Bút Lông - Mới đây, phát biểu về đề xuất tăng giá bán điện của Tập đoàn Điện lực EVN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: “Trước mắt, Bộ Công Thương phải công khai kết quả kiểm toán và công khai hóa giá thành của EVN đã”. Theo Phó Thủ tướng, trên cơ sở đó toàn xã hội, khách hàng của EVN mới có thể giám sát kết quả sản xuất, kinh doanh điện của EVN. “Việc này cần phải làm trước tiên chứ nếu tăng giá điện mà người dân chưa được biết kết quả kiểm toán thì đó là điều bất hợp lý” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Thông điệp đó còn được nâng cấp lên trong văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký, phát hành (ngày 14-11). Theo đó, từ nay với chức năng giám sát, kiểm tra chi phí, Bộ Tài chính phải công khai báo cáo tình hình tài chính và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Nhiều người đã đánh giá rằng đó là những tín hiệu đầu tiên của cơ chế quản lý các DNNN mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3.
Nhưng không thể không đặt ra câu hỏi, vậy tại sao trước nay các báo cáo tài chính DNNN không được công khai? Và sự mập mờ đó có phải là lỗ hổng của luật?
Tại hội thảo về tái cơ cấu DNNN vừa kết thúc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - TS Võ Trí Thành cảnh báo ở DNNN luôn tồn tại hai vấn đề muôn thuở không thể giải quyết tận cùng được (mà chỉ có thể giảm thiểu). Một là cơ chế người đại diện chủ sở hữu Nhà nước và xung đột lợi ích. Hai là rủi ro đạo đức trong hoạt động của DNNN, vì nơi đây có “tiền chùa” và ranh giới mong manh giữa kiểu “làm liều” và trách nhiệm đảm bảo hiệu quả tổng thể.
Thật ra hai vấn đề TS Thành nêu có quan hệ mật thiết với nhau và đó cũng là lý do chủ chốt tạo ra tình trạng “mập mờ” lâu nay. Vì thế như TS Thành đề xuất vấn đề quản trị DNNN phải được “hợp chuẩn” theo quốc tế thì mới giải quyết được. Mà theo “chuẩn” này, mọi DN đều phải cáo bạch với các ông chủ: người nắm cổ phần và nhà đầu tư. Với DNNN, “ông chủ” không phải là cơ quan chủ quản nên sắp tới sự công khai, minh bạch báo cáo tài chính không chỉ là yêu cầu của Thủ tướng, mà là yêu cầu của các “ông chủ” thật sự.
“Ông chủ” đó là những người nộp thuế, những người ủy quyền cho DNNN sử dụng tài nguyên và thương quyền quốc gia để kinh doanh!