Mẹ Nấm - Có một nỗi buồn không giải thích được, đó là sự im lặng rút lui của hai người cùng đứng tên trong lá thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Không thể trách người khác được, bởi lý do cá nhân mà mọi người đưa ra, nó hoàn toàn là vấn đề cá nhân.
Tôi bàn với các bạn, chúng ta không thay đổi nguyên tắc công khai tên người gửi thư đến ông Sang, trong lá thư cuối cùng gửi đi, bởi, nếu dám lên tiếng vì một điều đúng đắn thì việc cần phải làm đầu tiên đó là công khai.
Có thể nay mai sẽ có vài người, nhiều người nữa xin rút tên khỏi lá thư, nhưng tôi và các bạn tôi, vẫn tiếp tục đi tới, bởi chúng tôi tin rằng, xã hội nhất định sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp, từ chính sự đấu tranh nội tâm của mỗi cá nhân.
Tôi buồn, các bạn tôi buồn, khi nhận được email xin rút lui của một người đứng tên trong danh sách sáng nay, bởi cái suy nghĩ "thêm một chữ ký cũng chẳng làm gì"..
Nó giống như một khoảng lặng, giữa dòng chảy háo hức và nhiệt huyết mà chúng tôi đang đi theo.
Bạn tôi bảo, hay thôi, em đừng công khai tên người gửi nữa, như vậy chắc sẽ có rất nhiều người ký tên... Hay thôi, em đừng viết thư tình gửi Chủ tịch nước nữa, em viết gọn và đanh vào, sẽ có rất nhiều người bên ngoài ủng hộ em...
Nhưng rõ ràng là chúng tôi biết, quyền của mỗi công dân trong một xã hội dân sự bình thường nằm ở đâu, nếu việc viết thư ngỏ cho Chủ tịch nước đề đạt một nguyện vọng chính đáng của mình là sai, là phiền nhiều, thì phải chăng chính chúng ta tự tước đoạt đi ước mơ về sự tự do của chính bản thân mình??
Nỗi buồn của công việc, rồi sẽ qua, khi cuối ngày có một email chia sẻ từ một người chị lạ :
Em Như Quỳnh quý mến,
Đọc xong "đôi điều "của em, chị thích lắm, viết ngay cho em đây. Em vừa cập nhật danh sách người ký, vừa giúp mọi người giữ cái " hào khí thư ngỏ ", vừa bổ sung chi tiết hay những vấn đề liên quan đến mục đích của thư ngỏ và có khi vượt lên cả mục đích ban đầu. Như cái điều nhắc đến các bác A, bác Toàn, thật là tuyệt chiêu Chi- mong em tiếp tục như thế, lỡ ra tuy có thể thành" lắm điều " mà vẫn hay em ạ .
Chị đã xem nhiều phóng sự hình ảnh, phim, các đoạn video máu me tàn nhẫn về những giây phút cuối của vợ chồng Hitler và Ceaucescu, của Saddam Hussein và gần đây nhất Gaddafi, không bao giờ chị chấp nhận những thứ tàn bạo đó cho dù tội lỗi của họ có như "nhân dân" vẫn nói : trời không dung, đất không tha[1] , nhưng đoạn thư của thầy Toàn lại nhẹ nhàng làm giảm đi cái độ thảm khốc mà lại thêm ấn tượng và khôi hài. Đối với những kẻ dùng bạo lực, phải đưa hình ảnh bạo lực cận kề đến bản thân chúng, mới làm chúng sợ, với người lành như bác thì chúng ta chỉ nên giữ cái phần khôi hài tận cùng nhục nhã: lắp bắp, ống cống...
Kế đến là chị mong em giữ gìn sức khoẻ và thận trọng cho an ninh của mình, ở nhà lẫn ngoài đường (em cũng biết, "côn đồ " còn có thể xông vào đồn công an để đánh nhân dân thứ thiệt) dù chị biết rằng khi viết thư này, em đã biết trước, nếu không nói là coi thường hiểm nguy, vì em tin vào cái mục đích tốt đẹp của việc mình làm. Chị mong điều an lành đến với những người như em, những người nghĩ và hành động vì và cho người khác, chị tin chắc chắn rằng đất trời, thần thánh và nhất là những con người tốt luôn luôn che chở và bảo vệ họ.
Sau cùng chị mong rằng trong những đôi điều sắp tới em nhắc đến một điều canh cánh trong lòng chị nhũng ngày gần đây: cô Tạ Phong Tần, một blogger bị bắt đi bắt lại nhiều lần, mà lần cuối này lại quá lâu. Cô Tần cũng tranh đấu cho xã hội VN được tốt đẹp hơn.
Quý em nhiều
chị Tuyến
Thế đấy, nỗi buồn nào rồi cũng được lấp đầy bằng những niềm vui nho nhỏ phải không tôi?