Than bán dạo - Dân Làm Báo

Than bán dạo

Duy Thức (Người Việt) -  Bỗng nhiên giá gaz đã tăng vũ bão. Trước kia dân thành phố đun nấu bằng bếp dầu hôi hay lò củi. Các bà nội trợ mua củi thước tức là củi chặt khúc xếp ngang một thước, cao một thước. Khi mang về phải có khi phải thuê người chẻ nhỏ ra mới dùng được. Sau này một phần đun củi khói dữ quá, một phần không còn nhiều gỗ tạp làm củi nữa nên dân thành phố xoay qua dùng bếp điện, bếp dầu hôi. 

Bếp điện hay bị cháy dây may so, bếp dầu hôi xông mùi dầu quá nên dần dần dân thành phố chuộng bếp ga. Mặc dù thường xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây chết người, nhất là bếp ga mini dùng nhiều lần hay các cơ sở sang chiết ga lậu không an toàn, bếp ga vẫn ngày càng thông dụng. Ngay cả miền quê, để bếp nước sạch sẽ hơn, nhiều gia đình cũng dùng bếp ga thay vì bếp củi, bếp trấu cổ truyền, mặc dù những nguyên liệu rẻ tiền này có sẵn chung quanh.

 
Xe chở than bán dạo trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

Khi mọi người đã quen với bếp ga thì ga tăng giá. Năm ngoái ga tăng từng tháng. Trong một thời gian ngắn từ Tết Tây đến giờ, ga tăng giá bốn lần, tăng 100,000 đồng và chỉ một lần hạ giá... 10,000 cho vui. Hiện nay giá 477,000 tức gần nửa triệu đồng cho một bình ga mười hai ký. 

Giá ga tăng khiến đa số gia đình không kham nổi, thói quen đun nấu phải thay đổi. Vì thế mọi người lại quay sang các loại bếp khác. 

Bếp điện không giống xưa nữa mà là bếp từ. Mua một bếp từ mới vài trăm ngàn đến vài triệu và còn tiền điện mỗi tháng. Ðiện cũng tăng giá mắc hơn xài gas nữa, bếp từ lại đòi hỏi dùng nồi chảo thích hợp nên không phổ biến. 

Chẳng lẽ lại bỏ bếp điện xài lò đất nung ba ông táo như xưa sao? Kế bên nhà tôi có ông Tư già đạp xích lô. Từ xưa tới nay gia đình ông đều nấu nướng bằng loại lò sắt cuốn lại thay vì đất nung. Cái bếp đó có lẽ của ông ta tự chế ra và không thấy nhà ông dùng gas hay lò điện gì cả. 

Bà Tư ngồi đặt bếp lò ngay trước nhà chụm củi, chiếc xe cũ kỹ gác bỏ dựa tường, nơi đó ông Tư mua gỗ tạp về sắp dựa tường trữ sẵn cả vài thước. Các thứ cây ván người ta làm nhà bỏ ra, ông đều lượm về hay mua rẻ chặt ngang từng khúc để đút vào lò cho dễ. Rất hiếm nhà đun củi vì thật ra củi hiện nay không phải dễ kiếm mua. 

Dân miền Bắc chuộng than tổ ong. Ðó là than cám trộn với mùn cưa và bùn phơi khô đóng thành bánh có nhiều lỗ tròn trông như tổ ong. Loại này khi đốt phát ra khí độc nên nhiều người mùa lạnh đóng cửa đốt than tổ ong sưởi đã bị ngột khí chết. 

Ngay cả ở những chung cư mới xây, người ta chẳng ngại gì mà bê các bếp than tổ ong ra đun nấu ngoài hành lang khói mù mịt. Miền Nam thường là hàng ăn cũng dùng than tổ ong. Lý do loại than này âm ỉ nên đun nấu hàng nhiều tiếng thì lợi. Tuy nhiên đa số gia đình thích than thường hơn. 

Vì thế lúc này xuất hiện những xe ba gác nhỏ bán than rong giống như rau cỏ trái cây bán rong. Người bán vừa đẩy xe len lỏi vào các con hẻm nhỏ vừa cất tiếng rao hàng. 

Anh bán than có đến năm mươi dư, dáng người cao gầy, gân guốc đang rũ mấy cái bao đệm lớn, bụi than bay túa ra đường. Trong xe chất ngay ngắn toàn những khúc than lớn cả. 

Tôi nhìn kỹ đống than: 

-Tôi muốn mua vài ký than vụn để bỏ vào các chậu lan ở nhà. Và cân một bao than để nấu ăn. Có phải than đước Cà Mau không! 

Than đước tốt nhất trong các loại than vì cứng chắc, cháy lâu và ít khói. Mùi khói cũng thơm, không khó chịu như các loại than khác. 

Cà Mau có hàng chục xóm chuyên hành nghề hầm than. Khắp nơi đều có các khu vực hầm than: Bình Thuận, Bình Ðịnh,... Những nơi gần rừng có khi tụ tập hàng trăm lò đốt than. Ngày trước cây bị đốn còn lại gốc, người nghèo bứng gốc ấy về hầm than. Chỉ cần đi từ sáng tới chiều được một xe củi đẩy về. Bây giờ đốn hạ cây nhiều quá, rừng bị đẩy lùi. Ði thật xa hàng tuần, người thợ chưa kiếm đủ xe củi về hầm than. 

Ðốt than đều là dân nghèo. Khói lò than hít vào độc, rừng cây bị tàn phá, giá một ký than hầm xong bán cho thương lái chỉ trên dưới một ngàn đồng một ký. Nhưng do không có vốn liếng, đất đai, không nghề chuyên môn nên những người dân này vẫn phải bám vào nghề hầm than để mưu sinh. 

Rừng Cà Mau bị dân chúng đua nhau vào ăn ong, bắt rùa, nhất là đốt than. Các khu rừng phòng hộ đều bị tấn công. Vào mùa Ðông, giá than lại tăng lên khiến người ta càng hăng hái phá rừng lấy gỗ đốt than. 

Nhu cầu về than ngày càng tăng nên xuất hiện than từ nguồn gốc cây trồng. 

Anh bán than nói: 

-Sau 75, cả nhà tôi đều bị đưa đi kinh tế mới ở Dương Minh Châu hết, cha mẹ tôi làm nghề hầm than kiếm ăn. Về sau họ mất rồi, tôi không biết làm gì sống, cũng nối nghề hầm than từ đó. Bán than kiếm lời khá hơn hầm than nhưng cuộc sống thành phố đắt đỏ. Tính ra cũng vậy... 

Ngày trước tôi đi bộ qua rừng cao su Dầu Tiếng. Nơi này có cướp thường rình chặn bộ hành. Có lần tôi gặp hai tên cướp. Tôi không sợ và cũng chẳng mang gì theo nên chúng không làm gì. 

Lúc đó rừng rậm hoang dã, người bị đưa lên kinh tế mới tưởng chừng không có đường về. Có khi đói cũng thành cướp. Chúng tụ năm, ba tên ở bìa rừng. Người đi chợ phải rủ nhau thành nhóm, thủ sẵn dao rựa đề phòng rồi mới dám đi. Ai cũng biết chúng thường ngồi trên xe trâu phục sẵn bên đường mòn. 

Sau này dân Dầu Tiếng vào làm sở cao su nên cuộc sống cũng đỡ khó nhọc. Nhà cửa trường trại mọc lên nhiều. 

Tôi cầm khúc than đen nhánh, hỏi: 

-Ðây là than keo hay than tràm? 

Anh bán than trả lời: 

-Bác cứ nhìn than thì biết. Toàn củi tốt cả. Chúng tôi quen với những người trông coi sở cao su Dầu Tiếng. Các loại cao su lớn già, ít nhựa, họ cưa bán củi hay bán cho các trại gỗ ở Sài Gòn đóng bàn ghế. Tôi quen mua họ các gốc cao su, mà các loại cây khác để hầm than phần nhiều là gỗ nung. 

Cũng có khi vườn cây ăn trái bị phá bỏ, vườn nhãn cỗi chẳng hạn, chủ lò than đến mua nguyên vườn về làm nguyên liệu hầm than. 

Tôi cười: 

-Tôi thấy cây than to như thế này, phần gỗ rất mắc, vả lại nhà nước cấm phá rừng để bán gỗ. Tôi nghi anh quá! 

Anh ta cười xòa: 

-Có nhiều nơi rừng bụi mịt mù, mình chặt vài cây ăn thua gì? Kiểm lâm cũng thông cảm cho dân nghèo! 

-Anh hầm than toàn cây gỗ tốt và lớn nếu số gỗ này đem bán cho xưởng gỗ ở Sài Gòn bộn tiền 

-Chở gỗ lậu hay bị bắt lắm. Còn đẩy xe than chạy từ Tây Ninh, Dầu Tiếng về thì không ai để ý cả. 

Vừa nói anh ta chọn than bỏ vào bao cân cho tôi hai mươi ký than chắc và năm ký than vụn. 

-Than tốt bảy ngàn một ký, than vụn sáu ngàn. 

Anh bán than nói: 

-Nghề bán than này đang trở nên thịnh. Nhiều người đốt than, nhiều người chở than đi bán. Nhiều công ty ra đời chuyên bán than đá, than xô... Dân Sài Gòn sợ lò gas hay cháy nổ nên trở lại xài lò nung than đá và lò đốt than củi thường. Tôi cũng giao mối cho mấy cửa hàng tạp phẩm quen ở chợ Hùng Vương chuyên sấy cá khô chỉ lấy giá năm ngàn. 

Bán than rong toàn nam giới, không thấy phụ nữ làm nghề lấm lem bụi bẩn này. Anh bán hàng từ Dương Minh Châu xuống thành phố mướn nhà ở bến xe Miền Ðông sống một mình. Cứ hết một xe than, anh lại quay về Dầu Tiếng lấy chuyến khác 

Giá ga, giá điện cứ tăng, rừng cứ cạn và anh bán than vì thế sống cũng tạm qua ngày.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo