Đàn Chim Việt - Theo những thống kê đầu tiên, ông Putin giành từ 58 tới 62% phiếu bầu và sẽ trở thành Tổng thống Liên bang Nga lần thứ 3. Đây là kết quả chưa chính thức, nhưng thông thường, sẽ không có sai lệch đáng kể. Khoảng 100 triệu cử tri tham gia vào cuộc bầu cử trực tiếp này.
Với kết quả trên, Putin thắng cử ngay từ vòng đầu tiên. Tỉ lệ này do trang thăm dò Exit polls đưa ra dựa trên sự phỏng vấn hàng ngàn người ở nhiều điểm bầu cử khác nhau. Người nhận được số phiếu bầu lớn thứ 2 là chủ tịch Đảng Cộng Sản, ông Giennadi Ziuganov với 18%. Vị trí thứ 3 thuộc về nhà tỉ phú Michail Prochorov với gần 10%.
Ngay trong ngày hôm nay, lực lượng đối lập đã lên tiếng phản đối và cho rằng có hàng ngàn vụ gian lận. Theo đó, vẫn bằng những thủ đoạn cũ như đi lòng vòng qua nhiều điểm bỏ phiếu để bỏ nhiều lần, ném thêm phiếu vào các thùng hoặc mua chuộc cử tri… Cuộc bầu cử bị cho là “vừa không công bằng”, “vừa không hợp pháp”.
Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban vận động bầu cử của Putin, ông Stanislav Govoruchin, cho ý kiến ngược lại. Theo ông, bầu cử đã diễn ra “công bằng nhất” trong lịch sử nước Nga.
Putin đi bỏ phiếu
Trước làn sóng biểu tình phản đối bầu cử gian lận từ tháng 12 đến nay, lần này chính quyền đã cho đặt webcam thu hình tại nhiều phòng phiếu và có khoảng 180.000 chiếc camera được gắn tại 90.000 điểm bỏ phiếu. Có thể theo dõi bầu cử qua Internet.
Ngay sau khi bầu cử kết thúc, ở Moscow đã diễn ra đồng thời 2 cuộc biểu tình, ở 2 địa điểm khác nhau, với hàng chục ngàn người tham gia, để phản đối và ủng hộ Putin.
Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng, dù Putin có thắng cử đi nữa thì nước Nga cũng đã khác trước. Một xã hội dân sự đã hình thành và ngày càng trưởng thành. Tầng lớp trung lưu, đặc biệt là giới trẻ ngày càng tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, xã hội.
Trong một diễn biến chưa từng có ở nước Nga, những tháng kề cận bầu cử, đối lập đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng chục ngàn người. Các trang mạng xã hội được sử dụng như những công cụ đắc lực nhằm tố cáo gian lận bầu cử cũng như các thủ đoạn chèn ép đối thủ của đảng cầm quyền. Nhiều đối thủ tiềm năng đã bị chính quyền, bằng cách này hay cách khác, gạt ra khỏi cuộc chạy đua.
Putin đã làm Tổng thống 2 nhiệm kỳ từ năm 2000 tới 2008. Sau đó, ông trở thành thủ tướng với nhiệm kỳ 4 năm.
Theo Hiến pháp mới, nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 6 năm thay vì 4 năm như trước kia. Như vậy, Putin sẽ ở điện Kremlin tới 2018 và có thể tiếp theo một nhiệm kỳ nữa tới 2024.
Putin hiện 60 tuổi, là cựu đại tá tình báo KGB dưới thời Xô Viết.
© Đàn Chim Việt
http://www.danchimviet.info/archives/53658