Khi niềm tin đã mất - Dân Làm Báo

Khi niềm tin đã mất


Hoa Sương Tuyết (danlambao) - ...Chúng tôi phục mấy chả lãnh đạo lắm. Mới nhận tiền đó mà nói tới học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nói không với tiêu cực trơn như mỡ. Thiệt phục các cụ vô cùng. Chắc lương tâm các cụ bị chó cắn mất rùi. Dây thần kinh tự ái cũng lu đứt bóng từ lâu. Ngày nay các bạn nghe nhiều về đạo đức suy đồi. Xin bạn đừng ngạc nhiên, bởi đó là sản phẩm của những thế hệ được đào tạo trong giả dối. Nó giả dối vì thầy của giả dối, thầy của thầy nó giả dối...

*

Những ngày gần đây, những sinh viên mới ra trường lại chạy đôn chạy đáo để chuẩn bị hồ sơ xin xét tuyển công nhân viên chức. Nhìn các bạn ấy mà chúng tôi bỗng nhớ lại câu chuyện mấy năm trước đây…

Ngày ấy khi thi vào sư phạm, ai cũng mang theo một ước mơ rồi đây ra trường sẽ thành cô giáo, thầy giáo – những kĩ sư tâm hồn (như một ai đó từng nói) đem kiến thức phục vụ quê hương đất nước.

Thú thật mới ngày đầu vào trường chúng tôi cũng háo hức lắm, ai cũng ham học, cũng kính trọng thầy cô mình. Nhưng càng về cuối, chúng tôi lại càng chán nản, càng thất vọng về cái nghề, về lí tưởng mình đang theo đuổi.

Câu chuyện đầu tiên mà tôi vẫn còn nhớ mãi. Hồi ấy ở trọ cùng với một sinh viên học sư phạm âm nhạc, cũng từ đây tôi mới biết đằng sau cái dáng vẻ đạo mạo, luôn lên lớp dạy đời người khác là những nhân cách không còn nguyên vẹn. Một giảng viên tóc đã hai màu, lại được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú, đêm nào cũng nhắn tin, gọi điện cho sinh viên cùng đi sàn nhảy, mặc dù nó chỉ đáng tuổi con mình, thậm chí sinh viên còn cầu cứu đến cả vợ của ông ta nhưng hình như chả ăn thua gì… Rồi một ông thầy nói thẳng với sinh viên rằng: “mày học bốn năm mà mày không biết nhà thầy thì đừng thi tốt nghiệp nữa, có thi cũng không đâu đâu!” - Đứa bạn thân của tôi tâm sự khi chỉ vài ngày nữa là ngày thi tốt nghiệp môn thực hành của nó.

Một ông thầy dạy tâm lí ở trường tôi mà trước đây tôi rất kính trọng nhưng… mồm ông luôn nói về nhân cách nhưng hình như đó là kẻ thiếu nhân cách nhất. Tiết học nào của ông, tôi cũng viện cớ để đi ra ngoài, bởi vì tôi không chịu nỗi sự giả tạo. Một hôm ông còn nói đại ý thế này: tôi giảng cho anh chị thế này nhưng tôi có quyền sống không như vậy, rồi ông viện dẫn giáo sư này, tiến sĩ nọ nổi tiếng lắm hiện có gia đình nhưng vẫn chung sống bất hợp pháp với những người khác mà vẫn được xã hội kính trọng (!?) như một minh chứng cho những điều ông đang nói, mà chết nỗi hôm ấy ông đang giảng về phương pháp nêu gương trong giáo dục học sinh. Buồn chả cần bình luận!

Ngày tháng cũng trôi qua nhanh, kỳ thực tập cuối khóa cũng đến. Đi thực tập cũng có ối chuyện càng làm cho chúng tôi thất vọng nặng nề. Hôm trước khi đi, tôi mới bảo chúng nó rằng: “về đó thì đừng thất vọng nhá, có nhiều điều khác xa những gì bọn mình vẫn nghe hằng ngày lắm”. Tôi nói vui rằng: “Từ cổng trường đại học về tới cổng trường phổ thông cũng giống như nhân vật từ trang sách bước ra thực tế cuộc đời. Trang sách quá nhiều màu hồng mà thực tế lại có quá nhiều gam màu nâu xám chiếm vị trí chủ đạo.” Chúng nó bảo: “mày giống ông cụ non lắm.”

Ngày đầu tiên về trường thực tập cũng háo hức lắm, lâu nay làm trò giờ mới được làm thầy, làm cô. Nhưng niềm vui ấy cũng chỉ được mấy ngày. Tội nhất là mấy con bé hoa khôi của lớp cứ bị mấy thầy rủ khéo đi uống cà phê hoài; giáo án chả sửa trên lớp mà phải mang về nhà cô (thầy) để làm việc cho thân tình; mà chả lẽ đến tay không lại phải ôm hoa ôm quà.

Vui nhất là ngày ông hiệu trưởng gọi mình vào văn phòng để nói chuyện. Ông rôm rả nhắc khéo mình: “Không biết các anh chị thế nào chứ đoàn năm ngoái về đây thực tập vui lắm, giỏi giang. Mới về mà mấy em đó biết ngay địa chỉ nhà tôi, tối còn đến chơi thân tình lắm, còn mời các thầy cô liên hoan gặp mặt vui vẻ lắm; cuối kì họ còn tặng trường mòn quá lưu niệm, tôi cầm thấy nặng lắm”. Ông cứ nói, đặc biệt là cứ nhấn vào chữ “lắm” làm tôi thêm lo.

Cuối cùng tôi họp đoàn lại nêu nguyện vọng tha thiết của thầy hiệu trường: là thầy muốn giao lưu hai đợt, còn phải quà to và nặng. Thế là chúng tôi ok.

Đến đây thì nói thật chỉ mong cho qua nhanh cái kì thực tập, chứ ngày nào cũng gặp mấy cha, mẹ này chán lắm. Còn nhiều chuyện cười ra nước mắt nhưng xin phép không kể ra đây, nếu không, ai đó đọc được thì ngành sư phạm mất đi các nhân tài vì chắc họ không thi vào ngành này nữa.

Mọi chuyện rồi cũng qua, ai cũng ra trường, nhưng chúng tôi mang trong mình một lí tưởng nửa vời, bởi vì nó đã vơi đi một nửa trong những năm học đại học rồi đi thực tập. Buồn lắm.

Tôi cầm bằng đỏ trên tay mà đi xin việc mấy năm chả ai nhận cả. Đến đâu tôi cũng nghe hỏi: “Em quen ai ở đây không mà nộp hồ sơ xin vào trường này? Nếu cần chị vẽ đường cho mà chạy: gần thì 50 chai, ngon thì 1 hụ, xa một tí thì 20 chai. Chắc ăn lắm! Em đừng lo.” Họ chả thèm ngẩn mặt để xem cái thằng (cái con) đến nộp hồ sơ mặt tròn hay méo bằng xanh hay đỏ, thật hay giả. Đến đây tôi muốn gọi ngay cái ông thầy dạy môn chính trị Mác – Lê , Tư tưởng Hồ Chí Minh đến đây để ông nghe thực tế trái với điều mà ông cứ ra rả suốt ngày: “Xã hội này công bằng, văn minh lắm các em à; làm theo năng lực hưởng theo lao động”. Nghĩ đến đấy tôi muốn nôn ọe ra sàn.

Đến đây tôi mới biết hóa ra bằng gì không quan trọng, đỏ xanh chả là cái đinh gì, mà chủ yếu có quen ai làm to không, hay đạn có dày không? Ôi công bằng với chả văn minh!

Bạn bè lứa chúng tôi đều xin việc kiểu đó cả. Mà toàn thất vọng tập thể thôi.

Nhưng đời vẫn phải sống. Nhưng sống mà mất niềm tin và lí tưởng thì chán lắm. Gặp bạn bè tôi bu lu bu loa rằng: “Xã hội này nó lừa mình, trường đại học nó lừa mình, thầy cô cũng lừa mình rồi mình cũng tự lừa mình nốt. Theo đuổi một lí tưởng hão huyền.” Chúng nó bảo: “ Mày bi quan lắm. Cứ dạy đi cố gắng mà ngoi lên rồi mình lại lấy tiền của thằng khác, bù vào tiền mình đã chạy chọt, lo gì?” Khổ nỗi chúng tôi leo mấy mà chả lên được. Bao giờ mới lấy được tiền nhỉ?

Cứ mỗi lần lên lớp, nói tới đạo đức, trung thực với lương tâm thì chúng tôi ngại lắm. Nói thật, ngượng không dám mở miệng. Vậy mà chúng tôi phục mấy chả lãnh đạo lắm. Mới nhận tiền đó mà nói tới học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nói không với tiêu cực trơn như mỡ. Thiệt phục các cụ vô cùng. Chắc lương tâm các cụ bị chó cắn mất rùi. Dây thần kinh tự ái cũng lu đứt bóng từ lâu.

Ngày nay các bạn nghe nhiều về đạo đức suy đồi. Xin bạn đừng ngạc nhiên, bởi đó là sản phẩm của những thế hệ được đào tạo trong giả dối. Nó giả dối vì thầy của giả dối, thầy của thầy nó giả dối.

Đã đến lúc nhà trường nên dạy cái xấu, cái sai lầm của thế hệ trước và hiện thực của cuộc sống cho học sinh, sinh viên bên cạnh cái tốt. Đừng quá tô hồng cuộc sống; Hãy dạy như cuộc sống vốn có của nó. Cái ngu của người xưa dạy ta nhiều điều hơn cái khôn của họ, tôi từng nghe ai nói như vậy.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo