Tuyên bố chung mang tên Nô Lệ - Dân Làm Báo

Tuyên bố chung mang tên Nô Lệ

Dân Làm Báo Một tuyên bố chung dài 3208 chữ có thể được tóm lại bằng một câu 41 chữ: "Khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt - Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau". Ngắn gọn hơn chỉ cần: Nô lệ.

Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia dựa vào tương quan quyền lợi của mỗi quốc gia để mà có lúc này, lúc khác. Lịch sử Việt Nam hơn 4000 năm đã chứng minh điều đó với 4 lần Bắc thuộc và nhiều thăng trầm. Những nấm mồ của các chiến sĩ Việt Nam vùng biên giới 1979 vẫn y nguyên đó. Vừa khẳng định nó là "đời đời" vừa để "truyền MÃI cho các thế hệ mai sau" là một điều vừa vô lý, không tưởng. Nó chỉ có thể giải thích bằng tinh thần "đời đời thần phục thiên triều". 

Bên cạnh khía cạnh quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ giữa hai dân tộc. Nếu coi đó là "tài sản" thì đó là "tài sản" của 2 quốc gia. Tại sao ông Tổng bí thư của một đảng nắm quyền coi đó là tài sản của đảng ông với trò ma thuật trong cách viết vừa ăn ké vừa ăn trùm "là tài sản quý báu chung của hai đảng, hai nước và nhân dân" trong đó đảng đứng trước. 

Từ cái "tài sản chung" nhưng thực chất là bản ký kết "đời đời thần phục thiên triều cho đến mãi các thế hệ mai sau", ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò chỉ là người đứng đầu một đảng, không có thẩm quyền gì được quy định bởi hiến pháp đã "mở rộng toàn diện và đi sâu hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực giữa hai nước"

Phải nói bản tuyên bố nô lệ dài 3208 chữ không bỏ xót một lãnh vực nào. Từ giao lưu hợp tác giữa nội bộ hai đảng để dạy nhau (hay đúng ta là đảng viên CSVN đi học Trung Quốc giống như thời đi học làm Cải cách ruộng đất!?) phương thức đào tạo cán bộ, xây dựng đảng, cai trị đất nước, đến... y hệt như vậy chỉ cần thay chữ đảng thành quân đội; Từ pháp luật an ninh (điều này thì không phải xen vào nội bộ Việt Nam!) của công an đến tòa án, viện kiểm sát, hành chính tư pháp; Và mọi lãnh vực kinh tế quốc gia như "thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông lâm nghiệp, giao thông, điện lực, công nghệ thông tin, khoáng sản, năng lượng, du lịch, khoa học kỹ thuật, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, y tế, thể thao, báo chí, giao lưu nhân dân, tuyên truyền tình hữu nghị Việt - Trung, tăng cường định hướng dư luận và quản lý báo chí…". Không một góc xó nào mà không có sự hiện diện của Trung Quốc dưới danh nghĩa "thúc đẩy hợp tác"

Nhưng lẫn lộn trong bức tranh nô lệ toàn phần ấy là 2 hiểm họa đáng lo nhất, ảnh hưởng ngay lập tức đến chủ quyền của đất nước. 

Thứ nhất là ông Tổng bí thư đảng CSVN đã đồng ý để quân đội Trung Quốc chính thức có mặt dọc vùng biên giới Việt Nam qua cái gọi là "tuần tra chung biên giới đất liền" mà ông mập mờ gọi thêm là "thí điểm" "vào thời điểm thích hợp". Thế nào là "biên giới đất liền"? Nếu nó là những vùng dọc biên giới bên phía của Việt Nam thì tại sao lại phải có sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong cái gọi là "tuần tra chung". 

Trong nhiều năm qua, hiện tượng cho thuê rừng đầu nguồn, các công trường khai thác của Trung Quốc mọc lên vùng biên giới và sự có mặt đông đảo của binh lính Trung Quốc đóng vai công nhân, lao động. Bây giờ lại qua tuyên bố chung này, ông Trọng đã đóng dấu cho sự có mặt chính thức của quân đội Trung Quốc ở vùng biên giới Việt Nam. 

Quân đội Trung Quốc hiện diện dọc theo biên giới chưa đủ, ông Trọng đã mở cửa cho Trung Quốc ở những tỉnh giáp giới Trung Quốc bằng tuyên bố đồng thuận "Mở rộng hơn nữa sự giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh giáp biển, giáp biên giới của hai nước như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu của Việt Nam với Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam của Trung Quốc". Điều này lại nhắc nhớ đến sự cố ra lệnh treo lồng đèn Trung Quốc và lén lút đổi ngày tái tỉnh Lào Cai trùng với ngày Quốc khánh Trung Quốc để kỷ niệm 20 năm. 

Thứ hai, ông Nguyễn Phú Trọng qua tuyên bố chung đã "khéo léo" đồng ý cho sự có mặt của hải quân Trung Quốc trên vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc qua cái điều "tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ"

Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ đã được người tiền nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng âm thầm ký kết với đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2000 và làm mất đi một vùng lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tay Trung Quốc. Chính vì vậy là mãi đến năm 2004 nội dung hiệp định này mới được công bố. Dù đã mất đi phần nào nhưng trên nguyên tắc lãnh hải cũng đã phân định, vùng biển thuộc chủ quyền của nước nào thì nước ấy tuần tra. Tại sao lại có chuyện "tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ" khi mà hiện nay rất nhiều vùng biển của Việt Nam đang bị Trung Quốc dán nhãn là vùng đang tranh chấp hay "chủ quyền không thể tranh cãi" của Trung Quốc? 

Và trong cái không khí phải căn dặn nhau "Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hoá hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông", thì "tuần tra chung" đúng ra là một âm mưu để từng bước bình thường hóa sự có mặt của hải quân Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đang muốn biến thành vùng đang tranh chấp để bước đến giai đoạn vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc không thể tranh cải được. 

Tất cả những điều trên không phải ông Nguyễn Phú Trọng và tùy tùng của ông 15 UVTƯĐ đi cùng ông không biết. Bản tuyên bố chung này đã được soạn thảo và chờ sẵn ông tại Bắc Kinh từ trước khi ông rời Hà Nội. Nó đã được lãnh đạo hai đảng thảo luận và đồng tình như một cuộc buôn bán và đổi chác. Ông Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm của ông không bị sụp bẫy Trung Quốc và bản tuyên bố chung là kết quả sau cùng của một cuộc đi buôn mua lấy sự sống còn của đảng CSVN. Món hàng trong túi là đất nước Việt Nam mà đảng CS đã bằng điều 4 hiến pháp đã dành quyền độc tài lãnh đạo - lãnh đạo thì dở nhưng đem buôn, đem bán thì rất giỏi. 

Trong bản tuyên bố chung ông Nguyễn Phú Trọng đã "tin tưởng vững chắc Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất định sẽ đoàn kết chặt chẽ và dẫn dắt nhân dân Trung Quốc thực hiện thắng lợi mục tiêu vĩ đại xây dựng toàn diện xã hội khá giả và đẩy nhanh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa" thì chắc hẵn ông Trọng và tập đoàn phe phái của ông cũng tin tưởng rằng những người như ông sẽ dẫn dắt nhân dân Việt Nam mau chóng đi vào vòng nô lệ hoàn toàn của Trung Quốc. 



 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo