Triệt thu - Dân Làm Báo

Triệt thu

Đào Tuấn Hôm qua, báo chí đã có những hàng loạt bài viết mang tính “bóc mẽ” dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân mà Bộ Tài chính vừa công bố. Đại ý, với 4 phương án: Điều chỉnh thuế TNCN căn cứ vào GDP; Căn cứ vào lương tối thiểu; Căn cứ vào mức độ trượt giá, và thứ 4- kỳ cục nhất - “Giữ nguyên mức hiện hành”, Bộ Tài chính đã chọn và trình phương án giữ nguyên biểu thuế lũy tiến từng phần như hiện hành và chỉ bỏ đi một bậc thuế 35%. Trong tính toán của Bộ Tài chính, có một con số đáng chú ý: GDP bình quân đầu người ở Việt Nam dự kiến năm 2014 là 1.811-1.843 USD.

Câu chuyện mức thuế bao nhiêu, giảm trừ gia cảnh bao nhiêu, phù hợp với thực tế hay đã lạc hậu ngay khi trình dự thảo có lẽ không quan trọng bằng quan điểm của nhà…trình luật. Biểu hiện rõ nhất là phát ngôn của một vị thứ trưởng, rằng “Mức giảm trừ như thế đã là khoan sức dân rồi”. Kết quả của quan điểm này đã cho ra một kết quả không hề lạ “Trên quan điểm bảo vệ nguồn thu, những phương án có lợi cho người nộp thuế đều đã bị loại vào phút chót”.

Nhưng thế nào là “sức dân” và như thế nào là “Khoan sức dân”?

Cuối tuần trước, khi mức phí bảo trì đường bộ được xướng lên, người ta đã rất nhanh chóng tính ra rằng một đầu phương tiện, chẳng hạn như ô tô, ở Việt Nam phải chịu đến 7 loại phí: Phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu, phí bình ổn giá xăng dầu, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ và sắp tới, nhãn tiền là phí lưu hành phương tiện, phí vào nội đô giờ cao điểm. Để so sánh, các loại thuế và phí này khiến chi phí ban đầu cho một chiếc xe gấp 2,5 lần Mỹ. Phải mở ngoặc là GDP bình quân đầu người tại Mỹ năm 2011 là 47.084 USD. Với cách hành luật như trên, những người dân Việt Nam đang phải mua xe với mức thuế cao nhất thế giới, và nếu những ý tưởng tận thu được thông qua, sẽ phải chạy xe với mức “phí lăn bánh” cũng cao nhất thế giới.

Câu chuyện các loại phí cho thấy chữ “bảo vệ nguồn thu”, hay “tận thu” trong trường hợp này chính xác phải là “triệt thu”.

Cũng hôm qua, báo chí đã có những điều tra xung quanh câu chuyện tận thu, thực chất là “triệt thu” xung quanh mức phí đường cao tốc Trung Lương. Đại ý nếu đi đường cao tốc này, các loại phương tiện sẽ tiết kiệm được 0,1 lít xăng, trong khi mức phí cao gấp 3 lần.

Đang có một thực tế ô tô né đường cao tốc- một câu chuyện có lẽ chỉ có ở Việt Nam.

Giữa chuyện xác định mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế tiêu thụ cá nhân và việc đã và đang tung ra các hàng loạt các loại phí đang có một điểm chung là quá xa cách với thực tế sức dân, một sức dân mà GDP đầu người tính đi tính lại chỉ đủ chi phí cho việc khỏi chết đói và được phép đi lại ngoài đường.

Có thể ngay ngày mai, Bộ Tài chính vẫn sẽ cương quyết bảo lưu mức thuế với quan điểm “bảo vệ nguồn thu”. Bộ GTVT có thế tính toán được lợi bao nhiêu cho ngân sách, khi đệ trình thêm các loại thuế, phí mới. Tuy nhiên, điều họ không nên nói tới là câu chuyện “sức dân”, “khoan sức dân” và sự “đồng thuận từ dân”.

Bởi những điều đó là không thật.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo