Khoa Văn (bạn đọc Danlambao) - Tôi là một độc giả ở California (Cali), cũng mới vào Dân Làm Báo (DLB) một hai tháng nay. Tôi thường vào www.Saigonbao.com trước sau đó vào các trang tin trong ngoài nước. Từ trang tin nầy, cửa vào tất cả website rất phong phú. Vào các báo trong nước có chậm vài giây nhưng tất cả đều suông sẻ. Tôi vẫn thích đọc tin trong nước để cảm thấy mình gần gủi, để hít thở bầu không khí mà đồng bào mình đang thở.
Báo Cali mỗi ngày đều có tin Việt Nam song song với tin tức địa phương hay quốc tế. Báo chí hải ngoại sống bằng quảng cáo thông qua lượng độc giả ít hay nhiều, vì thế họ luôn chiều theo sở thích người đọc. Có thể nói người Việt xa quê thèm tin trong nước, có khi rành tin nhiều hơn người trong nước nữa. "Khúc ruột ngàn dặm" là vậy. Dẫu có cắt lìa vứt đi bốn hướng, không hiểu tại sao nó cứ đau đáu nhớ về quê nhà, dù nơi ấy đã không còn liên hệ trực tiếp đến miếng cơm manh áo mình nữa.
Nhưng mỗi lần nghe tin tức là một lần thấy lòng không vui. Nào là ngư dân bị hà hiếp, dân oan bị cướp đất, tôn giáo bị trưng đất, công nhân đình công, sinh viên biểu tình, trí thức vào tù... Phải nói 90% tin tức Việt Nam ở đây đều là tin kém vui. Nhà nước gọi cách đưa tin ngoài nầy là "thiếu thông tin", là "chống đất nước". Thiếu thông tin sao được khi chúng tôi có thể đọc mọi trang tin trong nước một cách thoải mái? Còn "chống đất nước", đúng hơn là chống nhà nước CS, thì nhà nước phải tự hỏi: Tại sao ở nước ngoài không dính dáng gì đến quyền lợi dân sinh, người ta vẫn không ưa, vẫn "chống" quyết liệt như thế?
Đọc DLB có thú là cảm nhận được cái hồn nhiên, tươi trẻ, không làm dáng. Những bài viết hùng hồn, hài hước chen lẫn chua chát xót xa. Người viết và độc giả đa số là ở trong nước nên những vấn đề họ đề cập thường sát sườn đến cuộc sống. Ở đây dễ dàng bắt gặp các bài viết của các bloger nổi tiếng. Hình như ai cũng viết báo, ai cũng đưa tin, làm ảnh. Chẳng có "định hướng dư luận" gì sất, người ta thấy sao viết vậy. Cái nguyên tắc "I report, you decide" thể hiện ở đây rất rõ.
Thật cảm xúc khi gặp những tên tuổi như Mẹ Nấm, Nguyễn Bắc Truyễn, Đinh Tấn Lực, Phạm Xuân Nhi, Minh Hằng... (nhiều người nữa, tôi mới vào nên chưa biết hết) cũng tham gia viết "còm" bên cạnh những nick ảo, nick nặc danh, chứng tỏ DLB là sân chơi dành cho mọi người, một sân chơi thật trong thế giới ảo và những con người ảo trong một thế giới thật - "còm sĩ" không phải lúc nào cũng vô danh.
Comment là phần phản hồi khẳng định sức sống của một tờ báo. Trên nguyên tắc, comment thể hiện quan điểm của độc giả chứ không thể hiện quan điểm của tờ báo. Tờ báo không chịu trách nhiệm những gì độc giả viết, nhưng comment góp phần xây dựng bộ mặt chung nên cần được thể hiện có trách nhiệm. Nên chăng chúng ta bớt hô khẩu hiệu, bớt dùng từ quá mạnh mẽ hay quá khích để tránh tổn thất khi chính quyền Hà Nội lấy DLB như một chứng cớ chống lại những anh chị em tên tuổi thật. Chúng ta muốn bảo vệ tất cả các anh chị em đang viết sử bằng chân ở khắp mọi miền đất nước. Những con người can đảm ấy nếu bị vùi dập sẽ là tổn thất rất lớn cho đất nước về sau.
Tưởng DLB đang cần thu hút thêm độc giả, đặc biệt là tranh thủ thêm khối đông đảo người dân chưa từng quen với báo chí không lề. Hiện nay tiến trình đấu tranh chỉ ở giai đoạn vạch trần thực trạng, gióng lên tiếng chuông để thu hút sự quan tâm mọi người trước tình hình đất nước. Có nhiều cái "còm" làm người sống ở nước ngoài như tôi cũng "sợ" nói chi những người đang có những quan hệ gắn liền với sinh hoạt, đời sống trong nước.
Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng muốn định hướng dư luận. Dư luận mà định hướng là dư luận ăn theo không còn là dư luận đúng nghĩa. Dư luận định hướng là loại công cụ hổ trợ cho chính phủ hoặc công cụ đàn áp của một chính quyền đã mất lòng dân. Người ta muốn triệt tiêu chức năng tự nhiên của dư luận, đó là sự phản hồi cần thiết để điều chỉnh, sửa đổi việc thi hành các chính sách. Một việc làm như thế là rất độc đoán.
Đưa thông tin tự do đến mọi người là chống lại lối "định hướng dư luận" độc đoán. Đưa bằng hình thức ngôn từ mà xã hội đã quen chấp nhận để đạt hiệu quả cao nhất. Làm thế nào để đưa mới quan trọng, cách đưa chỉ là kế sách. Thí dụ: Cảnh tỉnh mọi người trước nguy cơ mất nước, người biểu tình dùng cờ tổ quốc, trích lời nói Hồ Chí Minh là rất bình thường. Làm sao để cứu nước trước đã, mọi cái khác sẽ... từ từ tính sau.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp nhân ngày Dân Làm Báo tròn một tuổi. Là ý kiến cá nhân nên chắc chắn có nhiều chủ quan, mong đón nhận mọi góp ý của các bạn. Xin chúc thôn Làm Báo và tất cả sức khỏe, vững vàng trong niềm tin đã chọn./.
Cali ngày 24/8/2011,