Lê Hải Lăng (danlambao) - Lời người viết: Xin lỗi. Nếu có trùng hợp ngoài đời là ngoài ý muốn.
Mưa bụi bay lất phất. Cơn gíó lạnh ban chiều thổi qua các tàu lá chuối ngã màu vàng sậm. Chị Thưởng ngồi ôm con vào lòng trong cái “chòi” mà học sinh trường làng gọi là cái nhà hai tầng. Thấy chồng chân bùn áo ướt tả tơi từ đầm bước vô nhà. Chị nở một nụ cười thật xinh:
- Năm cùng tháng tận cũng đầu tắt mặt tối. Thương ghê đi thôi!
Vương xoa hai cái tay vào má làm nóng da rồi hít hà:
Bữa cơm gia đình hôm nay cũng như mọi bữa. Một cái trứng vịt luộc dầm nước mắm nguyên vị Phú Quốc. Một tô canh rau muống cây nhà lá vườn Vinh Quang. Một dĩa tôm rang đầm Vươn. Hai vợ chồng lặng lẻ ngồi ăn với con cái. Bỗng một đứa trẻ lên tiếng:
- Tết sắp tới rồi bố dẫn con ra phố Hải Phòng sắm áo quần mới nghe bố.
- Con yên trí. Bố đã thất hứa nhiều cái Tết. Lần nầy bố hứa sẽ lo đầy đủ.
- Đi Đồ Sơn, vịnh Hạ Long nữa nghe bố.
- Bố nợ nần chồng chất, còn nghèo lắm đợi năm bảy năm thong thả rồi hãy đi viếng cảnh.
Chị Thưởng đơm một bát cơm nóng cho con rồi nói bâng quơ:
- Tội nghiệp con ghê. Mơ được đi học các nước tư bản như con cháu đảng viên lớn đảng viên nhỏ thì còn mơ. Dân điạ phương sống nhờ nước mặn mà mơ đi bãi biển thật đúng là dân khốn cùng có khác.
Để cho vợ và con ăn hết bữa cơm. Vương ra sau vườn cầm cái lưới rồi tự tay sửa lại mấy chỗ bị hư. Chàng ngước mặt nhìn ra cái đầm, cái đập, bụi chuối, lối đi. Những hình ảnh mồ hôi xương máu của vợ chồng đã tạo ra tương lai cho con cháu. Dù là còn mắc nợ chưa trả hết. Nhưng chàng chống lại được thiên nhiên để khai phá, thì cái chuyện tiếp tục làm để bù đắp vào nợ là chuyện không khó. Chàng mỉm cười tự tin với đôi bàn tay bé nhỏ của mình. Chàng mong được sống cuộc sống bình yên với bà con lối xóm. Chàng cầu cho mưa thuận sóng hòa để làm ăn.
*
Giấc mơ chẳng bao giờ thành sự thật. Đúng một tuần lễ sau, cái ngày oan nghiệt đã đến với gia đình. Người ta đã nhân danh cái nọ cái kia đưa hoàn cảnh anh Vương vào đường cùng không lối thoát, khi những ngọn đèn chớp nháy vũ trường đêm Hà Nội chén chị chén anh. Người nông dân Vượng đã sống mà như đã chết trong ngục tù. Người vợ và con sống cô đơn trong cái lều tưởng chừng trở lại thời tiền sử.
Hôm nay trời Tiên Lãng mây đen phủ kín âm u bao phủ cái lều. Chị Thưởng lấy bông gòn thấm rượu cồn rửa mấy cái vết bầm do quân đội công an đánh. Đứa con lớn vịn vào lưng mẹ rồi nói:
- Sao bữa đó họ không gõ trên đầu mẹ như gõ đầu con để có tóc chịu bớt.
- Tai vách mạch rừng. Ba và mẹ bị trấn lột hành hạ đủ rồi. Con đừng liên hệ.Họ chơi tận cùng bằng số tới ba đời chớ phải chơi.
- Mẹ nói gì con không hiểu hết.
- Cả nước già trẻ 82 năm nay chưa hiểu nổi thâm độc. Huống hồ con còn bé tí bé teo.
Chị Thưởng nhìn chằm chặp vào mặt con. Tự nhiên những giọt nước mắt theo nhau chảy ràn rụa. Chị nhìn ra bụi cây đã bị xe ủi sập. Cây muốn yên mà gió chẳng ngừng. Chị nghĩ tới chồng nhưng không dám nghĩ tới những đòn tra tấn kiểu giết người không cần gươm dao vẫn chết. Hơn ai hết chị biết giữa ban ngày ban mặt chúng còn đá đạp đàn bà như mình giữa đám đông thì chuyện ở trong tù tối tăm đố ai mà biết. Đánh cho hộc máu rồi bắt ký giấy khai nhận tội đã xẩy ra cho nhiều người rồi.
Chị Thưởng đang nghĩ ngợi. Chị Hiên ngồi bên góc lều. Chị ấy cho con nhỏ ăn tô cháo lót dạ xong. Xoay qua an ủi chị Thưởng:
- Mình chịu mất để xã hội được.
- Đời cha đời con đời cháu thay phiên nhau dùng súng ống cùng luật rừng cai trị thì bao giờ mà xã hội được.
Vừa nói chị Thưởng nhìn những mạnh đá vụn từ hoang tàn đổ nát không phải tại trời mà tại người. Gió lạnh ngoài trời. Gió lạnh trong lòng. Bất giác chị tiếp tục:
- Còn chút tình bạc bẻo cho nhau trong cái thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa?.
Chị Hiên bĩu môi:
- Không có gì quý hơn cướp đất tự do.
Hai người mặt đối mặt. Như có đảng vinh quang muôn năm hiển hiện trên đôi mắt hai bà vợ thương khóc chồng ở trong tù.
*
Bị cú thụi như búa bổ vào cổ, vào bụng từ bàn tay và chân của người quản giáo, mấy ngày nay Vương thấy đau nhức chi lạ. Chàng đi ngã lên sập xuống theo người dẫn tới phòng tra khảo.
Người công an thắp một điếu thuốc lên môi rồi hỏi cung:
- Ai xúi dục chuyện nầy. Khai sự thật tao sẽ tha về.
- Chính tôi.
- Lực lượng phản động nước ngoài nào đứng sau lưng mầy?
- Chính tôi. Nhà nước chơi Mỹ chơi Tàu lạ. Dân đen tôi biết ất giáp gì mà liên hệ đã chứ!
Người công an đấm mạnh vào bàn rồi hạch hỏi:
- Tại sao mầy chống người thi hành công vụ?
- Kẻ cướp đất, đầm nhà tôi. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ sinh mạng và tài sản.
- Láo! Đại tá Ca làm Giám đốc công an Hải Phòng nói là cái chòi sao mầy dám nói là cái nhà.
- Nhân dân chúng tôi nghèo làm sao có cái nhà cung điện như các ông.
- Mầy dám so sánh à. Đảng quang vinh muôn năm chứ có khẩu hiệu nào viết là nhân dân quang vinh muôn năm không? Đồ phản động!
- Tôi đâu có chê đảng đâu.Tôi chỉ chê cái đảng cướp thôi mà.
- A! Mầy giỏi lý luận. Thế tại sao mầy chạy trốn liên ngành công an, quân đội, biên phòng, phụ nữ khi họ tới cưỡng chế?
- Tôi thấy đâu. Dân chúng bức xúc tới phá nhà.
- A! mầy ăn cắp chữ của Phó chủ tịch Hải Phòng Đỗ Trung Thoại ha. Lại thêm một tội gian dối ăn nói mất dạy. Mầy kỹ sư biết đọc biết viết, thế có biết sợ vụ Nguyễn Văn Khương Bắc Giang,Trịnh Xuân Tùng Hà Nội, Lê Xuân Dũng Thanh Hoá, Nguyễn Công Nhựt Bình Dương. Mầy khôn hồn khai thật đi. Không thì tao cho đi theo mấy người đó.
- Tôi đọc báo đảng, báo hại đời,báo nhân dân, báo mặt trận báo kể chuyện đời sống cây hành cây tỏi nó sống nhờ đất, chứ đâu thấy đăng giết người nhờ còn đảng còn mình đâu thì làm sao mà biết sợ công an với chẳng sợ.
- Mầy chơi chữ với tao. Được..
Hắn nói chưa dứt câu, hắn trợn mắt nghiến răng rồi vận hết sức lực vào nắm tay. Hắn chọi một quả đấm thẳng thừng vào mặt Vương.
Người tù té xuống sàn bất động…