Người chết hai lần - Dân Làm Báo

Người chết hai lần

Trịnh Kim Tiến - Nghe lời bài hát này tôi liên tưởng đến cái chết anh Nhựt. Kết luận này của VKSND Tối cao chính là trái mìn ấy, một lần nữa "thịt da anh nát tan" vì nỗi oan khuất vẫn còn đó như một "trái mìn nổ chậm". Chẳng lẽ xác của người chết, một lần nữa lại phải đào lên để chờ đợi câu trả lời cho sự thật hay sao? Không lẽ, người dân ở đất nước mà tôi đang sống phải chết hai lần để thấy công lý được thực thi hay sao?...

*

"Chồng tôi không có tội, không tự tử".

"Chồng chị không tự tử đâu em à, chồng chị bị hại chết, bị bọn họ đánh chết. Công ty Kumho cùng với công an Bình Dương bắt giữ trái pháp luật và đánh đến chết".

Chị Tuyền nấc nghẹn ngào chia sẻ cùng tôi sau khi chị đọc được tin tức trên báo Người lao động "VKSND Tối cao khẳng định anh Nhựt tự tử"

Bản thân chị là người liên quan trực tiếp trong vụ án, thân nhân người bị hại lại chưa nhận được bất cứ câu trả lời chính thức nào từ phía VKSND Tối cao cũng như công an tỉnh Bình Dương trong khi vụ án đã có kết quả điều tra.

"Đây là dấu hiệu bưng bít sự thật", chị khẳng định điều đó.

Chị đòi tự thiêu trước đồn công an Bến Cát để chứng minh những gì mình tố cáo là sự thật, để kêu oan cho chồng. "Việc tố cáo trong đơn của tôi là hoàn toàn đúng với sự thật. Nếu tôi tố cáo sai với sự thật tôi xin tự thiêu mình trước đồn công an Bến Cát để chứng minh những gì tôi tố cáo".

Tôi đã rất cố gắng để khuyên ngăn chị lại.

Tôi có thể nói tôi hiểu chị hơn bất cứ người nào, ngoài những người thân của chị vì chúng tôi có cùng chung một nỗi đau mất mát. Sự cảm thông, chia sẻ sâu thẳm trong tấm lòng từ những trái tim chung một vết thương gây ra bởi những người thừa hành pháp luật – những người mà lẽ ra nhiệm vụ của họ là phải bảo vệ chúng tôi. Người thân của chúng tôi bị đánh chết bởi những người gắn liền với chức danh Công an Nhân dân, gắn liền với những khẩu hiệu "Vì Nước quên thân, vì dân phục vụ".

Họ đã hành động ngược lại với những điều đó. Thực tế đã chứng minh, trong vài năm qua, những vụ việc công an đánh chết người ngày càng tăng, và hình ảnh công an ngày càng xấu đi trong mắt nhân dân.

Tôi không muốn chị Tuyền có suy nghĩ tiêu cực, và hành động như vậy. Tôi mong chị sẽ mạnh mẽ hơn, đứng lên tiếp tục trên con đường hành trình đi tìm công lý. Không có gì có thể làm ta tuyệt vọng, ngoại trừ chính bản thân ta.

Sự thật mãi mãi là sự thật, không một ai có thể che đậy nó. Chị Tuyền chắc chắn có thể làm được điều này vì chị là một người phụ nữ kiên cường. Một mình chị đã gánh vác cả gia đình khi chồng chị ra đi, từ Bình Dương xa xôi chị tìm đến Hà Nội với một mong ước - oan khuất được trả lời.

Ngày đầu tiên tôi gặp chị là ngày 17/11/2011 khi tôi cũng đang trên con đường đi tìm công lý cho bố mình. Chúng tôi trở thành những người đồng hành bất đắc dĩ trong một hoàn cảnh oái ăm mà không ai mong muốn những điều đau khổ sẽ xảy ra với mình như trường hợp của chị và tôi. Chính vì vậy cả một chặng đường dài ngày hôm đó, chúng tôi không hề nói nhiều với nhau nhưng vẫn hiểu được cảm xúc của nhau.

Sau khi gặp ở Bộ Công an thành phố Hà Nội, chị ngỏ ý muốn đi cùng tôi đến phiên tòa xử Trung tá Nguyễn Văn Ninh - người đã gây ra cái chết của bố tôi xem phiên tòa có diễn ra như trong dự kiến mà báo chí đã đưa tin. Và chúng tôi cùng nhau bước đi, trên tay chúng tôi là di ảnh, hình ảnh của những người chúng tôi thương yêu nhất nhưng họ mãi mãi không thể trở về. Những mảnh áo đen nhuốm màu tang tóc, tôi thật sự không muốn phải mặc nó đâu, chị Tuyền cũng vậy... 

Ngoài bức di ảnh của anh Nhựt, trên tay bác gái, mẹ anh Nhựt, hôm đó còn cầm tấm ảnh anh Nhựt với đầy rẫy thương tích dã man trên thân thể. Đau xót và thê thảm, người mẹ già khóc con trẻ, hình ảnh đó làm tôi nhớ về nội tôi. Không thể diễn tả được cái cảm giác xót xa trong lòng tôi lúc ấy.

Chặng đường dài từ Bộ Công an, đi qua VKSND Tối cao, rồi đến Tòa án, vừa đi chúng tôi vừa kể về nỗi oan khuất riêng, nhưng tôi biết chúng tôi chảy chung giọt nước mắt, chung tiếng khóc uất nghẹn trên hành trình đi tìm công lý cho người thân của mình.

Tôi đã đi được một phần hành trình của riêng mình, nhưng đối với chị và gia đình chị Tuyền, con đường đó vẫn còn là con số 0. Chính vì vậy tôi thương chị vô cùng.

Hôm phiên Tòa sơ thẩm vụ án liên quan đến bố tôi, chị đã gọi động viên tôi. Chị nói "Cố lên em nhé! Chị tin em sẽ làm được. Chị cũng cố gắng, chị không muốn để anh Nhựt chết oan ức như thế này được. Chị nhất định sẽ đấu tranh đến cùng để tìm ra sự thật. Dù có chờ bao nhiêu lâu, chị cũng sẽ chờ họ trả lời".

Còn bây giờ, chị "sốc", chị ngỡ ngàng trước kết luận của VKSND Tối cao. Cái kết luận mà chị phải đọc trên báo mới biết. Như vậy là sao???

"Sau gần một năm xảy ra cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt tại trụ sở công an huyện Bến Cát- Bình Dương với nhiều khuất tất như vợ nạn nhân bị gạ tình, 2 lá thư tuyệt mệnh nghi không phải do nạn nhân viết... thì đến nay kết luận khẳng định nạn nhân tự tử của VKSND Tối cao đã làm vợ nạn nhân hụt hẫng, dư luận ngỡ ngàng". "Miệt mài khiếu nại để được... cú sốc", "Chị Tuyền ơi, đừng nản lòng!" đó là những thông điệp chia sẻ mà báo "Người Lao Động" gửi đến chị Tuyền. Đúng vậy, không được nản lòng, còn rất nhiều người đứng bên chị, đòi hỏi công lý phải được thực thi.

Anh Nhựt chết không phải do tự tử: “Một bên đầu gối bị sưng lên như quả chanh, trên ngực có hai dấu vết bầm tím to, bộ hạ bị trầy da bì diện rộng, dương vật bị máu chảy, hai hố chậu xuất hiện 2 vết màu xanh lục diện rộng, màu xanh lục trong quá trình bị thối rữa…”.

Nét chữ trong thư gửi cho vợ không phải là nét chữ của anh Nhựt.

Tôi có từng nghe một người bạn kể về một câu chuyện, có một người nhạc sĩ trong thời chiến tranh nhìn thấy một chiếc xe tang bị nổ tung bởi một quả mìn. Rồi từ đó có những dòng nhạc:

"Một ngày mùa đông
Hai bên là rừng
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan..."

Nghe lời bài hát này tôi liên tưởng đến cái chết anh Nhựt. Kết luận này của VKSND Tối cao chính là trái mìn ấy, một lần nữa "thịt da anh nát tan" vì nỗi oan khuất vẫn còn đó như một "trái mìn nổ chậm".

Chẳng lẽ xác của người chết, một lần nữa lại phải đào lên để chờ đợi câu trả lời cho sự thật hay sao?

Không lẽ, người dân ở đất nước mà tôi đang sống phải chết hai lần để thấy công lý được thực thi hay sao?






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo