ASEAN chuẩn bị cho ra đời bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền - Dân Làm Báo

ASEAN chuẩn bị cho ra đời bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền


Phạm Phan / Trọng Thành (RFI) - Trong cương vị chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN, chính quyền Cam Bốt cho biết đang soạn thảo bản Tuyên Ngôn và văn bản này sẽ được công bố trong năm 2012.

Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) vừa có cuộc gặp đầu tiên tại Siem Riep (Cam Bốt), để bàn về bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN, dưới sự chủ tọa của chủ tịch AICHR năm 2012, ông Om Yin Tieng, người Cam Bốt. Ông Om Yin Tieng tuyên bố AICHR đang soạn thảo bản Tuyên Ngôn và Tuyên Ngôn sẽ được công bố trong năm 2012.

Hội nghị lần thứ hai của Ủy ban liên chính phủ ASEAN bàn về Tuyên Ngôn Nhân Quyền của khối sẽ diễn ra từ ngày 17-19/02/2012 tại trụ sở ASEAN tại Jakarta (Indonesia). Thông tín viên Phạm Phan tường trình từ Phnompenh.

Quá trình đi đến bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của ASEAN

Ý kiến thành lập cơ chế nhân quyền ASEAN có từ lâu. Dựa theo Điều 14 Hiến Chương ASEAN về việc thành lập cơ chế khuyến khích và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 15 tại Cha-am Hua Hin, Thái Lan, ngày 23/10/2009, Ủy Ban Liên Chính Phủ ASEAN Về Nhân Quyền (ASEAN Intergovernmental Commission on Human Rights - AICHR) được tuyên bố thành lập.

Ủy Ban Nhân Quyền ASEAN (tên gọi tắt của Ủy Ban Liên Chính Phủ ASEAN Về Nhân Quyền) đã có 11 cuộc họp trù bị để bàn về vấn đề không dễ đồng thuận này, và nhóm dự thảo đã bắt tay soạn thảo văn bản liên quan. Trong vị thế chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2012, Cam Bốt chọn thành phố Siêm Riệp, nơi có đế đô Angkor, để khai mở các phiên họp đầu tiên. Trong hai ngày 8 -9/1/2012 AICHR khởi sự Hội nghị lần thứ nhất về bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền.

Ngày 10 tháng 12 năm 1948 bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời bao gồm 30 điều, với Điều 1 phát biểu rằng: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái.” Còn Ðiều 3 được ghi như sau:” Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.”

Người đứng đầu Ủy Ban Nhân Quyền Cam Bốt là ông Om Yentieng, nhân vật này cũng là cố vấn cho Thủ Tướng Hun Sen, nói trong năm 2012 có đến 7 cuộc họp để chung kết và cho ra đời Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Asean. Ông Om Yentieng khẳng định bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN không tranh đua với Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ bởi vì mỗi thành viên ASEAN đều là thành viên của LHQ.

Quan điểm kiến của các tổ chức thuộc xã hội dân sự tại Cam Bốt về bản Tuyên Ngôn

Ngay từ khi có sáng kiến thành lập tổ chức nhân quyền ASEAN thì cũng nảy sinh nhiều ý kiến là không tin vào sự hiệu quả của cơ chế này.

Ngay sau phiên họp đầu tiên, các tổ chức nhân quyền lên tiếng chỉ trích Ủy Ban Nhân Quyền ASEAN có cách làm việc bí mật, không tham khảo ý kiến các tổ chức nhân quyền địa phương. Tuy nhiên ông Chet Chealy, Chủ Tịch Ủy Ban Phát Triển Nhân Quyền Cam Bốt – ASEAN nói, vì đang trong giai đoạn dự thảo, nên chỉ các thành viên trong khối được quyền thảo luận chứ Ủy Ban Nhân Quyền ASEAN không hoạt động kín sau các bức tường cao.

Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế và Trung Tâm Nhân Quyền Cam Bốt kêu gọi Ủy Ban Liên Chính Phủ ASEAN Về Nhân Quyền phải bảo đảm được sự thương thảo trong sáng, công khai bao gồm sự thảo luận với những tổ chức nhân quyền độc lập về bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN.

Nhân quyền tại Cam Bốt và các nước ASEAN

Hiện nay tại Cam Bốt có 3 tổ chức nhân quyền độc lập với tổ chức nhân quyền do chính phủ thành lập, đó là: LICADHO - Cambodian League for the Promotion and Defense of Human Rights, Trung Tâm Nhân Quyền Cam Bốt - Cambodian Center for Human Rights (CCHR), và Hiệp Hội Phát Triển Nhân Quyền Cam Bốt - Cambodian Human Rights and Development Association (ADHOC).

Trong thông cáo báo chí ngày 8/1/2012, ông Ou Virak, người đứng đầu Trung tâm Nhân Quyền Cam Bốt nói, Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN sắp ra đời là khoảnh khắc lịch sử quan trọng đối với các dân tộc trong khu vực này. Tuy nhiên, dựa vào nhiều sự kiện xảy ra trong xã hội Cam Bốt, các tổ chức nhân quyền rất quan ngại, do vì khó mà bảo vệ được các quyền dân sự.

Tuyên Ngôn Nhân quyền ASEAN và tình hình tại Cam Bốt

Thực tế hình thành tổ chức Hiệp hội Đông Nam Á cho thấy bộ phận các quốc gia tích cực trong việc cổ vũ các định chế bảo vệ nhân quyền chủ yếu gồm một số nước thành viên sáng lập Asean.

Ngày 8 tháng 8 năm 1967, tổ chức Hiệp Hội Đông Nam Á - tiền thân của ASEAN ngày nay - được thành lập với 5 quốc gia bao gồm: Indonesia, Malaysia, Singapour, Phillipines và Thái Lan. Do đặc điểm tình hình thời đó, mục tiêu tổ chức này nhằm ngăn chận sự lây nhiễm của Chủ Nghĩa Cộng Sản trong toàn vùng Đông Nam Á. Ngoại trừ Bruney được kết nạp năm 1984, sau khi khối Cộng Sản trên thế giới tan rã vào đầu thập niên 1990, và chỉ còn lại các nước lẻ tẻ, Hiệp Hội Đông Nam Á cũng thay đổi mục tiêu cũng như mở rộng vòng tay đón nhận các tân thành viên như Việt Nam (1995), Lào (1997), Miến Điện (1997), Cam Bốt (1999).

Từ bối cảnh trên đây, những nước thành viên sáng lập có nhiều nỗ lực kiến tạo định chế nhân quyền trong khối, cạnh đó là những tổ chức nhân quyền độc lập, tuy nhiên điều này không phải đơn giản.

Ngoài các nước thành viên sáng lập, hầu hết các quốc gia mới tham gia vào Hiệp hội Đông Nam Á đều nằm dưới sự kiểm soát của các chế độ độc tài, dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Bản thân Hiệp hội Đông Nam Á cho đến nay vẫn hoạt động theo nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đây chính là các trở lực căn bản trong việc xây dựng cơ chế bảo vệ nhân quyền tại Đông Nam Á.

Trường hợp Lào, quốc gia nhỏ bé, lại để cho Chủ Nghĩa Cộng Sản kềm chế toàn bộ hoạt động xã hội, cho nên phải nhận lãnh hậu quả hết sức bi đát là nghèo nàn, lạc hậu nhất trong khối ASEAN. Đảng Cộng Sản cầm quyền tại Lào không chấp nhận sự hiện hữu của bất kỳ đảng phái nào có quan điểm chính trị khác với họ. Theo Hiến pháp Lào, những tổ chức chính trị như thế là “phản động” là “lực lượng thù địch phá hoại cách mạng, chống đảng, muốn chấm dứt sự lãnh đạo độc quyền của đảng” … Chính sách này này đi ngược lại Ðiều 20 bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, trong đó phát biểu rằng: “1 - Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hòa . 2 - Không một ai có thể bị cưỡng bách gia nhập vào một đoàn thể.”

Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN không phải chỉ quan tâm đến trẻ em, đàn bà, mà còn phải chú ý đến quyền chính trị trong cộng đồng các quốc gia có gần 600 triệu dân. Nếu một chế độ chuyên quyền như Lào vẫn tồn tại và ngang bướng, còn ASEAN vẫn bảo vệ quan điểm hẹp hòi là không can thiệp nội bộ, thì e rằng bộ máy nhân quyền ASEAN không khác gì cây cảnh để ngắm ngó cho vui mắt mà thôi.

Hiến pháp năm 1993 của Cam Bốt công nhận chế độ đa đảng, từ đó đến nay, các định chế xã hội dân sự ra đời và phát triển. Mặc dù còn bị giới hạn hoạt động do khuynh hướng mở rộng quyền lực của đảng cầm quyền. Từ môi trường hoạt động dân chủ như thế, các tổ chức nhân quyền tại Cam Bốt cho rằng, ở Việt Nam không có điều kiện để hình thành một xã hội dân sự dân chủ như Cam Bốt. Lý do mấu chốt là Đảng Cộng Sản Việt Nam không chấp nhận đa nguyên đa đảng, đảng cầm quyền luôn khẳng định và giành lấy vị thế độc tôn của họ.

Ảnh hưởng của cải cách dân chủ hóa tại Miến Điện đối với tình hình Cam Bốt

Đầu tiên, Cam Bốt chưa chịu đưa tin về chuyển biến hướng đến dân chủ tại Miến Điện khi quốc gia này thả tù chính trị ngày 12/10/2011. Tuy nhiên về sau, Cam Bốt bắt đầu nói về tình hình Miến Điện. Ngày 10/1/2012, ở Siêm Riệp, trong vị thế nước chủ nhà, Ngoại Trưởng Hor Namhong lên tiếng kêu gọi ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế hãy bãi bỏ cấm vận đối với Miến Điện, theo ông Hor Namhong, do vì Miến Điện có tiến bộ trên con đường dân chủ hóa.

Một số chuyển biến mới tại Miến Điện như thả khoảng 200 người trong số gần 2.000 tù chính trị, sau đó ban hành luật biểu tình, và rồi ngày 9/1/2012 quyết định ngưng xây nhà máy nhiệt điện chạy bằng than sẽ gây ô nhiễm môi trường, dấu hiệu tích cực mới nhất là hôm qua 13/1 một số tù nhân chính trị nổi bật đã được tự do. Những bước đi hạn chế gần đây trong một đất nước tựa như thâm cung, cho thấy họ có tiến bộ hơn so với Lào, Cam Bốt … Các bước đi chậm chạp về hướng dân chủ này tạo luồng gió mới chứa đựng niềm hưng phấn cho tình hình nhân quyền ASEAN.

Tuy nhiên, với bề dày thành tích độc tài quân phiệt từ năm 1962, chính quyền Miến Điện dù có thay đổi, cộng đồng quốc tế vẫn phải giữ thái độ chờ xem một cách dè dặt và cẩn thận. Do vì bản chất đặc quyền, đặc lợi của giới lãnh đạo tham quyền không dễ mất đi trong một đêm.

Trở lại với nước chủ nhà, năm nay Cam Bốt đóng vai chủ tịch luân phiên ASEAN mà bàn về Tuyên Ngôn Nhân Quyền thì không khác gì đặt đít trên ổ kiến lửa. Trong khi Ủy Ban Nhân Quyền ASEAN khai diễn tại Siêm Riệp thì ở khu dân cư Borei Keila ngay trung tâm Phnom Penh, hàng trăm người dân bị cưỡng bức trục đuổi để chính quyền lấy đất xây dựng. Đụng độ giữa cảnh sát và dân lại xảy ra. Tám người dân bị mất đất còn bị tống giam vì dám đánh cảnh sát. Tiếng khóc uất hận của dân nghèo tiếp tục kêu vang !!!

Phạm Phan / Trọng Thành (RFI)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo