Mặc Lâm (RFA) - Ngày 19 tháng 1 năm nay đánh dấu 38 năm quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm giữ. RFA phỏng vấn ông Nguyễn Văn Mười, người lính VNCH đã giữ Trường Sa tới ngày cuối cùng. Mặc dù yếu thế và trong tình hình dầu sôi lửa bỏng của cuộc
chiến với Miền Bắc, Việt Nam Cộng Hòa đã làm hết sức mình để bảo vệ phần còn lại
của đất nước là quần đảo Trường Sa đang có nguy cơ bị kẻ thù dòm ngó tiếp.
Trước tiên ông Nguyễn Văn Mười cho biết về quãng thời gian
ông phục vụ trong quân đội VNCH như sau:
Ô. Nguyễn Văn Mười:
Tôi là Nguyễn Văn Mười, tự Nguyễn Hùng,
sinh năm 1950. Đầu năm 1968 tôi tham gia vào Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến và
sau khi học ra trường tôi được chuyển về Tiểu Đoàn 5 TQLC. Cho đến năm 1970 tôi
thuyên chuyển về Tiểu Khu Phước Tuy vì lý do gia cảnh.
Tôi đã tham gia nhiều cuộc hành quân với Úc Đại Lợi. Cho đến
năm 1971, cuối năm 1971 thì lực lượng Hoàng Gia Úc đã rút khỏi Việt Nam, trở về
nước. Lúc đó Quân Lực VNCH, Tiều Khu Phước Tuy chúng tôi đương đầu với cộng sản
cho đến ngày 1 tháng Giêng năm 1973 thì ký Hiệp Định Paris.
Quân số của đảo thì bộ chỉ huy nhẹ của của chúng tôi là 39
người, còn tất cả 3 đảo Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa thì mỗi đảo chỉ có 20
quân thôi, tức một trung đội.
Cho đến đầu năm 1975 thì tôi được lệnh thuyên chuyển ra hải
đảo Sinh Tồn thuộc Quần đảo Trường Sa. Khi tôi ra ngoài đảo Sinh Tồn, nó có tất
cả là 3 đảo là Sinh Tồn, Nam Yết và Sơn Ca. Nam Yết là bộ chỉ huy chính, Song Tử
Tây là bộ chỉ huy nhẹ. Cuộc sống ở đó thì chúng tôi được chính phủ cấp lương thực
hoàn toàn, chỉ có khó khăn về vấn đề nước, nhưng mà tàu hải quân VNCH đã cung cấp
nước đầy đủ.
Quân số của đảo thì bộ chỉ huy nhẹ của của chúng tôi là 39
người, còn tất cả 3 đảo Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa thì mỗi đảo chỉ có 20
quân thôi, tức một trung đội.
Bối cảnh trận chiến
Mặc Lâm: Ông
có thể cho biết hoàn cảnh lúc đó ra sao khi mà đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc
chiếm vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 và đơn vị của ông được điều động ra Trường
Sa theo lệnh của ai vì theo chúng tôi biết thì trước đó quân đội không trú đóng
trên đảo này mà chỉ có mặt tại Hoàng Sa mà thôi?
Ô. Nguyễn Văn Mười:
Dạ thưa, khi mà Trung Quốc đã chiếm quần
đảo Hoàng Sa năm 1974 thì lúc bấy giờ Việt Nam Cộng Hòa đã cử một phái đoàn của
Bộ Nội Vụ ra để khảo sát Quần đảo Trường Sa, thì lúc đó một cán bộ của Bộ Nội Vụ
là ông Tôn Thất Tùng của Trường Quốc Gia Hành Chánh ra với nhiệm vụ là khảo sát
Quần đảo Trường Sa.
Khi khảo sát Quần đảo Trường Sa rồi thì về báo cáo với Tổng
Thống, thì Tổng Thống giao cho Bộ Tổng Tham Mưu điều động Tiểu Đoàn 2 TQLC đi
ra để củng cố phòng thủ chiến đấu bảo vệ Quần đảo Trường Sa. Khi bố trí phòng
thủ xong trong vòng đó thì giao lại cho Tiểu Khu Phước Tuy quản lý.
Mặc Lâm: Thưa,
ông có thể cho biết là cơ hội nào ông gặp và biết câu chuyện của ông Tôn Thất
Tùng và ông có thể kể lại cho thính giả RFA nghe được hay không ạ?
Ô. Nguyễn Văn Mười:
Dạ thưa anh, năm 1986 tôi ra trại tù của
A20 ở Xuân Phước (Tuy Hòa) thì tôi gặp ông Tôn Thất Tùng là Phó Tỉnh Trưởng của
VNCH. Khi đó thì hai anh em tôi mới trao đổi với nhau vấn đề Quần đảo Trường Sa
vào năm 1988 vào khi Trung Quốc đánh Quần đảo Trường Sa bắn giết bộ đội Việt
Nam.
Tôi với anh Tôn Thất Tùng có bức xúc và hai anh em có ngồi
tâm sự, thì anh Tùng có nói rằng năm 1974 khi Trung Quốc chiếm Quần đảo Hoàng
Sa thì chính anh là người ra khảo sát Quần đảo Trường Sa. Khi khảo sát xong thì
Tổng Thống Thiệu quyết định trấn giữ Quần đảo Trường Sa.
Quần đảo Trường Sa có 5 đảo : Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường
Sa, Song Tử Tây. Nam Yết là bộ chỉ huy chính mà Song Tử Tây là bộ chỉ huy phụ.
Bộ Tổng Tham Mưu giao lại cho Quân Đoàn III, rồi Quân Đoàn III giao lại cho Tiều
Khu Phước Tuy để quản lý phạm vi của Quần đảo Trường Sa. Tiểu khu Phước Tuy
giao cho Tiểu Đoàn 371 là tiểu đoàn cơ động của tỉnh để quản lý Quần đảo Trường
Sa, cứ 3 tháng thì có một đại đội ra thay để mà trấn giữ Quần đảo Trường Sa.
Nhưng đầu năm 1975, đến ngày 27 tháng 4 thì khi cộng sản chiếm
Đà Nẵng, rồi Nha Trang thì họ đã chiếm mất hai đảo Sơn ca và Song Tử Tây, còn lại
3 đảo thì chúng tôi cương quyết tử thủ.
Mặc Lâm: Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến
thì đơn vị của ông có xảy ra cuộc đụng độ nào với quân đội Miền Bắc hay không
và họ tiếp quản các đảo như thế nào?
Ô. Nguyễn Văn Mười:
Đến tháng 3 thì cộng sản đã chiếm đảo
Song Tử Tây, và tháng 4 thì cộng sản đã chiếm đảo Sơn Ca, còn lại 3 đảo thì cộng
sản đã đưa tàu chuẩn bị chiếm tiếp 3 hòn đảo nữa. Trong lúc đó thì có chiếc
WEF-17 và chiếc BSON-14 yểm trợ cho 3 đảo này vì Nam Yết và Sinh Tồn thì liền
nhau, còn Trường Sa thì nằm ở mé trên đó anh, nên do đó mà cộng sản không thể
chiếm được.
Khi mà Song Tử Tây bị mất thì chúng tôi đã rút kinh nghiệm rồi,
sẵn sàng để mà tử thủ: tử thủ hải đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Nhưng mà đến
ngày 17 tây thì được lệnh của Bộ Tư Lệnh Hành Quân Biển, thì lúc đó chiếc
WEF-17 vô hốt quân, chiếc BSON-14 yểm trợ để cho hốt quân.
Đến ngày 19 thì đã hoàn tất. Khi chạy về tới bờ biển Vũng
Tàu là đúng ngày 30 tây, sáng 8 giờ ngày 30 tây thì 10 giờ Tổng Thống Dương Văn
Minh tuyên bố đầu hàng đó anh.
Mặc Lâm: Trong
suốt thời gian đồn trú trên đảo Trường Sa có bao giờ ông thấy sự xuất hiện của
tàu Trung Quốc hay của các nước khác tới gần đảo hay không, thưa ông?
Ô. Nguyễn Văn Mười:
Thời điểm đó không có một chiếc tàu nào
gọi là quân sự mà đi trong vùng biển của Quần đảo Trường Sa, chỉ có tàu buôn, bởi
vì khu vực Quần đảo Trường Sa có dạng như một “ngã tư quốc tế”, coi như là giao
lộ thông thương của Châu Á – Thái Bình Dương, nên đó là một giao điểm quan trọng
nhứt.
Mặc Lâm: Còn
Đài Loan thì sao? Họ đóng quân ở đảo Ba Bình trước đó rất lâu khi Việt Nam có mặt
tại những hòn đảo kế bên thì thái độ của họ ra sao, thưa ông?
Ô. Nguyễn Văn Mười:
Đài Loan có một đảo là đảo bây giờ họ
đang giữ mà ngày xưa ta gọi là Thái Bình nhưng họ gọi là đảo Ba Bình. Nó là đảo
lớn nhứt của Quần đảo Trường Sa. Khi chúng tôi đóng quân ở đó, Philippines thì ở
đảo Song Tử Đông gần Song Tử Tây, thì hai bên thường xuyên chạy qua trao đổi với
nhau rất là tình cảm.
Còn đảo Thái Bình do Đài Loan chiếm giữ, khi mà tàu hải quân
của VNCH chạy ngang gần bờ của đảo Thái Bình thì đảo Thái Bình báo động và cho
trực thăng và tàu chiến ra, nhưng khi ra thấy cờ của VNCH thì họ kéo trở vô đảo
chớ không đưa tàu chiến ra nữa. Đài Loan chưa bao giờ có một tư thế để lấn chiếm
Quần đảo Trường Sa.
Mặc Lâm: Xin
ông cho biết từ Vũng Tàu ra Trường Sa thì hải trình gần như gấp đôi từ Nha
Trang ra, tại sao Bộ Tổng Tham Mưu lúc đó không giao sự quản lý Trường Sa cho
Quân Đoàn II mà lại giao cho Quân Đoàn III?
Ô. Nguyễn Văn Mười:
Bộ Tổng Tham Mưu giao cho Quân Đoàn III
bởi vì Quân Đoàn III quản lý thực tế còn thực chất là do Hải Quân quản lý ở biển, bởi vì Hải Quân VNCH ở Bộ Tư
Lệnh Hải Quân rất đông, họ di chuyển dễ dàng hơn ở Nha Trang, còn tàu chiến lớn
đậu ở Sài Gòn.
Nha Trang thuộc Vùng 2 Duyên Hải không có tàu lớn mà chỉ có
loại tuần duyên không à, do đó giao lại cho Quân Đoàn III để mà chuyên chở quân
đội đi cho dễ dàng dó anh.
Mặc
Lâm: Một lần nữa
xin cảm ơn ông!