Đoàn Xuân Lộc (BBC) - Sang thăm chính thức Miến Điện ba ngày, từ 10/3/2012 nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước, Bộ trưởng Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh sẽ hội đàm với người tương nhiệm Miến Điện và chào xã giao Tổng thống Thein Sein.
Một đề tài chắn chắn được thảo luận là những cải cách gần đây của Miến Điện và tác động của chúng tới ASEAN, gồm cả Việt Nam.
Vào năm 2010 – khi giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thăm Miến Điện và thúc dục nước này tổ chức bầu cử tự do, công bằng và có sự tham gia của các đảng phái.
Trước thay đổi quan trọng tại Miến Điện, đâu đó có những tiếng nói kêu gọi lãnh đạo Việt Nam theo chân chính quyền Miến Điện để có bước cởi mở tương tự.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có sẵn sàng tiến hành những gì Thủ tướng Việt Nam kêu gọi giới tướng lãnh Miến Điện thực hiện cách đây gần hai năm.
Hoa Kỳ đã ủng hộ mạnh quá trình dân chủ hóa đa đảng ở Miến Điện
Hoàn cảnh khác nhau
So sánh tình hình hai nước, ta thấy rằng khả năng về những thay đổi chính trị như vậy tại Việt Nam là rất ít – thậm chí không thể xảy ra, ít nhất trong thời gian tới.
Mãi tới gần đây, Miến Điện tương đối cô lập với thế giới bên ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây, và được coi là một đất quốc gia bất trị (pariah state).
Trong khi đó, kể từ năm 1986, Việt Nam đã có nhiều cải cách và đạt được những thành quả nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Về mặt chính trị, Việt Nam cũng cởi mở hơn Miến Điện dù chính quyền tại hai nước này đều được coi là những chế độc độc đoán.
Theo Economist Intelligence Unit của tạp chí The Economist vào năm 2010 với số điểm 2.94 (trên 10), Việt Nam xếp thứ 140 (trong số 167 quốc gia) về dân chủ. Trong khi đó, Miến Điện xếp 163 (với số điểm 1.77).
Về báo chí, Việt Nam cũng có ‘tự do’ hơn Miến Điện. Năm 2010, tổ chức Ký giả Không biên giới - Reporters Without Border - xếp Việt Nam thứ 165 (trong số 178 nước) trong khi đó, Miến Điện nằm gần chót bảng ở vị trí 174.
Vì sự khác biệt về kinh tế và chính trị này, ít hay nhiều có thể nói nhu cầu cởi mở về dân chủ (từ giới cầm quyền cũng như chính người dân) ở Việt Nam ít hơn ở Miến Điện. Nói thế không có nghĩa là tại Việt Nam không có những đòi hỏi về cải cách triệt để.
Chẳng hạn, sau vụ Tiên Lãng, có những tiếng nói cho rằng Việt Nam cần có cải cách toàn diện.
Ngoài ra, giữa Miến Điện và Việt Nam cũng có nhiều khác biệt quan trọng khác dẫn đến việc cởi mở chính trị tại Việt Nam khó xảy ra hơn tại Miến Điện.
Khác biệt về thể chế
Một trong những điểm đó được luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội nêu lên là “sự khác biệt giữa một chế độ độc tài quân phiệt và một chế độ độc tài cộng sản".
Ông từng nói:
"Độc tài cộng sản vẫn mang tính tập thể, tính phổ quát và tính mỵ dân cao. Người cộng sản luôn luôn nói là đại diện cho nhân dân, là lực lượng lãnh đạo toàn thể, dưới đảng có tất cả các tổ chức của nhân dân – như đoàn thanh niên, phụ nữ, mặt trận, công đoàn, cựu chiến binh, hội nông dân,”
“Trong khi đó chính quyền độc tài quân sự thì hà khắc hơn, đứng lẻ loi và thường chỉ dùng sức mạnh quân đội để trấn áp dân chúng. Ở Miến Điện tính đại diện của tập đoàn quân phiệt thấp hơn và do vậy dân đấu tranh mạnh hơn.”
Một điểm khác biệt khác làm luật sư Quân nghĩ rằng Việt Nam sẽ không có những cởi mở như ở Miến Điện, hoặc nếu có thì phải còn rất lâu.
"Độc tài quân sự đứng lẻ loi và thường chỉ dùng sức mạnh quân đội để trấn áp dân chúng"
LS Lê Quốc Quân
Đó là dù bị độc tài quân phiệt cai trị, đàn áp trong nhiều thập kỷ, Miến Điện đã có một đảng đối lập (Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ), có xã hội dân sự, có bầu cử tự do và nhân dân rất ý thức rất rõ về ‘một đối lập’ với nhà nước.
Trong khi đó, “ở Việt Nam tất cả mọi thứ đó bây giờ mới manh nha, nảy sinh trong lòng xã hội độc tài", theo ông Quân.
Ngoài ra, Miến Điện có một biểu tượng đấu tranh là bà Aung San Suu Kyi còn ở Việt Nam chưa có ai như vậy, và cũng chưa có một lãnh đạo có đầu óc cởi mở như Tổng thống Thein Sein.
Chính bà Suu Kyi từng giải thích hôm 15/1 rằng Tổng thống Thein Sein và những người có đầu óc cải cách khác trong chính phủ ý thức được rằng đã đến lúc Miến Điện cần cải cách.
Do đó, có thể nói Việt Nam chỉ có những cải cách chính trị tương tự như ở Miến Điện nếu những nhân vật cấp cao trong đảng Cộng sản Việt Nam cảm thấy cần thay đổi và biết đặt quyền lợi của người dân lên trên quyền lợi cá nhân, phe nhóm.
Ít áp lực quốc tế
Ngoài những khác biệt về các yếu tố nội địa, Miến Điện và Việt Nam cũng khác nhau trên lĩnh vực ngoại giao, quốc tế.
Trước cải cách, Miến Điện bị Phương Tây cô lập và phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nên bên cạnh đòi hỏi từ các nhóm cấp tiến trong xã hội, giới tướng lãnh Miến Điện cũng ngày càng nhận ra rằng họ cần thay đổi để tiếp cận với Phương Tây và giảm lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Trái lại, Việt Nam không phải đối diện với những áp lực tương tự. Tuy thỉnh thoảng Liên minh châu Âu (EU) và một vài nước khác lên tiếng quan ngại về nhân quyền tại Việt Nam, EU và những nước này không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam.
Hoa Kỳ, nước thường lên tiếng nói chính quyền Việt Nam 'vi phạm nhân quyền' và cũng là quốc gia ít nhiều có tác động đến dân chủ hóa cũng lại đang có quan hệ cải thiện nhiều thời gian qua với Việt Nam.
Ngoài ra, dư luận cũng cho rằng cả Mỹ và Việt Nam đang muốn thiết lập một mối quan hệ chiến lược. Tuy vậy, giới chức cao cấp như Ngoại trưởng Hillary Clinton hay Thượng nghị sỹ John McCain nhấn mạnh rằng mối quan hệ như vậy chỉ xảy ra nếu Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Nếu đúng vậy, Việt Nam có cải thiện nhân quyền hay mở rộng dân chủ hay không còn tùy thuộc vào việc Hà Nội có thực sự cảm thấy cần thiết phải thiết lập quan hệ chiến lược, an ninh với Washington. Và việc Việt Nam có muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ lại phụ thuộc vào quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến tranh chấp Biển Đông đã giúp Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau nhưng dù có quan ngại về thái độ và những động thái cứng rắn gần đây của Trung Quốc, xem ra Hà Nội vẫn coi mối quan hệ với Bắc Kinh là hàng đầu.
Vì ngoài phụ thuộc về kinh tế, xét về ý thức hệ giới lãnh đạo Việt Nam vẫn cảm thấy gần gũi và thoải mái với Bắc Kinh hơn Washington.
Do đó, nếu quan hệ với Trung Quốc thân thiện, Việt Nam không có nhu cầu nhiều để lập quan hệ chiến lược với Mỹ, và như vậy cũng không buộc phải cải thiện hồ sơ nhân quyền hoặc tiến hành những cải cách chính trị quan trọng khác.
Một xu hướng mới
Nhưng nói thế không có nghĩa là tiến trình dân chủ hóa chắc chắn sẽ không xảy ra tại Việt Nam vì ví dụ các nước Ả Rập – Bắc Phi và Miến Điện cho thấy, trong chính trị mọi chuyện có thể xảy ra, và xảy ra rất nhanh, vượt qua mọi suy đoán, tính toán của mọi người.
Cách đây hơn một năm – khi Thủ tướng Việt Nam và nhiều lãnh đạo ASEAN khác kêu gọi Miến Điện tiến hành dân chủ – chắc cũng không ai đoán hay hy vọng giới tướng lãnh Miến Điện sẽ thay đổi, sẽ tiến hành cải cách chính trị sớm và mạnh như vậy.
Do đó, như trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tiên đoán, sớm hay muộn Việt Nam “cũng phải đi đến những mở rộng tự do, dân chủ như vậy. Chỉ có điều, nếu chúng ta đến được sớm hơn, thì đất nước sẽ có cơ cất cánh nhiều hơn.”
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện làm nghiên cứu tại Viện Global Policy, London. Bản ngắn hơn bằng tiếng Anh đã được đăng trên trang Bấmworldpoliticsreview.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/03/120309_myanmar_vietnam_differences.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/03/120309_myanmar_vietnam_differences.shtml