Thu Hằng - Đức Minh (phapluattp) - Đại biểu Quốc hội nghi ngờ báo cáo về trồng rừng của chính phủ. Không để nước ngoài “bảo vệ” rừng. Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng toàn quốc đưa ra nhiều con số đẹp và kết luận những năm qua diện tích rừng của nước ta đã tăng liên tục, độ che phủ rừng cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, thảo luận về nội dung này sáng 1-11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tỏ ra nghi ngờ về những số liệu trong các báo cáo nói trên và yêu cầu phải kiểm tra thực địa để có cơ sở đánh giá dự án.
Những con số không ai tin được
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng việc đánh giá kết quả của dự án là đạt yêu cầu bằng những con số quá đẹp về diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên,… được thể hiện trong báo cáo khiến cho ai cũng nghi ngờ. “Tôi khẳng định như vậy. Vì trên thực tế, riêng chuyện giao đất cho doanh nghiệp (DN) thì có mấy DN đi trồng rừng? Đa số người ta khai thác, chuyển qua trồng cao su, cây nọ cây kia. Bao nhiêu đất lâm nghiệp trồng rừng trên giấy tờ nhưng thực chất DN làm resort. Hầu hết các resort ven núi, ven rừng toàn là từ giao đất lâm nghiệp. Đó là đất lâm nghiệp giả nhưng vẫn cứ được thống kê vào báo cáo là đất lâm nghiệp hết!” - TS Lịch bức xúc nói.
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cũng tỏ ra lo lắng trước các số liệu trong báo cáo. “Nước nào có độ che phủ rừng 60% thì nước đó không sợ hạn hán và rất ít lũ lụt. Nhưng thực tế độ che phủ của rừng của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước khác. Việc 100.000 ha cao su cũng được gọi là rừng thì có nhiều ĐBQH phản đối quyết liệt. Vì phá rừng đi trồng cao su thì không thể gọi là trồng rừng được. Vấn đề rừng như vậy cũng có lợi ích nhóm. Nếu QH không làm kỹ thì đến lúc đất nước chúng ta sẽ hết rừng” - ông Thảo cảnh báo.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng toàn quốc. Ảnh: TTXVN
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cũng lo ngại: “Thực tế nhiều dự án giao đất cho DN để trồng rừng, bảo vệ rừng nhưng DN lại đi khai thác, như vậy là phá rừng chứ không phải bảo vệ rừng. Bên cạnh đó là các dự án được giao để phá rừng như làm thủy điện, du lịch… Như vậy có khác nào phá rừng có tổ chức và được phép phá rừng!”.
Để đảm bảo mắt thấy, tai nghe về kết quả của dự án trồng rừng, ĐB Lịch đề nghị QH kết thúc chương trình dự án trồng mới 5 triệu ha rừng này bằng việc giám sát thực địa để kiểm chứng những gì trong báo cáo có đúng hay chỉ trên giấy tờ.
Không để nước ngoài “bảo vệ” rừng
ĐB Thúy cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng giao đất cho DN nước ngoài thuê để trồng rừng. “Đặc biệt là một số địa điểm trọng yếu về an ninh, quốc phòng nhưng vẫn cho thuê thời gian dài, trong khi việc quản lý, giám sát thì lỏng lẻo. Tôi đề nghị Chính phủ phải rà soát và thu hồi lại những dự án giao rừng ở các vực này để giao cho người dân và các đơn vị quân đội trong nước làm” - bà Thúy nói.
ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) phản ánh những bức xúc của dư luận, báo chí nêu trong thời gian qua về việc cho nước ngoài thuê đất, thậm chí cả đất quốc phòng với giá rất thấp, chẳng khác gì cho không (chỉ 180.000 đồng/ha). “Đây là vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc, đánh giá đầy đủ. Dư luận quan tâm về tính nhạy cảm của việc một số địa phương cho nước ngoài thuê đất mà thời gian khá dài, 50 năm. Tại sao các địa phương cho thuê như vậy nhưng Chính phủ không nắm để tới khi báo chí nêu rầm rộ mới té ngửa ra? Quản lý đất rừng lỏng lẻo như thế thì nguy hiểm quá! Đất rừng là “rào giậu” quốc gia, Chính phủ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này!” - ĐB Thông nhấn mạnh.
Không "công nghiệp hóa bằng mọi giá"
Sáng cùng ngày, thảo
luận về Kế hoạch sử dụng đất năm năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch
sử dụng đất 2011-2020, ĐB Trần Du Lịch tiếp tục tỏ ra nghi ngờ giữa thực
tế và giấy tờ về con số 3,8 triệu ha đất nông nghiệp cần phải giữ.
“Thực tế trên giấy tờ hiện nay là đất lúa nhưng thực tế là biệt thự
vườn. Việc này tôi kiểm tra rồi, ngay cạnh các TP ở Tây Nguyên người ta
làm biệt thự rất đẹp cả ngàn mét vuông rất phổ biến và trên giấy tờ họ
cứ giữ là đất nông nghiệp” - TS Lịch dẫn chứng.
ĐB Lê Nam (Thanh
Hóa) cho rằng do cơ chế quản lý đất như hiện nay khiến chúng ta đang mất
đất. “Tình trạng xã xã bán đất, huyện huyện bán đất, tỉnh tỉnh bán đất
và quốc gia cũng bán đất gần như một phong trào. Thực tế, ngân sách xã,
huyện, tỉnh, nhiều nơi không có nguồn thu gì, may ra có chút thuế, còn
lại là bán đất. Bây giờ KCN mới lấp đầy được hơn 40% mà lại tiếp tục lấy
đất phát triển KCN nữa thì không ổn” - ông Nam lưu ý.
ĐB Nguyễn Đình Quyền
(Hà Nội) cũng nêu thực trạng về việc quy hoạch đất đai không thành công
khiến cho nhà nhà đi làm KCN, nhà nhà làm sân bay, nhà nhà làm cảng
biển. “Đáng lo hơn là có KCN nhưng không ai vào, có sân bay nhưng không
ai đến, có cảng biển nhưng không có tàu cập bến. Đó là lợi ích nhóm, là
tư duy nhiệm kỳ, cục bộ địa phương” - ông Quyền nhấn mạnh.
ĐB Lịch cũng đề nghị
nhà đầu tư và chính quyền phải có phương án giải quyết cuộc sống cho
người nông dân khi thu hồi đất làm dự án, làm KCN chứ không thể công
nghiệp hóa bằng mọi giá như thế này!
Kết quả trồng rừng từ năm 1998 đến 2010
- Tổng diện tích đã
trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng hơn 4,675 triệu ha, đạt 93,5% kế
hoạch. Trong đó, trồng rừng đạt hơn 2,45 triệu ha (rừng phòng hộ, đặc
dụng: hơn 898.000 ha, rừng nguyên liệu hơn 1,55 triệu ha); khoanh nuôi
tái sinh rừng hơn 1,28 triệu ha; trồng cây công nghiệp và ăn quả hơn
941.000 ha.
- Tổng diện tích rừng cả nước liên tục tăng từ năm 1998 là hơn 10,4 triệu ha lên gần 13,4 triệu ha năm 2010.
- Độ che phủ tăng từ 32% lên 39,5%, tính cả diện tích cây công nghiệp, ăn quả, độ che phủ tăng lên 46,4%.
- Trữ lượng gỗ 935,3 triệu m3.
(Nguồn: Báo cáo tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng toàn quốc)
|