ người biểu tình lẫn “tình nghi sẽ biểu tình,” một mặt vội vàng chộp lấy thông tin biểu tình để “giương oai” với TQ rằng “làm quá thì dân Việt Nam họ không để yên đâu.”
Mặt khác, Tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam (im lìm suốt nửa tháng nay, kể từ ngày tàu Bình Minh 2 bị tàu TQ cắt cáp) cũng vội vàng lên báo.
Tiếng là trả lời phỏng vấn, nhưng đọc xong dù đần độn đến mấy cũng biết ngay rằng Tướng Vịnh đang “thanh minh thanh nga” cho TQ nghe: “Ðây là hành động tự phát của người dân. Cuộc tuần hành, theo tôi được biết, đã diễn ra bình tĩnh, trật tự, không cản trở giao thông và cũng không mang các biểu ngữ mang tính kích động. Nhưng theo tôi là không nên, dù đây bắt nguồn từ lòng yêu nước. Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc.”
Ở các nước khác, biểu tình là việc một đám đông dân chúng thể hiện thái độ, chính kiến của mình đối với một vấn đề xã hội nào đó. Ðó là việc của dân chớ không phải việc của chính phủ và chính phủ không cần biết đến. Dân biểu tình mặc dân, Chính phủ các nước cứ làm việc với nhau bình thường, lịch sử thế giới ghi nhận chưa có cuộc biểu tình nào ảnh hưởng đến quá trình ngoại giao, đối sách giữa chính phủ hai nước. (Nếu không thì chính phủ Việt Nam đã bị chính phủ Mỹ và Châu Âu “phủi đít bỏ đi” từ đời tám hoánh rồi, vì thủ tướng, chủ tịch nước Việt Nam đi đến đâu là bị biểu tình, ném cà chua, trứng thối rần rần đến đó).
Tuy nhiên, điểm khác biệt ở các quốc gia cộng sản là dân không có quyền biểu tình, mà phải do nhà nước tổ chức mới được quyền thể hiện thái độ, chính kiến... theo ý nhà nước (nói theo tiếng Nga là mít-tinh). Do đó, các “quan ta” phải vội vàng “thanh minh” rằng “không phải tại tui mà tại chúng nó,” nếu không thì có nguy cơ bị “thiên triều” quở mắng.
Quả thật, cái lo của “nhà nước ta” quả không thừa. Ðã hết sức thanh minh mà “thiên triều” vẫn chưa hài lòng. Hãng tin AFP trích lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa và các vùng lãnh hải lân cận,” “Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần đạt được nhận thức chung quan trọng về phương cách xử lý các vấn đề trên biển và duy trì sự ổn định ở Nam Hải.” Ðồng thời với việc TQ lớn tiếng khẳng định vùng biển đó thuộc chủ quyền của TQ, rồi còn nhắc lại rằng “hứa với tao nhiều lần giờ muốn nuốt lời hả mậy?” và ra lệnh cho nhà cầm quyền VN phải đàn áp các cuộc biểu tình: “Chúng tôi hy vọng là phía Việt Nam sẽ có những nỗ lực nghiêm túc nhằm thực thi các nhận thức chung đó.”
Nhận định về sự kiện ngày 5 tháng 6, 2011, một người nói: “Họ (tức nhà nước VN) vừa sợ TQ bóp cổ nếu công khai chống lại TQ, vừa không dám bỏ lơ vụ việc vì như vậy có nghĩa là tự mình ‘lộ mặt’ cho dân biết họ không dám bảo vệ đất nước, chính người dân trong nước sẽ đồng lòng bóp cổ họ. Vì vậy, phải dùng những lực lượng khác để ‘thị uy’ cho TQ biết rằng ‘nuốt’ không dễ. Họ mừng khi thấy dân biểu tình (vội vàng chộp lấy đăng báo đại trà) nhưng không dám dùng từ ‘biểu tình’ để tường thuật, người Bắc gọi là ‘Vừa đ. vừa run.’”
Trường hợp này tôi thiệt bái phục sự dùng từ ngữ “thâm” của dân Bắc Hà, bởi lẽ sau khi lục lọi tìm kiếm tôi không thể tìm được câu thành ngữ miền Nam nào có ý nghĩa tương đương với câu “Vừa đ. vừa run” hết sức chính xác kia.
Tạ Phong Tần