Trật tự thế giới sẽ thay đổi - Dân Làm Báo

Trật tự thế giới sẽ thay đổi

Chu Chi Nam (Danlambao) Mỗi thời đại của lịch sử nhân loại đều có một trật tự thế giới. Những trật tự thường được các sử gia đề cập như trật tự thế giới La Mã, ở bên Tây phương; ở bên Đông phương, là trật tự nhà Đường của Tàu, tới trật tự nhà Nguyên của người Mông Cổ. Sau đó là trật tự thế giới của Anh, rồi tới trật tự thế giới Hoa Kỳ, từ đầu thế kỷ 20.

Nhưng ngày hôm nay, có người cho rằng trật tự thế giới đang và sẽ thay đổi: trật tự thế giới Hoa Kỳ sẽ nhường chỗ cho một trật tự thế giới mới khác. 

Có phải thế không? 

Trong bài này tôi nêu lên vài trật tự thế giới tiêu biểu trong quá khứ để từ đó chúng ta nhìn xu hướng cuả trật tự thế giới trong tương lai sáng tỏ hơn. 

I) Đế quốc và trật tự thế giới Nguyên Mông 

Trật tự thế giới có thể hiểu là trật tự, luật lệ tạo ra bởi một quốc gia, thường là đế quốc, có sức mạnh và ảnh hưởng rộng lớn trên nhiều quốc gia, nhiều vùng của thế giới, không chỉ về quân sự mà cả về văn hóa, chính trị và kinh tế. 

Một trật tự thế giới, tạo ra bởi một đế quốc, không phải chỉ hoàn toàn dựa trên sức mạnh quân sự hay kinh tế, mà là cả văn hóa, chính trị. 

Lấy thí dụ điển hình là trật tự thế giới tạo ra bởi đế quốc Mông Cổ. 

Người ta chỉ nhìn thấy tính chất man dại, ác ôn của quân Mông Cổ, qua câu nói điển hình của Thành Cát Tư Hãn, người thành lập ra đế quốc này: 

"Vui thú duy nhất của đời ta, đó là đi đốt nhà người, lấy vợ người làm vợ của mình, lấy con người làm nô lệ cho mình", và quên đi một câu nói khác cũng của Thành cát tư Hãn, nói về tình trạng đàn áp, trái với lẽ tự nhiên của những xã hội mà ông đến xâm chiếm, tiêu biểu là xã hội Tàu và xã hội Trung Đông vào thời đó. 

Câu nói đó là: 

"Trời đất đã chán ghét tính ham muốn, kiêu kỳ và xa xỉ quá độ của người Tàu, đưa họ đến chỗ ham muốn bệnh hoạn, bóc lột và đàn áp người dưới quá độ, phản con người, phản tự nhiên. Ta ở miền hoang dã phía bắc, nơi đó không có những sự ham muốn quá độ, ta chỉ sống đơn giản và trong sạch." 

Trong khuôn khổ bài này, tôi không thể nói đến nhiều đế quốc và trật tự thế giới đi kèm, vì ở trên thế giới này, kim cổ, từ đông sang tây, có cả chục, cả trăm đế quốc, như đại khái, bên đông, có nhà Đường và nhà Nguyên tức thời Mông Cổ; bên tây với La Mã, và đế quốc Anh, đấy là chưa kể đế quốc Ả rập, ở Trung Đông; đế quốc Incas, đế quốc Maya ở Nam Mỹ. 

Tôi cũng không phải là nhà sử học hay khảo cổ học. Tôi chỉ nói sơ về đế quốc Mông Nguyên với trật tự của nó, trong mục đích là làm sáng tỏ đôi phần đề tài chính, để phản biện một vài quan niệm sai lầm cho rằng hiện tượng đế quốc là chỉ do yếu tố quân sự hay kinh tế. 

Không phải vậy. 

Để trở thành một đế quốc và nhất là tạo ra được một trật tự thế giới hay có ảnh hưởng trong một vùng rộng lớn, phải bao gồm và bắt đầu bằng một triết lý sống nhân bản, trọng sự thật, hợp lòng người, lòng dân, ít nhất là đới với dân tộc dưới sự cai trị của mình; sau đó đến cách tổ chức văn hóa, xã hội, chính trị phù hợp với triết lý sống đó, rồi cách vận động quần chúng, thâu phục nhân tài, cách tổ chức vận động kinh tế, rồi mới tới quân sự. 

Mục đích nữa của tôi là nói lên làm thế nào để chống lại đế quốc, rút tỉa kinh nghiệm từ lịch sử thế giới, và nhất là lịch sử Việt Nam qua triều đại nhà Trần (1225 – 1400), đã 3 lần chiến thắng đế quốc Mông Nguyên vào năm 1257, 1284 và 1287. 

Bên cạnh đó có việc 2 lần nước Nhật Bản cũng đã chiến thắng đế quốc này vào năm 1274 và 1281. 

Chính vì lẽ đó mà tôi xin bắt đầu với đế quốc Mông Cổ, để phản bác lại quan niệm cho rằng đế quốc Mông Cổ, với diện tích đất đai lớn chưa từng có, bao gồm cả 30 triệu km2, từ đông sang tây, chỉ thuần túy là quân sự, không có một tý gì là tính chất triết lý, văn hóa, giáo dục. 

Tiện đây tôi cũng xin nói thêm để bổ túc cho một số ý kiến của tôi trong những bài viết trước, vì không đi được vào chi tiết, nên tôi có một cái nhìn hơi khắt khe về đế quốc này. 

Nhiều người cho rằng đế quốc Mông Cổ bắt đầu từ năm 1234, khi vua Thế Tông Mông Cổ lên ngôi ở Yên kinh (1279 – 1368), lập lên nhà Nguyên hay có người còn gọi là Nguyên Mông; nhưng theo tôi, tôi cho rằng đế quốc Mông Cổ bắt đầu từ năm 1215, khi thành Bắc Kinh bị chiếm, rồi Thành Cát Tư Hãn để lại cho bộ hạ, để đi chinh phục về phía tây, qua các nước Trung Á tới tận bờ biển Caspienne. 

Không ai chối cãi tính chất dã man tàn bạo đối với kẻ thù của quân đội Mông Cổ. Tuy nhiên đối với chính dân tộc họ và đối với những người, những dân tộc chịu khuất phục theo họ, thì khác hẳn. Và để chống lại đế quốc, thì những quốc gia, những nhà cầm quyền cũng phải trước tiên được lòng chính dân của mình, như nhà Trần đã được lòng quân, lòng dân, yếu tố tiên quyết, tiêu biểu qua hội nghị Bình Than và hội nghị Diên Hồng. 

Thật vậy, đế quốc Mông Cổ từ năm 1215, khi chiếm được thành Bắc Kinh như trên đã nói, nhưng thực ra là từ ngày Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227) lên ngôi Đại Hãn vào mùa xuân năm 1206, đã có một triết lý sống căn bản, gần thiên nhiên, hợp lòng người, lòng dân đối với chính dân tộc họ, trong khi đó thì những dân tộc khác, từ đông sang tây, tiêu biểu là Tàu, các nước Trung Á, Trung Đông và cả Tây phương, đắm chìm trong những triết lý Tống Nho, Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo lỗi thời, bị kìm hãm trong một chế độ quân chủ, trở nên cực quyền, đàn áp, coi thường người dân, khinh miệt phụ nữ, bao nhiêu công sức làm việc của dân, bao nhiêu tiền tài, cuả cải chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất là thỏa mãn sự ham muốn quá độ của giới cầm quyền. 

Chính nhờ vào thời của đế quốc Mông Cổ (1203 – 1368), mà có sự trao đổi thương mại mạnh mẽ qua con Đường Tơ Lụa giữa Đông và Tây, giữa Á và Âu, đã chuyển đạt những sự hiểu biết khoa học của Tàu, của các nước Trung Đông, vào thời đó là đế quốc Perse (nước Iran hiện nay) qua các nước tây phương. Vì vậy mà có người cho rằng các nước tây phương có thời kỳ Phục hưng (la Renaissance) là nhờ đế quốc Mông Cổ. 

Điều này không phải là hoàn toàn không đúng. 

Về triết lý sống tôn trọng tự nhiên, tôn trọng con người, chủ trương đa giáo đồng quy, vì sau này, chúng ta thấy Thành Cát Tư Hãn chấp nhận cả đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa, dùng tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, miễn là có đức và có tài, trong khi đó thì tại những nước quân chủ cực quyền, từ Âu sang Á, bị lâm vào tình trạng, phân biệt và kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, nam nữ. 

Về tổ chức chính trị, xã hội: nước Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn lúc đó vẫn theo chế độ quân chủ, nhưng là một chế độ quân chủ tân tiến so với tất cả những chế độ quân chủ trên thế giới cùng thời. Thật vậy trong khi những chế độ quân chủ khác còn đắm chìm trong quan niệm cha truyền, con nối, dựa vào dòng chính, thì ở Mông Cổ, Đại Hãn, tức là vua, là do một hội đồng Đại Hãn, tất nhiên có những phần tử quí tộc, nhưng cũng có những công thần, những tướng giỏi của chế độ, những tù trưởng của các bộ tộc đã khuất phục. Đại Hãn được bầu lên không nhất thiết phải là dòng chính, có thể là em của vua, có thể là cháu hay một người trong dòng họ xa, miễn là có tài, được nhiều người công nhận. 

Xã hội Mông Cổ không phải là một xã hội khinh miệt, coi thường phụ nữ, như xã hội nhà Tống bên Tàu và những xã hội Trung Á, Trung Đông và cả những xã hội quân chủ Âu Châu lúc bấy giờ. Theo sử liệu thì Thành Cát Tư Hãn mất cha vào lúc 10 tuổi, được mẹ nuôi nấng và dạy dỗ. Ông rất có hiếu với mẹ, và rất có tình nghĩa đối với vợ, ngay cả người vợ mà ông yêu từ thưở nhỏ, sau đó bị một bộ lạc khác bắt cóc, bắt làm vợ của một người trong bộ tộc này, sau được ông cứu về và đã mang thai, nhưng ông vẫn yêu mến, tôn trọng người phụ nữ này và coi đứa con riêng của bà như chính con mình. Đây là một tinh thần độ lượng và nhân bản. Và từ đó xã hội Mông Cổ dưới quyền ông cũng là một xã hội nhân bản, coi trọng phụ nữ, sống bình dị, tôn trọng sự thật và thiên nhiên, không bị chèn ép bởi quá nhiều luật lệ và sự ham muốn quá độ của giới cầm quyền, như xã hội Tàu. 

Ngay đối với những kẻ bị thất trận, nếu chịu đầu hàng và khuất phục thì được coi như những người Mông Cổ, không phân biệt chủng tộc và tôn giáo. Dưới thời Thành Cát Tư Hãn, người ta thấy có những viên tước, những viên chức cao trong triều đình mang nhiều sắc tộc và tôn giáo khác nhau. 

Về tổ chức quân sự: 

Cách tổ chức quân sự của Thành Cát Tư Hãn đã có tính chất dân chủ và tân kỳ so với cách tổ chức quân sự của toàn thế giới lúc bấy giờ. 

Quân đội tổ chức theo con số thập phân (10): cứ 10 người trở thành đội (l’arban), mười đội trở thành trung đội (la compagnie), mười trung đội trở thành đại đội (le bataillon). Những đội trưởng, trung đội trưởng và đại đội trưởng là do chính quân lính, được gọi là anh em (frères d’armes) bầu ra. Thành Cát Tư Hãn chỉ can thiệp, chỉ định những người tướng chỉ huy từ 10 000 lính trở lên. Dân chủ là ở chỗ đó. 

Ngoài việc đi ngựa giỏi, bắn cung hay, đúc kiếm ở kỹ thuật cao vào thời đó, quân đội của Thành Cát Tư Hãn còn có một hệ thống tình báo rất tinh vi, đến từ những gia đình được chiêu hàng. Trước khi tấn công một nước nào, thì đã có tin tức, bản đồ chính xác về nước đó. Lấy trường hợp Việt Nam, trước khi tấn công, quân đội Mông Cổ đã bắt triều đình nhà Trần triều cống những sĩ phu, những thợ chuyên môn, mỗi ngành mấy người. Đó là để đánh giá về trình độ văn hóa, kỹ thuật cuả nước ta. 

Quân đội Mông Cổ giỏi về trường trận, cần một chiến trường rộng lớn, vì họ giỏi về đi ngựa, bắn cung. Trong khi đó, nhà Trần Việt Nam, và đây cũng là thiên tài quân sự của nhà Trần, tiêu biểu là Đức Trần hưng Đạo, đã dùng đoản trận để đương đầu với trường trận. Đó là dụ, ép quân địch vào những nơi eo hẹp, rồi chia quân địch ra từng khúc để đánh. Quân địch dùng chiến lược tốc chiến, tốc thắng, thì quân nhà Trần dùng chiến lược trường kỳ để thắng, dù thua lúc ban đầu cũng không xao xuyến, quyết giữ lòng quân và lòng dân. 

Ở đây chúng ta cũng cần cho một điểm son cho thiên tài quân sự của hải quân Nhật, vì quân Mông Cổ cũng 2 lần tấn công Nhật Bản vào năm 1274 và năm 1281, nhưng đều thất bại. Nhất là lần sau 1281, lúc này đã chiếm được toàn thể nước Tàu và Đại Hàn, quân Mông Cổ đã huy động 40 000 chiến thuyền, do người Tàu và Hàn quốc chế tạo, mỗi chiến thuyền dài 80m, ngang 30m, chở 140 000 quân, trong đó có 30 000 con ngựa, cùng võ khí, lương thực, nhưng đã thất bại vì bị trận bão Kamikhazé, mà trong đó cũng vì chiến thuật đoản trận đánh với trường trận của quân Nhật. 

Người Nhật đã làm những chiến thuyền nhỏ, lợi dụng địa hình, địa thế vào ban đêm ra tấn công, làm hao mòn quân địch, đưa địch đến thất bại. 

Về tổ chức kinh tế: kinh tế của người Mông Cổ lúc bấy giờ còn là kinh tế của thời kỳ văn minh du mục, sống về săn bắn, chăn nuôi, chưa biết trồng trọt, sống với những đoàn xúc vật, dê, bò, ngựa, luôn luôn phải đi xa và di chuyển để kiếm những cánh đồng cho xúc vật ăn, còn thấp hơn những nước khác là đã ở thời kỳ văn minh định cư nông nghiệp. 

Đây là một khuyết điểm của người Mông Cổ. Nhưng ở khía cạnh khác lại là một ưu điểm, đó là nhờ vậy mà họ đã đi ngựa giỏi, bắn cung hay, và có thể mang những đoàn quân đi xa, không phải nghĩ đến hậu cần, một vấn đề tối quan trọng trong quân sự, nhất là khi gửi quân đi xa. Người ta còn nhớ thời Alexandre gửi quân đi đánh xa, để giải quyết vấn đề hậu cần, đoàn quân của Alexandre Đại đế (Alexandre le Grand, vua của đế quốc Macédoine (365 – 323 trước Công Nguyên)) luôn luôn phải đi sát biển, và luôn có một hạm đội đi kèm ở ngoài khơi để tiếp tế hậu cần. 

Thêm vào đó, những gia đình, phụ nữ đi theo đoàn quân lúc đầu, ngoài việc làm cung tên, rèn kiếm, nuôi ngựa, họ còn là một nhu cầu tâm lý chiến tranh rất quan trọng, là nơi nâng đỡ tinh thần cho người lính và cũng là nơi cung cấp những tin tức tình báo, vì Thành cát tư hãn chấp nhận tất cả những người nào theo hàng, khuất phục ông. Ở điểm này, ông hơn những chế độ khác lúc bấy giờ là đã coi những tù nhân như những nô lệ. Ngược lại ông coi những tù nhân, nếu khuất phục ông, như những người cùng trong bộ tộc với ông. Chính vì vậy có nhiều người quy hàng đã mang đến cho ông nhiều tin tức quí giá về địch thủ. 

Không cần đi sâu vào lịch sử, chúng ta chỉ cần coi phim kiếm hiệp của Kim Dung, đôi khi cũng nói lên đôi phần lịch sử, như mẹ con Quách Tĩnh, xuất thân từ một gia đình tướng lãnh cao cấp của nhà Tống bên Tàu, sau đó vì sự tranh quyền, bị trù dập, bạc đãi ở trong triều đình, phải sang sống nhờ ở Mông Cổ, đã được chính Thành Cát Tư Hãn đối xử rất tốt. 

Sự sụp đổ của đế quốc Mông Cổ: 

Theo thiển ý của tôi, thì đế quốc Mông Cổ bắt đầu sụp đổ từ năm 1368, khi triều đại Nguyên Mông bên Tàu bị sụp đổ. 

Bàn về sự sụp đổ của những triều đại và đế quốc, cụ Trần trọng Kim, trong quyển Việt Nam Sử Lược, có viết rằng những triều đại, đế quốc sụp đổ là do chính mình làm mình sụp đổ trước, sau người ngoài mới tới kết thúc. 

Điều này chắc cụ Kim suy nghĩ về lịch sử thế giới và nhất là sự sụp đổ của nhà Nguyễn Việt Nam, khi bị thua với quân Pháp, rồi bị đô hộ. 

Thực vậy, chính triều đình nhà Nguyễn làm cho mình thua Pháp trước tiên bằng cách bế quan tỏa cảng, trong khi đó nước Nhật chịu mở cửa canh tân, hơn nữa triều đình nhà Nguyễn đã chủ trương cái học từ chương, vị bằng cấp, hữu danh vô thực, nên làm cho giới sỹ phu trí thức trở nên yếu hèn, chỉ biết xu phụ triều đình, trái với cái học thực tế thực tiễn của những nước Tây phương, mà nước Nhật đã biết bắt trước. 

Ngay vua Minh Mạng, triều Nguyễn cũng đã phải than: 

"Lâu nay cái học khoa cử làm cho người ta sai lầm. Trẫm nghĩ văn chương không có qui luật nhất định, mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hư xáo, khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao thấp do từ đó. Khoa trạng lấy hay bỏ cũng do từ đó. Học như thế thì tránh nào nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. 

Song tập tục đã quen rồi, khó đổi ngay được.Về sau dần dần đổi lại." 

Từ cái nhìn "tự mình làm sụp đổ mình trước", chúng ta hãy xét sự sụp đổ của đế quốc Mông Nguyên. 

Thực vậy, đế quốc Mông nguyên sụp đổ là do tự mình trước. 

Tự mình là đã không nghe, tiếp tục những lời dạy bảo của Thành Cát Tư Hãn, theo đó: "Trời đất đã chán ghét tính ham muốn, kiêu kỳ và hoang phí quá độ của người Tàu (tức giới lãnh đạo Tàu)." Giới lãnh đạo Mông cổ, sau khi Thành Cát Tư Hãn chết, nhất là về sau, khi chiếm được toàn cõi nước Tàu, đã bắt chước tính ham muốn, kiêu kỳ và xa xỉ của giới lãnh đạo Tàu, nhất là những ông vua cuối thời Mông Nguyên, như ông vua Nguyên Thuận Đế rất hoang dâm, tiêu xài quá độ, công quĩ trống rỗng, thêm vào đó, có những vụ thiên tai, như vụ vỡ đê và nhất là nạn Bệnh Dịch làm cho dân chết 1/3. Từ đó dân bất mãn, nổi lên khắp nơi, trong đó có Chu Nguyên Chương mạnh nhất, đánh bại đế quốc Nguyên Mông và lập nên nhà Minh (1368-1644). 

II ) Đế quốc và trật tự thế giới Hoa kỳ. Trật tự thế giới Hoa kỳ đang bị sụp đổ để nhường chỗ cho trật tự khác? Có phải thế không? 

Từ những quan sát về sự hình thành và sụp đổ của đế quốc Nguyên Mông, chúng ta có thể đưa ra một vài nhận xét như sau: 

Một đế quốc thành hình là nhờ ở quốc gia đó có một nền triết lý đúng, vững vàng, hợp lòng người, hợp lòng dân, ít nhất là những dân tộc dưới quyền cai trị của nó. Và từ đó, có một chế độ chính trị đúng, mang lại sự đồng thuận của đa số sống dưới đế quốc này, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, có thể vận động và qui tụ được giai tầng sĩ phu, trí thức ủng hộ, Từ thể chế chính trị này, quốc gia đó có thể tạo nên một nền kinh tế vững mạnh, tăng trưởng tốt, một nền giáo dục hiệu quả đào tạo được nhiều nhân tài. Cũng từ đó, tạo nên một lực lượng quân sự vững mạnh để đi chinh phục những quốc gia khác. 

Chúng ta hãy quan sát sự hình thành của Hoa Kỳ, từ ngày thành lập hay ít nhất là từ đầu thế kỷ 20 cho tới khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, với sự sụp đổ của đế quốc cộng sản Liên sô vào năm 1990, để nhìn rõ Hoa kỳ được hình thành như thế nào; và đồng thời trả lời câu hỏi phải chăng đế quốc này đã lên đến tột đỉnh và đang trên đà xuống dốc, để nhường chỗ cho một đế quốc khác, tiêu biểu là Trung Cộng. 

Thực ra, mộng trở thành đế quốc để tạo ra một trật tự thế giới mới không phải mới đến với Hoa kỳ vào đầu thế kỷ 20, mà người ta có thể nói là ngay từ thời lập quốc của xứ này. Bằng chứng cụ thể là chúng ta quan sát đồng tiền giấy 1$, thì chúng ta có câu trả lời. Đồng tiền này một bên có hình ông Washington, mặt bên kia, phía phải, có hình con ó, một chân mang nhành dương liễu, một chân mang một bó tên, phía trái là kim tự tháp, ở dưới có câu: "Novus ordo seclorum", có nghĩa là trật tự thế giới mới. 

Quả như vậy, Hoa kỳ đã muốn trở thành đế quốc để tạo ra một trật tự thế giới mới từ lâu, và đã biểu hiện nhiều lần. Ở đây trong khuôn khổ bài này tôi không thể đi vào chi tiết, tôi chỉ lấy một vài sự kiện lịch sử trong lịch sử hiện đại của Hoa kỳ để chứng tỏ: 

Như sau Đệ Nhất Thế Chiến (1914 – 1918), Hoa Kỳ đã là nước chiến thắng lớn, lúc đầu đã tính tạo ra trật tự thế giới mới, qua diễn văn 12 điểm của Tổng thống W. Wilson, lập ra Hội Quốc Liên (Socité des Nations), nhưng sau đó thấy thời cơ chưa tới, hai cường quốc Anh Pháp còn mạnh, Hoa Kỳ lùi bước, Thượng Viện không phê chuẩn Hiệp Ước thành lập Hội Quốc Liên, Hoa Kỳ là kẻ thành lập mà không có chân trong hội này, làm cho tổ chức này yếu đi. Đây cũng là một trong những lý do chính đưa đến Đại Chiến Thứ Nhì (1939-1345). Và gần đây, khi đánh Irak lần đầu, Tổng Thống G. Bush bố, có tuyên bố: "Hoa kỳ được kêu gọi để mang thế giới qua những vùng u ám của độc tài, để đi đến một trật tự thế giới tốt đẹp hơn." 

Nhưng dù có thăng trầm, Hoa kỳ đã thực thụ trở thành đế quốc và tạo ra một trật tự thế giới mới từ đầu thế kỷ 20 cho tới ngày hôm nay. 

Trước tiên, tôi xin cắt nghĩa tại sao Hoa kỳ lại hội đủ những điều kiện từ triết học, thể chế chính trị, đến văn hóa, giáo dục, rồi tới kinh tế quân sự, để trở thành một đế quốc. 

Về triết lý: 

Người ta thường lầm khi cho rằng người Hoa kỳ thiên về vật chất, vì là theo chủ nghĩa tư bản, chỉ nghĩ đến tiền, vì theo triết lý thực dụng của Williams James (1842-1910), gốc người Hoa kỳ, sinh ở New York, một người xuất thân là bác sĩ y học, sau trở thành triết gia, cho rằng không thể tách rời tư tưởng với thực tế, và tiêu chuẩn để đo lường chân lý, đó là sự thành công và hữu ích. 

Không phải hoàn toàn như vậy, vì tư tưởng của James cũng chỉ là một phần của tư tưởng triết lý mà Hoa kỳ làm nền tảng. 

Nền tảng triết học Hoa kỳ dựa trên, người ta có thể nói, đó chính là tư tưởng triết lý bắt nguồn từ những tôn giáo chính của tây phương, từ Do Tháo giáo, tới Thiên Chúa giáo, Tin Lành, cộng thêm với những tư tưởng triết lý chính trị, luật pháp của thời cổ Hi Lạp và La Mã.

Một bằng chứng cụ thể như tôi vừa nói là ngay trên đồng tiền giấy 1$, có chữ viết La tinh "Novus Ordo Seclorum" và có hình kim tự tháp, một kỳ công của văn minh cổ Ai Cập, cũng như trong những quốc gia dân chủ, có hiến pháp, chỉ có mình nước Hoa kỳ là khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, người tân tổng thống phải để tay lên quyển Kinh Thánh. 

Nói về triết lý tôn giáo từ Do Thái giáo, tới Thiên Chúa, Tin Lành, đại để cả ba, cũng như tất cả những tôn giáo khác, đều dạy con người ăn hiền, ở lành, dựa trên 10 Điều Răn của Moïse: không giết người, không nói dối, không làm việc xấu, v…v…, nhất là vẫn tin tưởng có một Đấng tối cao để đưa ra những Phán xét cuối cùng. 

Với đầu óc hiện đại, chúng ta có thể nói đây là tòa án lương tâm của chính mình. Anh có thể giết người, lừa đảo, làm ăn bất chính để thành công, có thể những người khác không biết, nhưng chính anh, anh biết rõ và rồi chính tòa án lương tâm của anh sẽ xét xử anh. 

Một bằng chứng nữa, đó là dân Hoa Kỳ vẫn là dân tộc tin đạo cao nhất với tỷ số 56% theo đạo Tin Lành (Protestantisme), 28% theo đạo Thiên Chúa ( Catholicisme); tỷ số dân đi nhà thờ, mỗi tuần, vẫn rất cao, từ trên 50%. 

Mặc dầu Hoa kỳ là một nước tư bản, tranh nhau làm tiền, nhưng những người làm việc thiện, những cơ quan cứu trợ người nghèo, ngay ở Hoa kỳ và trên thế giới, rất đông. Bằng chứng cụ thể là người giầu nhất nhì thế giới, ông Bill Gates, có thể được coi là người làm từ thiện hạng nhất bây giờ. Người ta ít thấy ở những nước khác, với những nhà tỷ phú khác, từ Pháp, qua Anh, tới Nga, Trung Cộng, mặc dầu số người trở thành tỷ phú ngày hôm nay rất cao ở Trung Cộng và Nga. 

Ở điểm này, ta có thể nói, mặc dầu có những thay đổi hiện tại, nhưng đại thể, thì nền triết lý, ý thức hệ, tôn giáo mà Hoa Kỳ dựa trên làm nền tảng, vẫn không thay đổi nhiều. 

Về thể chế chính trị: 

Một trong những người đại diện và là người chính viết bản Hiến pháp Hoa kỳ, ông Alexander Hamilton (1757-1804), là Thư ký của Washington, là Bộ trưởng kinh tế Tài chánh đầu tiên của Hoa kỳ, đã nói với những đại diện khác của 13 tiểu bang lúc bấy giờ: 

"Nếu quí vị thích nền cộng hòa và quí vị nghĩ rằng có thể bảo vệ và duy trì nó, thì quí vị hãy tạo dựng lên nền cộng hòa!" 

Cộng hòa là một nền dân chủ gián tiếp. Chữ République đi từ chữ La tinh Respublica có nghĩa là "chose publique" (res = chose là điều đó, vật đó); publica là public là cái chung, vật chung. 

Chữ République, sau này, được Tây phương định nghĩa là một hình thức tổ chức chính quyền mà trong đó người tổng thống hay chủ tịch nhà nước được bầu ra, gián tiếp hay trực tiếp, không phải là người nắm hết quyền hành và không có tính chất cha truyền con nối như dưới chế độ quân chủ. 

Ở đây người ta có thể định nghĩa chữ République là dân chủ gián tiếp. 

Thực vậy, về dân chủ, đại để có 2 hình thức: dân chủ trực tiếp như hiện nay chỉ có một nước duy nhất còn theo là Thụy sĩ, có nghĩa là những quyết định quan trọng đều được hỏi trực tiếp ý kiến của dân. Cũng như hình thức trưng cầu dân ý (référendum) là biểu lộ một phần tính chất dân chủ trực tiếp. Tôi xin lấy thí dụ, khi quyết định nên lấy đồng Euro làm tiền tệ chính thức, nhiều quốc gia Âu châu đã tổ chức trưng cầu dân ý. 

Tuy nhiên đối với một quốc gia nhỏ, dân số ít, thì có thể thường hỏi ý dân được, nhưng đối với một quốc gia lớn, đông dân, thì việc này trở nên khó khăn, nên người ta đã nghĩ ra hình thức dân chủ gián tiếp, đó là nền cộng hòa. Gần như tất cả mọi nước dân chủ trên thế giới hiện nay là theo nền cộng hòa. 

Đây là tư tưởng của Platon (428 – 348 trước Tây lịch) được viết trong sách mang tựa đề là Nền Cộng Hòa (La République), mà một nhà nghiên cứu về dân chủ, hiến pháp và những luật căn bản tạo dựng một nền cộng hòa, đã không sai, khi ông nói: 

"Tất cả những hiến pháp và những luật căn bản trên thế giới này cũng chỉ là sao chép lại bằng cách này hay cách khác quyển Nền Cộng hòa của Platon." 

Quyển La République của Platon, theo tiếng Hy lạp lúc đầu là "Politeia" có nghĩa là "la constitution de la cité" có thể dịch là sự cấu tạo, hình thành một xã hội, cũng có thể dịch là hiến pháp, luật lệ căn bản của một xã hội. Đây là một quyển sách nói về siêu hình và giáo dục, nhưng đồng thời cũng là một tác phẩm về chính trị và triết học. 

Như chúng ta đã biết, Socrate, thầy của Platon, suốt cuộc đời của ông ta, đã không ngừng nghĩ tìm kiếm mô hình tổ chức một xã hội tốt đẹp, công lý, công bằng, mà trong đó mọi người có thể có cuộc sống xứng đáng ở trong xã hội đó. 

Vậy đâu là những đức tính tốt của một công dân, theo Socrate, và sau này được ghi chép lại bởi Platon, trong quyển La République. 

Đó là lý trí (la raison) ở đầu con người, giúp con người suy nghĩ, hướng thượng, nghĩ thế nào để cho xã hội trở nên hài hòa, tốt đẹp. Đó là lòng can đảm (le courage), lòng thương người (l’amour) giúp cho con người dám xã thân làm những việc tốt, có tinh thần thương yêu đồng loại. Sau cùng là tính điều độ (la tempérance) giúp cho con người biết điều hòa ham muốn quá độ của mình, biết rõ rằng tự do của mình chỉ có giới hạn, nếu không nó sẽ xâm lấn tiêu diệt tự do của người khác, ý muốn của mình cũng phải được điều độ qua luật lệ của xã hội. 

Platon, khi về già, mở trường học, trên tường có treo một câu châm ngôn: "Chiến thắng to lớn nhất, chính là tự chiến thắng mình". 

Ở điểm này có những ý kiến cho rằng Socrate, Platon và Aristote không thích dân chủ. Không phải như vậy. Cả 3 đều bàn luận làm thế nào để có một xã hội tốt đẹp, công bằng, nhất là Socrate và Platon. 

Socrate là người chủ trương dân chủ trực tiếp, chính vì vậy mà ông nói: "Nơi nào không có đối thoại, thì nơi đó không có dân chủ và tiến bộ". Suốt cuộc đời, ông đã thường xuyên đối thoại trực tiếp với dân và ông đã dùng phương pháp biện chứng (dialectique) lúc đầu chỉ có nghĩa là cách tìm ra những mâu thuẫn của người đối thoại để khắc phục họ. Socrate đã biện chứng để gợi ý của dân trong đối thoại. 

Tuy nhiên Socrate đã là nạn nhân của dân chủ trực tiếp với hệ lụy như tòa án nhân dân mà cộng sản đã dùng sau này. Đó là chính quyền thời bấy giờ tố cáo Socrate là người âm mưu làm loạn, đã mua chuộc dân, xúi dân đưa Socrate ra tòa án nhân dân, và ông bị tòa án này kết án tử hình, phải uống thuốc độc chết. 

Chính vì vậy mà Platon, học trò của ông, không thích chế độ dân chủ trực tiếp, vì ông nghĩ trình độ của dân còn thấp kém, không nhìn xa, trông rộng, mờ mắt bởi những quyền lợi ngắn hạn, nên ông chủ trương dân chủ gián tiếp, có nghĩa là, theo ông, dân gồm nhiều giai tầng khác nhau, những đại diện ưu tú của những giai tầng này, cùng hợp với nhau trong hòa bình, để cùng trị quốc. 

Ở Á châu, chúng ta dịch chữ "La République" là Cộng hòa, cũng không phải dở, vì đại diện những tầng lớp dân chúng cùng ngồi chung với nhau (Cộng) để giải quyết vấn đề, lấy quyết định chung, để trị quốc trong hòa bình (Hòa). 

Trong tinh thần cộng hòa đó, mà những nhà lập quốc Hoa Kỳ đã soạn thảo ra bản hiến pháp. Thật vậy, trong thời gian cuộc Cách mạng Pháp 1789 đang diễn ra, phái đoàn Hoa Kỳ gồm có Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập, Ngoại trưởng, người có văn hóa Pháp, bạn của Voltaire, Condorcet, cùng với J. Adams, Phó Tổng thống và B. Franklin, nhà bác học, một trong nhưng người chính viết ra bản hiến pháp, nắm rất vững nền văn hóa Anh Đức (Anglô - saxon), ba người này đang có mặt ở Paris, Versailles, để thương thuyết với Anh về vấn đề độc lập. Jefferson đã liên lạc với vua Pháp, phái quí tộc và phái thứ dân (Tiers Etat) nhằm đưa đến một cuộc giảng hòa, nhưng không thành. Mặc dầu vậy, người ta cũng nghĩ rằng những nhà lập quốc Hoa Kỳ đã không những chủ trương chế độ cộng hòa, mà còn có quan niệm hợp tác giai cấp, khác hẳn với Marx và những người cộng sản sau này, chủ trương đấu tranh giai cấp, một lời kêu gọi nội chiến và hận thù triền miên.(1) 

Người ta tự hỏi một xã hội mà chiến tranh triền miên, dưới hình thức này hay hình thức khác, làm sao mà có thể phát triển? 

Nền dân chủ gián tiếp hay nền cộng hòa Hoa kỳ vẫn còn là một trong những nền dân chủ vững bền và khá nhất trên thế giới cho tới ngày nay. 

Về văn hóa, giáo dục: 

Một trong những lý do chính nữa làm cho Hoa kỳ trở nên cường thịnh, đó là văn hóa và giáo dục. 

Văn hóa Hoa kỳ là đa nguyên, hợp chủng như ta đã biết và vì vậy trở nên phong phú. Có những người có đầu óc giản tiện hóa, có quan niệm cho rằng "Hợp quần gây sức mạnh", ngay cả trong lãnh vực văn hóa. Điều này sai. Có một nhà chính trị, kiêm tư tưởng gia có nói: "Ai cũng suy nghĩ như nhau, có nghĩa là chẳng suy nghĩ gì cả, và đưa đến sự nghèo nàn về tư tưởng." 

Một trong những nguyên nhân chính nữa để đưa lên hàng siêu cường quốc, đó là Hoa Kỳ đã có một nền giáo dục tốt ngay từ thuở ban đầu. 

Đã từ xưa, Socrate và Platon nhấn mạnh đến giáo dục, theo hai ông và được ghi ngay trong quyển Cộng hòa (La République), thì con người như sống trong một hang động tối tăm, cần ánh sáng để ra khỏi hang động, để tiến bộ, đển gần mặt trời. Ánh sáng đây theo 2 ông là giáo dục. Chính vì vậy mà 2 người đã mở trường và dạy học cho tới chết. Ở điểm này chúng ta thấy có sự tương đồng với Khổng Tử. Theo Khổng Tử thì: "Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện" (Đại học là con đường làm sáng cái đức sáng, làm tiến bộ người dân và dừng lại chỗ thiện.) 

Và người tạo dựng lên nền giáo dục tốt cho Hoa Kỳ không ai hơn là Thomas Jefferson. Chính ông đã vẽ ra kiến trúc để xây dựng đại học Virginie ngày hôm nay. 

Chúng ta nên nhớ Jefferson là bạn thân của Condorcet (1743-1794), người được coi là cha đẻ của nền giáo dục hiện đại. Khi Cách mạng Pháp 1789 bùng nổ, ông theo cách mạng, mặc dầu xuất thân là quí tộc, với tên Marie Jean Antoine Nicolas de Caritat, với chức hầu tước (marquis), trở thành nhà toán học năm 25 tuổi, năm 32 tuổi, ông được bầu vào hàn Lâm Viện Khoa học Pháp và làm thư ký vĩnh viễn. Ông chủ trương thành lập nền cộng hòa và nhấn mạnh rất nhiều đến khoa học và giáo dục. Vào thời Hòa hợp (Convention), ông đã đề nghị một bản hiến pháp cho nền cộng hòa có tính cách dân chủ chưa từng thấy vào lúc bấy giờ. Nhưng tiếc thay vào thời Khủng bố (Terreur), ông bị bỏ tù và đưa ra máy chém, nhưng ông đã uống thuốc độc tự tử trước đó. 

Trong tù, ông đã viết quyển Tấm bảng sơ lược về sự tiến bộ của trí tuệ con người (Esquisse d’un tableau de progrès de l’esprit humain). Ông tin vào khoa học và giáo dục. Theo ông, một nền giáo dục tốt phải là một nền giáo dục mang những nguyên tắc sau: 1) Hướng thượng, hướng thiện, lấy sự thật và điều thiện làm tiêu chuẩn; 2) Một nền giáo dục nhân bản, lấy con người làm gốc; 3) Một nền giáo dục khoa học và tiến bộ; 4) Một nền giáo dục phổ thông, đại chúng và cưỡng bách, có nghĩa là bất cứ trẻ em nào cho đến tuổi vị thành niên, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, đều được đi học. Điều này phải trở thành luật và chính quyền bắt buộc phải thi hành. Đây là luật cưỡng bách giáo dục. Ông và Thomas Jefferoson chủ trương rằng công bằng là phải xây dựng từ dưới lên trên, nhờ ở giáo dục và qua lớp trẻ, chứ không phải như Marx và những người cộng sản sau này quan niệm công bằng là cào bằng từ trên xuống dưới (2). 

Chính những nguyên tắc giáo dục của Condorcet đã được bạn mình là Thomas Jefferson áp dụng ở Hoa Kỳ, vì vậy nên Hoa Kỳ đã có một nền giáo dục tốt từ khi lập quốc. 

Ngày hôm nay nền giáo dục Hoa kỳ, nhất là ở tiểu học và trung học, có vẻ xuống cấp, nhưng cũng chưa đến nỗi quá tồi tệ. 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), được đăng lại trên tờ báo Wall Street ( 24/7/2011), thì trong 50 năm vừa qua, số sinh viên đại học ở những nước phát triển đã tăng lên 200%, trong đó 10 nước đứng đầu về số người có trình độ đại học là: 1) Gia Nã Đại với 50% dân số có trình độ đại học; 2) Do Thái với 47%; 3) Nhật với 44%; 4) Hoa Kỳ với 41%; 5) Tân Tây Lan (Nouvelle Zélande), với 41%; 6) Nam Hàn, thứ 6, với 39%; 7) Na Uy với 38%; Anh thứ 8 với 37%; 9) Úc Đại Lợi (Australie) với 37%; 10) Phần Lan ( Finlande) cũng với 37%. 

Cũng như gần đây, những Tổ chức đăng ký những phát minh và sáng kiến ở Hoa kỳ có ra bảng danh sách theo đó Hoa Kỳ vẫn đứng đầu với 1 000 000 bằng, Nhật đứng thứ nhì với gần 200 000 bằng. 

Về kinh tế: 

Được đặt trên một nền tảng triết lý đúng và vững chắc, dưới một chế độ dân chủ, cộng hòa, được hướng dẫn bởi một nền giáo dục tiến bộ, tất cả những yếu tố này là mảnh đất mầu mỡ cho kinh tế nẩy mầm hay đúng hơn là cho con người nẩy mầm phát triển. Không nói đâu xa, nói đến cộng đồng người Việt chúng ta, mặc dầu là mới, nhưng cũng đã phát triển rất mạnh trên đất nước Hoa Kỳ về mọi ngành, mọi nghề. Riêng về phát minh sáng kiến năm vừa qua, người Việt sống ở Hoa Kỳ có phần đóng góp rất lớn, trong khi đó cũng người Việt ở trong nước, sống dưới chế độ độc tài, thì đóng góp rất ít. Một thí dụ nữa là Nam Hàn và Bắc Hàn, về trình độ dân trí Nam Hàn đứng thứ 3, kinh tế và kỹ nghệ của Nam Hàn không thua gì những nước phát triển cao nhất. Trong khi đó thì Bắc Hàn đang chết đói, chỉ biết tôn thờ lãnh tụ và vũ trang. 

Về quân sự: 

Một khi có tăng trưởng kinh tế lâu dài, tất nhiên có tăng trưởng về lực lượng quốc phòng. Điều này đúng với bất cứ quốc gia nào, và tất nhiên đúng với cả Hoa Kỳ. 

Nếu chúng ta lấy mốc là vào đúng năm 1900, tổng sản luợng quốc gia của Hoa Kỳ vượt Anh Quốc, và ít nhất từ đó Hoa kỳ đã thay thế Anh trong việc định đoạt trật tự thế giới. Quân đội Hoa Kỳ đã trở nên quân đội được trang bị tối tân và có thể nói là mạnh nhất thế giới trong mọi binh chủng, từ không quân, hải quân, lục quân cho tới nay. 

Vừa rồi Tổng thống Obama có đưa ra kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng, tuy vậy ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ vẫn là trên 600 tỷ $, sau đó là ngân sách quốc phòng của Trung Cộng, vào khoảng trên 100 tỷ. 

Tuy nhiên ở điểm này, có người nghĩ rằng ngân sách quốc phòng của Mỹ giảm, Hoa Kỳ gặp khủng hoảng kinh tế vào năm 2008, hiện nay chương trình vực dậy kinh tế của Hoa Kỳ, mặc dầu có kết quả, nhưng cũng rất khó khăn, trong khi đó Trung Cộng tăng trưởng kinh tế đều đặn và mạnh, phải chăng Trung Cộng, trong tương lai, có thể trở thành một đại cường quốc thay thế địa vị của Hoa Kỳ, tạo ra trật tự thế giới mới. 

Dựa vào sự tăng trưởng tổng sản lượng quốc gia để tiên đoán sự trổi dậy hay sự sụp đổ của một cường quốc, đây là quan điểm của ông Paul Kennedy, một nhà sử học, kiêm kinh tế gia của Hoa Kỳ, trong quyển sách nổi tiếng của ông mang tựa đề Sự Trổi dậy và Sụp đổ của những đại Cường quốc, với phụ đề Sự thay đổi kinh tế và sự tranh chấp quân sự từ năm 1500 tới 2000 (The Rise and Fall of the great Powers – Economic Change and military conflict from 1500 to 2000). 

Ở đây tôi dựa vào quyển sách tiếng Anh do nhà xuất bản Random House ấn hành vào năm 1988 và xin đưa ra 2 sự kiện chứng tỏ lời tiên đoán cũng như quan niệm dựa trên tổng sản lượng cũng không hoàn toàn đúng: 

- Quyển sách nói đến sự hình thành và sụp đổ của những đại cường quốc tới năm 2000, tuy nhiên, trên bìa quyển sách chúng ta thấy có hình 5 người đang tranh nhau trái địa cầu, bên phải là Hoa Kỳ, đội nón có hình cờ Mỹ, bên cạnh Hoa Kỳ là Anh, mặc áo thun có hình cờ Anh, tiếp là Liên Sô khoác một cái khăn quàng từ vai xuống thắt lưng có hình cờ Liên Sô; phía bên trái là hình một người Nhật, đeo một chiếc thắt lưng mang hình cờ Nhật, liền đó là một người Tàu đội nón có hình cờ Trung Cộng. Cả 5 đều giơ tay lên cao, ai cũng muốn bắt trái địa cầu. Qua hình này thì chúng ta thấy lời tiên đoán của ông Kennedy không đúng, vì chỉ không đầy 2 năm sau thì đế quốc Liên Sô sụp đổ. Ông Kennedy coi thường những nước như Đức hay Pháp, tuy nhiên hiện nay, mặc dầu có khó khăn kinh tế, nhưng trên trường chính trị quốc tế, 2 nước này lại giữ vai trò quan trọng, ít nhất là hơn Nga. 

- Một sự kiện nữa là ngay trong quyển sách, trang 190, nói về sản lượng kỹ nghệ của các cường quốc trên thế giới từ năm 1750 đến 1900 (Relative shares of word manufacturing out put – 1750-1900), thì chúng ta thấy nước Tàu, vào năm 1750, chiếm 32,8% tổng số thế giới, năm 1800, chiếm 33,3%, năm 1830, chiếm 17,6%; 1860, chiếm 8,6%; 1880, chiếm 2,8% và vào năm 1900 chỉ còn 1,7%. Điều này chứng tỏ quả là đế quốc Tàu đã sụp đổ cùng với sự đi xuống của tổng sản lượng. Trong khi đó thì nước Anh, đi từ 1,9% vào năm 1750 đến 22,9% vào năm 1880, để rồi nhường chổ cho Hoa kỳ vào năm 1900, và tụt xuống 18,5%. Hoa Kỳ thì đi từ 0,1% vào năm 1750 tới 23,6% vào năm 1900, vượt mặt Anh Quốc. 

Đó là chúng ta nhìn đi thì như vậy, nhưng nếu chúng ta nhìn ngược lại, thì chúng ta thấy có gì bất ổn trong lập luận của ông Kennedy, vì suốt trong tiền bán thế kỷ thứ 19, tổng sản lượng của Tàu còn rất cao, từ hơn 30% chỉ tụt xuống còn gần 20%, nhưng trong thời gian này Tàu rất là yếu, bị liệt cường xâu xé. Ngay vào năm 1840, quân đội Anh do Georges Elliot thống lĩnh 15 000 quân hải và lục quân đánh Quảng Đông. Tàu thua phải ký hiệp ước mở cửa buôn bán. Năm 1860, liên quân Anh Pháp đánh thành Bắc Kinh, quân Anh đốt thành vào năm thứ 10 vua Hàm Phong nhà Thanh (1860). 

Nên chỉ nghĩ rằng có tổng sản lượng cao là có quân đội mạnh, không phải như vậy, vì như trên chúng ta đã xét sự hình thành của đế quốc Mông Cổ và đế quốc Hoa Kỳ, thì do nhiều yếu tố, từ triết lý, tới thể chế chính trị, qua kinh tế rồi mới tới quân sự. 

Sở dĩ tôi nhắc tới Paul Kennedy với quyển sách nổi tiếng của ông là tôi muốn phản bác lại quan niệm của một số người cho rằng hạ tầng cơ sở kinh tế quyết định tất, là nguyên nhân mọi vấn đề trong đó có sự hình thành và sụp đổ của những đế quốc. 

Không phải hoàn toàn như vậy. 

Nhất là trên phương diện khoa học nhân văn như kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử. Để phân biệt rõ ràng nguyên nhân và hậu quả rất khó khăn, nguyên nhân ngày hôm nay, nhưng ngày mai có thể trở thành hậu quả và ngược lại. Trong khi đó với khoa học chính xác như vật lý, hóa học, người ta thấy rõ nguyên nhân của "Nước = H2O" là Hydrogène và Oxygène. Tuy nhiên ngay cả với khoa học chính xác, gồm có nguyên nhân ắt có và đủ. Nguyên nhân ắt có của nước là Hydrogène và Oxygène. Nhưng phải có nguyên nhân đủ tức là 2 nguyên tử Hydrogène và 1 nguyên tử Oxygène, thì mới thành nước. Về khoa học nhân văn đã khó khăn tìm ra nguyên nhân, và càng khó khăn nữa tìm ra nguyên nhân ắt có và đủ, vì không biết thế nào là đủ, cái gì là ắt có. 

Từ cái nhìn đó, tôi muốn nói đến sự sụp đổ của đế quốc Hoa Kỳ, vì một vài người cho rằng hiện nay Hoa Kỳ đang gặp khủng hoảng kinh tế, tổng sản lượng của Hoa Kỳ tăng trưởng từ trước ngày lập quốc, năm 1750 chỉ bằng 0,1% tổng sản lượng thế giới, đến 23,6% vào năm 1900, vượt qua Anh, đến 50% vào sau Đệ Nhị Thế Chiến và ngày hôm nay chỉ còn là 25% tổng sản lượng thế giới, từ đó đi đến kết luận là đế quốc Hoa Kỳ đang trên đà sụp đổ. 

Thật ra trong toán học, phần trăm chỉ là giá trị tương đối, tôi tụt hạng vì những người khác tiến lên, hay tôi tiến lên vì những người khác tụt xuống. Nhưng còn giá trị tuyệt đối, theo thống kê, thì tổng sản lượng Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng đều đặn cho tới ngày hôm nay. 

Cái nhìn thiên về kinh tế có vẻ khiếm diện, vì nếu nhìn tổng thể, từ triết lý, chính thể, qua văn hóa, giáo dục, tới kinh tế, quân sự, thì đế quốc Hoa Kỳ vẫn còn nhiều căn bản để tồn tại. Tới bao giờ, tôi không dám quyết đoán, vì tiên đoán tương lai là một nghệ thuật rất khó khăn, kiểu tiên đoán lịch sử nhân loại nhất định đi theo con đường này hay con đường nọ, chỉ là những nhà thầy bói đoán mò. Chúng ta lấy thí dụ trong những cuộc tranh cử ở những nước tự do, có biết bao viện nghiên cứu, thăm dò ý dân, và chỉ là tiên đoán thật ngắn hạn, thế mà có ai dám quả quyết nhất định rằng ông này sẽ thắng cử, ông kia sẽ thất cử. Huống chi là tiên đoán tương lai thật dài hạn và cho lịch sử của cả một đế quốc hay cho cả nhân loại. 

Cũng từ cái nhìn toàn thể đó, tôi muốn xét vấn đề hình thành của Trung Cộng. Trung Cộng đã đủ những yếu tố để trở thành đế quốc, để thay thế trật tự thế giới của Hoa Kỳ hay chưa. 

Câu trả lời của tôi là chưa. 

Tôi xin cắt nghĩa từ phương diện triết học, chính thể, văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế tới quân sự. 

Tuy nhiên những lý giải của tôi ở đây cũng chỉ là hoàn toàn có tính chất chủ quan. Mong có sự đóng góp thêm của quí vị độc giả. 

Căn bản đầu tiên và nền tảng để đi đến một cường quốc, một đế quôc như trên chúng ta đã xét về đế quốc Mông cổ và Hoa kỳ, là nền tảng triết học. 

Thật vậy, điều này đúng không những đối với một quốc gia, dân tộc, mà đối với cả một cá nhân, con người. Chúng ta cứ ngẫm chính bản thân và quan sát những người chung quanh, thì chúng ta sẽ rõ. 

Người nào có một triết lý sống đúng, nhân bản, nhân đạo, thì không những họ sống ung dung, tự tại, mà còn được lòng và được kính mến bởi người chung quanh. Người nào có một triết lý sống xấu, có nghĩa là không đúng, gian ác, mánh mun, gian dối, dù họ có thành công chăng nữa, họ cũng không sống được ung dung tự tại và bị người chung quanh nguyền rửa, nếu họ có quyền, thì dân không dám nói ra mặt, nhưng bị nguyền rủa trong lòng. 

Căn bản triết lý Mác Lê mà ngày hôm nay chính quyền Trung Cộng chính thức rêu rao theo đuổi, triết lý này đã lỗi thời, phản con người, phản tự nhiên, phản kinh tế phát triển (1). Chính điều này giới lãnh đạo và trí thức cộng sản cũng rõ, vì triết lý này đã được áp dụng từ 100 năm qua đã hoàn toàn thất bại, chỉ mang đến đau thương, hận thù và chậm tiến. Lúc đầu núp dưới chiêu bài giải phóng dân tộc, chủ nghĩa quốc gia, thì còn ăn khách, nhưng trên căn bản thì mâu thuẫn, vì cộng sản có nghĩa là vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo, như chính Marx chủ trương, nay đề cao chủ nghĩa quốc gia, dân tộc là trái lại với Marx. 

Từ ngày bức tường Bá linh sụp đổ, rồi đế quốc cộng sản Liên Sô tan rã, thì ngay chính trong hàng ngũ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung cộng cũng biết rằng triết lý, ý thức hệ Marx là sai, là lỗi thời, vì vậy nên có Biến cố Thiên An Môn, mà người chủ trương đứng đằng sau là đương kim Tổng Bí thư đảng Triệu Tử Dương. 

Sau biến cố Thiên An Môn 1989, giới trí thức và lãnh đạo cộng sản Trung Cộng muốn dùng triết lý sống của môn phái Pháp Luân Công, dựa trên tự nhiên và những giá trị nhân bản truyền thống, chủ trương con người phải ăn hiền, ở lành, không tàn ác, không gian dối, cũng như cho rằng có một sự hài hòa giữa thể xác và tinh thần, theo kiểu: "Một tinh thần tốt đẹp trong một thể xác khỏe mạnh", dạy con người phải tập hít thở, làm thể thao qua những động tác nhẹ nhàng. Phong trào Pháp Luân Công đã lan tràn mạnh mẽ tại Tàu và ảnh hưởng mạnh tới ngay cả những đảng viên, đe dọa sự sống còn của đảng, bởi vậy nên bị cấm đoán, rồi bị trù dập. 

Ngày hôm nay, giới trí thức và lãnh đạo cộng sản chủ trương trở về tư tưởng Khổng Tử. Nhưng đây là một nghịch lý, vì triết lý Không Tử là duy tâm, trong khi triết lý của Marx là duy vật. Chỉ cần nhắc đến câu của Mao về Khổng: "Khổng Tử chỉ là con chó giữ nhà cho chế độ quân chủ phong kiến", người ta đã thấy Marx, Mao và Khổng không thể sống chung. 

Giới trí thức Trung Cộng cố gắng làm một tổng hợp cho 2 nền triết học này, nhưng thứ nhất như chúng đã thấy là làm tổng hợp giữa nước và lửa, thứ 2 là giới trí thức cộng sản Tàu không đủ trình độ và khả năng làm tổng hợp hay đưa ra một nền tảng triết lý mới, vẫn phải bám víu vào triết lý lỗi thời Marx Lê Mao. 

Về thể chế, vì vẫn bám vào triết lý Marx Lénine, chủ trương độc khuynh, độc đảng, chế độ chính trị Trung Cộng là một chế độ độc tài, phản lại trào lưu tiến bộ của nhân loại là đi tới dân chủ. Bề ngoài thì chế độ đó là một chế độ đại nghị, vì cũng có một quốc hội, rồi quốc hội đó bầu ra chủ tịch nhà nước và thủ tướng. Nhưng bên trong là do một đảng chỉ huy, vì trong bất cứ hiến pháp cộng sản nào cũng có điều như điều 4 Hiến Pháp Cộng sản Việt Nam là đảng nắm quyền và quyết định mọi hoạt động chính trị, kinh tế xã hội của đất nước. 

Thực ra chính thể mà do Lénine làm ra chẳng qua chỉ là một chính thể quân chủ phong kiến trá hình, như ngày hôm nay người ta thấy rõ với chế độ độc tài, cha truyền con nối của Bắc Hàn. Chế độ công sản Việt Nam và Trung Cộng thì cũng cùng bản chất nhưng khéo léo che đạy hơn. 

Về văn hóa giáo dục, vì là độc khuynh, nên nền văn hóa Trung Cộng là một nền văn hóa một chiều, chỉ có tư tưởng do đảng cộng sản định ra, những tư tưởng khác hay chống lại là bị trù dập, cấm đoán. 

Không ai có thể phủ nhận là từ ngày tăng trưởng kinh tế, nền giáo dục Tàu cũng phát triển, hiện nay có vào khoảng 21 triệu sinh viên, năm vừa qua ra trường khoảng 7 triệu, đồng thời có rất nhiều sinh viên ra du học nước ngoài. Nhưng nền giáo dục này, nhất là ở trong nước vẫn là nền giáo dục nhồi sọ, học nhai lại, có những sinh viên từ nước ngoài về hay mướn những giáo sư ngoại quốc, mở những viện nghiên cứu vì có tiền, nhưng như ai cũng rõ, quyết định cuối cùng vẫn là do chính trị, mà những nhà lãnh đạo chính trị nhìn cho cùng và tổng quát vẫn là con cháu của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, những người ngày xưa bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục Pháp, có trình độ sơ học yếu lược, tức trên tiểu học. Chúng ta cứ lấy một thí dụ rất rõ ràng là người chủ tịch đầu đảng Cộng sản tàu vào năm 1921, ông Trần Độc Tú (Chen Duxiu), người học văn hóa Pháp, có trình độ sơ học yếu lược như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, học ở tô giới Pháp, trước đó ông chủ trương tờ báo Thanh Niên, một tờ báo rất có tiếng vang vào những năm 1920. Ngoài đề tựa Thanh Niên bằng tiếng Tàu, phía dưới có đề tựa "La Jeunesse" bằng tiếng Pháp mà quí vị có thể tìm thấy trên Internet tờ báo này. 

Những người có trình độ sơ học yếu lược và ngày hôm nay con cháu, mặc dầu có nhiều bằng cấp ngay cả từ nước ngoài, tiếp tục nắm quyền, nhưng đầu óc vẫn không thay đổi, vẫn lấy những quyết định chính trị là chính, đi ngược lại trào lưu tiến bộ của con người, vì chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của nhóm là đảng đoàn. 

Thêm vào đó với chính sách dân số mỗi gia đình 1 con, dân số Tàu trở nên lão hóa, một dân tộc lão hóa, thì tương lai không mấy sáng lạn. Cộng thêm các cậu ấm, cô chiêu, quí tử, trở thành ích kỷ, hưởng thụ, sẵn sàng sách nhiễu bố mẹ. Như đề tựa một bài báo của nhà báo Tàu Zhongguo Qingnian Bao "Cho tôi một cái sắc tay Hermès, nếu không tôi chết", được trích đăng trên tờ báo Courrier International số 1106. Điều này chứng tỏ tình trạng hư hỏng của giới trẻ Trung Cộng. 

Về kinh tế, quả thật trong những thập niên gần đây, Trung Cộng có một sự tăng trưởng kinh tế đều đặn với 2 con số, nhưng sự tăng trưởng này đã tạo ra rất nhiều mâu thuẫn ở quốc nội cũng như ở hải ngoại. 

Ở quốc nội, mặc dầu đảng cộng sản Trung Cộng vẫn rêu rao là đảng của người lao động và nông dân, đảng của sự công bằng, nhưng thực tế thì công nhân và nông dân tàu bị đảng bóc lột đến tận xương tủy vì chính sách hi sinh nông thôn cho thành thị, chính sách kìm lương người thợ ở mức độ thấp nhất để thu hút đầu tư ngoại quốc và xuất cảng với giá rẻ, trên thực tế thì xã hội đầy bất công. 

Đối với những nước ngoài, vì kìm hãm đồng Nhân dân tệ ở mức thấp nhằm khuyến khích xuất cảng, làm phật lòng thế giới. Đấy là chưa nói đến vấn đề vi phạm bản quyền, dung túng nạn sao chép trái phép, làm hàng giả để xuất cảng lậu. 

Về quân sự, vì là kinh tế tăng trưởng, tổng sản lượng quốc gia vào khoảng 7 000 tỷ $, đứng thứ nhì trên thế giới, nên chi phí quốc phòng cũng có tăng trưởng, với ngân sách trên 100 tỷ$, cũng đứng vào hàng thứ nhì trên thế giới. 

Tuy nhiên so với Hoa Kỳ và ngay cả những nước phát triển Âu châu, thì tình trạng quân sự của Trung Cộng còn thua xa. Lấy một thí dụ điển hình, dễ thấy, đó là Trung Cộng hiện nay cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm, nhưng thực tế là chiếc này đã mua rẻ từ nước Ukhaine, thuộc Liên Sô xưa kia, nói mua là để làm một sòng bài ngoài khơi, do một số hãng xưởng quốc doanh của Macao mua, với giá 12 triệu $, nhưng sau đã tu sửa thành hàng không mẫu hạm quân sự. Người ta có thể nói trong nhiều lãnh vực quân sự, hiện nay Trung Cộng còn chưa thể so sánh với Liên Sô sau Đệ Nhị Thế Chiến. 

Dân tộc Tàu là một dân tộc lớn, với những phát minh, sáng chế làm thay đổi bộ mặt của trái đất như địa bàn, thuốc súng, máy in, lụa v.v…, có những quan sát tinh tế, tỉ mỉ, như sự kiện họ đã quan sát và nhận ra một con rận, mặc dù lúc đầu nó quẫy quặng thế nào chăng nữa, nhưng cuối cùng, nó cũng nằm theo chiều của kim địa bàn; có những tưởng tượng phi thường, dám lấy những sợi tơ nhỏ từ miệng một con tằm để làm ra lụa; dân tộc này văn minh rất sớm. Nhưng nền văn minh Tàu nói riêng và nền văn minh Đông phương nói chung, bị khựng lại và bị qua mặt, là do chế độ độc tài quân chủ kéo dài quá lâu, có thể nói cho tới ngày hôm nay, vì chế độ độc tài cộng sản cũng chỉ là mặt trái của chế độ quân chủ, và chế độc độc tài phát xít là mặt phải. 

Cách đây mười mấy năm, ông Tiền Kỳ Minh, con của ông Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Tiền Kỳ Thâm, đã du học 7 năm bên Hoa kỳ, và trong thời gian này ông đã viết và cho xuất bản quyển sách mang tựa đề "Mặt Trời chiếu sáng nhiều ở phương đông hay ở phương tây", theo đó: 

"Việc mặt trời chiếu sáng nhiều ở phương đông hay ở phương tây, sự việc này không quan trọng. Nhưng điều quan trọng là những chế độ độc tài kéo dài quá lâu ở phương đông, làm thui chột tất cả những ý chí tiến thủ, phát minh, sáng kiến ở phương đông." 

Ông không chỉ trích trực tiếp chế độ cộng sản, nhưng ai cũng biết rõ là ông ám chỉ chế độ này, vì ngay tiêu đề là để trả lời một câu khẩu hiệu của Mao Trạch Đông: "Đông phương hồng", và những tuyên truyền cộng sản cho rằng "Mặt trời chiếu sáng nhiều ở phương đông"

Ai cũng biết rằng hiện nay đế quốc Hoa Kỳ đang gặp một vài khó khăn, nhất là về kinh tế: Số tiền nợ nhà nước ngang với tổng sản lượng quốc gia, vừa gặp khủng hoảng địa ốc rồi lây sang khủng hoảng ngân hàng và tài chính; rằng Trung Cộng hiện là cường quốc thứ nhì tính theo tổng sản lượng quốc gia, là một trong những cường quốc có nền ngoại thương thặng dư. Nhưng từ đó đưa ra dự đoán rằng đế quốc Hoa Kỳ sẽ sụp đổ, trật tự thế giới do Hoa kỳ định ra sẽ tàn phai, nhường chỗ cho Trung Cộng, điều dự đoán này có vẻ hơi cưỡng đoán, vì để trở thành một đế quốc, để có thể tạo ra một trật tự thế giới mới, phải gồm nhiều điều kiện: quốc gia đó phải dựa trên một triết lý sống hợp với Trời, thuận lòng người, như chính người Tàu xưa kia chủ trương, đó là vương đạo, trái với bá đạo, chỉ nghĩ cho cá nhân, cho một nhóm người, cho bè phái; quốc gia đó phải có một thể chế chính trị tôn trọng người dân, chú trọng đến những quyền căn bản của họ, có một chính sách, một nền giáo dục không những đào tạo, tôn trọng mà còn thu hút được nhân tài, một nền kinh tế và ngoại thương lưỡng lợi cả 2 bên, sau đó phải có một quân đội hùng mạnh. 

Nói tóm lại, nếu chúng ta xét một cách toàn diện, từ triết lý, chính trị, qua kinh tế, giáo dục, xã hội, quân sự, thì Trung Cộng chưa hội đủ những yếu tố để trở thành đế quốc, để có thể đưa ra một trật tự thế giới mới. Tuy nhiên, Trung Cộng cũng là một đế quốc trong vùng, và đã đưa ra những luật lệ bắt những nước nhỏ phải theo, bằng chứng cụ thể là chính sách lấn đất xâm biển, đòi khống chế biển đông với "Đường Lưỡi Bò" của Trung Cộng. 

Để chống lại sự xâm lăng của một đế quốc, dù là đế quốc vùng, bài học lịch sử đã quá đầy đủ, như trường hợp Việt Nam 3 lần đánh bại đế quốc Mông Cổ, đế quốc hùng mạnh thứ nhất thời bấy giờ. 

Đó là phải có sự đồng thuận, giúp đỡ của dân và quân, như 2 Hội nghị Bình than và Diên Hồng. (1) 

Giới lãnh đạo phải dũng lược, như Trần Thủ Độ tuyên bố: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin Bệ hạ đừng lo!". Giới sĩ phu trí thức phải như một Trần Hưng Đạo đưa ra chiến lược: “Đoản trận chống với trường trận.” hay can đảm như một Trần Bình Trọng: "Ta thà làm quỉ nước Nam, còn hơn làm vương đất bắc", chứ không phải loại sĩ phu, trí thức chùm chăn, xu nịnh, nói theo chính quyền, kiểu: “Nói leo, nói theo, nói dài, nói dở và nói dai.” 

Chỉ như thế thì mới có thể bảo toàn lãnh thổ, cứu muôn dân khỏi ách đô hộ. 

Paris ngày 27/02/2012 

______________________________________

Chú thích:

( 1 ) Xin xem thêm bài về Hoa Kỳ, Trung cộng, hội nghị Bình Than và Diên hồng, 

( 2 ) và bài: “ Công bằng phải chăng là cào bằng từ trên xuống dưới.” trên http://perso.orange.fr/chuchinapm/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo