Thư gửi... tội ác! - Dân Làm Báo

Thư gửi... tội ác!

Hà Thịnh (TuanVietnam) Phải chăng vì quá khát khao với giấc mơ làm giàu, nên những kẻ thủ ác, thích làm ác thời nay luôn tin rằng đồng tiền không có mùi và cách định giá chẳng bao giờ căn cứ vào sự ố bẩn của nó?... 

Thưa các loại... tội ác! 

Lá thư này là kết quả của việc sau khi được nghe rất nhiều tiếng thở dài, than vãn, căm hận; sau khi đọc và thấy những điều xót xa, chướng tai gai mắt và, không ít lần ngồi lặng trước bàn phím mà chẳng biết bắt đầu từ đâu, nên viết như thế nào. 

Tội ác đóng thùng "nguyên đai, nguyên kiện" 

Thế nhưng, có những điều không thể đặng đừng vì e rằng, nếu ai cũng tặc lưỡi theo cách "sống chết mặc bay", tội ác sẽ "mỉm cười" chế nhạo hơn... Và càng thêm chất chồng, những nạn nhân sẽ ngày một thảm thê hơn; sự thấp thỏm sống (hay là đang tồn tại) có nguy cơ bào mòn tất cả các giá trị... 

Trước hết, hãy bàn về chuyện cháy xe. Xin nói thẳng và nói trắng ra rằng các vị không thể biện minh cho hành động tội lỗi khi các vụ cháy nổ xe liên tục xảy ra làm chết người, làm nhiều người bị thương tật suốt đời - trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. 

"Pha thêm 'một chút' aceton, methanol hay ethanol thì có sao? Trung Quốc mỗi ngày sản xuất 87.000 thùng methanol (1 thùng - barel = 49 lít), mỗi năm họ pha đến 4 triệu tấn methanol vào xăng (SVPOLY.net, 5.1.2012) chứng tỏ..." - đó là cách nói lấy được của những ai bất chấp đạo lý, lương tri để chai lỳ tâm độc quyết làm giàu, kiếm nhiều tiền bằng mọi giá. 

Những cảnh cháy xe, không những đã xảy ra mà còn xảy ra liên tục gây nên nỗi đau không thể bù đắp nổi cho nhiều gia đình. Đó là gì nếu không chỉ đích danh những kẻ pha chế xăng dởm chính là kẻ thủ ác! 

Các vị có thể ngụy biện rằng do các cơ quan có trách nhiệm xử phạt không nghiêm nên "nếu ta không làm thì người khác cũng làm". Bằng chứng nhãn tiền là từ năm 2005 người ta đã pha dầu hỏa (được trợ giá) vào xăng nhưng chẳng ai hề hấn gì. 

Từ những năm 2007-2008, người ta đã phù phép để biến xăng A83 thành A92 - chỉ riêng công đoạn này đã kiếm lợi từ mỗi lít xăng ít nhất 500 đồng, trong khi mỗi cây xăng mỗi ngày bán 3.000-4.000 lít, tính ra, "tự nhiên" mỗi ngày kiếm thêm được vài chục triệu đồng... Những dẫn chứng ấy chỉ có thể làm bớt đi vài hạt bụi của tội ác chứ tội ác vẫn luôn được "đóng thùng" nguyên đai, nguyên kiện. 

Các vị cũng có thể nói lấy được rằng methanol hay aceton tự nó là không có lỗi vì chính chúng là những "trợ thủ" đắc lực trong việc chống cháy nổ (vì đã "đưa" hàm lượng oxy vào trong xăng) nên có pha thêm cũng chẳng hề hấn gì(?) Các vị quên mất rằng ngay từ xa xưa, cha ông đã dạy là cái gì quá cũng không tốt. Đằng này, các nhà khoa học (Mỹ) đã khẳng định rằng tỷ lệ 2,75% là mức cao nhất có thể chấp nhận cho aceton hay methanol có trong xăng. 

Quá tỷ lệ ấy đồng nghĩa với nguy hiểm, gây hại cho xã hội, môi trường. Các vị đã bất chấp cảnh báo ấy, đã pha vào xăng đến 15,3% methanol (cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, Hà Nội, theo SSPOLY.net, 5.1.2012) - có nghĩa là gấp hơn 5 lần chỉ số quy định của kỹ thuật! 

 
Các vụ cháy nổ xe liên tục xảy ra 

Anh em sinh đôi: Dối trá và Tham lam 

Xin đặc biệt nhấn mạnh rằng chỉ với 10ml methanol, con người có thể bị mù mắt và nếu cơ thể bị nhiễm từ 1-2ml/kg thân trọng thì có thể dẫn đến tử vong. Mọi lời giải thích, thanh minh thanh nga là bằng...0, vì ai chẳng biết giá của methanol là 10.000 đồng/lít còn giá xăng là 20.000 đồng... 

Sơ qua chuyện cháy nổ xe để thấy rằng đầu mối của tội ác chính là "anh em sinh đôi" trong tâm địa xấu xa của con người: Dối trá và Tham lam. Có thể dối trá chưa tạo ra tội ác nhưng trong mọi tội ác, bao giờ cũng có bóng dáng của sự dối trá. 

Dối trá với lương tâm của chính mình, dối trá trong việc tìm mọi cách để che dấu sự thật mà thói thường là phép ngụy đạo đức. Dối trá trong việc ngụy tạo chứng cớ để vu khống hay áp đặt một nhận thức sai. Dối trá trong việc giả mạo giấy tờ để luồn lách luật pháp, biến của công thành của tư, biến bằng cấp giả thành cơ hội và điều kiện tạo ra quyền lực thật... Có thể lấy rất nhiều dẫn chứng mới xảy ra trong thời gian gần đây để thấy rõ hơn con đường đi của cặp song trùng tội ác - dối trá. 

Trong chuyện này, bộc lộ thứ tội ác "đặc thù" của sự dối trá lộng hành, đó là sự vô cảm. Vô cảm cũng là dạng tội ác đặc biệt của tính ích kỷ thái quá, của sự bất động lương tri, của cái thời lạnh tanh kim tiền bỡn cợt. 

Phải chăng đồng tiền không có "mùi"? 

Thưa tất cả những kẻ coi tội ác là "phương tiện" sống! 

Đành rằng nguyên lý sinh vật học đã chỉ ra rằng cạnh tranh sinh tồn cùng loài là dạng cạnh tranh quyết liệt và tàn bạo nhất. Nhưng, nền văn minh của nhân loại từ hàng ngàn năm nay cũng khẳng định ngược lại rằng, sở dĩ con người con người có quyền tự hào khi phản đề nguyên tắc sinh vật học thú tính là bởi vì con người biết rõ giới hạn của tội ác. 

Nếu vượt quá giới hạn ấy, con người đang động vật hoá hành vi sống của chính mình. 

Cần phải nhấn mạnh rằng hàng trăm hay hàng ngàn năm trước, truyền thống văn hóa Việt luôn là chuẩn thước của sự hiền hoà, thân thiện, bao dung. Phải chăng vì quá khát khao với giấc mơ làm giàu, nên những kẻ thủ ác, thích làm ác thời nay luôn tin rằng đồng tiền không có mùi và cách định giá chẳng bao giờ căn cứ vào sự ố bẩn của nó?... 

Những người tiêu dùng cả nước khẩn thiết đề nghị cái góc lũy cuối cùng của lòng tham trong hình hài của các vị hãy tỉnh thức dù đã muộn lắm rồi. 

Những bài học về luật nhân quả hay ác giả ác báo chẳng hề muộn bao giờ. Nếu cứ cố tình cái cách thức kiếm tiền quái đản bất kể tính mạng của người khác thì hệ lụy và hậu quả sẽ nhiều lắm. 

Tại sao các vị không một lần tự hỏi biết đâu người thân của quý vị trong một lúc nào đó sẽ sử dụng chính cái thứ xăng mà các vị đã làm dởm rồi bất ngờ phải gánh lấy hậu quả đáng thương? Lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt là điều mà bất kể ai cũng phải ngẫm suy để hiểu lấy đôi lần. 

Người viết bài không nghĩ rằng có những cái ác và sự vô cảm không thể thay đổi. Mà rất muốn hy vọng rằng nhiều triệu người khác trên trái đất này vẫn có thể có tiền mà chẳng cần đến những hành vi bất chính bị người đời lên án, nguyền rủa. 

"Hồi đầu thị ngạn" là lời dạy bất tử của Đức Phật: Người cho rằng bất kể cái ác nào cũng có thể được ngộ - tỉnh (prajnã). 

Quay đầu là bờ! 

Mong mỏi lắm thay! 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo