Trọng Thủy và thiếu minh bạch - Dân Làm Báo

Trọng Thủy và thiếu minh bạch


BS NgọcChính phủ ta phát ra những tín hiệu khó hiểu. Mới cho người đi dự hội thảo về an ninh ở biển đông bên Mỹ thì ngay sau đó lại ra thông cáo chung với kẻ thù rằng hai bên phản đối can thiệp của nước ngoài. Cái “nước ngoài” đây là Mỹ. Trớ trêu thay Mỹ đang muốn giúp chúng ta. Tại sao có những tín hiệu khó hiểu như thế? Tất cả có lẽ chỉ là sự thiếu minh bạch trong hành xử của những người đương quyền.

Một học giả Mỹ khi nhận định về sự hung hãn của Trung Quốc nhận xét rằng rất khó biết tại sao Trung Quốc lại hành xử côn đồ với Việt Nam trong thời gian qua. Ông nói cái khó khăn chính là Trung Quốckhông bày tỏ ý định của mình một cách nhất quán. Rất thiếu thông tin. Ông kết luận rằng sự thiếu minh bạch đã làm cho tình hình thêm căng thẳng. Ông viết về sự thiếu minh bạch của phía Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng có thể nói sự thiếu minh bạch của phía Việt Nam. Sự thiếu minh bạch của Việt Nam có thể rất nguy hiểm. Chúng ta có quá nhiều bài học của sự nguy hiểm, nhưng hình như chính phủ không muốn học bài học nào cả.

Theo dõi những diến biến chung quanh vấn đề tranh chấp giữa ta với kẻ thù Trung Quốc trong thời gian qua, một điểm toát lên rõ ràng là sự thiếu minh bạch. Thiếu minh bạch về thông tin. Đó là một điều khó hiểu. Chính quyền này rất thích phô trương. Một cái giải Fields báo chí làm rầm rộ. Nhưng nếu chẳng có giải gì thì chính quyền im re. Chúng ta từ đó có thể suy ra rằng tốt khoe xấu che, rất đúng với truyền thống Việt Nam. Suy luận xa hơn, một chính quyền không muốn chia xẻ thông tin với người dân là một chính quyền thiếu tự tin hoặc có gì bất chính. Nếu kết quả đàm phán là tích cực thì chắc chắn chúng ta đã biết vì bản chất của chính quyền là thích phô trương và khoe. Suy ngược lại, việc dấu nhẹm thông tin là một tín hiệu cho thấy kết quả đàm phán không tốt.

Đối với những người cầm quyền thông tin là vũ khí. Những thông tin an ninh quốc phòng cần giữ mật thì có thể hiểu được. Nhưng thông tin về lãnh hải, lãnh thổ và đàm phái với kẻ thù thì người dân cần phải biết. Đất nước này là của dân tộc Việt Nam chứ đâu phải của chính phủ mà chính phủ đàm phán với kẻ thù sau lưng mình. Từ thiếu minh bạch, chúng ta có quyền đặt câu hỏi những người đang cầm tay lái con thuyền đất nước đang nghĩ gì và làm gì. Họ sẽ lèo lái con thuyền Việt Nam đi đâu?

Sự thiếu minh bạch đầu tiên là những gì phát biểu ở Mỹ. Trong hội thảo về an ninh biển Đông do một trung tâm nghiên cứu Mỹ tổ chức, Việt Nam cử một phái đoàn đi dự. Trong hội nghị đó, có 3 bài nói chuyện từ phía phái đoàn Việt Nam. Nhưng chúng ta không biết họ nói gì trong đó. Chúng ta chỉ biết họ chỉ đọc báo cáo, chứ không tham gia tranh luận hay đặt câu hỏi cho kẻ thù. Tại sao không công bố những bài báo cáo của phái đoàn Việt Nam cho người Việt biết?

Nhưng sự thiếu minh bạch đáng sợ hơn là chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc. Ngay sau khi phái đoàn Việt Nam từ Mỹ về nước thì ngày 28/6 Tân Hoa Xã đưa ra một bản tin, trong đó có đoạn viết về cuộc gặp gỡ ông thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đặc trách đối ngoại. Chúng ta chỉ biết có cuộc gặp gỡ này qua Tân Hoa Xã. Phía Việt Nam chưa đưa tin. Đến khi đưa tin thì mọi chuyện đã rồi.

Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm là nội dung cuộc gặp mặt đó là gì. Mối quan tâm này chính đáng, bởi vì Tân Hoa Xã lớn tiếng thúc giục ông Hồ Xuân Sơn: “thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”. Một cách nói trịch thượng của bề trên. Chẳng những thế, Tân Hoa Xã còn nhắc đến công hàm của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng để nói rằng Việt Nam đã công nhận Trung Quốc có chủ quyền trên các hòn đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ai cũng biết rằng Tân Hoa Xã muốn nói với thế giới rằng ông Hồ Xuân Sơn đã tán thành chủ quyền của Trung Quốc, đã tán thành cái công hàm tai hại của ông Phạm Văn Đồng.

Trước những lời của Tân Hoa Xã, chúng ta phải hoang mang. Chúng ta muốn biết ông Hồ Xuân Sơn đã thỏa thuận gì với kẻ thù Trung Quốc? Có phải ông Hồ Xuân Sơn đã tán thành công hàm của ông Phạm Văn Đồng? Có phải ông Hồ Xuân Sơn đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc? Hàng loạt câu hỏi phải nêu lên. Ấy thế mà phía Việt Nam không có đến một lời giải thích! Tại sao không công bố cho người dân biết ông Hồ Xuân Sơn đã thỏa thuận điều gì với kẻ thù? Tại sao dấu diếm?

Ông Hồ Xuân Sơn sang gặp đối tác ở Trung Quốc không phải là chuyến đi bình thường. Báo chí mô tả ông là “đặc phái viên” của lãnh đạo cao cấp Việt Nam. Với vai tro đặc phái viên, ông đóng vai trò rất quan trọng. Trong bối cảnh kẻ thù xâm lăng, vai trò của ông còn có ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Vậy ông là nhân vật như thế nào và chúng ta có tin tưởng vào ông hay không? Chân dung của nhân vật Hồ Xuân Sơn có thể phác họa như sau:

Sinh năm: 1956
Quê quán: Quảng Trị
Học vấn: 1978, Đại học Bắc Kinh (khoa Trung Văn)Sự nghiệp: 1978: vào ngành ngoại giao; 1978-1980: Chuyên viên Vụ Trung Quốc; 1980-1983: Phiên dịch viên của ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc; 1983-1989: Chuyên viên Vụ Trung Quốc; 1989-1993: Bí thư thứ hai, ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc; 1994-1996: Phó Vụ trưởng Vụ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao; 1997-2000: Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam Trung Quốc; 2000-2002: Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao; 2002-2004: Vụ trưởng Vụ Châu Á 1 , Bộ Ngoại giao; 2004-2007: Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc); 2007-2008: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao ; 2008-nay: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; 2011: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chúng ta thấy sự nghiệp của ông HXS không có gì xuất sắc cho lắm. Đó là sự nghiệp của một người công chức trung bình. Điều thú vị là lý lịch của ông gắn liền với hai chữ “Trung Quốc”. Chuyên viên về Trung Quốc. Phiên dịch Trung Quốc. ĐSQ Việt Nam ở Trung Quốc. Đàm phán về biên giới với Trung Quốc. Hai chữ Trung Quốc là một nét đậm trong sự nghiệp và lý lịch công chức của ông. Chúng ta cũng không đọc được một bài viết nào của ông để biết ông có hệ lý luận nào đáng chú ý, có ý tưởng gì đáng biết, và trình độ văn hóa của ông đến đâu. Trình độ văn hóa của ông có bằng TS Vũ Cao Phan không? Trong một xã hội ruỗng mục, tham ô hối lộ từ trên xuống dưới, trong cái hệ thống mà chức quyền đều được mua bán, câu hỏi đó hoàn toàn cần thiết. Với một người tầm thường và bí ẩn như thế chúng ta có tin tưởng giao cho chức vụ “đặc phái viên”? Vậy mà ông đã là đặc phái viên của lãnh đạo cao cấp Việt Nam!

Chúng ta có quyền đặt vấn đề minh bạch. Năm 1958, ông Phạm Văn Đồng nhân danh chính phủ VNDCCH gởi một công hàm đến Chu Ân Lai trong đó có đoạn “Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc”.

Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc viết “Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc”.

Không ngạc nhiên khi có người nói rằng công hàm của ông Phạm Văn Đồng là một “công hàm bán nước”.

Không ai trong chúng ta biết ông Phạm Văn Đồng gởi cái “công hàm bán nước” cho đến khi kẻ thù nó tung ra! Đến khi chúng ta biết có cái công hàm đó thì mọi việc coi như đã quá trễ. Là “chuyện đã rồi”. Đó là cái tai hại của sự thiếu minh bạch. Chỉ vì tình đồng chí và ý chí giải phóng miền Nam mà ông Phạm Văn Đồng sẵn sàng đi đêm với kẻ thù. Không biết phải dùng từ gì để nói về động thái đó.

Bài học thiếu minh bạch còn liên quan đến vấn đề đàm phán biên giới phía Bắc. Chưa một lần chính quyền công bố những thỏa thuận mà họ đã đạt được với phía kẻ thù Trung Quốc. Đến khi thông tin rò rỉ thì đã muộn. Chúng ta đã mất phân nửa thác Bản Giốc. Chúng ta đã mất một phần đất bằng tỉnh Thái Bình cho kẻ thù. Theo tôi biết trong lịch sử hiện đại chưa bao giờ chúng ta mất nhiều đất như thế. Để mất một tất đất đã là một trọng tội với tiền nhân. Để mất cả một tỉnh như thế thì gọi là gì? Lê Chiêu Thống và Trần Ích Tắc sống lại chắc còn lắc đầu chào thua cái tài của những người đương quyền. Nên nhớ rằng lý lịch ông Hồ Xuân Sơn cho biết ông ta là một trong những người đương quyền có tham gia đàm phán về biên giới với phía kẻ thù Trung Quốc.

Không người dân Việt nào không biết đến nhân vật Trọng Thủy và Mỵ Châu. Chuyện xưa kể rằng Mỵ Châu là con của An Dương Vương của nước Âu Lạc. Lúc đó Triệu Đà muốn tiến chiếm Âu Lạc của An Dương Vương, nhưng không cách gì thắng được vì Âu Lạc có nỏ thần. Triệu Đà sai con trai là Trọng Thủy sang Âu Lạc và tìm cách kết hôn với Mỵ Châu để nắm lấy bí mật quân sự. Khi nắm được bí mật, Triệu Đà xua quân tiến chiếm Âu Lạc. An Dương Vương thất trận thê thảm, nhưng cũng nhận ra con gái mình chính là kẻ nội gián. An Dương Vương giết chết con gái và tự tử. Câu chuyện mang màu sắc thần thoại, nhưng vì đọc bài báo “nỏ thần” trên Tuanvietnam nên tôi phải nhắc truyện cổ tích. Truyện cổ tích ấy có liên quan đến sự thiếu minh bạch mà ta chứng kiến ngày nay. Không khéo Việt Nam chúng ta đang là nhà của hàng trăm Trọng Thủy thời nay. Một Trọng Thủy mà An Dương Vương mất nước, một trăm Trọng Thủy thì chắc có ngày chúng ta không có mảnh đất để gọi Việt Nam.

Bài học về thiếu minh bạch trước đây coi chừng lặp lại hôm nay. 53 năm trước, ông thủ tướng đã để lại một di sản làm nhức đầu chúng ta. Nhức đầu để xóa bỏ những con chữ của ông trên giấy trắng mực đen. Nay đến một ông thứ trưởng ngoại giao. Chúng ta không biết ông thứ trưởng đã thỏa thuận gì với kẻ thù, nhưng bài học từ công hàm của ông Phạm Văn Đồng làm chúng ta không yên tâm. Chỉ hy vọng rằng không có một Lê Chiêu Thống hay Trần Ích Tắc tân thời. Nhưng hy vọng chỉ là hy vọng bởi sự thiếu minh bạch làm chúng ta phải cảnh giác với những con người do kẻ thù đào tạo và nuôi nấng.

BSN

http://bsngoc.wordpress.com/2011/07/02/tr%E1%BB%8Dng-th%E1%BB%A7y-va-thi%E1%BA%BFu-minh-b%E1%BA%A1ch/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo