Kỷ niệm một năm cách mạng Ai Cập - Dân Làm Báo

Kỷ niệm một năm cách mạng Ai Cập

BBC - Hàng nghìn người Ai Cập tuần hành tại Quảng trường Tahrir ở Cairo để kỷ niệm một năm cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Hosni Mubarak. Một số người ăn mừng thành công của các đảng theo Hồi giáo trong kỳ bầu cử đầu tiên hậu Mubarak, trong khi một số người khác kêu gọi tiếp tục cải cách.

Điều luật khẩn cấp áp dụng cả chục năm nay đã được dỡ bỏ một phần nhân dịp kỷ niệm. 

Hiện ông Mubarak đang bị xét xử tội ra lệnh sát hại người biểu tình. Ông bác bỏ các cáo buộc. 

Hàng trăm người bị tòa án binh bỏ tù theo kế hoạch sẽ được trả tự do vào thứ Tư này theo nguyện vọng của người biểu tình. 

Phóng viên BBC Jon Leyne, hiện có mặt tại Cairo, nói không khí tại chỗ rất phấn khởi và giống một buổi lễ hội đường phố hơn là một cuộc biểu tình chính trị. 

Phóng viên của chúng tôi cũng cho hay các đảng phái khác nhau đang cố giành vị thế kiến tạo cuộc cách mạng, từ phong trào thanh niên vốn khởi xướng cuộc biểu tình một năm trước, tới Hội Huynh Đệ Hồi giáo, nay chiếm đa số tại Quốc hội, và Ủy ban Quân sự Tối cao (Scaf), vốn giành quyền điều hành đất nước vào tháng Hai năm ngoái sau khi ông Mubarak từ chức. 

Người biểu tình lần này cũng ở qua đêm trên quảng trường, dựng lều trại và hô to các khẩu hiện chống ủy ban quân sự, đòi hỏi ủy ban này phải từ nhiệm ngay lập tức. 

Một người biểu tình, Khaled Abdallah, nói với hãng thông tấn Reuters: 

"Quân đội và cảnh sát giết hại chúng tôi, đè nghẹt tiếng nói cách mạng. Thế nhưng tôi xin nói ngay" tiếng nói của cách mạng sẽ không bao giờ có thể bị dập tắt". 

Các nhóm khác thì reo hò: "Đả đảo chính quyền quân sự" và "Làm cách mạng cho tới khi chiến thắng, cách mạng trên khắp phố phường Ai Cập".

Cuộc đấu tranh tại Quảng trường Tahrir một năm trước đã tạo thay đổi chính trị 

Điều luật khẩn cấp 

Tuy nhiên một số người trên quảng trường cho rằng cần chấm dứt biểu tình, tạo điều kiện cho ban lãnh đạo mới đưa Ai Cập tiến lên. 

Một người tên là Mohamed Othman được hãng Reuters dẫn lời nói: "Ủy ban quân sự sớm muộn rồi thì cũng sẽ từ bỏ quyền lực thôi. Đúng là cách mạng chưa hoàn tất. nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta nên ngăn chặn cuộc sống bình thường". 

Giáo viên Alaa Mohammed, một ủng hộ viên của Hội Huynh Đệ Hồi giáo, nói ủy ban quân sự đã tổ chức một "kỳ bầu cử trong sạch nhất từ trước tới nay" và bảo vệ thành quả cách mạng. 

Nhiều người nói họ tới nơi đây để tưởng nhớ hơn 850 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên Quảng trường Tahrir. 

850 người thiệt mạng trong đợt biểu tình lật đổ Mubarak 

Walid Saad nói: "Chúng ta không được quên rằng tại nơi đây đã xảy ra đổ máu. Đây không phải là lễ ăn mừng mà là sự kiện lớn để chia buồn với những người anh em của chúng ta đã qua đời từ ngày 25/1 năm ngoái tới nay". 

Thống tướng Tantawi trong khi đó nói điều luật khẩn cấp vẫn còn giá trị nhằm ngăn ngừa "nạn cướp phá" tuy không nói thêm chi tiết. 

Quân đội thường xuyên dùng từ 'bọn cướp' để biện hộ cho việc đàn áp người biểu tình đòi quay lại chính quyền dân sự. 

Trong gần 30 năm cầm quyền của mình, ông Mubarak đã nhiều lần hứa hẹn bãi bỏ luật này nhưng không thực hiện. 

Năm ngoái, các tướng lĩnh đã mở rộng luật này sang cả các lĩnh vực như đình công, gián đoạn giao thông và tung tin thất thiệt. 

Ủy ban quân sự loan báo hơn 1.900 tù nhân đã được Thống tướng Tantawi ân xá, trong có blogger nổi tiếng Michael Nabil, người bị bỏ tù vì phỉ báng quân đội. 

Quốc hội mới được bầu đã họp lần đầu tiên hôm thứ Hai 23/1. 

Đảng Tự do Công bằng (FJP) thuộc Hội Huynh Đệ Hồi giáo, vốn bị cấm dưới thời Mubarak, chiếm nhiều ghế nhất. 

Phiên họp Quốc hội bắt đầu bằng lễ mặc niệm những người biểu tình bị giết hại.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo