Đồng thuận và quy thuận - Dân Làm Báo

Đồng thuận và quy thuận

Nguyễn Huy Cường (Tamnhin.net) - Trong thời chiến, những quy định tức thời áp dụng quyết liệt, triệt để góp phần giải quyết được nhiều vấn đề. Mọi người phải có bổn phận chấp hành, miễn bàn cãi. Thời bình, mỗi điều luật, mỗi quy định được thực thi nếu “thấu tình - đạt lý” sẽ có được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân. Đó là sức mạnh của nhà nước, điều cần đạt tới của một xã hội thời bình.

Bài viết này lẽ ra là một bài viết độc lập trong dự cảm của tác giả, nhưng sau khi bài “Nhà báo và chiếc mũ bảo hiểm” đăng trên Tamnhin.net, chúng tôi thấy cần có bài viết này thay cho lời trần tình cùng những bạn đọc, những nhà chức trách đã góp ý, bình luận và chỉ giáo.

Giá trị của luật pháp

Ai cũng biết, trong xã hội loài người, nếu không có luật pháp thì cuộc sống sẽ có màu sắc hỗn mang, khó kiểm soát và khó phát triển.

Do đó, mỗi điều luật, mỗi quy định đều có giá trị nhất định.

Nhưng, cái “giá trị” của mỗi điều luật, mỗi quy định không phải khi nào cũng sát thực, góp phần điều chỉnh tốt nhất cuộc sống.

Bởi nhiều lý do, có những quy định, điều luật bị mất dần hoặc thay đổi giá trị, nên chúng ta thấy ngay tại quốc hội, hàng năm loại sinh hoạt dùng cho việc sửa luật, kiện toàn luật pháp là luôn xảy ra.

Trong các “kênh” giúp nhà nước điều chỉnh lại luật pháp thì nguồn ý kiến của nhân dân luôn phong phú, nhiều ý nghĩa và đáng quan tâm.

Nếu nhà lập pháp biết lắng nghe, phân tích khoa học, nhận thức đầy đủ tính khoa học, tính khách quan của vấn đề để điều chỉnh luật thì mọi việc sẽ tiến theo chiều hướng ngày một tốt hơn.

Ngược lại, tâm lý coi “đã là luật thì phải chấp hành, miễn bình luận, khỏi thắc mắc” thì chính là một trở lực để kiện toàn bộ máy pháp chế, khó tạo nên sức mạnh pháp luật tốt nhất để điều hành đất nước.

Thử tìm sức nặng của những cái đúng

Khoảng trước năm 1995, chắc không quá 50% người đi xe gắn máy không cần bằng vở gì cả.

Sau năm 2000, tình hình đổi khác. Quy định về việc “người điều khiển xe gắn máy phải có giấy phép” được siết chặt và nay, chắc phải dư 90% người điều khiển xe gắn máy đã có giấy phép.

Đến đây, nếu tham gia bình luận về đề tài này, một loại ý kiến dễ được “thông qua” là: Đó là một chủ trương đúng đắn. Là công dân phải chấp hành pháp luật. Điều luật này sinh ra là để bảo vệ người đi đường. Ai nói khác là gàn trở, là quan điểm vô chính phủ, là thiếu nghiêm túc.

Nếu có một ý kiến khác thế, có thể bị “đánh”  tơi bời.

Nhưng, trong xã hội có thể có hai tuyến ý kiến khác.

Loại ý kiến này không có môi trường để “phát lộ” một cách công khai, minh bạch.

Ở ta hầu như cũng chưa đủ điều kiện để tạo ra những môi trường lành mạnh, dân chủ để bàn thảo đàng hoàng loại đề tài này nên tuyến ý kiến kia cứ ậm ừ, mờ nhạt và… im ắng.

Tuyến thứ hai là các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học xã hội, các nhà báo luôn nêu cao trách nhiệm công dân một cách chính đáng nhất là đưa ra những bất ổn, những điều chưa phù hợp để tình hình ngày một tốt hơn.

Trong đội ngũ ít ỏi đó, có tôi! Xin thẳng thắn nói như vậy.

Xin đi sâu một chút vào đề tài này

Chúng ta, ai cũng có thể dùng những khẩu ngữ phổ thông để phản biện những ý kiến tạm gọi là “trái chiều”, nhưng có mấy người chịu nhìn nhận sự thể bằng một lăng kính thực tế?

Trong vấn đề này, tôi dám nêu hai điều và thách thức mọi phản bác:

Thứ nhất, tôi cho rằng, việc thực hiện quy định trên (hay là việc chấp hành pháp luật trên) mang nặng tính hình thức, đối phó và ít nhiều thỏa mãn cho những trung tâm “dạy” và cấp bằng lái xe, dễ phát sinh tiêu cực.

Giá trị giáo dục pháp luật cho người dân rất ít, giá trị bảo đảm an toàn giao thông cũng không khả thi (đa số người gây tai nạn giao thông vài năm nay đều có giấy phép).

Để tránh xung đột với những bộ đầu “nóng”, xin phép “chơi bài ngửa” như sau:

Tôi cho rằng, có tài thánh cũng không thể “bồi đắp” được cho một người chưa mó vào cái xe gắn máy bao giờ nay vừa “học” vừa “thi” một ngày là đậu, là đủ điều kiện lái xe ra đường, xa hơn nữa là nắm được nội dung đại thể của Luật Giao thông đường bộ.

Theo quan sát của tôi, để đạt được cái “ngưỡng” thật là để đi ra đường, chạy đến trường lái xe an toàn, mỗi người phải có 100 km vận hành xe là tối thiểu.

Để nắm được cơ bản Luật Giao thông đường bộ, đủ làm “hành trang” tối thiểu, để chấp hành tốt phải mất chí ít là nửa tuần lễ với người thông minh.

Trong khi đó, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, không có “trường lái xe” thực thụ nào dạy kỹ năng điều khiển xe máy, mô tô cả, chỉ có nơi để “học “ và “thi” như nói trên.

Vậy thì tại đây, một hình ảnh hiển nhiên chứng minh một điều rất khó… nuốt, là với 20 triệu tấm giấy phép lái xe thì gần như cả 20 triệu người (trong đó có tôi)… đã một lần phạm luật vì đi xe trước khi thi để đến trường thi.

Nêu hình ảnh này để hiểu rằng: cái khẩu hiệu “trước hết, hãy chấp hành luật” là một tinh thần đúng nhưng trong từng trường hợp cụ thể, đôi khi cũng khiên cưỡng và thiếu thực tế.

Cuộc sống có hơi thở của nó. Mọi luật pháp đều phải nương theo nó để hình thành và vận hành, là chuyện bình thường.

Về tấm “bằng”, nó không có “tội” gì cả. Việc siết chặt kỷ cương, buộc người điều khiển xe phải có bằng là hoàn toàn chính đáng, nhưng cung cách học tập, thi cử như hiện nay, nếu “chiếu” từ nhu cầu để vãn hồi trật tự giao thông, để người dân thông hiểu pháp luật thì thật khó nói. Bằng chứng là mỗi năm, một con số nhân mạng bằng hơn 11 trung đoàn bộ binh vẫn “ra đi”.

Trong khi đó, số ngày công và số tiền các khoản để có tấm “bằng” đủ làm hai con đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM.

Trở lại vấn đề chiếc mũ bảo hiểm

Vốn là người ưa quan sát vào chiều kích sâu nhất của vấn đề, thường nêu vấn đề hơi “khác thường” nên chuyện bị “oánh” trên báo chí với tôi là chuyện thường.

Nhưng lần này, tôi hơi ngạc nhiên.

Nỗi ngạc nhiên lớn nhất khiến tôi phải tường minh lại bằng bài viết này là, theo tôi, những vị phản bác gay gắt bài viết của tôi hình như… không đọc kỹ bài ấy.

Trong cả bài viết, tôi không hề PHẢN ĐỐI việc dùng mũ bảo hiểm. Bản thân tôi dùng mũ từ khi chưa có quy định này.

Tại bài viết đó, tôi nêu rõ ba nét:

Một là việc quy định đội mũ bảo hiểm trong nội thành không thật thích hợp.
Ý kiến này không chỉ của mình tôi. Ngay Tiến sĩ NGUYỄN HỮU HƯỜNG (Phó Khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại Học Bách khoa TP.HCM) cũng nói trên báo chí:

Việc đội mũ bảo hiểm ở khu vực nội thành chỉ nên khuyến khích.

Việc thực hiện qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên các tuyến quốc lộ là cần thiết vì các phương tiện giao thông chạy với tốc độ cao. Tuy nhiên, đối với khu vực nội thành, các phương tiện giao thông chạy với tốc độ chậm, thì nên khuyến khích mọi người đội mũ bảo hiểm.

Chỉ đến khi nào xe buýt phát triển mạnh và mọi người đều sử dụng phương tiện giao thông công cộng, lúc đó số người sử dụng xe gắn máy còn ít thì hãy bắt buộc áp dụng đội mũ bảo hiểm như các nước (hết đoạn trích lời tiến sĩ Nguyễn Hữu Hường).

Nếu phải trích dẫn thêm thì làm phiền bạn đọc, nhưng vào thời điểm trước tháng 11/2007 rất nhiều ý kiến như vậy.

Thứ hai là, có nhiều loại mũ có giá trị bảo hiểm, như loại mũ “cối” của bộ đội hay cái mũ bảo hiểm của ông thợ xây (trong ảnh bài trước), nếu không công nhận là rất khiên cưỡng. Việc này coi “nhỏ” vậy nhưng số tiền cho những người làm công việc này, đang có mũ này buộc phải mua mũ bảo hiểm khác sẽ là hàng chục tỉ đồng, một loại lãng phí ghê gớm.

Trong các phản bác, có những ý kiến vẫn khăng khăng là hai loại mũ tôi trích dẫn không có giá trị. Tôi thật sự ái ngại trước loại lí luận ấy và nếu phải tranh luận tiếp, xin “thua cho nó lành”, có điều, tôi dám đoan chắc rằng, cái mũ bảo hiểm đi công trường của dân xây dựng hoàn toàn có thể thay thế mũ bảo hiểm đang được đa số người dùng.

Thứ ba, về quan điểm, buộc mọi người phải dùng một loại mũ như nói trên rất gần với sự cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại, khi hai thứ hàng cùng một tính năng mà cho cái này lưu thông còn cái kia thì không. Nên nhớ, khoảng hai năm đầu quy định này có hiệu lực, chiếc mũ bảo hiểm được bán với giá 120.000 – 160.000 đồng, bằng 4 lần bây giờ. Điều này chắc không ít ý nghĩa.

Trong tranh luận, một số ý kiến cho rằng: việc đội mũ bảo hiểm được mọi người ủng hộ, tán thành. Chỉ nên chấp hành, khỏi bàn cãi.

Như tựa đề bài viết này, nên để ý tới chiều sâu của vấn đề: sự chấp hành là quy thuận hay đồng thuận?

Với mức lương bình quân chưa được 4 triệu đồng hiện nay, ai dám “chơi” kiểu mỗi lần ra đường bị phạt trăm rưỡi ngàn hoặc thu xe vì không đội mũ?

Không muốn bị phạt thì phải đội. Nhưng để vượt qua những chặng đường khói bụi, bức xúc, chậm trễ hàng ngày với cái mũ nặng nề trên đầu thì liệu có bao nhiêu phần trăm người thực sự đồng thuận?

Nên từ bỏ lối điều hành xã hội kiểu “đẽo cày giữa đường”

Với đề tài “quy thuận hay đồng thuận” này, chưa cần mơn man sang các địa hạt khác như kinh tế, văn hóa mà chỉ quanh quẩn ở khu vực giao thông thôi, đã thấy nhiều quyết sách được hình thành theo kiểu thụ động, theo kiểu đẽo cày giữa đường như trong một câu chuyện cổ.

Một chiếc xe tải cũ gây tai nạn, vài tháng sau có chỉ thị quy định về tuổi xe như tuổi… trâu bò. Chiếc tàu Dìn Ký ụp xuống sông xong, hối hả đi kiểm tra các tàu du lịch…

Dư luận có quyền nêu câu hỏi: sao bấy lâu nay không kiểm tra, không “ra luật”? Một điều luật, quy định là sản phẩm thụ động như vậy có đủ tính khách quan, khoa học không?

Để tạm kết lại đề tài này xin bạn đọc cùng nhớ lại câu chuyện về cái gương chiếu hậu dùng cho xe gắn máy.

Lúc đầu quy định buộc phải có đủ hai gương hai bên, sau điều chỉnh lại còn một. Các chế tài phạt cũng khá nặng nề. Mọi thứ nếu “chiếu” theo tinh thần thượng tôn pháp luật chả có gì sai cả.

Nhưng thực tế thì sao?

Cái gương chiếu hậu ở ô tô rất cần thiết vì xe ô tô càng ngày càng tiên tiến, kín như bưng, tiếng ồn bên ngoài vọng vào xe gần bằng 0, kính thì dán phim cách nhiệt nên khi đổi hướng rất cần cái gương để quan sát.

Hơn nữa, cái gương ô tô nằm ở vị trí ngay tầm mắt người lái nên việc quan sát rất tiện.

Với xe máy thì khác.

Cái gương, nếu đặt ở vị trí thật chuẩn để “thâu” được hình ảnh phía sau phải rất rộng theo chiều ngang xe. Điều đó, trong hoàn cảnh đường sá Việt Nam rất nguy hiểm. Đã có bao nhiêu người gặp nạn vì bị cái gương xe bên kia “khều” và khi đi giữa bạt ngàn xe cộ cực kỳ vướng víu.

Về tác dụng thì rất ít ai vừa đi xe vừa… soi gương cả. Cái gương nằm ở tầm thấp hơn mặt nhiều, diện tích gương thì nhỏ, nếu cứ nhăm nhắm nhìn vào đó có thể xảy ra tai nạn cũng nên.

Một nét nữa là cái gương ở vị trí dễ va chạm, sai lệch góc chiếu nên kể cả khi muốn nhìn vào đó cũng khó toại nguyện.

Chiều 23/6, để chuẩn bị viết bài này, trong lúc chờ đón cháu ở cổng một trung tâm ngoại ngữ, tôi thử xin phép “kiểm tra” 14 cái gương trên xe máy thì chỉ có một cái… tình cờ đúng! Hầu hết mọi người đều nói “không” lúc được hỏi “đi xe, anh (chị) có nhìn vào gương khi chuyển hướng không?

Với xe gắn máy, tầm quan sát mọi phía dễ dàng hơn ô tô nên cái gương thực chất chỉ để… biểu hiện tinh thần chấp hành pháp luật và tránh bị phạt thôi. Thực sự là như vậy.

Đất nước đang tiến lên những cung bậc mới của sự phát triển. Bộ máy pháp chế phải “tăng tốc” cho kịp hơi thở của thời đại; trong đó, đạt được sự “sâu sát, thực tế, hợp lòng dân” là một cái đích lớn.

Để đạt được, trước hết, phải thực tế.

Nguyễn Huy Cường


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo