Nguyễn Văn (SGTT.VN) - Cảng nước sâu Kê Gà (Bình Thuận) với vốn đầu tư dự kiến trên 1 tỉ USD nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hoá của các dự án bôxít, giải toả áp lực cho tuyến đường từ Lâm Đồng và Dăk Nông về cảng Gò Dầu, Đồng Nai. Thế nhưng, đến nay dù đã ba lần tuyên bố “sẽ khởi công”, nhưng cảng biển nước sâu này vẫn chưa thực hiện được. Ông Lê Tiến Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lý giải việc khởi công cảng nước sâu Kê Gà chưa thể thành hiện thực vì “chưa thu hồi được đất; công tác đền bù giải toả cũng đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Thực tế, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định thu hồi đất của 13 dự án du lịch nhằm giao mặt bằng cho chủ đầu tư là tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ đền bù giải toả, tỉnh còn thành lập tổ thẩm định hồ sơ đền bù giải toả, song việc đền bù chưa được sự thống nhất giữa các bên. Điển hình là dự án du lịch của công ty TNHH Thạnh Đạt, dù công ty đồng ý giao đất cho tỉnh nhưng cho rằng mức bồi thường thiệt hại quá thấp nên công ty không đồng ý. Công ty đề nghị tỉnh đền bù 25 tỉ đồng về các khoản chi phí như xây dựng, san lấp mặt bằng, chi phí cơ hội đầu tư… nhưng tổ thẩm định hồ sơ đền bù giải toả chỉ chấp nhận bồi thường hơn 2 tỉ đồng. Ông Hồ Lâm, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường giải thích do có nhiều khoản chi phí quá lớn do doanh nghiệp kê khai nên tổ thẩm định chưa đủ cơ sở để xem xét, hỗ trợ và không chấp nhận.
Trong khi đó, phương án đổi vị trí đầu tư cho những doanh nghiệp có dự án nằm trong vùng quy hoạch cảng cũng chưa được doanh nghiệp đồng tình. Bà Tạ Thị Phương Lý, đại diện hai dự án Phương Bắc và Thảo My (gần 5ha) nói: “Chúng tôi chấp nhận nhường đất cho cảng. Nhưng để có được đất sạch như bây giờ chúng tôi phải bỏ ra nhiều tỉ đồng bồi thường. Bây giờ tỉnh đưa chúng tôi sang làm dự án ở chỗ khác nhưng lại không nói gì đến chính sách bồi thường là bất hợp lý. Tiền đâu nhà đầu tư bỏ ra đền bù lần thứ hai?”
Chính vì những lý do trên, hiện có 13 dự án du lịch nằm trong diện phải di dời để xây dựng cảng. Tuy nhiên, sở Tài nguyên và môi trường chỉ mới thẩm định bồi thường với bốn dự án. Vì vậy, bao giờ khởi công cảng Kê Gà vẫn đang là bài toán chưa có đáp án.
Cảng nước sâu Kê Gà có chiều dài 2,3km với tổng diện tích 366ha, trong đó 70ha trên đất liền và 296ha mặt nước biển với tổng vốn đầu tư cả ba giai đoạn khoảng trên 1 tỉ USD. Riêng giai đoạn 1 có vốn đầu tư khoảng 4.100 tỉ đồng.
Cảng nước sâu Kê Gà hình thành nhằm mục đích rút ngắn cung đường, giảm chi phí vận chuyển hàng hoá của các dự án bôxít, giải toả áp lực cho tuyến đường từ Lâm Đồng và Dăk Nông về cảng Gò Dầu, Đồng Nai.
http://sgtt.vn/Kinh-te/156954/Du-an-cang-1-ti-do-cho-boxit-lai-loi-hen.html