"Sếp" EVN đau lòng vì lương nhân viên 7,3 triệu đồng - Dân Làm Báo

"Sếp" EVN đau lòng vì lương nhân viên 7,3 triệu đồng

- Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phạm Lê Thanh cho hay, lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng một tháng và chia sẻ "rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó".

Theo báo VnExpress, tại buổi họp công khai khoản lỗ của ngành điện chiều 19/11, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn ngành điện là 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Riêng năm 2010, ông Thanh không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết, lỗ bằng 95% lương.

Trước thắc mắc, ngành điện kêu lỗ nặng, nhưng cán bộ công nhân viên "nhà đèn" vẫn có mức lương khá cao, ông Phạm Lê Thanh thừa nhận là có phản ánh đó. Tuy nhiên, theo ông, cần xem xét cụ thể bởi đó có thể là lương, có thể là thu nhập. Còn lương để hạch toán vào giá thành điện thì chỉ 7,3 triệu đồng mỗi tháng.

“Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”, ông Thanh nói.

Vị lãnh đạo này cho biết, ngoài khoản lỗ trên 10.000 tỷ đồng do kinh doanh điện, khoản lãi từ các ngành hàng khác đã giảm lỗ xuống khoảng 8.000 tỷ đồng; EVN còn lỗ thêm khoảng 15.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Theo ông Thanh, hiện nay nhiều người vẫn hiểu rằng, EVN lỗ là do phải đang bù lỗ cho những người nghèo, nhưng thực chất là tập đoàn đang phải bù lỗ cho những người giàu và trung lưu. Bởi theo tính toán của "nhà đèn", nếu mỗi gia đình dùng 1 triệu đồng tiền điện một tháng thì EVN phải bù 300.000 đồng. Các hộ sử dụng điện hết 2 triệu đồng ngành điện bù lỗ 600.000 đồng. Theo lãnh đạo EVN, đây là một nghịch lý của ngành điện.

Hiện EVN lỗ nhưng phải chịu áp lực trong việc huy động nguồn lực để đầu tư cho các dự án trong tương lai. Điều này dẫn đến việc khó kêu gọi vốn bởi nhà đầu tư kinh doanh phải dựa trên cơ sở có lãi.

"EVN và Bộ Công Thương đang phải chịu lỗ 10.000 tỷ đồng, vậy ai chịu cho chúng tôi, hay chúng tôi đứng ra để chịu cho cả xã hội? Chúng tôi mua điện giá cao về để bán điện thấp cho cả xã hội", ông Thanh nói.

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN. Ảnh: VnExpress

Trước đó, cũng trên báo này, ông Phạm Lê Thanh cho hay, tài sản EVN hình thành chỉ có 30% vốn chủ sở hữu, còn 70% là vốn vay chủ yếu từ nước ngoài của các tổ chức tín dụng. EVN vay bằng USD của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), đồng Yên của Nhật Bản, EUR của các tổ chức tín dụng Bắc Âu. Do vậy khi gặp biến động tài chính trên thị trường thế giới thì EVN dễ bị tổn thương.

EVN ngoài khoản lỗ trên 10.000 tỷ đồng, do kinh doanh các mặt hàng khác đã giảm lỗ xuống khoảng 8.000 tỷ đồng, thì còn lỗ thêm khoảng 15.000 tỷ do chênh lệch tỷ giá. Nếu theo tính toán, toàn bộ số lỗ này đều phải hạch toán hết vào giá thành. Nếu như EVN chưa được điều chỉnh giá điện thì ngành điện không có tiền trả nợ cho các tâp đoàn.

Không cho biết chính xác thời gian và mức tăng giá điện song ,Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng của EVN năm 2010 sẽ được hạch toán vào giá điện.

"Lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là hơn 10.000 tỷ và số nợ không trả được cho ngành dầu khí, than là trên 11.000 tỷ đồng. Bộ Tài Chính cũng đã có chỉ đạo hạch toán lỗ vào giá điện chứ không còn có thể hạch toán vào đâu được. Bởi nguyên tắc, EVN chỉ thực hiện sản xuất kinh doanh điện. Vì vậy, khoản lỗ do giá bán thấp hơn giá thành của Tập đoàn này đương nhiên sẽ được hạch toán vào giá điện trong những đợt điều chỉnh thời gian tới.


Bắc Lưu (Tổng hợp)

http://bee.net.vn/channel/2043/201111/Sep-eVN-dau-long-vi-luong-nhan-vien-73-trieu-dong-1817339/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo