Nguyên Thảo (VNEconomy) - Dù được đích danh Thủ tướng đề nghị đưa vào chương trình, song dự án Luật Biểu tình đã vấp phải phản ứng khá mạnh từ không ít đại biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 17/11.
Tuy nhiên, ý kiến trái chiều cũng không kém phần sắc bén.
Hành lang Quốc hội trong giờ nghỉ giải lao rộn ràng hỏi đáp, bàn luận liên quan đến dự án luật mới chỉ nằm trong chương trình chuẩn bị này.
Đề nghị loại bỏ
Ngay câu đầu tiên của bài phát biểu, đại biểu Hoàng Hữu Phước (Tp.HCM) đã “đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật Lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 này".
Lấy ví dụ từ cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử loài người năm 1913 do Gandhi tổ chức nhằm phản đối Chính phủ Vương quốc Anh áp bức nhân dân Ấn Độ, đại biểu Phước cho rằng: "Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ nước mình".
"Như vậy, Việt Nam có cần cho biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không? Nếu không cần, tại sao lại đưa vào dự án Luật Biểu tình, như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ", ông Phước nói tiếp.
Đại biểu Hoàng Hữu Phước (bên trái) và đại biểu Dương Trung Quốc có quan điểm trái ngược về dự án Luật Biểu tình - Ảnh: CTV.
Dẫn ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực từ các nhóm biểu tình, ông Phước đặt vấn đề, liệu "cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân?".
Đại biểu Phước cũng khẳng định, đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình, vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn.
Với lập luận là cuộc biểu tình tháng 8 vừa qua tại Luân Đôn và lan ra một số thành phố lớn khác đã biến thành "bạo loạn, cướp bóc, đốt nhà, làm ô danh đất nước", cuộc biểu tình chiếm phố Wall đã "làm ô danh" nước Mỹ, ông Phước nhấn mạnh: "Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh!".
Cùng quan điểm chưa cần thiết phải có luật biểu tình, một số vị đại biểu khác tán thành với ý kiến của đại biểu Phước.
Nên có càng sớm càng tốt
Gần hết 7 phút phát biểu của đại biểu Phước, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn nút đăng ký phát biểu.
Ông nói: "Tôi muốn trao đổi ý kiến của một số đại biểu cho rằng Luật Biểu tình là chưa cần thiết. Ở Quốc hội, đã đề cập đến vấn đề gì cần nghiên cứu đến nơi đến chốn, đưa ra những bằng chứng lịch sử dở dang, ngộ nhận là hết sức nguy hiểm".
Sau câu vào đề, đại biểu Quốc khẳng định, chúng ta đang được hưởng Ngày Quốc tế lao động là thành quả của cuộc đấu tranh của những người lao động ở Chicago (Mỹ) từ những thế kỷ trước. Chúng ta tự hào rằng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hạt nhân lãnh đạo là những người cộng sản biết tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình...
Nhắc lại bản sắc lệnh số 31, ban hành chỉ 11 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, ông Quốc cho biết chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích trong bản sắc lệnh nội hàm của chữ "biểu tình", để "chúng ta thấy được phải nhận thức nó từ hai chiều".
Văn bản này viết rằng "công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài".
"Đúng là trong Hiến pháp năm 1946 không có chữ "biểu tình". Nhưng trong sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành trước đó đã giải thích, "xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa, nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời cần phải xem xét kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao nên ra sắc lệnh này", tức là sắc lệnh về biểu tình", đại biểu Quốc phân tích.
"Nhìn biểu tình theo cả hai cách thì đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp để mà thực thi quyền hành pháp, còn nếu chỉ nhìn một mặt thì chỉ nhìn thấy mặt hỗn loạn của nó thôi", đại biểu Quốc nói.
Thêm một lần lấy ví dụ từ hiện tượng diễn ra ở tỉnh Thái Bình, ông Quốc cho rằng, nếu quan niệm đơn giản như đại biểu Phước thì chỉ có cách dẹp bỏ. Nhưng chính lúc đó các nhà lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã trực tiếp đi vào tận tâm bão tìm hiểu, thì thấy hai mặt của vấn đề có những yếu tố kích động, nhưng cũng có những yếu tố thực tế, có vấn đề trong bộ máy lãnh đạo cầm quyền, vì vậy dẫn đến sự điều chỉnh một cách thích hợp.
Cũng theo vị đại biểu này thì việc biểu tỏ thái độ của người dân là cần thiết, có nhiều hình thức khác nhau, việc tụ tập đông người - mà thực chất là biểu tình - chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Ông Quốc cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm không tán thành lạm dụng việc nhân danh nhân dân. "Tại diễn đàn Quốc hội, chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó, nó dẫn đến tiêu cực xã hội".
Theo phân tích của đại biểu Quốc, thì không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất chủ động đề cập đến việc đề nghị đưa vào chương trình lập pháp dự án Luật Biểu tình.
"Chúng ta cần phải có Luật Biểu tình càng sớm càng tốt. Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, chúng ta phải có lộ trình thích hợp, thận trọng, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo trong thế giới hiện nay", đại biểu Quốc kết thúc khi thời gian phát biểu cũng vừa hết.
Phát biểu sau đó, cả đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) và đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) đều "đồng tình như ý kiến của đại biểu Phước".
"Đưa Luật Biểu tình này vào trong thời điểm này, theo tôi nghĩ là chưa phù hợp và phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng", ông Nghĩa phát biểu.
"Tôi không phản đối Luật biểu tình nhưng cần phải tính toán thời điểm nào ban hành cho nó phù hợp và trước mắt tôi đề nghị chưa đưa luật này vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa 13", đại biểu Tùng nói.
Nguyên Thảo
Nguồn : VNEconomy.VN
Nguyên Thảo
Nguồn : VNEconomy.VN