Lê Nguyên Bình - Vào dịp ông Tập Cận Bình (Phó Chủ tịch Trung Quốc) tới thăm Hà Nội, thêm một lần nữa CSVN tự ý thêm hình một ngôi sao vào lá cờ của Trung Cộng trong dịp nghênh đón. Khi bị chất vấn, Bộ Ngoại Giao CSVN trả lời rằng: "Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã được thông báo đây là sai sót mang tính kỹ thuật. Cục Lễ tân Nhà nước đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kỷ luật các cán bộ có liên quan." Như vậy rõ ràng là CSVN chỉ thấy có lỗi với Trung Quốc, chứ hoàn toàn không nhận là có lỗi với Tổ quốc, Nhân Dân. Đây mới là vấn đề cần đặt ra.
Tại sao CSVN lại có thái độ như vậy? Sự kiện này giải thích mối quan hệ "Việt-Mỹ" ra sao?
Từ khi lập quốc, đất nước ta đã trải qua một chuỗi dài chiến tranh triền miên để chống lại sự xâm lăng của các triều đại Trung hoa từ phương Bắc. Tiếp nối trong hai thế kỷ qua, Bắc phương đã thực hiện sự xâm lấn dưới hình thức chiến tranh gián tiếp (qua CSVN trước 1975), rồi trực tiếp qua hành động xâm chiếm Hoàng Sa (năm 1974), cuộc chiến biên giới phía Bắc (năm 1978), Trường Sa (năm 1988), và vô số sự gây hấn, hãm hại ngư dân Việt Nam trên vùng biển Đông Việt Nam trong nhiều năm gần đây.
Nhìn lại lịch sử, Ông Cha ta đã khéo léo trong kế sách dựng nước và giữ nước: biết lúc nào phải có quyết tâm chiến đấu để giữ giang sơn, lúc nào phải bang giao một cách khôn ngoan để giữ hoà khí với nước lớn láng giềng. Nhờ ý thức đó, dù mang thân phận của một nước nhỏ, song giải non sông và dân tộc ta vẫn được trường tồn đến ngày nay.
Trong ba thập niên qua, Việt Nam tất nhiên cần có chính sách đối ngoại mềm dẽo để có thể tồn tại và có được điều kiện tái thiết đất nước trong giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhưng mềm dẽo khác với nhu nhược và vô liêm sĩ. Thâm tâm tập đoàn lãnh đạo CSVN chắc chắn biết rằng: Lệ thuộc Trung Cộng là hoàn toàn SAI về mặt quốc sách, nhưng vì để có được sự bảo hộ chính trị, họ đã bất cần. Hậu quả của hành động đáng nguyền rũa này sẽ vô cùng nghiêm trọng. Đảng CSVN có thể trấn áp nhân dân nhưng họ sẽ không thể trốn chạy được sự phán xét của lịch sử; và có thể là của chính các thế hệ nhân dân thời đại này - một khi chế độ đã sụp đổ.
Ở một góc độ đối ngoại khác, sự kiện CSVN có thái độ khẳng định chính sách lệ thuộc vào Trung Cộng chắc chắn sẽ là một vấn đề lớn của Hoa Kỳ. Nhà cầm quyền CSVN đang bỉ mặt Hoa Kỳ. Dù nhiệm kỳ tới đảng Dân chủ hay Cộng hoà sẽ cầm quyền, và ai sẽ trở thành Tổng Thống, Hoa Kỳ vẫn cần phải tiếp tục xem xét lại "lộ trình bang giao" với CSVN. Thực tế cho thấy đảng CSVN đã không chọn giải pháp "làm đồng minh với Mỹ" để tạo điều kiện hoá giải vấn đề biển Đông, phát triển dân chủ và kinh tế thị trường. Sự kiện CSVN thêm hình một ngôi sao trên lá cờ Trung Cộng tự nó biểu hiện cho chúng ta thấy được thái độ và chính sách đối ngoại của đảng và nhà cầm quyền CSVN: Họ vẫn chọn Trung Cộng là một đồng minh chặt chẽ và Hoa Kỳ vẫn chỉ là một nước có giao thương tốt.
Chính phủ Hoa Kỳ cần thẳng thắn để nhìn lại chính sách đối với CSVN. Những nhân nhượng đến độ yếu kém (qua vụ Ông Christian Marchant, tùy viên chính trị của Đại sứ quán bị CA hành hung ở Huế vào đầu năm 2011) và sự lừng khừng trong thái độ mạnh mẽ cần có đối với tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam trong thời gian qua... rõ ràng đã không tạo được vị trí đáng kiêng nể của Hoa Kỳ đối với nhà cầm quyền CSVN. Nội dung những báo cáo của Toà Đại sứ Hoa Kỳ cho Bộ Ngoại giao nước này bị Wikileaks tung ra cho thấy mối quan hệ rất lỏng lẻo giữa hai chính quyền, chưa kể là những "lấn cấn" nghiêm trọng không thể che dấu được.
Với vị trí một cường quốc có nhiều ưu thế trên thế giới, Hoa Kỳ đã tỏ ta yếu thế hơn so với Trung Quốc trong việc tranh thủ sự tin tưởng và hợp tác mật thiết với CSVN. Điều này cho người ta hoài nghi về tính hữu hiệu của ván bài ngoại giao nặng hình ảnh "củ cà-rốt" nhưng lại thiếu "cây gậy" của chính phủ nước Mỹ đối với CSVN. Đảng CSVN biết rõ nhược điểm của Hoa Kỳ là không dám làm mạnh với họ vì e ngại rằng sự phật ý sẽ khiến chế độ này càng nghiêng thêm về phía Trung Cộng. Các ngân khoản viện trợ đã có về lãnh vực nhân đạo, kỹ thuật, kinh tế và cả quốc phòng chưa đủ sức thuyết phục đảng CSVN rằng Hoa Kỳ là quốc gia đồng minh đáng tin tưởng. Rõ ràng là những thảo luận, ký kết của Hà Nội với chính phủ Hoa Kỳ chỉ nằm trong mục đích vận dụng, nếu không muốn nói là lợi dụng nhu cầu tái lập ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á. Cũng có thể "kinh nghiệm VNCH" là một bài học mà đảng CSVN không thể xem thường.
Người Việt Nam ở trong và ngoài nước, kể cả các tổ chức, đoàn thể đấu tranh sẽ phải tiếp tục chứng kiến nhiều sự kiện nghịch lý đau lòng khác trong thời gian tới, cho đến khi phong trào đối lập trở thành một thực lực chính trị có khả năng đủ mạnh để đạt được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Và đến lúc đó thì "phía quốc tế" nói chung, và Hoa Kỳ nói riêng, mới có thể xem xét lại một lộ trình bang giao có cùng phương hướng với khát vọng dân chủ của nhân dân Việt Nam.
Đảng CSVN đã nợ nhân dân Việt Nam thêm một lời tạ tội nghiêm trọng!