Đoạn trường. Âu Cơ - Dân Làm Báo

Đoạn trường. Âu Cơ

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này…
Tối. Ngoài trời thiếu ánh trăng. Nam và những người đàn ông đã rời hang động từ mờ sáng. Trong cái rét căm căm, những người đàn bà quay quần bên nhóm lửa. Lạnh và đói. Mùa đông sắp hết thì lương thực cũng cạn dần. Hơn bao giờ hết cuộc sống của tôi phụ thuộc hoàn toàn vào Nam. Bàn tay lực lưỡng, đôi chân rắn chắc đem lại cho những người đàn bà như tôi nguồn sống. Bàn tay đó, đôi chân đó cũng đem lại cho tôi những trận đòn khốc liệt vì những giận dữ vô cớ của Nam. Tôi sợ Nam và những người đàn ông trong hang động. Nhưng tôi cần họ để sống. Họ có cái tôi không có: sức mạnh để sống còn. Tôi có cái họ không có: Nét đẹp của người đàn bà. Cái tôi có chẳng giúp ích gì cho bao tử của tôi. Nó là một nhu cầu phụng sự cho đàn ông – lúc họ cần. Tôi nhìn ra ngoài đếm từng ngôi sao lặn. Tôi mong mỏi chờ sự trở về của họ. Đói và lạnh.

*

Trăng đã tròn. Những người đàn ông đang ồn ào nướng thịt. Chúng tôi ngồi trong góc yên lặng nhìn. Sau khi họ no nê, những người đàn bà như tôi sẽ chia đều phần sót lại. Nhóm lửa đã thành tro. Nam, sau khi hung bạo, thèm muốn với tôi, đã lăn ra ngủ như những người đàn ông khác. Tôi biết đây là nhiệm vụ của tôi. Tôi có cảm giác của một cục đất trong những lúc như vậy. Tuy nhiên, phải thành thật với chính mình - tôi yêu Nam. Trong giây phút hung bạo ngắn ngủi, tôi biết Nam cần tôi. Và trong tôi, lâu lâu cũng lóe lên một cảm giác tuyệt diệu nào đó. 


Mặt trời ngột ngạt dưới đám mây đen. Mười ngày sau lần trăng tròn thứ chín. Nỗi đau quặn thắt từng cơn. Tôi nghe tiếng mẹ tôi và các chị nói bọng nước tôi đã vỡ. Tôi không còn biết gì hết ngoài lòng oán hận và ý tưởng nguyền rủa Thượng Đế. Tại sao những người đàn bà phải chịu cái cực hình khủng khiếp này. Tiếng mẹ tôi văng vẳng: cầu cho nó là con trai. Tôi lả người đi khi tiếng oe oe đầu đời của con tôi cất lên. Mẹ tôi đặt con tôi vào lòng mừng rỡ. Con trai. Trong ràn rụa nước mắt tôi ôm con tôi. Mặt trời đỏ au chiếu chỗ tôi nằm. Tôi cám ơn Thượng Đế. 


Buổi sáng. Lá cây vàng thắm. Chúng tôi đã rời khỏi hang động và sống trên những chòi cao. Cu Nam không còn quấn quít nhiều bên tôi nữa. Cha nó hằng ngày dẫn nó đi tập săn thú, làm chòi. Nó đã rời khỏi vòng tay tôi để tập làm đàn ông. Mẹ tôi nói đó là định mệnh của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục ngồi nhìn bóng mình, lặng lẻ, chờ đợi bước chân trở về của những người đàn ông. 

*

Ngày thứ hai, cuối đông. Tôi sửa soạn hàng gánh ra chợ. Khu chợ nhỏ nhưng đủ cho mấy bà buôn bán, trao đổi vài miếng thịt, cái cày, con dao mà mấy ông làm ra. Chúng tôi đã rời những cái chòi chật hẹp để quây quần bên nhau trong khu làng nhỏ với những căn nhà bằng đất sét. Nam đã dọn xong mảnh đất cho mùa gieo mạ tháng tới. Đó là lúc mà tôi có thể phụ giúp cho Nam trong công việc đồng áng. Tôi cảm thấy mình không hoàn toàn là cái bóng của Nam nữa mặc dù tôi vẫn không được quyết định điều gì quan trọng trong gia đình. Nói cho cùng, miếng cơm manh áo cũng phải nhờ chính vào sức lực của Nam. Tôi vẫn chỉ là người đàn bà đẹp với bộ óc thông minh chưa tự mình làm ra được áo cơm. 

*

Mùng sáu, tháng thứ hai, năm Quý Mão. Dọc theo giòng sông Hát trắng một màu áo. Tôi ngồi xếp lại bộ quần áo lụa vàng lấm tấm máu. Tiếng voi trận còn văng vẳng như lúc thân xác tôi và em tôi chìm dần xuống giòng sông phẫn nộ sóng. Đất nước tôi lại trở về với bóng tối. Tôi lại trở về với chiếc bóng của tôi. Nhấp chén nước vối chát đắng tôi nghe có vị lạ thường. Nước sông Hát hôm nay sao mặn. 

*

Nam đem về nhà thêm một người đàn bà khác. Tôi không còn khóc lóc, vật vã mình như những lần trước. Không có lợi lộc gì khi phải làm khổ những người đàn bà vốn đã khổ hơn tôi. Tôi nhận thức được cái vòng tròn oan nghiệt không lối thoát của chúng tôi. Đè nén nỗi ghen tức và thù hận người cha của các con tôi trong ngăn kín, tôi tập yêu thương những người đàn bà của Nam. Sau hiên nhà, gió đang réo thổi qua từng chiếc lá chuối rách. 

*

Tháng Tám. Mùa Thu. Tôi khan cổ khi viên đạn phá nát cái đầu đang gục xuống của già Nam. Tôi đã la, tôi đã hét những điều gì đó về một thế giới đại đồng, chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp. Tôi đã tru tréo tưởng tượng về những tội ác bóc lột của tên điền chủ già nua. Đứng trên cái xác không còn rõ hình thù, tôi thấy chân dung những gã đàn ông trần truồng hang động. Về nhà, trong căn phòng tối có những mảnh vải màu đỏ, Nam bế con khóc, liếc nhìn tôi e ngại. 

*

Mùa hè. Gió thổi rát mặt. Bước chân trần của những người khiên cổ áo quan ướt trên mảnh đất khô nứt. Tôi chăm chú sửa lại từng cái khăn tang trên đầu các con tôi. Đây là trán của Nam, mắt của Nam, mũi của Nam, miệng của Nam. Đây là những giòng sông của Nam đang tiếp tục hành trình ra biển. Đây là những đứa con của tôi sống thiếu cha từ lúc sinh ra đời cho đến khi tin dữ hốt hoảng về từ mặt trận An Lộc. Mùa hè đỏ lửa. Mưa ướt đẫm tâm hồn tôi. Con tôi khóc nhưng không biết được sự mất mát của một điều vốn sẵn không có. Vụn đất cuối cùng che lấp cỗ quan tài chôn theo niềm mơ ước của tôi. Niềm mơ ước được san xẻ những nhục nhằn trong cuộc sống, niềm mơ ước có Nam bên cạnh để tôi không phải quyết định hết mọi chuyện trên đời này. Không phải vậy. Chắc là không. Tôi chỉ mơ ước được sống có chồng, con tôi sống có cha. 

*

Biển. Những ngọn sóng cuồng nộ đè cuốn thân tôi. Áo quần nồng mùi nôn mửa bị xé toạt bay theo gió. Tiếng gào của con gái tôi đứt khoảng và thưa dần. Tôi nhắm mắt, tôi che ngực, tôi kẹp chân. Đám mây đen hôi hám ập xuống thân tôi mang theo tiếng sét đâm ngút sâu vào tâm não. Tôi chợt thấy mình đang đi trên con đường cỏ tranh dẫn vào trại tù A30. Đứa con gái bảy tuổi lếch thếch sau lưng, mồ hôi ửng đỏ đôi má. Tôi ngồi đối diện với Nam, cay mắt tìm lại vài nét ngày xưa. Nam cúi đầu nhìn tay tôi, mân mê xoay tròn chiếc nhẫn cưới rộng. Đứa con gái khép nép sau lưng, ôm tôi e dè liếc nhìn người-cha-trong-ảnh. Tôi vói tay sờ mặt của Nam. Khuôn mặt lùi dần, lùi dần. Tôi ngộp thở trườn tới. Khuôn mặt mờ dần, vầng trán mờ dần, sống mũi mờ dần, khóe miệng mờ dần. Tôi hụt hơi vói chụp tia sáng lóe lên trong ánh mắt thẫn thờ tuyệt vọng bất lực của chồng tôi. Tên hải tặc Thái Lan đứng dậy. Mở mắt, qua cái háng của gã đàn ông, tôi bắt gặp ánh mắt thẫn thờ tuyệt vọng bất lực của Nam từ những người đàn ông trên tàu. Tôi không còn nghe tiếng con gái tôi khóc nữa. 

*

Buổi sáng. Chủ Nhật, đầu tháng, năm 2012. Những đóa hướng dương bên khung cửa vươn mình tắm nắng. Mỗi ngày, tôi bình thản với công việc đều đặn của một người ráp máy điện toán. Cả nhóm làm việc của tôi đa số là phụ nữ. Mấy ông chủ bự nhận thấy được cái ưu điểm cần cù, nhẫn nại và khéo tay của chúng tôi với những con chips nhỏ li ti. Phải chi họ thấy được đằng sau những đặc điểm đó là một khả năng thu xếp, điều hành, tính toán chi li của chúng tôi thì đỡ biết mấy. Họ đâu biết rằng trong đời sống của chúng tôi, nhét hết mọi chuyện từ chồng con, bếp núc, tiền bạc, nhà cửa, công việc làm vào mười tám tiếng đồng hồ hết năm này qua tháng khác đã đào luyện cho chúng tôi một khả năng điều hành rất hữu hiệu. Tôi phải đi ngủ sớm hôm nay. Tháng này, với tiền tăng lương, tôi có thể mua cho Nam một chiếc xe mới. 


Bà chị lại gọi than van về công việc đang làm. Mấy tên đàn ông “bừa bộn dơ dáy” làm chị điên tiết lên trong công việc lau dọn văn phòng của chị. Chị coi đó là thái độ coi thường phụ nữ của đàn ông. Tôi coi đó là sự lựa chọn việc làm hoàn toàn thuộc về quyết định của chị. Nó cũng giống sự lựa chọn của mấy ông đổ rác mỗi sáng thứ hai làm việc trước cửa nhà tôi. Tôi tin rằng những cái mà tôi đang có, sẽ có, không nhất thiết phải xuất phát từ sự biết điều của đàn ông. Nó phải đến từ chính chúng tôi. Bên cạnh, hành trình văn minh của nhân loại đã đem đến những hệ quả mà không ai có thể cưỡng lại được. Cái ưu điểm sức lực thống trị của Adam thuở ban đầu đã được từ từ thay thế bằng máy móc. Trái đất quay và chúng tôi là những làn sóng lấn bờ. Tôi mĩm cười nghĩ tới ý tưởng văn minh dùng máy móc để thay thế cái đẹp-trong-ngoài của đàn bà chúng tôi. 

*

Thứ Bảy. Tối. 2015. Tôi đang là giám đốc điều hành cho một công ty sản xuất máy điện toán. Nam đã xin nghỉ việc để có thì giờ săn sóc các con và tham gia vào các chương trình xã hội. Bên ngoài, cơn mưa đầu mùa đã nhẹ hột. Tôi nghe tiếng hò văng vẳng từ bên kia giòng sông Hương vọng lại. Giọng hò theo gió kéo dài từ đầu sông đến cuối sông, rớt đọng giữa thinh không. Thành phố lặng yên với mùi hoa ngọc lan buổi tối sau kết quả của cuộc bầu cử. Người phụ nữ đầu tiên đã được chọn vào trách nhiệm lèo lái đất nước. Trong đời sống máy-móc-lý-trí người ta tìm thấy được ở người đàn bà này một tấm lòng nhân ái, một con tim hiền hòa, và một khả năng tụ hội khéo léo, mềm mỏng. Có tiếng chồng và các con tôi ở phòng bên cạnh. Con trai đang nói về món ăn ngon nào đó vừa học được cách nấu. Con gái huyên thuyên về dự định thực hiện một trại hè huấn luyện nghệ thuật lãnh đạo ở Nghệ An. Nam đang ồn ào qua điện thoại về cô bạn cũ có con bằng phương pháp cấy tinh nhân tạo và nhất định sống không cần đàn ông. Tôi thấy mình bình an như gối mền. Ngày mai tôi sẽ dậy sớm nấu cho con tôi những món ăn mà mẹ tôi thường nấu khi bà còn sống. Tôi cần và thèm được săn sóc con tôi. Tối nay, trước khi đi ngủ tôi sẽ đọc lại Chinh Phụ Ngâm. Tôi muốn nhớ lại cái thuở mịt mù ban đầu để nâng niu niềm hạnh phúc đang có. Muốn nhớ và thương những bà mẹ từ nghìn năm trước. Tôi. 

*** 

Chủ Nhật. Nữ và Nam dừng lại trước căn nhà màu xanh da trời. Nắng chiếu vào cánh cửa có hàng chữ khắc: “Lương Tâm Nhân Loại Sẽ Yên Ổn Khi Thực Sự Có Sự Bình Đẳng Giữa Người và Người”. Nữ đẩy cánh cửa bên phải. Nam đẩy cánh cửa bên trái. Khuôn cửa nặng. Chỉ mới mở được một phần.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo