Vũ Quí Hạo Nhiên - Mình kể câu chuyện này cho mọi người nghe. Ở xóm kia có 3 người láng giềng. Ở giữa là Đồng. Một bên Đồng là Nam. Bên kia là Trung. Nhà Nam có cái xe. Xưa nay Đồng biết xe đó là của Nam. Đồng cũng ước ao một ngày nào đó chiếc xe đó trở thành của mình.
Một hôm, Trung tới gõ cửa nhà Đồng. Trung bảo Đồng, “Cái xe kia kìa, từ nay nó là của tao, nhá.” Đồng ừ. Cũng có thể trong bụng Đồng nghĩ là nó không (hay chưa) phải của mình, mình nói gì mà chả được.
Hôm sau, Trung qua nhà Nam, đấm Nam gãy quai hàm, rồi cướp xe mang về nhà.
Hôm sau nữa, Đồng cưới con gái Nam. Cô này là con một Nam, cô có cái tên rất dài, là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Rồi Đồng bỏ thuốc độc cho Nam chết. (Luật xóm này bỏ thuốc độc bố vợ không bị phạt.) Tài sản Nam, trở thành của vợ chồng Đồng.
Nam đã chết, Đồng xông qua nhà Trung, đòi cái xe lại. Đồng bảo Trung, “Xe đó trước của Nam, bây giờ Nam chết, nó là của tao.“
Trung cãi, “Hôm nọ mày ừ rồi.” Đồng không chịu. Đồng bảo Đồng có chứng cứ lịch sử.
* * * *
Về công hàm 1958 của TT Phạm Văn Đồng, có một luồng lập luận giải thích cách để rút hai quần đảo Trường Sa Hoàng Sa ra ngoài tầm của sự “ghi nhận,” “tán thành,” và “tôn trọng” trong công hàm. Lập luận đó khá dễ hiểu, như sau:
* Công hàm được ký năm 1958. Năm đó, ông Phạm Văn Đồng là thủ tướng của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Mà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, theo hiệp định Giơ neo (do ông Đồng ký), có lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở lên.
* Hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nằm ở dưới vĩ tuyến 17, thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
* Vì vậy, Trường Sa Hoàng Sa không phải của chính phủ ông Đồng, làm sao ông đem cho được.
Luồng lập luận này tiếp tục với nước Việt Nam thống nhất sau 1976:
* Sau 1975, chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thừa hưởng những gì từng là của Việt Nam Cộng Hòa.
* Sau thống nhất 1976, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thừa hưởng những gì từng là của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vậy CHXHCNVN thừa hưởng Trường Sa Hoàng Sa của VNCH xưa, và bây giờ đòi.
Đây là một lập luận rất khéo. Và nếu so sánh với câu chuyện ở trên, nó khá có lý:
Khi Trung nói “xe của tôi nhá” mà Đồng ừ, thì không thể nói Đồng bán xe hay dâng xe, vì có phải của Đồng đâu mà dâng với bán.
Nghe cũng xuôi, nhưng có cái gì đó kỳ kỳ.