Đặng Thanh Chi (danlambao) - Tuy “dân vi quý”, nhưng bao nhiêu người trong số quần chúng đã hiểu được giá trị ấy của chính mình ? Và bao nhiêu lãnh đạo của dân đã nhớ lấy điều này để khiêm cung tôn trọng dân, thực thi nghĩa vụ “làm đầy tớ” của dân một cách nghiêm chỉnh ? Ngài Okakura cho rằng trà đạo là biểu hiện của tinh thần dân chủ đúng nghĩa. Dân chủ đích thực là sự tin tưởng tuyệt đối vào khả năng phi thường của khối quần chúng tầm thường !...
*
Nắng trưa của một ngày xuân mới... Bên cạnh tôi, trà thất hôm nay lại có những người bạn mới. Âu cũng là lẽ thường tình của tạo hóa. Bốn mùa trôi qua... tuần hoàn của vũ trụ... Những “chiến hữu” đánh mất hai năm trước, nay được thay bằng những bạn mới đồng chí hướng. Hữu duyên nên trước nay không biết nhau, không đi tìm nhau, chúng tôi lại được gặp nhau trên con đường lý tưởng chung. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Chúng tôi, những người ngồi quanh trà thất hôm nay, đều đã từng trải qua nhiều kinh nghiệm “đau thương” trong đời sống hoạt động, dấn thân vì quê hương đất nước. Và trong những nỗi đau riêng, chúng tôi cảm thông được nhu cầu chăm sóc cho chóng lành vết thương chung. Tư tưởng chỉ đạo của sự hòa đồng nằm ở tinh thần tôn trọng và tính khiêm cung. Sẽ không bao giờ có được sự ghi nhận giá trị của người khác một cách thành thật trừ khi chính ta loại bỏ được những nhu cầu ràng buộc chính mình, hoặc những gì khiến ta tự cho là mình “hơn” người khác. Khi nào ta còn chưa ghi nhận những điều hay, đẹp nơi người khác và tự phát huy tính nhân bản của chính mình, thì ngày ấy, thế giới này còn lắm xung đột, bất hòa. Trà đạo chú tâm huấn luyện con người biết “nhìn thấy” thế giới quanh mình. Để có thể “nhìn” và “thấy” mọi vật tự chính bản chất của chúng, mỗi người phải để rơi đi lăng kính sai lạc của mọi sự đánh giá, phê phán một chiều, mà cần nhìn để thấy, tìm để hiểu, cảm nhận để cảm thông trong sự tôn trọng, khiêm cung, thành thật. Trong trà đạo, tất cả những vật liệu dùng thiết kế trà thất đều tầm thường: gỗ, đá, tre, trúc... và những vật dụng dùng trong nghi thức trà đạo, dù nhỏ bé, đơn giản nhất đều được gìn giữ cẩn thận và trân trọng như nhau. Hầu như tất cả những vật liệu dùng trong nghi thức trà đạo đều là những khám phá, hay vay mượn từ những vật dụng rất bình thường trong số đồ gia dụng hằng ngày hoặc từ trong bếp. Mỗi vật dụng dù nhỏ, tầm thường, đều có vai trò cần thiết của nó. Thiếu đi một, đều làm hỏng đi nghi thức của trà đạo.
Tương tự như trong một quốc gia, quần chúng đa số là những “thường dân” nhưng lại là “vốn quý” và cần thiết không thể thiếu trong sự vận hành hằng ngày của xã hội. Lãnh đạo cũng chỉ là những người bình thường từ khối quần chúng được chọn ra để đảm trách vai trò và trách nhiệm cần thiết trong việc điều hành một nước. Tuy “dân vi quý”, nhưng bao nhiêu người trong số quần chúng đã hiểu được giá trị ấy của chính mình ? Và bao nhiêu lãnh đạo của dân đã nhớ lấy điều này để khiêm cung tôn trọng dân, thực thi nghĩa vụ “làm đầy tớ” của dân một cách nghiêm chỉnh ? Ngài Okakura cho rằng trà đạo là biểu hiện của tinh thần dân chủ đúng nghĩa. Dân chủ đích thực là sự tin tưởng tuyệt đối vào khả năng phi thường của khối quần chúng tầm thường !.
Trong trà đạo, sự hòa đồng đúng nghĩa chỉ có thể có, khi nó được gầy dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau, và từ sự vô kỷ đạt được qua quá trình tự chế, tự kỷ luật, và thực hành thường xuyên. Trong phạm trù hành xử giữa người với người, nguyên lý của sự tôn trọng mang ý nghĩa rằng chúng ta không tạo khuôn mẫu cho người khác, và chính ta cũng cần thoát ra những tính toán để tạo ấn tượng, hay cưỡng bách người khác phải nghĩ như ta, làm theo ý ta, nhìn nhận ta đúng, và nhu cầu tranh hơn thua lẫn nhau. Một trong những câu giảng bất hủ trong trà đạo, nói lên tính chất của sự tôn trọng lẫn nhau là “buổi họp mặt hôm nay - chỉ xẩy ra một lần trong đời (ichigo ichie). Xin được tạm mượn ý thơ “làm sao có được hai lần tắm, trong một giòng sông để ngậm ngùi”, để nhắc lại lời dạy của đức Jo’o, thầy dạy của Rikyu, rằng chúng ta cần trân quý mỗi thời khắc, ý thức mỗi quan hệ ta đang có với nhau hôm nay, vì nó sẽ không tái diễn lần nào nữa trong ý nghĩa của giòng sông cuộn chảy.
Từ nguyên lý đó, mỗi người trong chúng tôi, những bạn đồng hành mới, qua những bài học kinh nghiệm quá khứ của chính mình, đã giúp mỗi chúng tôi biết trân quý cơ duyên gặp được nhau ngày hôm nay, để chia xẻ tách trà trong khoảnh khắc hiện tại với lòng trân quý, và để biết thực sự tôn trọng nhau khi cùng đồng hành trên con đường phụng sự quê hương.
danlambaovn.blogspot.com
Phần trước:
Cơn bão trong tách trà - Sự thật)
Cơn bão trong tách trà - Hòa Đồng (Wa)
Phần tiếp: