Những thủ thuật kiểm duyệt báo chí ở Trung Quốc - Dân Làm Báo

Những thủ thuật kiểm duyệt báo chí ở Trung Quốc

Minh Anh (RFI) - Gửi tin nhắn SMS, chấm điểm hay phạt tiền các phóng viên… là những thủ thuật mà chính quyền Trung Quốc đề ra để kiểm duyệt thông tin báo chí và mạng Internet. Chủ đề này được thông tin viên Phlippe Grangereau của báo Libération tại Bắc Kinh tìm hiểu qua bài viết "Những chiếc kéo kiểm duyệt Trung Quốc đã được mài sắc". 

Phương thức kiểm duyệt báo chí và các trang mạng là một bí mật được giấu rất kỹ. Chỉ có những quan chức cao cấp của ban biên tập mới biết được bí mật này. Theo tiết lộ của một vị trưởng ban biên tập (xin giấu tên) một tờ báo địa phương thì «cách thức vận hành vừa rất đơn giản mà cũng vừa rất phức tạp đến mức người ta không thể nào nghĩ đến». 

Theo vị tổng biên tập này, mỗi ngày ông nhận có đến hai chục tin nhắn SMS đến từ ban Tuyên huấn. Mở đầu là dòng chữ «đề nghị đọc kỹ hướng dẫn sau đây» có kèm theo mật mã. Theo sự hướng dẫn, vị tổng biên tập đầu tiên hết phải nhập mật mã và mật hiệu. Ngay sau đó, xuất hiện các dòng chỉ dẫn chẳng hạn như «không được bàn về chủ đề này», «hãy nhấn mạnh đến bài diễn văn này theo hướng…», «liên quan đến chủ đề này, chỉ được sử dụng các thông tin từ Tân Hoa xã» hay như «không được đưa vụ án tham nhũng này lên trang nhất». 

Theo tác giả bài viết, những lệnh trực tiếp như vậy chỉ để lại cho các phóng viên một phạm vi tác nghiệp rất hạn hẹp. Tuy nhiên, các phóng viên cũng tận dụng những gì cho là đặc biệt không bị cấm thì có thể chấp nhận được. Thế nhưng theo vị tổng biên tập, do «những người kiểm duyệt không thể nào theo dõi được hết và cũng không thể nào nghĩ hết được mọi vấn đề, nên việc kiểm duyệt còn được kết hợp với hệ thống điểm». 

Ông giải thích, hàng năm, các bài đăng được cho 12 điểm, «nếu tòa soạn đăng một bài điều tra bị coi là làm bôi nhọ hình ảnh của chính phủ, chẳng hạn về vụ một quân nhân giết người hàng loạt hay vụ cả một gia đình tự thiêu do bị tước đất đai, ban Tuyên huấn sẽ rút điểm của chúng tôi. Ít nhất là ba điểm, giống như là thẻ vàng trong bóng đá. Đặc biệt, nếu bài viết bị đánh giá có lời lẽ xúc phạm, Ban tuyên huấn có thể rút chúng tôi một cái vèo 12 điểm [coi như bị thẻ đỏ]». Sau đó, ban biên tập bị thay đổi và tòa soạn có thể bị đình chỉ, thậm chí bị đóng cửa hoàn toàn. 

Nhật báo Liberation cho biết thêm, kiểm duyệt còn được thực hiện bởi một cơ quan khác, đó là ban Phát hành, một kiểu « công an » của hệ thống kiểm duyệt. Cũng theo lời kể của vị tổng biên tập này, «vào cuối năm, nếu tòa soạn nhận thấy rằng một vụ án nào đó có thể làm tăng doanh thu cho chúng tôi mà không sợ bị mất điểm, thì lúc đó chúng tôi mới dám đăng». Ông này nhận xét: «thuận lợi của cơ chế vận hành này chính là báo chí có cảm giác tự do. Trong khi đó, trên thực tế nó hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát». 

Không chỉ có báo chí bị kiểm duyệt, mà những nhà kinh doanh trang mạng cũng bị kiểm soát. Một nhà quản lý trang mạng cho biết, ông đã phải thuê hàng trăm người để làm cái công việc «làm sạch» các nội dung thảo luận. Nếu doanh nghiệp vẫn không thể nào hay từ chối kiểm soát thông tin thảo luận trên net, thì sẽ bị phạt tiền. Như vụ trang mạng Sohu, do để cho người dân tự do thảo luận về nội chiến tại Lybia trước khi Bắc Kinh đưa ra quyết định chính thức, trang mạng này đã bị phạt «60 000 euro» vì tội «phạm sai lầm chính trị nghiêm trọng».



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo