Đỗ Nam Hải (Danlambao) - Như tin đã đưa, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 15/2/2012 đã xảy ra sự việc công an Sài Gòn chủ động hành hung tôi (Đỗ Nam Hải) ngay trước cửa và sau đó xông cả vào nhà tôi, tại số 441 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Sự việc này đã được Nhóm phóng viên FNA - Khối 8406 tường trình lại vào ngày 17/2/2012. Các trang web như: Dân làm Báo, Đàn Chim Việt, Đối Thoại,… cũng đã đưa tin.
Sáng nay, thứ 3, ngày 21/2/2012, cậu đại úy công an khu vực P.9, Q. Phú Nhuận đến nhà đưa cho tôi tờ Giấy Mời. Nội dung là mời tôi đúng 8 giờ sáng mai, thứ 4, 22/2/2012 đến Trụ sở công an Quận Phú Nhuận, số 181 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận để “làm việc về một số vấn đề liên quan”. Giấy Mời do ông Đoàn Duy Thanh, thượng tá, Phó trưởng công an quận ký tên và đóng dấu. Tôi đã ghi vào cả 2 liên, với cùng nội dung: “Đã nhận nhưng tôi phản đối không đi làm việc”.
Nói thêm về cậu công an chủ động hành hung tôi hôm đó là khoảng 30 tuổi, đã làm nhiệm vụ theo dõi tôi từ nhiều năm nay, cùng với hàng chục cậu khác. Các cậu này thuộc Phòng PA 21 (Phòng trinh sát ngoại tuyến) - Sở công an thành phố Hồ Chí Minh. Những người hàng xóm nhà tôi ở cả hai bên đường đều biết về sự chốt gác, theo dõi, đeo bám dai dẳng này của công an đối với tôi trong suốt gần 8 năm qua (từ tháng 8/2004 đến nay).
Trong tấm hình mà tôi chụp được vào sáng 15/2/2012 đó, cậu ta đang đứng tựa vào chiếc xe gắn máy, đậu bên hông Nhà may Tân, số 420 Nguyễn Kiệm, P. 3, Q. Phú Nhuận. Đầu cậu ta đội chiếc mũ bảo hiểm màu đỏ, mặc áo ca rô, quần jeans và cầm chai nước uống. Bình thường thì có tới cậu 3 công an, đi 2 xe gắn máy bám sát tôi suốt ngày đêm nhưng buổi sáng hôm đó thì chỉ có 1 cậu công an này đi theo tôi. Trên đường về, tôi đã dừng lại nói với cậu ta: “Cậu không nên đi sát vào tôi như vậy” nhưng cậu ta không nghe và vẫn đi sát tôi về đến tận nhà. Tôi liền vào nhà lấy máy ảnh ra và chụp cậu ta. Sự việc diễn ra sau đó như tin đã đưa.
Tôi muốn bổ sung thêm một số chi tiết: do mất cảnh giác nên hôm đó, tôi đã bị bất ngờ khi cậu ta chủ động đấm thẳng vào mặt mình. Những cú đấm đầu tiên này làm tôi choáng váng nhưng sau đó, tôi đã cố gắng lấy lại được thăng bằng và tìm cách phản công tự vệ lại. Tuy nhiên, vì cậu ta vẫn còn đội mũ bảo hiểm nên sự phản đòn của tôi đa số đều bị rơi vào đúng chiếc mũ này và hai nắm tay tôi do vậy lại còn bị đau thêm.
Cuối cùng, tôi dùng tay trái để đỡ đòn, còn tay phải túm nhanh được chiếc quai mũ bảo hiểm của cậu ta. Với lợi thế này, tôi vít mạnh đầu cậu ta xuống đất và quật ngã được cậu ta xuống nền nhà, đầu hướng vào tường (vị trí trong tấm ảnh là ngay mũi chiếc xe Bonus của tôi). Ngồi ở trên, tôi dùng tay trái của mình chặn cổ cậu ta lại, quyết không cho cậu ta cựa quậy và dùng tay phải vớ nhanh được một thanh thép bằng Inox, dài khoảng 40 cm. Đây là một bộ phận của chiếc máy hút bụi nhà tôi. Tôi nói với cậu ta trước hàng chục người hàng xóm đang chứng kiến tại chỗ: “Cậu đã chủ động đánh tôi trước, nên bây giờ tôi có thể đánh chết cậu bằng quyền tự vệ chính đáng của mình, khi cậu đã xông vào nhà tôi như thế này. Nhưng tôi tha cho cậu. Cậu hãy cút ra khỏi nhà tôi ngay!”. Thế là cậu ta vội đi ra. Khoảng vài phút sau thì các cậu công an khác trong nhóm công tác đã có mặt, nhưng chỉ đứng từ xa nhìn sang nhà tôi.
Cuộc đụng độ khiến tôi bị chấn thương vai trái, do bị va chạm mạnh khi tiếp đất. Ngay buổi chiều cùng ngày, tôi đã đến cở sở phục hồi chấn thương tại sân bóng đá Hoa Lư trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 để nắn lại khớp, châm cứu và đắp thuốc. Ngày 20/2/2012, tức là 5 ngày sau, vai tôi vẫn còn đau không giơ tay trái lên được, mắt phải vẫn còn bị bầm tím và tôi phải đến Bệnh viện 115 trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10 khám. Bác sỹ cho tôi uống thuốc giảm đau 10 ngày và tiếp tục theo dõi.
Nhìn nhận lại sự việc, tôi khẳng định: việc cậu công an này chủ động hành hung tôi như vậy chắc chắn phải có lệnh từ cấp trên của cậu ta. Cách đó 10 ngày, ngày 5/2/2012 tôi đã gửi lên mạng Internet tấm hình do tôi chụp một cậu công an khác. Cậu này đã vội lấy chiếc ghế mà cậu ta đang ngồi đưa lên che mặt, khi tôi giơ máy ảnh lên chụp. Tấm hình đó được chụp trước cửa ngôi nhà số 430 Nguyễn Kiệm, đối diện với nhà tôi, số 441 Nguyễn Kiệm. Sau khi xem tấm hình đó, nhà báo Ngô Nhân Dụng đã viết bài “Chế độ lấy ghế che mặt”.
Nghề nghiệp của “Những chiến sỹ an ninh nhân dân Việt Nam” dưới chế độ này là như vậy. Nhiều lần, tôi đã nói với các ông Trần Tiến Tùng, Nguyễn Văn Tâm (hai người mà anh Nguyễn Chính Kết, chị Phương Thi, chị Dương Thị Tân, cô Tạ Phong Tần, cậu Lê Trí Tuệ, … đều đã phải làm việc) là những viên sỹ quan cấp tá, thuộc phòng PA 35 – Công an thành phố Hồ Chí Minh như sau: Tôi nói điều này mong các ông đừng tự ái mà hãy nên tự nghiền ngẫm nghe: Tôi nhận xét về nghề của các ông còn khó có thể khá hơn cái nghề “ngủ trong quan tài” mà cách đây vài năm, báo chí trong nước đã có bài đưa tin. Theo đó, để bán được hàng mỗi khi ế ẩm, các chủ trại hòm đã thuê một số người chui vào trong quan tài nằm im giả chết từ khuya tới sáng. Sau đó, họ sẽ nhận được món tiền từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/lần, tuỳ theo chủ trại hòm lớn hay nhỏ, “sộp” hay “keo”. Nếu chủ trại hòm bán được nhiều quan tài, người giả chết sẽ được thưởng thêm vì có nhiều người chết thật!
Những viên công an đó sau khi nghe tôi nói xong đều im lặng, không nói gì.
Sài Gòn, ngày 21/2/2012.
Đỗ Nam Hải – 441 Nguyễn Kiệm, P. 9, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn.
____________________________________
Phụ lục:
1) Chế độ lấy ghế che mặt (Ngô Nhân Dụng):
2) Công an xông vào nhà dân cướp của, đánh người (Nhóm phóng viên Khối 8406):
3) Cảm xúc mùa xuân (Đỗ Nam Hải):
4) Nghề “ngủ trong quan tài” (theo VTC News):