Báo TQ lên án VN gửi chư tăng ra đảo - Dân Làm Báo

Báo TQ lên án VN gửi chư tăng ra đảo

BBC - Tờ báo Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo (bản tiếng Anh, Global Times), gọi việc Việt Nam gửi chư tăng ra trụ trì các chùa ở quần đảo Trường Sa là "thách thức chủ quyền của Trung Quốc". Bài báo lên mạng hôm thứ Ba ngày 20/3 có tựa đề: "Động thái dùng chư tăng ở quần đảo Nam Sa: mưu đồ mới của Việt Nam".

Bài này được phóng viên Cao Lôi viết lại dựa trên một cuộc phỏng vấn với ông Tôn Hiểu Oánh, một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á ở trường Đại học khoa học xã hội tỉnh Quảng Tây. 

‘Việt Nam cưỡng chiếm’ 
Chùa Việt Nam trên quần đảo Trường Sa
Chủ trương đưa chư tăng ra Trường Sa thu hút dư luận Trung Quốc và các nước

Tờ báo có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cứng rắn này cho biết chủ trương đưa chư tăng Việt Nam ra ở Trường Sa đã "thu hút sự chú ý" của dư luận Trung Quốc. 

Bài xã luận thuật lại diễn biến sự việc và lý do của việc này là "Việt Nam nói rằng họ sở hữu ba ngôi chùa nằm trên ba hòn đảo của quần đảo Nam Sa". 

Không ngạc nhiên khi học giả họ Tôn đã bác bỏ hoàn toàn lý do này của Việt Nam. 

“Ba hòn đảo này không thuộc về Việt Nam cũng như người Việt không hề bỏ hoang các hòn đảo này như một số nhà phân tích đã lập luận,” bài báo viết. 

Trước đó, chính quyền tỉnh Khánh Hòa cho biết họ chấp nhận thỉnh nguyện của sáu vị đại đức, tăng ni đang tu hành trên địa bàn tỉnh ra Trường Sa để phục hồi Phật sự tại ba ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây. 

Hoàn cầu Thời báo tố cáo Việt Nam đã chiếm đoạt ba hòn đảo này của Trung Quốc cũng như đã mở rộng cưỡng chiếm ra toàn bộ nơi mà họ gọi là Nam Sa.

“Chúng là một phần của chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc nhưng bị Nam Việt Nam xâm chiếm vào năm 1973 và chưa bao giờ được hồi trả về cho Trung Quốc sau khi Việt Nam thống nhất đất nước.” 

“Chính quyền Việt Nam thống nhất đã chiếm thêm sáu đảo nữa ở khu vực này,” bài báo viết. “Trong giai đoạn 1978–1998, Việt Nam đã dùng sức mạnh cưỡng chiếm thêm 23 hòn đảo nữa của quần đảo Nam Sa từ tay Trung Quốc.” 

Hoàn cầu Thời báo nhận định việc gửi chư tăng ra các hòn đảo có chùa chiền ở Trường Sa "thực chất là một phần của kế hoạch của Việt Nam để tuyên bố chủ quyền vĩnh viễn quần đảo Nam Sa". 

“Trong vòng 20 năm qua, chính quyền Việt Nam đã đưa ra một loạt các chính sách và điều luật để hậu thuẫn cho việc này mà trong đó chính quyền ở cấp trung ương và địa phương dọc theo bờ biển được phân công các công việc cụ thể,” bài xã luận viết và nhắc lại rằng việc gửi chư tăng ra Trường Sa được sự hậu thuẫn của giới chức tỉnh Khánh Hòa. 

Bài báo cũng nhắc lại những hành động tương tự gần đây của chính phủ Việt Nam dưới "vỏ bọc tôn giáo", chẳng hạn như việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cung tiến hai tượng Phật ra đảo hồi tháng 4 năm 2011 bị gọi là đã tạo "cái cớ hoàn hảo" cho hành động gửi chư tăng ngày hôm nay. 

‘Cường quốc ức hiếp’ 

Hoàn cầu Thời báo cáo buộc Việt Nam dùng 'luật rừng' ở Trường Sa 

“Nhưng tại sao Việt Nam lại ngoan cố như vậy trong việc xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc?” bài báo đặt câu hỏi. 

Câu trả lời mà GS. Tôn Hiểu Oánh đưa ra là do "Trung Quốc liên tục bị các cường quốc ngoại bang ức hiếp" trong lịch sử. 

Bài báo đưa ra dẫn chứng lần lượt là Pháp đã "dùng vũ lực đuổi ngư dân Trung Quốc khỏi quần đảo Nam Sa và chiếm đoạt quần đảo này thành của mình" vào năm 1933 và sau đó đến Nhật cũng chiếm "Nam Sa và Tây Sa" sau khi họ đánh bại người Pháp vào năm 1939. 

GS. Tôn lập luận sau Thế chiến Hai, với tư cách là nước thắng trận, Trung Hoa Dân Quốc (chính quyền của Tưởng Giới Thạch) đã thu hồi lại các quần đảo từ tay quân Nhật theo tinh thần của Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Postdam.

Ông lại phân giải, Hội nghị San Francisco năm 1951 đã không xác định rõ nước nào sẽ thu hồi các hòn đảo từ tay quân Nhật nhờ vào sự vắng mặt của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mà hầu hết các quốc gia trên thế giới lúc đó không công nhận. 

Do đó GS. Tôn gọi Hội nghị San Francisco năm 1951 là "vi phạm luật pháp và công ước quốc tế". 

“Luật rừng vẫn ngự trị,” bài xã luận viết, “Nếu những đòi hỏi ngoại giao nhất quán của Trung Quốc không thể ngăn chặn chủ quyền của mình bị xâm phạm thì chúng ta phải xem xét các biện pháp có hiệu quả khác để giải quyết.” 

GS Tôn Hiểu Oánh đề xuất là Trung Quốc có thể tham khảo luật đánh bắt cá của các nước láng giềng và đưa vào luật của chính họ nội dung về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. 

Hoàn cầu Thời báo, phụ bản tiếng Anh của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã từng đe dọa những quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông hãy chuẩn bị lắng nghe "tiếng đại bác" trong một bài xã luận trước đây.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo