Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng đổi mới kinh tế không? - Dân Làm Báo

Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng đổi mới kinh tế không?

Tổng quát kinh tế VN từ năm 1975 đến nay 

Sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là mô hình chung của nền kinh tế Việt Nam từ năm 1975 tới 1986. Xóa bỏ tư sản “mại bản”, lấy công nghiệp nặng làm chủ đạo. Sự tăng trưởng và phát triển kinh tế dựa vào 2 thành phần kinh tế cơ bản là kinh tế quốc doanh và hợp tác xã. Kết hợp với làm chủ tập thể, mỗi huyện là một pháo đài kinh tế xã hội. Kế hoạch kinh tế được tập trung theo một công thức: Đảng lãng đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Nhà nước nắm độc quyền về kinh tế đối ngoại. 

Để thực hiện điều này, Đảng CS đã tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa. 

Tại miền Nam, tháng 9 và tháng 12 năm 1975, Đảng CS Việt Nam đã tiến hành tấn công tư sản qua các chiến dịch X2, nhiều nhà tư sản lớn bị bắt và tịch thu tài sản, song song đó là đẩy mạnh việc cưỡng bức di dân thành phố về các vùng kinh tế mới. 

Tình hình XH miền Nam lúc này cũng vô cùng đen tối, các sĩ quan, công chức cao cấp của VNCH bị đưa vào trại học tập cải tạo từ tháng 6 năm 1975. Gia đình ly tán, khắp miền Nam đi đâu cũng nghe nói chuyện vượt biên. Kết quả là khoảng hơn 1 triệu rưởi người, Nam trước Bắc sau, đã bỏ nước ra đi sau năm 1975. Một số lượng rất lớn vàng trong dân đã buộc phải chuyển sang những người cầm quyền địa phương để “mua” đường ra khỏi nước. 

Năm 1978, Nhà nước tiến hành cải tạo công thương nghiệp rộng lớn khắp miền Nam nhắm vào nhiều đối tượng mà cao điểm là cuộc đổi tiền toàn quốc ngày 05 tháng 5 năm 1978. 

Việc điều hành kinh tế duy ý qua các kế hoạch ngũ niên kìm hãm sự phát triển tư bản là đặc thù của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa cộng với việc giảm sút nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa do các cuộc chiến tranh biên giới với Campuchia và Trung Quốc đã làm cho toàn bộ nền kinh tế kiệt quệ, đời sống nhân dân cả nước sa sút trầm trọng dẩn tới nhu cầu bắt buộc Đảng CS phải đổi mới hay là chết. 

Thực ra công cuộc đổi mới nền kinh tế đã tiến hành từng bước từ năm 1979 qua Hội nghị Trung ương khóa IV với việc cho phép kết hợp kế hoạch hóa với cơ chế thị trường và cho phép địa phương xuất nhập khẩu nhưng tất cả hầu như phải dựa trên kế hoạch chỉ đạo của trung ương. Sự đổi mới vẫn mang ý thức chính trị thay vì ý thức dân tộc, nặng về kế hoạch hoá, đặc quyền, đặc lợi đã tạo ra những vấn nạn mới cho nền kinh tế. 

Các nguyên nhân chính dẩn đến sự đe dọa phá sản của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn này gồm có: 

· Hệ thống giá cả bất hợp lý giữa thị trường và nhà nước, 

· Chế độ phân bổ chỉ tiêu không thực tế trong sản xuất, hạn chế kinh tế tư nhân, 

· Nhà nước hoạch định kinh tế bằng chỉ tiêu, quy định giá cả và nắm toàn bộ vai trò quyết định kinh tế. 

· Chính sách giá-lương-tiền góp phần làm tăng sự nguy khốn của một nền kinh tế phi thị trường (chính sách giá-lương-tiền là yếu tố chính góp phần tăng lạm phát lên 300% tới 500% trong suốt từ năm 1986 tới năm 1989).

Mục đích của chính sách này là nhằm tăng năng suất sản xuất, hợp lý giá cả giữa sản xuất và tiêu thụ, nâng cao mức sống của cán bộ công nhân viên. Kế hoạch thực hiện là nâng giá, tăng lương trong khu vực quốc doanh, tăng khối lượng tiền tệ, sau đó cố giữ giá lương tiền theo một mức được cho là hợp lý. 

Theo đó, tiền được in vô tội vạ, nhà nước tăng tín dụng ào ạt để thúc đẩy sản xuất đã tạo nên tình trạng lạm phát phi mã. Khi thiếu tiền, thay vì mượn của dân thì nhà nước lại in thêm để bù, nếu có phát hành công trái thì gần như cưỡng bức người dân phải mua. Vòng xoáy điều chỉnh của giá-lương-tiền càng làm cho lạm phát tăng cao. 

Tiền mất sức mua thê thảm cộng với chủ trương kinh tế tập trung, mỗi huyện là một pháo đài kinh tế dẩn tới ngăn sông cấm chợ. Miền Nam là vựa lúa mà dân thiếu gạo ăn, mạng lưới phân phối bị cán bộ nhà nước tiếp tay với gian thương lũng đoạn nặng nề, hầu hết các mặt hàng nhu yếu phẩm đều phải mua chợ đen mới có. Tình trạng mua “lậu” bán “lậu” xảy ra trên cả nước, đời sống của cán bộ công nhân viên nhà nước và người dân chưa bao giờ khốn đốn đến như vậy. 

Kinh tế xã hội cùng cực, gò bó khiến hiện tượng “phá rào” trong sản xuất, trao đổi, xảy ra khắp nơi. Do mặt trái của sự “phá rào” gây ra mất trật tự trong sản xuất, kế hoạch trung ương (kế hoạch 1) bị xem nhẹ so với kế hoạch 2 kế hoạch 3 (địa phương và cơ sở). Tình trạng tranh mua tranh bán do quy chế không đồng đều đẩy giá sinh hoạt lên cao dẩn tới nhà nước hao hụt ngân sách do phải thường xuyên bù lỗ. Hậu quả là nhà nước phải in thêm rất nhiều tiền, do đó càng làm tăng thêm lạm phát, vì thế việc quản lý được xiết lại từ năm 1982. 

Tháng 1 năm 1983, Bộ Chính trị Đảng CS ra nghị quyết số 08-NQ/TW xiết lại cách quản lý buông lỏng ở một số địa phương, điều này cũng dẩn tới việc siết lại sản xuất. 

Năm 1986 lạm phát tăng 587.2% so với năm 1985, do đồng tiền mất giá và mất niềm tin, dân chúng quay sang lấy vàng làm đơn vị trao đổi khiến giá vàng tăng vọt. Tuy nhiên, một số cán bộ trong bộ máy nhà nước, lợi dụng lạm phát và nhờ sự “đổi mới” này, móc ngoặc với tư thương, đã làm giàu nhanh chóng. 

Cho tới năm 1986 qua Đại hội VI, Đảng CS Việt Nam mới thừa nhận cơ chế quản lý tập trung, nền kinh tế theo chỉ tiêu kế hoạch hoá là nền kinh tế phi thị trường và chấp chận sự tồn tại “khách quan” của kinh tế thị trường. Giai đoạn đổi mới này hình thành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và có những thành tựu đáng kể. 

Năm 2011, dù các chỉ số tăng trưởng phục hồi rõ rệt, 16 trong tổng số 21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết số 36/2009/QH12. Tuy nhiên lạm phát có những diển biến phức tạp, theo General Statistics Office of Vietnam, lạm phát CPI tháng 11/2011 tăng 18.62% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong cuộc phỏng vấn sau buổi đánh giá bổ sung kết quả thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội, tháng 3/2011, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung đã nói “…nền kinh tế đang lún sâu vào “hư hỏng” và chỉ cần chỉ số CPI tăng lên không những phá hũy mọi thành tựu kể trên mà đồng thời kéo theo mọi hệ luỵ của đời sống XH. Lạm phát đang phá hủy tài sản của dân, khiến khiến nhiều người dân phải ẩn vốn vào vàng, đất đai, chung cư… và tác động xấu lên nhiều chính sách…’. 

Tất cả tình hình trên thúc đẩy cho nhu cầu đổi mới lần nữa. 

Hạn chế của việc đổi mới nền kinh tế từ trước tới nay 

· Điều hành kinh tế thị trường nhưng do chưa có kinh nghiệm quản lý, các biện pháp hành chánh có giảm bớt nhưng vẫn lấn át quy luật thị trường, nghĩa là việc điều hành kinh tế vẫn dựa trên ý chí chính trị, chỉ tiêu, nghị quyết thay vì theo quy luật cung cầu nên phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường và các tệ nạn đã diễn ra với tốc độ nhanh hơn trước 

· Nền kinh tế tăng trưởng cao nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh thấp, không bền vững gây lãng phí tài nguyên. Các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, được ưu tiên làm kinh tế mũi nhọn nhưng hoạt động kém hiệu quả. 

· Ngân hàng trung ương không hoạt động độc lập mà chịu sự chi phối bởi các biện pháp hành chánh của chính phủ và Bộ Tài chính. 

· Các định chế tài chánh, ngân hàng, thị trường chứng khoán có chỉ số minh bạch thấp. Nhiều quy chế hành pháp và luật pháp cần thiết cho cơ chế thị trường chưa có hay có quy định nhưng không được thực hiện hoặc giám sát chặt chẽ gây ra tình trạng tham nhũng, cửa quyền. 

· Sau 25 năm đổi mới, đồng tiền Việt Nam vẫn là đồng tiền không có khả năng giao dịch quốc tế và nhiều quốc gia vẫn không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. 

Hệ quả của nền Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa 

Tuy nền kinh tế dần dần được thị trường hoá, thị trường được mở rộng, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được công nhận nhưng Đảng CS vẫn chủ trương kinh tế quốc doanh là chủ đạo chi phối các thành phần kinh tế khác. Chính sách vĩ mô không đồng bộ giữa tài khoá, tiền tệ và cán cân thanh toán nhất là thiếu các chính sách quan trọng khác như thuế vụ, an sinh. Ưu tiên tăng trưởng GDP xem nhẹ các mặt khác như môi sinh, xã hội. 

Tất cả điều đó dẫn tới: 

· Đầu tư theo diện rộng, phân tán dàn trải dẩn tới đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, khó kiểm soát, chỉ số ICOR cao so với khu vực và thế giới (ICOR là tỷ lệ hiệu quả sử dụng vốn, tỷ lệ càng cao, hiệu quả càng thấp). 

· Sản xuất chủ yếu xuất khẩu lại dựa phần lớn nguyên liệu của nước ngoài khiến thâm thụt ngân sách luôn ở mức cao và trở thành bệnh mãn tính của nền kinh tế. Năm 2010, tổng nợ công ước tính đã vượt quá 50% GDP. 

· Thiếu hụt hạ tầng cơ sở là một trong những trở ngại lớn của nền kinh tế. Chi phí vận chuyển cao làm giảm sức cạnh tranh. Môi trường kinh doanh thiếu minh bạch lại quá nhiều thủ tục hành chánh. Ưu đãi đầu tư nước ngoài quá đáng dẩn tới chèn ép doanh nghiệp trong nước. 

· Không chú ý đào tạo công nhân tay nghề cao phù hợp với nhu cầu phát triển. Tình trạng xâm chiếm đất đai, mở rộng kinh doanh, quy hoạch bừa bải gây bất ổn trong đời sống người dân. Rừng bị xâm phạm nặng nề, môi sinh bị hũy hoại nghiêm trọng dẩn tới hai tầng đại họa cho cả nước: thiên tai và nhân tai. 

· Thị trường chứng khoán và bất động sản thiếu các định chế quản lý minh bạch khiến cho tình trạng đầu cơ lấn áp đầu tư, gây nên tình trạng bong bóng như hiện nay. 

· Khu vực kinh tế không chính thức như bán lẽ, hộ cá nhân kinh doanh, nông dân ngoài vụ… không đăng ký, chiếm 55.7% lao động và tạo ra 20% GDP nhưng không hoặc ít được quan tâm. 

· Các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổng công ty được Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển để làm chủ đạo cho nền kinh tế dẩn tới hình thành các nhóm lợi ích đầy quyền lực. Những nhóm này, với sự tiếp tay của nhà nước, đã trực tiếp hay gián tiếp cản trở sự cạnh tranh lành mạnh vốn phải có trong một nền kinh tế thị trường tự do. 

Những hậu quả trên được tích lũy qua nhiều năm đã dẩn đến lạm phát trầm trọng hôm nay 

Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng đổi mới kinh tế không? 

Nhìn lại các chính sách đổi mới kinh tế của Đảng Cộng sản VN từ năm 1979 tới nay có thể nhìn thấy rõ đời sống người dân có cao hơn, xuất khẩu tăng, tăng trưởng GDP ở vào hàng nhất nhì khu vực nhưng những “đổi mới” đó không những thiếu vắng nền tảng cần thiết cho phát triển bền vững và ổn định xã hội mà còn tạo ra những vấn nạn mới cho nền kinh tế. 

Những nguyên nhân chính sau đây khiến Đảng Cộng sản VN không thể đổi mới nền kinh tế: 

· Lãnh đạo Đảng Cộng sản VN tự mang trên đầu họ vòng “kim cô định hướng XHCN”. “Định hướng” này không chỉ áp dụng cho nền kinh tế mà còn chi phối tất cả mọi hoạt động quản lý XH của Đảng và nhà nước. Họ không những tự mang mà còn áp đặt vào người dân. Nó hạn chế mọi khuynh hướng “mở”, dập tắt mọi sáng kiến “chệch đường” cần thiết cho nhu cầu phát triển của con người và XH. 

· Có quan điểm cho rằng phát triển kinh tế sẽ dẩn tới đổi mới chính trị, thực ra không phải vậy. 

Với chủ trương lấy khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo, việc thành lập các tập đoàn nhà nước và tổng công ty cổ phần, tuy đã liên tục thực hiện cổ phần hóa nhưng tiến trình này diển ra rất chậm đủ để các tập đoàn này lớn mạnh tạo thành các nhóm lợi ích riêng (tư bản đỏ) với quyền lực rất lớn không những ành hưởng đến vận mệnh của nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nền độc lập của quốc gia. 

Do chủ trương ưu đãi, các tập đoàn nhà nước được ban cho nhiều đặc quyền đặc lợi, vì thế các thành phần kinh tế tư doanh ngoài nhà nước phải lệ thuộc và bám vào đó để phát triển. Các thành phần này không thể là lực lượng “đòi hỏi” đổi mới nếu các tập đoàn nhà nước không đòi hỏi. 

Ngoài ra cũng do chủ trương ưu tiên phát triển, bất chấp thường xuyên làm ăn thua lổ và kém năng xuất, các tập đoàn kinh tế nhà nước này còn có sự tiếp tay “hợp pháp” của các cơ quan chính phủ, qua các ưu đãi hành chính, vốn và thị trường, điển hình như Vinashin, EVN, TVK… 

Các yếu tố trên khiến cho sự đổi mới chính trị diễn ra rất chậm hay không thể diễn ra vì các nhóm lợi ích này có khả năng chi phối, và ngay cả, chống lại các chính sách đổi mới về chính trị hay lợi ích kinh tế XH của chính phủ nếu sự đổi mới đó không phù hợp với lợi ích của nhóm. 

· Thâm thụt cán cân thương mại kinh niên, nhập siêu cao, nhu cầu tăng trưởng GDP (một hình thức của bệnh thành tích), tham nhũng lũng đoạn trong mọi lĩnh vực và nhất là thiếu minh bạch trong chính sách, luật lệ không được tôn trọng. Nhà nước vừa là “cầu thủ” vừa là “trọng tài” trong cách điều hành kinh tế, tất cả những điều đó đã làm cho chính sách vĩ mô của nhà nước thiếu nhất quán do thiên vị, khó triển khai đồng bộ. 

· Nhưng điều quan trọng nhất khiến cho sự đổi mới kinh tế của Đảng Cộng sản và nhà nước VN gặp thất bại là sự mất Niềm Tin của người dân. Mất niềm tin là mất tất cả. 

Mất niềm tin vào luật pháp và công bằng XH: văn hóa “phong bì” phá hỏng, nếu không muốn nói, gần như toàn bộ hệ thống hành chánh tại VN mà còn lấn sang lĩnh vực tư pháp. Các thủ tục hành chánh nhanh hay chậm, dể hay khó là do chi tiền nhiều hay ít. Quan niệm “cứ có tiền là xong” khiến hầu như luật pháp bị chà đạp. 

Mất niềm tin vào môi trường kinh doanh minh bạch: về kinh doanh, bất chấp năng lực và luật lệ, từ khâu thủ tục cho tới khâu vận hành, chi phí “ngoại giao” và “bôi trơn” không thể thiếu, ngay cả đầu tư của nước ngoài cũng không ngoại lệ. Tâm lý bao che để cùng hưởng lợi là phổ biến dẩn tới hàng trăm công trình trọng điểm thiếu chất lượng không phải vì khả năng kỹ thuật mà vì tham nhũng. 

Tâm lý mất niềm tin của nhà đầu tư, kinh doanh còn thể hiện qua lối làm ăn chụp giựt, thiếu uy tín, mua qua bán lại dự án, dẩn tới tình trạng đầu cơ nhiều hơn đầu tư, điển hình là trong lĩnh vực bất động sản và thị trường chứng khoán. Người dân tích trử tiền đô và vàng thay cho tiền đồng ngày càng mất giá bất chấp các biện pháp trấn an của nhà nước. 

Ngoài ra những bất ổn XH tích tụ và kéo dài như dân oan mất đất do luật lệ về đất đai không hợp lý, các vụ khiếu kiện không giải quyết, các chính sách XH mang nặng yếu tố chính trị hay cảm tính. Sự mất niềm tin dẩn đến điều trớ trêu là hầu như tất cả các chính sách kinh tế xã hội do nhà nước đề ra đều bị nghi ngờ, chống đối trong khi người dân lại đi tin thương lái Trung Quốc như trong vụ nuôi ốc bưu vàng hay nuôi đỉa. 

Kết Luận 

Những vấn nạn trên là do hậu quả trực tiếp của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và do sự áp đặt vòng “kim cô lý tưởng xã hội chủ nghĩa” lên mọi sinh hoạt của XH. 

Nên nhớ VN không phải là ốc đảo, bài viết này chỉ nêu lên những hậu quả do chính sách điều hành quốc gia của Đảng CS và nhà nước VN gây ra, những tác động của nền kinh tế tài chánh thế giới không được nêu lên ở đây. 

Tóm lại, nếu muốn thành công trong sự đổi mới, Đảng CS phải thực sự đổi mới mọi cơ chế hiện hành, lấy quyền lợi của dân tộc của đất nước làm cốt lõi cho sự đổi mới, nếu không, mọi biện pháp sẽ chỉ là vá víu và càng làm cho tình trạng tồi tệ hơn. 

04/12/2011 



________________________________

Tham khảo 

1. Châu Xuân Nguyễn, tổng hợp các bài viết về bất động sản, thị trường chứng khoán và ngân hàng (http://chauxuannguyen.wordpress.com/). 

2. Đặng Phong, Tư duy kinh tế Việt nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội. (http://nhantainhanluc.com/Themes/nhantainhanluccom/Common/contents.aspx?lang=vn&tid=376&iid=1298&AspxAutoDetectCookieSupport=1). 


4. Country Report: Vietnam, November 2011, Economist Intelligence Unit. 

5. General Statistics Office of Vietnam, Social and Economics Situation, 11/2011(http://www.gso.gov.vn/default_en.aspx?tabid=491) . 

6. Investment Policy Review – Vietnam, September 2008, United Nation. 

7. Minh Thúy, Kinh tế 2010 và những đánh giá lại đầu 2011, 17/02/2011, VnEconomy (http://vneconomy.vn/2011021609138977p0c9920/kinh-te-2010-va-nhung-danh-gia-lai-dau-2011.htm). 

8. Nghị quyết Hội nghị 24 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III). 

9. Trần Anh Tú, Nhận diện độc quyền hành chính trong kinh doanh ở Việt Nam, 26/12/2008, Luật 24 (2008) 1-15, Tạp chí Khoa học ĐHQGNH. 

10. Ủy Ban Kinh Tế Quốc hội Khóa XII, Số: 1977/BC-UBKT12, 18/03/2011, Báo Cáo thẩm tra, Đánh giá bổ sung kết qủa thực hiện nghị quyết của Quốc hội…” 


11. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, tập 37, báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, (http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/?topic=191&subtopic=7.) 

12. Vietnam’s investment efficiency remains low, 22/08/2008 Article, Thoi Bao Kinh Te, (http://www.diendan.fr/tai-lieu/bao-cu/so-012/kinh-te-thoi-doi-moi/). 

13. Vũ Quang, Kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới, 18/12/2010, Diển Đàn Forum (http://www.diendan.fr/tai-lieu/bao-cu/so-012/kinh-te-thoi-doi-moi/).


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo