Khó thể quên ‼! (Phần 4) - Dân Làm Báo

Khó thể quên ‼! (Phần 4)

Hành Khất (danlambao) "Vào ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, tại nhà quàn của Nghĩa Trang còn lại hơn 60 xác chiến sĩ chưa kịp an táng. Một Chuẩn Úy vẫn ở lại, cùng với nhiều thân nhân tử sĩ có mặt, trong một hành động thật dũng cảm, thật anh hùng, nhưng đầy nước mắt, tất cả những xác ấy được chôn trong một mồ tập thể! Trong số những người có mặt và góp sức vào ngôi mộ bất đắc dĩ với vô vàn thương cảm của ngày thua trận, là một cô gái 19 tuổi đã khô cạn nước mắt, khi chôn chồng chưa cưới của cô là một Trung Úy Biệt Ðộng Quân trước đó 3 ngày. Những ngày sau đó cô vẫn ở lại bên mộ chồng với niềm thương tiếc vô biên, do vậy mà cô được góp sức vào ngôi mộ chung đó. Hiện Cô định cư ở San Jose, và cứ 2 năm 1 lần, cô về Việt Nam chăm sóc mộ chồng!..." 


F. Vài hình ảnh về những nghĩa trang lịch sử thế giới : 

Trở lại bài viết "Những sự thật về Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa", 9/01/2009, của Phong Thu, xin trích đoạn: 

"… cuộc nội chiến của Hoa Kỳ kéo dài từ năm 1860 và kết thúc vào ngày 9 tháng 4 năm 1865. Người Mỹ vẫn còn nhớ sự tổn thất nhân mạng cao nhất là Battle of Antietam, MD, vào ngày 17/9/1862 đã khiến cho 2.700 chết, 17.000 bị thương và mất tích 1.700 người. Cuộc chiến thứ hai Battle of Gettysburg, Pennsylvania, kéo dài trong ba ngày từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 7 năm 1863 đã làm cho 8.000 chết, 27.000 người bị thương, và 11.000 người mất tích

Nhưng khi cuộc chiến chấm dứt, Araham Lincoln, vị tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ đã đọc bản tuyên ngôn xác nhận quyền bình đẳng cho mọi người không phân biệt màu da, sắc tộc và chôn cất tất cả nạn nhân cuộc chiến trong một nghĩa trang. Đến hôm nay, chính quyền Mỹ vẫn còn tìm kiếm xác của các nạn nhân trong cuộc nội chiến. Những nghĩa trang đó ở tất cả các tiểu bang có cuộc chiến xảy ra và họ rất tôn trọng người chết dù cho họ là chiến sĩ hay thường dân. Tất cả các nghiã trang đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng cuả Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ

Nghĩa trang Quốc gia Arlington của Hoa Kỳ, tại tiểu bang Virginia, có tất cả 70 phân khu, trong đó có 1 phần dành riêng cho những chiến sĩ của Liên Minh miền Nam Hoa Kỳ (Confederate States), là quân đội đối kháng của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (United States) trong cuộc nội chiến đẫm máu nổi tiếng của lịch sử Hoa Kỳ. Qua bài viết "Arlington National Cemetery" trên mạng wikipedia có đoạn : 

"… Confederate soldiers buried at the Soldiers' Home and various locations within Arlington were reinterred in a Confederate section that was authorized by Congress in 1900." 

"… All Confederate headstones in this section are peaked rather than rounded. More than 3,800 former slaves, called "Contrabands" during the Civil War, are buried in Section 27. Their headstones are designated with the word "Civilian" or "Citizen." 

Tạm dịch : "… Những binh sĩ của Liên minh được chôn cất tại khu Gia Binh và các địa điểm khác nhau trong nghĩa trang Arlington được mai táng trong phân khu Liên minh qua ủy quyền của Quốc hội năm 1900." 

"... Tất cả bia mộ của Liên minh trong phân khu này được làm đỉnh nhọn hơn là tròn. Hơn 3.800 người nô lệ trước đây, gọi là "Contrabands"("người trốn lậu") trong cuộc nội chiến, được chôn cất tại Khu 27. Bia mộ của họ được ghi khắc với chữ "Thường dân" hay "Công dân"."


Và tác giả Phong Thu viết tiếp : 

"Trong thế chiến thứ 2, Đức Quốc Xã đi xâm lược khắp nơi và có 21,222 tử sĩ của quân đội Đức Quốc Xã bỏ mình trên đất Pháp. Người Mỹ và người Pháp đã đi thu lượm từng xác chết và đem chôn tại nghĩa trang La Combe ở Nomandie. Nghĩa trang đó rất uy nghi và xinh đẹp. Nó đã trở thành một di tích lịch sử của Pháp và thế giới." 

"La Cambe" là một Nghĩa trang Quân đội dành cho những binh lính Đức Quốc Xã, ở gần Bayeux, Pháp. Vùng chung quanh Bayeaux được gọi là Bessin, là một địa hạt của tỉnh bang Normandy, cũng là thành phố đầu tiên được giải thoát khỏi quân đội Đức trong trận chiến Normandy lừng danh lịch sử thế giới, bước đầu cho cuộc phản công của Đồng minh. Nghĩa trang La Cambe hiện nay có hơn 21.000 tử sĩ Đức trong chiến tranh thế giới II. Và Nghĩa trang Quân đội Bayeux là nghĩa trang Anh quốc lớn nhất trong chiến tranh thế giới trên đất Pháp. Có 4.648 phần mộ, bao gồm 3.935 tử sĩ Anh và 466 Đức. Hầu hết những binh sĩ được chôn ở đó hy sinh trong cuộc tấn chiếm bờ biển Normandy (theo wikipedia, bản tiếng Anh).


Có lẽ không ai không biết nước Pháp gánh chịu hậu quả không nhỏ trong chiến tranh thế giới II, khi họ bị tấn công toàn diện và chiếm lấy bởi quân đội Đức, nhưng sau chiến tranh, dân Pháp vẫn không "hẹp lượng". Họ đi gom lại tất cả tử sĩ của hai phe đối kháng, rồi chôn cùng một nơi như trong Nghĩa trang Quân đội Bayeux. Đó là sự kiện mà người Việt Nam chúng ta cần ngẫm nghĩ ! Và nhất là nhà cầm quyền đương thời hãy tự hỏi lại giải pháp hòa hợp dân tộc của họ như thế nào mới gọi là đúng nghĩa với chính những người cùng dân tộc mình trong chế độ cũ, trong khi sự phân biệt những tử sĩ của hai miền Nam-Bắc còn mang nặng chữ "thù nghịch"? Dù rằng trong số những tử sĩ của miền Nam cũng có những người thân đã nằm xuống trong "sứ mạng giải phóng", hay đang phục vụ cho chính quyền đương thời, nhưng nhà nước vẫn cố tình làm ngơ trước những nỗi đau âm thầm đó. Có thể ước lượng không chỉ khoảng hơn 500.000 gia đình trong miền Nam phải phục vụ cho cả hai phía, theo lời của Võ Văn Sung, ở phần trên, là 90% gia đình Việt Nam có người cả hai bên; như vậy không sao tránh khỏi những viên đạn vô tình ghim vào chính người thân gần nhất của họ. Những hình ảnh nầy là có thật và sống động hơn cả trong cuộc nội chiến của Hoa Kỳ. Và đó cũng là nguyên nhân chính trong cuộc thảm sát Mỹ Lai đã xảy ra một cách đáng tiếc bởi quân đội Hoa Kỳ. Dù rằng từ bao năm mãi đến hôm nay (2011), những người lính đó đã bày tỏ lòng hối tiếc qua việc xây dựng khu tưởng niệm, trường học, nhà thương, đường xá, giúp đỡ hội từ thiện, viện mồ côi, v.v. và hàng năm trở lại viếng thăm, thắp nhang cầu xin được thứ lỗi nơi những người mà họ cũng có thể dẫn dụ binh lính Hoa Kỳ vào tử địa vì tin tưởng qua sự làm quen thân thiện với trẻ con, phụ nữ, người già. 

Quân đội Đức gieo kinh hoàng khắp thế giới, hầu như ai ai cũng thù ghét, và sẵn sàng hy sinh để đánh đuổi họ ra khỏi những đất nước mà họ đang chiếm đóng. Nhưng sau khi kết thúc thế chiến, lại chính những người dân bản xứ đó tham gia giúp đỡ những công cuộc tìm kiếm xác binh lính Đức, và chôn cất tử tế trong những nghĩa trang theo tầm vóc quốc tế. Chính những người bị bức hại, từ thể chất đến tinh thần như thế, mà họ có thể tha thứ những tử sĩ "thù nghịch" không cùng giống nòi của họ, thì tại sao sự "thù hận" nào vẫn mãi chôn chặc trong chúng ta, Việt Nam (???). 

Thêm một bằng chứng nữa là Nghĩa trang Quân đội Đức Sandweiler, ở phía Nam Luxembourg (một nước nhỏ nhất Châu Âu, nằm giửa Bỉ và Đức), chứa 10.913 ngôi mộ của binh sĩ Đức trong trận chiến Bulge vào mùa Đông 1944, và mùa Xuân 1945. Trong số đó có 5.599 tử sĩ Đức được chôn cất bởi Cơ quan phục vụ phần mộ của Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh (theo wikipedia, bản tiếng Anh). 


Một lần nữa, xin nhìn lại những ngôi mộ tử sĩ trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà (NtQdBH). Một nghĩa trang sơ xác, buồn thảm, hoang tàn với những đống lá mục, dù đã được một số thân nhân, bạn hữu, đồng đội hay nhóm người không không quen thuộc đã bỏ tiền ra mướn người làm cỏ, đấp đất, xây mộ, dựng bia. Hoàn toàn không có sự nhúng tay giúp đỡ của nhà cầm quyền. Thậm chí, họ luôn luôn bị theo dõi, dóm ngó mỗi khi có dịp ra vào NtQdBH. Đáng thương nhất là những thân nhân ở Việt Nam của người quá cố khi trên mặt họ dường như đã được "đánh dấu" là gia đình ngụy; họ luôn lo sợ bị xem là "có ý phản động" nên phải lén lút, âm thầm dựng lại tấm bia ngã đổ, hay bứt vội vài nắm cỏ trên mộ đến chảy máu tay; rồi cũng vội vàng lén lút ra về với gương mặt lem nhem đất cát trong mồ hôi và những tiếng nấc nghẹn. 

Thỉnh thoảng, người ta thấy có vài nén hương lạnh tanh chưa được đốt, rải rác trên những ngôi mộ. Không như cảnh người rộn ràng bên cạnh những ngôi mồ tươm tất, khói hương nghi ngút, đèn thắp khắp nơi, hoa tươi trên bệ, ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Không biết có mấy ai chạnh lòng khi nhìn thấy điều nầy ? Không biết có mấy ai đỏ mắt cay trước hiện thực đau lòng ? Và không biết những người cầm quyền hôm nay có cảm thấy lòng mình ray rức chút nào không ?


Hoang phế càng thêm hoang phế, như "Thanh Gươm" của Nghĩa Dũng Đài (gồm 4 phần, cao 43m, diện tích đỉnh 3m50, diện tích chân 6m) bị phá mất phần trên khoảng 13m (dùng làm chòi canh, có thể trong khoảng năm 2004), rồi lại bị cắt bỏ thêm một đoạn 10m (sau khi bộ đội rút đi, có lẽ trong khoảng cuối năm 2006), trong "Vành Khăn Tang" (cao 5m, dày 1m2) lên mốc rêu đen vì mưa lệ của trời đất, của những anh linh tức tưởi cho thân phận người lính. Và có lẽ, họ cũng khóc cho quê hương, cho vận nước đang ngã nghiêng không người chèo chống, và cho dân tộc sắp gánh chịu nhục nô lệ ngàn năm lần nữa. Như một lời nguyền nào đó khi "Vành Khăn Tang" không còn thấm được lệ trời đất, khi "Thanh Gươm" bị nhổ bứng khỏi đất Nam, Thiên Linh sẽ biến mất, và đại họa bao trùm đất Việt ?



Tác giả Phong Thu cho biết thêm về sự phát hiện "ngôi mồ tập thể" qua sự hướng dẩn của chàng thanh niên địa phương chăm sóc mộ phần trong NtQdBH. Ngôi mồ tập thể đó là một gò đất cao đầy cỏ, nằm trong cuối dãy nhà nơi đóng quân của bộ đội quân khu 7 chiếm đóng mấy năm trước, lúc bấy giờ trở thành trường Cao đẳng địa phương. Những chiến sĩ của VNCH được đưa về ngôi nhà xác, nhưng đã bị phá hủy, gần NtQdBH sau ngày 30/04/1975, nên người ta chôn họ vào chung nấm mồ. Có thể trong số đó là những chiến sĩ còn lại sau cùng đã tuẫn tiết anh dũng khi biết rằng họ không còn cách lựa chọn nào khác, hay là những chiến binh can đảm đã tử thủ bên phòng tuyến công sự đơn sơ đến khi không còn cảm giác loạt đạn sau cùng đi qua, hay là những chiến sĩ thế cô trước hàng trăm, hàng ngàn nòng súng, để phải nhận lãnh phát "ân huệ" lạnh lùng.


Trong bài viết "Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa", 01/2003, trên tonghoithuduchaingoai.com, có phần nói về ngôi mồ tập thể nầy : 

"Vào ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, tại nhà quàn của Nghĩa Trang còn lại hơn 60 xác chiến sĩ chưa kịp an táng. Một Chuẩn Úy vẫn ở lại, cùng với nhiều thân nhân tử sĩ có mặt, trong một hành động thật dũng cảm, thật anh hùng, nhưng đầy nước mắt, tất cả những xác ấy được chôn trong một mồ tập thể! Trong số những người có mặt và góp sức vào ngôi mộ bất đắc dĩ với vô vàn thương cảm của ngày thua trận, là một cô gái 19 tuổi đã khô cạn nước mắt, khi chôn chồng chưa cưới của cô là một Trung Úy Biệt Ðộng Quân trước đó 3 ngày. Những ngày sau đó cô vẫn ở lại bên mộ chồng với niềm thương tiếc vô biên, do vậy mà cô được góp sức vào ngôi mộ chung đó. Hiện Cô định cư ở San Jose, và cứ 2 năm 1 lần, cô về Việt Nam chăm sóc mộ chồng! " 

Qua đó, ngôi mồ tập thể mà tác gia Phong Thu nhắc đến, có thể là gò mộ 60-tử -sĩ nầy, và chính nhân viên trong Ban Quản Trang cũng xác nhận có ngôi mồ tập thể mà nhiều người không biết đến. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngôi mồ tập thể nằm ngoài vòng đai của NtQdBH, nhưng nằm… trong quy hoạch của huyện Dĩ An. Và Huyện Ủy chỉ cho phép sửa chữa nghĩa trang trong phạm vi gia đình, không chấp nhận việc cho xây toàn bộ nghĩa trang, vì người đại diện cho Uỷ Ban Huyện Uỷ Huyện Dĩ An, lấy cớ rằng : 

"Huyện đã có phương án riêng nên không thể chấp nhận cho xây toàn bộ nghiã trang." 

Những "phương án riêng" của huyện Dĩ An cũng là từ cấp tỉnh Bình Dương. Trong vấn đề NtQdBH, không phải đơn thuần là một nghĩa trang dân sự, dù nó đã được khoát lên lớp áo đó; và với cái nhìn của Trung ương, luôn mang một màu sắc chính trị, thì ngay cả cấp tỉnh cũng không dám giải quyết cho xây lại toàn bộ nghĩa trang. Tuy nhiên, nếu xét về mặt "kinh tế thị trường", với cấp tỉnh cũng có thể làm được việc dễ dàng. Đến lúc nào đó, do sự yêu cầu của tỉnh nhằm phát triển về kinh tế, trung ương co thể "nhất trí" về việc quy hoạch cả khu nghĩa trang, là chuyện rất bình thường trong xã hội Việt Nam hôm nay. Vì vậy, một nhóm Việt kiều với yêu cầu không thiết thực, và phù hợp với kinh tế của huyện, tỉnh, dĩ nhiên là bị từ chối trực tiếp. Trong khi đó là vùng đất "vàng" đang chờ nhà thầu tham gia khai thác, thì khó có thể thuyết phục bằng lý lẽ của lòng nhân đạo. Trừ khi có sự trao đổi lợi lộc cân xứng và thực tế hơn từ cấp Trung ương qua những chính sách trợ giúp của Hoa Kỳ trong vấn đề tìm xác chiến binh họ ở chiến trường miền Nam, mới may ra còn chút hy vọng khôi phục lại được phần nào vùng NtQdBH vốn đã bị thu hẹp từ 125 mẫu. Và cho đến hôm nay, trong giờ phút nầy, khó có ai biết rõ chính thức còn lại bao nhiêu hecta (20 hay 58 ha như Thủ Tướng Dũng đã nói). 



Ps. Xin xem tiếp Phần 5 (cuối)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo