Con đường dân chủ cho Miến Điện - Dân Làm Báo

Con đường dân chủ cho Miến Điện

Nguồn: Rebecca Frayn - Newsweek

Aung San Suu Kyi đã hy sinh chồng, con, và 22 năm của cuộc đời để tranh đấu cho dân chủ ở Miến Điện. Chỉ còn vài tuần nữa là đến bầu cử, liệu Suu Kyi có thể đem dân chủ đến quốc gia này được không?

Tôi không thể không nghĩ đến con châu chấu David đánh đổ cỗ xe Goliath khi nhìn các đám đông hân hoan bao quanh Aung San Suu Kyi khi bà hết bị quản thúc tại gia vào năm 2010. Làm thế nào mà một phụ nữ có thân hình mảnh khảnh như vậy đã một thân một mình chống trỏi sức mạnh của một trong những chế độ quân phiệt tàn bạo nhất thế giới trong 22 năm qua? Bà đã từng chạm trán với tử thần ba lần. Vào năm 1989, bà đối mặt với các họng súng của quân thù được lệnh phải bắn vào bà; vài năm sau đó, bà sống sót sau một cuộc tuyệt thực tranh đấu đòi thả tự do các cộng sự viên trong đảng của bà đang bị tù đày; và gần đây nhất vào năm 2003, bà thoát khỏi một vụ ám sát một cách kỳ diệu trong khi đi tranh cử. Lòng quyết tâm bất di bất dịch để thiết lập nền dân chủ ở Miến Điện đã tạo cho bà một vị trí xứng đáng bên cạnh Nelson Mandela và Mahatma Gandhi. Tuy vậy, đằng sau sự can đảm dường như không thể lay chuyển của Suu Kyi là một câu chuyện về sự hy sinh cá nhân bao la. Trong suốt những năm dài bị quản thúc tại gia ở Rangoon, bà đã không được chứng kiến hai đứa con trai đang khôn lớn ở Anh Quốc, trong khi Michael Aris, chồng bà và cũng là một học giả ở Oxford, qua đời vào năm 1999 mà không bao giờ được phép gửi lời vĩnh biệt đến bà. Ít người trong chúng ta có thể hình dung ra được mình phải làm gì khi phải đối diện với hai chọn lựa giữa xứ sở và gia đình riêng tư của mình như bà đã phải trải qua. Nhưng vẫn còn ít người hơn có thể tưởng tượng làm sao tiếp tục sống một cách can trường với những hậu quả xảy ra vì sự lựa chọn đó.

Tôi bị bà Aung San Suu Kyi lôi cuốn khi đến thăm Miến Điện vào năm 1991 với bạn trai lúc đó, hiện giờ là chồng của tôi. Chúng tôi lúc đó tự hỏi có nên kết hôn với nhau không, nhưng bây giờ cũng không biết tại sao chúng tôi đã có ý định đến một đất nước với một thành tích phi nhân quyền nghiêm trọng như thế để tìm câu trả lời. Lúc nào cũng có một công an đi kèm bên cạnh, chúng tôi đi qua những biểu ngữ xui bảo như "Yêu Tổ Quốc" hoặc "Chỉ khi nào có kỷ luật thì mới có tiến bộ" với cảm tưởng như là chính mình đang sống trong bối cảnh ngột ngạt được diễn tả trong cuốn tiểu thuyết 1984 của George Orwell. Và bất cứ nơi nào chúng tôi đến, người Miến Điện sẽ sà vào để nóng lòng chia sẻ với chúng tôi chiều sâu của niềm đau khổ và sự tuyệt vọng của họ. Mặc dù những người công an bám sát chúng tôi cố gắng kiểm soát những gì chúng tôi trông thấy, điều thấy rõ là một đất nước từng là một quốc gia giàu nhất Á Châu này đã bị đưa đến tình trạng khốn khổ cùng cực dưới ách cai trị hà khắc của các tướng lãnh.

Mặc dù lúc đó Suu Kyi mới bị quản thúc hai năm, bà đã thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 1990, và chỉ nghe thầm tên của bà là đủ làm cho khuôn mặt của dân chúng rạng rỡ hẳn lên. Suu Kyi là con gái duy nhất của một anh hùng Miến Điện, tướng Aung San, người cho đến ngày nay được tôn thờ với vai trò của ông trong việc đàm phán dành độc lập khỏi ách thống trị thực dân Anh ở Miến Điện và người thành lập quân đội Miến Điện hiện đại. Ông bị ám sát vào năm 1947, sáu tháng trước khi độc lập trở thành hiện thực. Mặc dù Suu Kyi chỉ có 2 tuổi khi ông qua đời, bà lớn lên trong huyền thoại của vĩ nhân Aung San với sứ mạng chính trị dang dở của ông và nhiều người Miến Điện xem bà như là người hóa thân của ông bố. Tôi bị xúc động một cách sâu sa bởi niềm hy vọng mà sự hiện diện vô hình của bà đã reo rắc trong những người cực kỳ khốn khổ này, và trong những năm dài sau đó, tôi thường nghĩ về họ như đang chờ Suu Kyi bước ra từ đôi cánh như con sư tử Aslan của sứ thần tiên Narnia. Và vì thế, bốn năm trước, tôi viết một kịch bản mà bây giờ đã được dựng thành phim The Lady, do Luc Besson đạo diễn với Dương Tử Quỳnh vàDavid Thewlis diễn xuất. Cuốn phim sắp được chiếu ở Mỹ, nhưng bản lậu đã gây ra một sự nôn nao nào đó trên các đường phố Miến Điện.

Để nghiên cứu cho dự án, tôi cố gắng hết sức để liên lạc với rất nhiều bạn bè và gia đình Suu Kyi. Lúc đó tôi tìm ra Michael Aris, người chồng đã tranh đấu không ngừng đằng sau hậu trường để hỗ trợ bà ấy. Cuốn phim của tôi chẳng bao lâu trở thành một chuyện tình đau thương với tất cả các âm hưởng của một thiên tình sử theo kiểu Hollywood xa xưa. Ngay từ đầu, họ là một cặp rõ ràng khác biệt. Michael cao lớn, tóc vàng, mắt xanh, ông thích hút thuốc và uống rượu, và thích giao thiệp với một giọng luyên thuyên như đóng kịch. Suu nhỏ nhắn, tóc đen, một người kiêng rượu, và cực kỳ im lặng. Họ gặp nhau khi Suu đến từ Miến Điện để học triết, chính trị và kinh tế tại Oxford vào năm 1964. Trong bộ quốc phục truyền thống với một bông hoa luôn bên mái tóc, Suu trông đẹp lộng lẫy làm Michael say mê ngay lập tức. Ông học lịch sử cận đại nhưng đặc biệt đam mê về Tây Tạng, Bhutan, Nepal, và trong Suu ông đã tìm thấy sự thể hiện lãng mạn của tình yêu tuyệt vời của ông cho Phương Đông. Nhưng khi Suu chấp nhận lời cầu hôn của Michael, bà giao ước: bất cứ khi nào dân Miến Điện cần bà, bà sẽ trở về với họ. Và Michael không ngần ngại đồng ý. Đó là một thỏa thuận Michael tôn trọng cho đến khi kết thúc một cách đau thương.

Suu Kyi và Michael kết hôn vào năm 1972, và họ định cư tại vùng ngoại ô xanh tươi khi ông được học bổng nghiên cứu tại Oxford. Trong 16 năm kế tiếp, Suu Kyi là một người vợ gương mẫu và một người mẹ hiền dịu khi hai đứa con trai ra đời. Bà hết lòng xả thân xuốt thời gian nội trợ bận bịu trong cuộc đời của bà như bà đã hết lòng cống hiến cho sự nghiệp chính trị của bà sau này. Chẳng mấy chốc bà nổi tiếng về nấu ăn và về tổ chức các buổi sinh nhật sang trọng cho các con trai của bà. Bà thậm chí còn ủi vớ của Michael và lau chùi nhà cửa, thách thức các bạn bè theo đòi nữ quyền hơn cả bà.

Bất cứ ai tin tưởng vào số phận đều bị lôi cuốn vào các sự kiện dẫn dắt một bà nội trợ ở Oxford này trở thành một trong những nhà vận động cho nhân quyền quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Năm 1988, khi Suu Kyi và Michael đang ngồi đọc sách trong một buổi tối yên tĩnh ở Oxford, bà nhận được cú điện thoại từ Miến Điện báo tin mẹ bà bị đột quỵ. Bà sửa soạn hành lý ngay lập tức và hẹn trở về càng sớm càng tốt khi có thể. Trong thực tế, bà không bao giờ bước chân trở về Anh Quốc.

Suu Kyi đến Miến Điện trùng hợp với giai đoạn biến động chính trị lớn. Bà đi thẳng đến bệnh viện Rangoon để chăm sóc bà mẹ và thấy các hành lang đầy chặt sinh viên bị thương và đang hấp hối vì bị quân đội bắn trong một loạt các cuộc chạm trán đẫm máu. Hàng ngàn người khác đã bị thảm sát không thương tiếc. Qua một khúc quanh kì lạ của số phận, Suu Kyi vô tình nằm trong tuyến đầu của một cuộc cách mạng không thủ lĩnh. Chính tai bà nghe những câu chuyện đau lòng từ sinh viên về bạo tàn của chính phủ. Mặc dù bà khăng khăng rằng bà có một gia đình đang đợi ở bên Anh, tin đồn đi rất nhanh rằng con gái của Tướng Aung San đã hồi hương để giúp dân Miến Điện trong lúc cần thiết.

Học kỳ đã kết thúc cùng lúc để Michael và hai đưa con trai đi Rangoon thăm bà và xem phóng sự truyền hình trực tiếp trong đó Tướng Ne Win, một nhà độc tài tàn bạo độc nhất vô nhị tuyên bố trước sự ngạc nhiên của mọi người rằng vì tầm quan trọng của tình trạng bất ổn, ông sẽ tổ chức một cuộc bầu cử. Michael tiếp tục xem phóng sự khi một đoàn đại biểu của các học giả từ Đại học Rangoon đến mời Suu Kyi làm thủ lĩnh cho một phong trào mới cho dân chủ với lý do rằng dân chúng khắc nhiên sẽ đoàn kết đằng sau bà vì là con gái của tướng Aung San. Michael và Suu bị dằn vặt bởi lời thỉnh cầu này, hai cậu con trai vô tư không biết gì về tiếng gọi của số phận mà cha mẹ chúng đang trăn trở với nó. Bà quyết định đồng ý để giúp tạo nên một chính phủ lâm thời, nghĩ rằng một khi một thể chế dân chủ được thành lập, bà sẽ tự do trở về Oxford. Michael giúp bà chuẩn bị bài diễn văn lần đầu tiên trong đời mà bà đọc trước một đám đông nửa triệu người. Chỉ hai tháng trước đó, bà chăm sóc gia đình một cách êm ấm so với bây giờ, với vai trò dẫn đầu cuộc nổi dậy của đại quần chúng chống lại một chế độ man rợ. Hai đứa con trai được gửi về trường nội trú ở Anh Quốc, và Michael ở lại để hỗ trợ bà hai tháng nữa cho đến một đêm khi các binh lính đến đuổi ông về nước.

Mới đầu hai vợ chồng hy vọng xa nhau chỉ một vài tháng, nhưng chẳng bao lâu, vài tháng đã trở thành nhiều năm và các con trai đã trưởng thành. Trong năm năm tiếp theo, mặc dù được trao giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1991, Suu Kyi vẫn bị quản chế trong sự cô lập tuyệt đối. Bà duy tâm bằng cách học thiền, đọc nhiều sách về Phật Giáo và nghiên cứu các tác phẩm của Mandela và Gandhi. Michael và các con chỉ được phép thăm hai lần trong suốt thời gian đó. Chính ra bà tự chọn là một tù nhân lương tâm vì bất cứ lúc nào bà cũng có thể yêu cầu được đưa ra sân bay để quay trở lại với gia đình. Thật vậy, quân đội đã có thể túm lấy lời yêu cầu đó để chấm dứt bế tắc. Nhưng Suu Kyi cũng như Michael không bao giờ có ý định làm bất kỳ điều gì như vậy.

Là một sử gia, ngay cả khi phải vật lộn để ngăn bệnh trầm cảm và vận động chính trị đằng sau hậu trường để can thiệp cho Suu Kyi, Michael luôn luôn nhận thức rằng họ là một phần của lịch sử đang thành hình. Ông tiếp tục trưng bày cuốn sách bà đang đọc khi bà nhận được cú điện thoại gọi bà về Miến Điện. Ông trang trí các bức tường trong nhà với các bằng tưởng lục của các giải thưởng bà nhận được cho đến ngày nay. Và ở trên giường của mình, ông treo một bức ảnh lớn của bà. Dĩ nhiên, trong thời gian dài bặt tin, ông ta tự hỏi không biết Suu Kyi thậm chí còn sống không. Ban đầu, ông vui mừng khi thỉnh thoảng nghe các báo cáo từ người đi ngoài đường nghe tiếng dương cầm Suu Kyi đang chơi trong nhà quản thúc, nhưng khi độ ẩm rốt cuộc làm hỏng chiếc đàn, ông ta cũng mất luôn cả niềm tin mong manh này.

Sau đó, khá bất ngờ, vào năm 1995, Michael nhận được một cú điện thoại từ Suu. Bà nói bà gọi từ Đại sứ quán Anh. Bà đã được tự do một lần nữa! Có lẽ hy vọng rằng cuối cùng họ đã có thể thuyết phục bà đi, Michael và hai đứa con được cấp giấy chiếu khán. Nhưng người họ gặp gỡ đã trở thành một người phụ nữ hoàn toàn bị chính trị hóa qua những năm bị cô lập đã tôi luyện quyết tâm chính trị của mình thành thép. Đó là lần cuối cùng Michael và Suu được phép gặp nhau. Ba năm sau đó, khi được biết mình bị ung thư trong giai đoạn cuối cùng, ông gọi cho bà để báo tin xấu và ngay lập tức xin giấy chiếu khán để ông có thể tự mình nói lời vĩnh biệt.

Khi đơn xin của ông đã bị từ chối, ông đã xin lại hơn 30 lần trong khi sức khoẻ càng ngày càng suy xụp. Một số nhân vật nổi tiếng, trong đó Đức Giáo Hoàng John Paul II và Tổng thống Bill Clinton đã viết thư thỉnh cầu hộ ông, nhưng tất cả đều vô ích. Cuối cùng, một viên chức quân sự đến gặp Suu Kyi. Ông nói, tất nhiên, rằng bà có thể nói đôi lời vĩnh biệt với chồng, nhưng muốn làm như vậy bà ấy sẽ phải quay trở lại Oxford. Sự lựa chọn ngấm ngầm ám ảnh bà suốt 10 năm vợ chồng chia lìa bây giờ đã trở thành một tối hậu thư rõ ràng. Tổ quốc hoặc gia đình của bà. Bà rất lo âu. Nếu bỏ về, cả hai Suu Kyi và Michael đều biết điều đó có nghĩa là vĩnh viễn lưu vong và tất cả mọi thứ họ đã sát cánh tranh đấu bên nhau sẽ chấm dứt. Suu gọi Michael từ Đại sứ quán Anh khi bà có thể làm được, và mỗi lần nói chuyện, Michael luôn luôn cương quyết khuyên bà đừng bao giờ có ý tưởng bỏ cuộc. Cuối cùng, khi Suu Kyi chấp nhận bà sẽ không bao giờ được nhìn thấy Michael một lần nữa, bà mặc chiếc váy với màu mà Michael thích nhất, cài một hoa hồng trên mái tóc, và đi đến Đại sứ quán Anh. Nơi đây, bà thu hình một thước phim chia tay mà trong đó bà nói tình yêu của Michael dành cho bà là trụ cột và điểm tựa cho cuộc đời của bà. Cuộn phim được chuyển lén ra ngoài, nhưng đến nơi chỉ hai ngày sau khi Michael qua đời.

Với cá tính sắt đá, Suu Kyi luôn luôn tránh né mọi cố gắng để nói về sự đau khổ của bà. Khi một nhà báo nói với bà rằng chuyện hôn nhân của bà có những yếu tố giống như một một bi kịch Hy Lạp, bà cho ông ta một trận sống chết. Bà nhắc ông ta là bà đã chọn con đường đó. Và chính lòng kiên trì vững chắc mà bà đã gìn giữ được để đi đến sự lựa chọn đó đã chiếm lòng tôi với sự khâm phục sâu sắc khi tôi viết những giòng này. Mặc dù bà đã bình chân qua 24 năm dài dẵng, niềm đau đớn của sự hy sinh của gia đình Aris đã luôn luôn bị làm phức tạp thêm bởi sự tiến bộ chính trị không đáng kể đã đạt được, và chắc chắn có người tự hỏi cái tổn thất cá nhân đó có thể được đánh giá là xứng đáng không.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy các chế độ độc tài đang sụp đổ trên toàn thế giới, quân đội Miến Điện cuối cùng đã tuyên bố cải cách chính trị, điều quan trọng nhất trong đó là cuộc bầu cử vào tháng Tư này, trong đó Suu Kyi và đảng Liên đoàn Dân chủ Quốc gia của bà. Sự hỗ trợ cho bà từ dân Miến Điện đã chưa bao giờ được cao như thế. Vào tháng trước, khi bắt đầu chuyến đi tranh cử đầu tiên kể từ khi trở thành một ứng cử viên chính thức, bà gặp các đám đông nhiệt tình trong xuốt bốn tiếng dọc theo con đường từ Rangoon đến Pathein. Và mặc dù dưới nhiệt độ thiêu đốt, hơn 10.000 người chờ bà đến đọc diễn văn trong một sân vận động thể thao đông nghẹt và khi bà đến, họ dâng biểu ngữ ca ngợi bà là "Mẹ Dân chủ."

Ngay cả những người chỉ trích Miến Điện khắt khe nhất cũng rất ngạc nhiên với số lời hứa cải cách đã được thực hiện; song song với cuộc bầu cử sắp tới, chính phủ đã thả hàng trăm tù nhân chính trị, ký thỏa thuận ngừng bắn với quân nổi dậy của dân tộc thiểu số, tăng tự do báo chí, và nới lỏng luật kiểm duyệt. Tất nhiên chủ yếu của chính phủ là hy vọng những cải cách sẽ dẫn đến việc dỡ bỏ phong toả kinh tế, nhưng các chính phủ Tây phương và Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố họ sẽ chỉ xét lại các biện pháp trừng phạt sau khi quan sát cuộc bầu cử tháng Tư được tiến hành một cách tự do và công bằng ra sao. Vì vậy, mặc dù Suu Kyi được cho là sẽ thắng lớn, người ta nó vẫn còn xem mức độ quyền lực bà sẽ thực sự vận dụng, nếu có.

Và hai đứa con của Mẹ Dân chủ để lại bây giờ ra sao? Alexander, con trai lớn của Suu Kyi, năm nay 38, hiện đang sống ở Hoa Kỳ và chưa đến thăm bà. Nhưng Kim, bây giờ 34, cuối cùng cũng được cấp giấy chiếu khán để đi thăm người mẹ mà lần trước anh ta đã gặp vào một thập kỷ trước đó. Anh ôm chầm lấy bà tại sân bay trước khi tự hào khoe hình xăm mới toanh trên cánh tay của mình. Hình xăm là một lá cờ với con công, biểu tượng của đảng Liên đoàn Quốc gia Dân chủ của bà Suu Kyi. Thế là bánh xe lịch sử đang xoay để tìm đến Suu Kyi, người từng là cái gai lớn nhất đối với quân đội, hiện nay đang ở trong vị trí hoàn hảo để tạo điều kiện cho chuyển giao hòa bình cho thể chế chính trị, cũng giống như Mandela đã làm cho Nam Phi. Giấc mơ cho nền dân chủ của Aung San Suu Kyi - một giấc mơ được chia sẻ bởi 59 triệu dân Miến Điện - sắp sửa trở thành sự thật ngay trước mắt chúng ta.


Nguồn: Rebecca Frayn - Newsweek


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo