Sông Kôn (danlambao) - Ở nông thôn, khi những con chó không còn ra đường cho bọn bắt chó tròng cổ nữa, thì bọn bắt chó chuyển đổi thành bọn bắt gà. Mới đây bọn họ xông vào chuồng gà nhà dân ở xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bắt đi cả trăm con gà. Tại hiện trường chuồng gà bọn bắt gà để lại dấu vết là một tờ giấy trong đó có ghi dòng chữ: “thông cảm, vì không đủ bao tải đựng gà nên không bắt nữa chứ không phải chê gà mà bắt ít”.
Ấm ức trước nạn trộm cắp hoàng hành thách thức nhân dân, và sự bất lực của chính quyền địa phương. Nhân dân xã Bình Thuận tự tổ chức mai phục để bắt trộm. Cuối cùng nhân dân bắt được… cái xe máy của bọn trộm đem lên nộp cho công an xã để làm tang chứng, vật chứng. Sáng hôm sau người dân hồ hởi lên trụ sở công an xã để cùng công an truy tìm dấu vết ăn trộm. Nhưng khi đến nơi thì công an xã thông báo cho người dân biết, cũng đêm hôm đó có một vụ trộm khác, vụ trộm xe máy. Người bị trộm là công an xã, còn cái xe bị trộm chính là cái xe dân bắt được của bọn trộm gà đem nộp cho công an. Công an lý giải là do viên công an xã trực tối hôm ấy say rượu. Nghe công an nói thế dân đành… bó tay!
Còn có câu chuyện trộm khác mà tôi nghe được: Một chị nọ mới mua chiếc xe tay ga mới cóng, chiếc xe không lúc nào rời khỏi ánh mắt chị vì chị sợ bị mất trộm. Một hôm đi chợ, vì không có chỗ gửi xe nên chị đi xe luôn vô trong chợ, dựng xe bên sạp hàng để mua thức ăn. Tay này mua thức ăn thì tay kia chị nắm lấy cái xe để canh chừng ăn trộm. Bỗng đâu có một người lấn tới cái tay nắm xe của chị và nói nhỏ: cho đi qua một chút. Chị thụt tay lại cho người đó đi qua rồi nhanh chóng đưa tay trở lại để tiếp tục nắm giữ cái xe. Cảm giác cái xe còn trong tay nắm nên chị an tâm mua bán. Đến khi mua bán xong quay lại thì cái xe mà chị đang nắm trong tay là xe của người khác, còn cái xe của chị thì…
Bây giờ từ thành thị cho đến nông thôn, khắp hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng nạn trộm cướp lên ngôi hoàng hành, công an bất lực không trị được chúng mà chuyển sang khuyến cáo dân canh chừng. Nhưng, cách canh chừng như bà chị trong câu chuyện mất xe tay ga kể trên là cùng chứ có cách nào canh chừng hơn được nữa, thế mà xe vẫn cứ bị mất.
Trộm cướp và… trộm cướp, cuộc sống người dân đang trải qua những ngày tháng khó khăn, nghiệt ngã. Và rồi cuối cùng, có câu chuyện cổ tích xưa được người dân đem ra làm kế sách đối phó.
Câu chuyện cổ tích ‘Anh bán quạt’: Ngày xữa ngày xưa có anh bán quạt gánh quạt đi bán dạo, giữa trưa hè nóng bức anh để gánh ngồi nghỉ mát dưới bóng cây rồi lấy một cái quạt ra quạt mát. Bầy khỉ trên cây thấy thế bắt chướt ùa xuống gánh quạt của anh cầm lấy mỗi con một cái mà quạt. Anh không sao lấy lại quạt được và khóc hu hu… Rồi ông Bụt hiện ra bày kế: con quẳng chiếc quạt đi đừng quạt nữa. Anh bán quạt làm theo lời ông bụt. Bầy khỉ cũng bắt chước quăng quạt theo, vậy là anh gom quạt lại mà gánh về nhà.
Bọn trộm cướp bây giờ nó nhiều lắm, kết hợp với bọn bảo kê nữa nó đông như bầy khỉ kia nên nhân dân không làm gì được chúng. Dân chúng mà xài cái gì là bọn chúng bắt chước và ngang nhiên cướp cái của dân mà đem ra xài cái ấy.
Để khỏi bị chúng nó lấy, dân chỉ còn cách làm cho những đồ vật mình dùng trở nên không có giá trị. Vậy là những đồ vật bằng đất nung, tre nứa, nhôm nhựa, những đồ vật đã cũ đến lúc phải vất đi nhưng dân chúng vẫn còn đem ra sử dụng.
Và đâu đó trên đường phố, người ta vẫn thấy có những anh nhà giàu đi chiếc xe máy cà tàng. Đâu phải vì họ hà tiện không mua xe sang trọng, mà như thế tránh được nguy cơ bị trộm cướp. Tiền bạc là một phần, phần khác tính mạng được an toàn lại là quan trọng hơn.