Tô Văn Trường (Thanhnien) - Có nhiều đặc điểm giống nhau nên trận lụt ở Bangkok đang gây lo ngại cho nhiều người về nguy cơ cũng như khả năng phòng, chống ngập lụt của TP.HCM nếu xảy ra cơn đại hồng thủy giống như Thái Lan đang phải hứng chịu.
Bangkok có đặc điểm tương tự như TP.HCM là nằm ở hạ lưu của sông lớn, đều là thành phố đông dân cư, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm khá cao, đóng góp phần lớn vào GDP của cả nước. Cả 2 thành phố đều chịu chung nguyên nhân gây ra ngập lụt là mưa, thủy triều và lũ ở thượng nguồn. Địa hình nhiều nơi trong thành phố thấp hơn mực nước biển và hằng năm đất bị lún chủ yếu do việc khai thác nước ngầm không được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Trận lụt lịch sử ở Bangkok đang gây lo ngại cho nhiều người về nguy cơ cũng như khả năng chống lụt ở TP.HCM - Ảnh: Reuters
Nguy cơ thấp hơn Bangkok
Nguyên nhân gây ngập do mưa và do thủy triều ở Bangkok và TP.HCM có thể là tương tự như nhau, tuy dao động triều của Bangkok chịu ảnh hưởng của vịnh Thái Lan, còn TP.HCM chịu tác động của triều biển Đông. Khách quan mà nói điều kiện ở TP.HCM cũng thuận lợi hơn: triều biển Đông là bán nhật triều, biên độ lớn, chân triều thấp, dễ tiêu thoát hơn. TP.HCM cũng không hoàn toàn nằm chắn ngang đường ra biển của các con sông như Bangkok và lũ sông Sài Gòn (2.800 m3/giây) nhỏ hơn lượng nước từ tỉnh Ayutthaya tràn vào Bangkok vừa qua có lưu lượng khoảng 4.000 m3/giây.
Một ưu thế nữa của TP.HCM so với Bangkok là phía thượng lưu của TP.HCM được điều tiết chủ yếu nhờ hồ chứa thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai và hồ thủy nông Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn. Như vậy, kiểm soát ngập do mưa và triều, TP.HCM có thể chủ động đối phó thông qua kiểm soát chế độ vận hành điều tiết các hồ chứa.
Nhưng kiểm soát kém hơn
Nguy cơ thấp hơn nhưng nếu chỉ nói riêng việc kiểm soát ngập lụt do mưa tại chỗ và thủy triều thì Bangkok đã làm tốt hơn TP.HCM. Hơn chục năm nay Bangkok đã giải quyết cơ bản ngập lụt nhờ hệ thống đê bao và rất nhiều trạm bơm điện. Nhưng éo le là nguyên nhân ngập lụt chính của Bangkok năm 2011 lại do yếu tố lũ thượng nguồn đổ về vượt quá tần suất tính toán và mọi dự đoán ban đầu. Cộng thêm yếu tố triều cường càng làm tình hình thoát lũ trở nên khó khăn hơn.
Bài học đắt giá qua kinh nghiệm của Bangkok là tập trung quá lớn vào biện pháp công trình lên đê, trạm bơm mà chưa coi trọng đúng mức đến các giải pháp thích nghi và giảm nhẹ như xác định khu chứa lũ, truyền lũ. Vấn đề chính của Bangkok là đã xây dựng đường giao thông và các khu đô thị chắn ngang đường thoát của nước lũ ra biển làm dâng mực nước phía trên. Ngoài ra, các đường sông thoát nước ra biển cũng không đủ khẩu độ để tiêu thoát nước. Mấy ngày gần đây, Bangkok đã phải khẩn trương điều chỉnh dòng nước lụt qua các kênh đào ở phía đông và phía tây của thành phố để tháo nước ra biển. Phía thượng nguồn rừng bị khai thác nhiều, quy trình vận hành các hồ chứa có vấn đề nên không phát huy được khả năng cắt lũ tối đa cho phần hạ lưu, trong đó có Bangkok. Các hồ chứa thường lo tích nước để phát điện, gặp năm lũ lớn như năm 2011 không còn dung tích để chứa lũ. Công tác dự báo lũ chưa sát với thực tế và nhiều nơi còn chủ quan, ứng phó theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.
Đây cũng là bài học chúng ta phải quan tâm rà soát, chú ý khi làm quy hoạch giao thông, quy hoạch các khu đô thị và quy hoạch thoát lũ cho tất cả các con sông ở nước ta và các giải pháp khi ứng phó với thiên tai.
Bài toán hệ thống
Để phòng chống ngập, lụt cho TP.HCM, bờ tả của sông Sài Gòn (vùng đệm trong tương lai) cần phải tính toán lại đảm bảo yếu tố kinh tế nhưng ít gây xáo trộn đời sống nhân dân. Cụ thể, cần quan tâm đến các giải pháp mềm, khu chứa nước, thoát nước, thích ứng với thiên nhiên, tránh “quy hoạch đuổi”, bị động, nặng về công trình như vừa qua. Từ trước đến nay, ngay các cơ quan chuyên nghiệp làm quy hoạch còn “lỗ hổng” lớn là chưa chú trọng đúng mức đến khâu quản lý sau quy hoạch.
Bài toán triệt để giải quyết ngập lụt khu vực TP.HCM là bài toán hệ thống, giải quyết tổng hợp các yếu tố mưa, lũ, triều. Hệ thống kênh mương, cống phải tiêu được nước và hệ thống đê bao không để nước tràn vào phải được làm đồng bộ. Đồng thời phải có phương án bố trí máy bơm cho các lưu vực cục bộ, nơi mà dự kiến xây dựng hệ thống công trình thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu tiêu, nhất là vào thời đoạn xảy ra mưa lúc triều cường. Bên cạnh đó, phải kết hợp với giải pháp “mềm” thích nghi với tự nhiên, có vùng chứa nước, thoát nước, kết hợp chặt chẽ với công tác dự báo để điều tiết vận hành bài toán liên hồ chứa một cách khoa học, hiệu quả.
Ý tưởng xây dựng tuyến đê biển
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và căn cứ vào khiếm khuyết của các dự án chống ngập hiện nay, Tổng cục Thủy lợi đã đưa ra ý tưởng xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công, trong đó có đề cập việc chống ngập cho cả vùng Đồng Tháp Mười và khu vực TP.HCM xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đây là ý tưởng hay, táo bạo, nhưng tác động đến môi trường chủ yếu là giao thông thủy và rừng ngập mặn Cần Giờ cho nên cần câu trả lời cụ thể từ kết quả của 6 đề tài nghiên cứu khoa học đang thực hiện đánh giá “được - mất” về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và kết quả khoan thăm dò địa chất của phía Hà Lan.
Cần “nhạc trưởng” đủ mạnh
Thành phố thiếu “nhạc trưởng” đủ mạnh, có tầm nhìn xa nên các quy hoạch ngành, rời rạc thiếu tính hệ thống, đồng bộ kể cả quy hoạch cốt nền và quy hoạch chống ngập, giao thông, xây dựng... Quy hoạch của JICA (Nhật Bản) chỉ chống ngập do mưa cục bộ ở vùng nội đô. Quy hoạch thủy lợi chống ngập của Bộ NN-PTNT (đã được Thủ tướng phê duyệt) chỉ chống ngập do thủy triều, trong đó vùng 1 đóng vai trò quan trọng nhất gồm khu bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, vùng 2 gồm khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn và vùng 3 gồm khu vực bờ tả sông Sài Gòn, được xác định là vùng đệm trong tương lai. Dự án này có lúc gây tranh luận khá nhiều về tính hiệu quả do 12 cống lớn và hàng chục cống nhỏ.