"Dân không đưa phong bì thì y đức sẽ cải thiện" - bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. Nhưng... các ngài bác sĩ cũng nhấn... nhè nhè: Dân nghe ai đây? Trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế ở đâu và pháp luật để đó làm gì?
"Dân không đưa phong bì thì y đức sẽ cải thiện"
(VTC News) – “Dứt khoát người nhà bệnh nhân không đưa phong bì, không đưa quà khi vào khám bệnh thì thái độ y đức của cán bộ y tế sẽ dần được cải thiện”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh như vậy sáng nay (26/3) khi UB TVQH tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế.
Y đức là một trong nhiều nội dung được các thành viên UB TVQH và 500 ĐBQH cùng tham gia buổi chất vấn quan tâm. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vài thập niên qua nền kinh tế thị trường định hướng XHCN góp phần không nhỏ trong sự phát triển nền kinh tế đất nước, tuy nhiên nó cũng tạo ra những hình ảnh tiêu cực đến đạo đức lối sống của một nhóm dân cư, bao gồm cả cán bộ y tế.
Theo bà Tiến, tình trạng xuống cấp của các cơ sở y tế, sự thay đổi của các loại hình bệnh tật và nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân dẫn đến tình trạng quá tải, đặc biệt là bệnh viện (BV) tuyến trung ương đẩy hệ thống y tế vào tình thế không thể cung cấp được đầy đủ các dịch vụ y tế có chất lượng cao.
“Tình trạng này làm cho nhiều người bệnh và người thân trong gia đình cố gắng tiếp cận, tranh thủ cán bộ y tế để tạo sự quan tâm nhiều hơn đến bệnh nhân. Những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế không chỉ đơn thuần xuất phát từ cán bộ y tế mà còn được khởi xướng và tiếp tay bởi chính bệnh nhân và gia đình” – bà Tiến nói.
Theo người đứng đầu ngành y tế, các biện pháp hành chính đơn thuần hay những hoạt động mang tính phong trào khó mà giải quyết triệt để vấn đề này.
Bà Tiến cũng nhấn mạnh, y đức là phạm trù liên quan đến không chỉ ngành y tế mà cả lĩnh vực xã hội, kinh tế, văn hóa của đất nước, vấn đề y đức nghề nghiệp ngành nào cũng cần, nhưng với ngành y tế ngoài y đức còn cả y lý và y thuật. Thời gian qua văn bản pháp quy đánh giá y đức không có, nên ngành y tế dựa vào quy định về đạo đức ngành y, vào Luật phòng chống tham nhũng, dựa vào chỉ thị tăng cường y đức của ngành y tế… để đánh giá y đức của cán bộ nhân viên trong ngành.
Bộ trưởng Y tế cũng phân bua, mặc dù môi trường làm việc của cán bộ y tế còn đang có nhiều áp lực (cường độ lao động, tinh thần, nguy cơ lây nhiễm) nhưng hầu hết cán bộ y tế đã tận tâm, yêu nghề, vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Còn tỷ lệ nhỏ cán bộ viên chức chưa hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp gây nên hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, gây dư luận không tốt cho xã hội.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng đặt câu hỏi Bộ Y tế có đánh giá về thực hiện vấn đề y đức chưa và có sự tham gia của người dân vào việc đánh giá hay không? Nhiều Đại biểu cũng chất vấn về giải pháp để cán bộ y tế giữ y đức trong thực trạng hiện nay.
Bà Tiến nhận định, hy vọng với sự ủng hộ cũng như sự phê phán của nhân dân, cùng với đầu tư cho cơ sở y tế tăng lên, chính sách với cán bộ y tế được đổi mới, gắn với "Cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và đặc biệt dứt khoát người nhà bệnh nhân không đưa phong bì, không đưa quà khi vào khám bệnh thì thái độ y đức của cán bộ y tế sẽ dần được cải thiện.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng Y tế chia sẻ với người dân khi chịu “nỗi khổ” quá tải BV tuyến trung ương, Bộ trưởng Tiến cho rằng, quá tải do tâm lý. Theo đó, giải pháp lâu dài là tuyên truyền, là quy định phân tuyến theo đúng năng lực cũng như quy định rõ về chuyển tuyến.
“Nước nào cũng quy định thế, giai đoạn trước người dân đẻ thường ở nhà hộ sinh, BV huyện, tỉnh, giờ ai có điều kiện họ lên thẳng BV C (Hà Nội) và Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) - cái này không cần thiết gây quá tải. Tại sao tôi nói nhiễm trùng BV là rộng – là do quá đông người trong môi trường BV (cả bệnh nhân lẫn người nhà bệnh nhân) – cái này cần quy định phân chuyển tuyến, nhưng cơ bản lâu dài phải nâng cấp y tế cơ sở cả về trang thiết bị lẫn con người. Nhưng không phải làm ngay được trong khi năng lực ta có hạn” – bà Tiến thừa nhận.
Cũng tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Y tế làm rõ quan tâm của Đại biểu Hoàng Thị Nga (Nam Định) về việc cấm sử dụng hóa chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi Beta-agonist (Clenbuterol, Salbutamol) gây tác hại lớn với sức khỏe con người trong khi ngành y tế lại sử dụng chất này trong khám chữa bệnh cho người khiến cho việc quản lý rất khó.
Tuy nhiên, trả lời của Bộ trưởng Tiến lại rất ngắn gọn, theo đó, ngành y tế có quy định về ngưỡng khi sử dụng chất Beta-agonist, còn việc sử dụng vượt quá chất này trong chăn nuôi thì do… Bộ NNPTNT quy định.
Một nội dung khác Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Y tế về trách nhiệm của Bộ trưởng trước thực trạng mang bầu của các “bé gái” hiện nay. Bộ trưởng Tiến nhận định, hiện lối sống văn hóa, giao lưu trong gia đình, xã hội có tình trạng nhiều bé gái mang bầu, đặc biệt ở các TP lớn, theo đó, đối với nhiệm vụ của ngành y tế về sức khỏe sinh sản thì có nhiều chương trình giáo dục truyền thông về giới tính, về an toàn tình dục…
Nhưng theo Bộ trưởng Y tế thì vấn đề này liên quan đến các ngành khác như LĐTB&XH, GD&ĐT, “ngành y tế chủ yếu liên quan về kỹ thuật, còn mảng xã hội, văn hóa thì chúng tôi không có quyền hạn” – bà Tiến nói.
Tại buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “chốt” câu hỏi bao quát nhất với người đứng đầu ngành y tế, theo Chủ tịch Quốc hội, từ những vấn đề Đại biểu đặt ra cũng như giải pháp mà Bộ trưởng Y tế nêu trong phiên chất vấn về quá tải bệnh viện, nhân lực ngành y tế thiếu, tuyến dưới đổ về tuyến trên, cơ sở vật chất thiếu thốn… nên chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu, còn có tệ nạn, y đức, sức khỏe… “Vậy năm nay, sang năm và đến năm 2015 những tồn tại ấy có tồn tại nữa không? Có chuyển biến không? Bộ trưởng có làm được không?”
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Tiến dành nhiều thời gian nêu về 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong nhiệm kỳ như: giải pháp giảm tải thì đang làm; đổi mới toàn bộ cơ chế tài chính thì đang trình Chính phủ, điều chỉnh giá dịch vụ viện phí thì đã ban hành; nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở về cơ sở vật chất, về con người để phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao cùng thiết bị; nâng cao truyền thống giáo dục sức khỏe; lập Vụ giáo dục sức khỏe, Vụ Y tế địa phương; Xây dựng các Trung tâm y tế chuyên sâu. Cá phướng án trên đã trình lên Chính phủ và đang chờ phê duyệt để tránh tình trạng ra nước ngoài khám chữa bệnh”.
Bà Tiến cũng nêu, năm nay sẽ ra Nghị định đổi mới cơ chế tài chính - là nền tảng để các đơn vị sự nghiệp có nguồn thu. Cùng với đó, đã điều chỉnh được giá dịch vụ. Sang năm (2013), hy vọng khi đổi mới đào tạo từ 2007 sẽ giải quyết được tình trạng thiếu cán bộ y tế, giảm bớt khó khăn về nguồn nhân lực.
Với giảm tải BV, trong đó “căng” nhất là BV ung bướu TƯ, theo Bộ trưởng Tiến, trong năm 2013 sẽ di dời 300-500 giường bệnh, BV Bạch Mai trong năm 2013 sẽ giảm tải rõ. Đối với TP HCM vấn đề cơ bản là GPMB rất khó khăn, Bộ sẽ đầu tư sớm triển khai một vài khoa của một số BV nóng bỏng. Bộ cũng xây dựng các BV vệ tinh dứt khoát không được chuyển lên tuyến trên - nhưng không phải thực hiện được một sớm một chiều mà đến 2015 có bước tiến rõ.