Lực của người trí thức trong thế giới toàn trị - Dân Làm Báo

Lực của người trí thức trong thế giới toàn trị

Phạm Toàn (anhbasam) Tại sao một thông điệp hết sức sáng sủa, mạch lạc của giáo sư Ngô Bảo Châu lại bị rất nhiều người hiểu lầm, hiện tượng tâm lý đó rất cần được phân tích. 

Đây là quan điểm gốc đã được Ngô Bảo Châu nói trên Tuổi trẻ cuối tuần: 

Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. […] giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội. 

Nghĩ rằng ý tứ của mệnh đề gốc này thế là quá rõ: trí thức là người lao động (dĩ nhiên, đó là loại lao động trí óc) – và đã là người lao động thì phải làm ra sản phẩm (dĩ nhiên, đó là loại sản phẩm của trí óc, và thuộc chuyên ngành của mình). 

Chỗ gây hiểu lầm ở đây là khi Ngô Bảo Châu làm cho bạn đọc hiểu rằng giá trị của người trí thức hình như chỉ là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, và không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội của nhà trí thức hết. Thực ra thì người trí thức bao giờ cũng có hai trách nhiệm – một trách nhiệm nghiệp vụ và một trách nhiệm xã hội, một trách nhiệm vật chất và một trách nhiệm tinh thần

Cũng cần nói luôn rằng, trước việc gánh vác hai trách nhiệm đó, người trí thức được hoàn toàn tự do, và mọi người cũng không nên và càng không có quyền áp đặt cho người trí thức những nhiệm vụ (công việc) theo cách nghĩ chủ quan của mình. 

Có một điều thú vị là tại sao lại có cái tâm lý trong xã hội muốn lôi cuốn mọi nhà trí thức, nhất là những người như Ngô Bảo Châu, vào những công việc “phản biện” khó khăn, rắc rối, phức tạp? 

Đó là tâm lý sinh ra từ nỗi sợ đã được tạo ra và nuôi dưỡng bởi một thứ quyền lực không cho phép ai được cãi. Thật vậy, bài học vẫn còn sờ sờ từ năm chục năm trước, chỉ vì những “góp ý kiến” chân thành mà vô số người đã “da ngựa bọc thây” – những tên tuổi Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang … cả một danh sách dài những số phận tuẫn đạo. 

Thế nhưng, cuộc sống thực có sức mạnh vô biên – trong đời sống xã hội lại vẫn cứ hình thành dần một sự bất phục tùng dân sự đối với nhiều điều bị coi là sai trái trong việc điều hành và tổ chức xã hội. 

Nguyễn Văn Linh là người cán bộ chính trị đầu tiên vô tình châm ngòi cho sự bất phục tùng dân sự khiến đã nổ bùng một cao trào không chịu “bẻ cong ngòi bút” và không “ăn theo nói leo”. 

Song thực ra công lao Nguyễn Văn Linh chẳng đáng gì trong việc bật nút cho nỗi đau xã hội lộ diện – Phùng Gia Lộc mới thực sự là người anh hùng đã soi bó đuốc cho thấy cái đêm hôm ấy đêm gì – cái đêm trước thời đổi mới. 

Dám nói đến công lao ấy và nói rõ sự so sánh ấy, bằng chứng là Nguyễn Văn Linh hô hoán xong thì vẫn an toàn, trong khi Phùng Gia Lộc in xong bài phóng sự thì phải chui nhủi muốn chết! 

Vài chục năm sau, ngay cả với sự bùng nỗ thông tin, dù có thấy đội quân phẫn nộ đã lớn, song nỗi sợ cũ vẫn còn nguyên. Viên đại tá có tấm lòng cao quý bút danh Lê Hoài Nguyên cũng chỉ rất dè dặt thận trọng gãi gãi lại vụ án Nhân văn – Giai phẩm. Nhưng hành động của anh giữ hộ rồi trao trả gia đình Trần Dần những tài liệu quý cho thấy các thày tu trung thực cũng có xoa dịu được phần nào cái tàn ác Trung Cổ. 

Dẫu sao, cái ác đâu có dễ dàng xóa bỏ trong một đêm? Những nhà trí thức bất phục tùng đầu tiên của thời Internet đã nghĩ ra thuật ngữ phản biện để che chắn cho một làn sóng, đồng thời cũng tìm cách cho cái ác đỡ run sợ và đỡ làm liều trước cái thiện. 

Vậy thôi, nhưng bạn Ngô Bảo Châu đã không lưu tâm tới nỗi sợ trong cuộc đời thực của từng con người trong một xã hội toàn trị. Và người ta phản pháo bạn! 

Người ta không lắng nghe kỹ lưỡng thông điệp của Ngô Bảo Châu gửi đi tới đâu thì đã quá rõ: không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng. Xin lưu ý cách nói chết lâm sàng – nó gợi lên hình ảnh một xác chết vẫn như còn đang sống, vẫn thở khò khò như đang tập khí công, thức ăn vẫn chui vào bụng qua lỗ mũi, ấy vậy mà vẫn chưa thể triệu tập cuộc hội nghị quan trọng bàn việc phát tang. 

Ngô Bảo Châu nói với cả hai phe – giới “trí thức phản biện” và nhà “lãnh đạo lương thiện” giả định là “văn minh và có bản lĩnh”: 

Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình. 

Thật khó hiểu, tại sao nhiều bạn đọc không thấy Ngô Bảo Châu nói với cả hai ba bốn năm phe rằng chúng ta không phe nào được phép độc quyền chân lý

Rành rọt đến thế mà vẫn phản ứng, tại sao? Nghĩ rằng, có lẽ đó là vì Ngô Bảo Châu đã chạm vào một sai lầm về nhận thức rất phổ biến hiện thời. 

Cùng với cao trào “phản biện”, người ta kháo nhau và mở to TiVi nghe và vỗ tay rầm rầm cổ vũ cho lời nói. Có ông nghị gần suốt hai nhiệm kỳ chỉ nói những điều vô thưởng vô phạt, gần hết nhiệm kỳ bỗng uống thuốc quá liều đòi hỏi quá đáng đụng chạm vào những lợi ích phe nhóm. Thế là cái guồng máy vốn cho phép được mở miệng cũng ra lệnh bịt miệng. 

Đến nước ấy rồi mà vẫn không chịu tỉnh ngộ nghe lời Ngô Bảo Châu hãy lao động và làm ra sản phẩm theo đúng chuyên môn hẹp của mình đi. Muộn rồi, bây giờ mới thấy lao động quả thật là rất khó. Sản phẩm lao động tạo ra chẳng dễ gì! 

Ấy vậy nhưng trong “giới phản biện” vẫn có anh chưa tỉnh ngộ. Chứng cớ là vẫn có người chuyện gì cũng tham gia phản biện được, chẳng hạn lên tiếng định nghĩa khái niệm tự in đậm trong blog như thế này: 

Trí thức là sự cảm nhận của người khác, là sự quan sát, nhận định từ bên ngoài, đánh giá một con người dựa vào những tiêu chí mà người quan sát, nhận định có sẵn trong đầu. 

Không có gì siêu hình, rẻ tiền và dễ dãi hơn! 

Ta có thể thích hòn sỏi hoặc không thích hòn sỏi, nhưng đâu có vì ý nghĩ của ta (hoặc vì dư luận xã hội) mà hòn sỏi mất đi thuộc tính sỏi của nó và trở thành mềm mại dễ uốn như cái lưng và cái lưỡi? Ta có thể thích hoặc không thích mắm tôm, nhưng đâu có vì “dư luận xã hội” ấy mà mắm tôm có thể dùng thay dầu gội đầu hoặc nước hoa Chanel? 

Xin hãy khiêm nhường và hãy ngừng công kích Ngô Bảo Châu. Hãy để anh ấy làm việc theo cung cách với niềm tin rằng ít nhất anh ấy cũng biết cách không làm liều. Nên nhớ là tất cả mọi người vẫn đang sống trong một thế giới toàn trị vừa đầy sức mạnh vừa đầy mánh khóe. Và cái Lực của mỗi người, dù là người trí thức đấy, thì cũng mong manh như cây sậy mà thôi. 

Sớm mồng Ba Tết Nhâm Thìn




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo