Việt Nam có nên hợp thức hóa casino?: Cái giá của casino - Dân Làm Báo

Việt Nam có nên hợp thức hóa casino?: Cái giá của casino


Nguyễn Hà - Minh Sơn (NLĐ) Nhiều quốc gia ý thức tính chất hai mặt của casino nhưng họ vẫn mở cửa với loại hình cờ bạc này. Sự “thành công” của Singapore đang quyến rũ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Liệu chúng ta có nên trả giá cho sự quyến rũ chết người ấy? 

Vợ con anh Đỗ Thành Công, một người rất nghèo - nạn nhân của casino, bên di ảnh của anh. Ảnh: Minh Sơn 

Trả lời phỏng vấn báo chí, tỉ phú Sheldon Adelson, ông chủ Tập đoàn Las Vegas Sands, cho rằng ông không muốn kiếm tiền với người nghèo. Đối tượng mà tập đoàn ông hướng đến là doanh nhân và du khách sang trọng. Tuy vậy, hình như họ đang hướng đến thị trường 90 triệu dân Việt Nam, trong đó có cả những người nghèo. 

Người nghèo cũng chết! 

Kinh doanh casino có lợi nhuận cực lớn. Sức hấp dẫn của công nghệ này là ở chỗ đó. Casino cũng có sức hấp dẫn cực kỳ đối với cả người nghèo. Ngay cả ở Việt Nam, hoạt động casino chưa được hợp pháp hóa nhưng những nạn nhân của nó nhan nhản. 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi ngày có khoảng 500-600 người, riêng thứ bảy, chủ nhật có đến 1.000 người Việt Nam vượt biên giới sang Campuchia đánh bạc và đã có rất nhiều người nghèo “chết” vì casino. 

Anh N.C.T ở huyện Châu Thành - Tiền Giang, hành nghề chạy xe ôm nhưng bị rủ rê “sang Campuchia đánh bạc, cho biết ở đó có nhiều sòng bài lớn và rất đẹp. “Cứ sang đi, chúng tôi bao trọn gói”- một “cò” nói với anh T. như thế. Vậy là anh T. đi, đến khi thua hàng ngàn USD, anh bị “cầm mạng, nhốt”, bắt viết giấy nợ, nếu không sẽ bị “cắt tai, chặt ngón tay, bán thận” trừ nợ. Gia đình anh T. phải bán cả ruộng đất để “chuộc mạng”. 

Hay như trường hợp anh lái xe ôm Đỗ Thành Công, ngụ ở xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa – Long An, bị kẻ xấu rủ rê sang Campuchia đánh bạc, nợ sòng bài 2.000 USD và cũng bị “cầm mạng”. Vợ anh Công phải bán ruộng đất sang “chuộc mạng” cho anh nhưng đã quá muộn. Anh Công đã không thể chịu nổi đòn roi tra tấn của bọn bảo kê, lao ra cửa sổ, nhảy xuống lầu tự tử. 

Đó chỉ là vài trường hợp điển hình, còn rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh như vậy. Dòng sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua Tây Ninh, gần cửa khẩu Mộc Bài cũng đã chứng kiến quá nhiều người thua bạc trầm mình. 

Cờ bạc đi liền với tội phạm, đó là mặt trái lớn nhất, dễ thấy nhất. Casino đồng nghĩa với những cuộc chơi tiền và đồng tiền có sức cám dỗ phi thường và phát sinh tội phạm. Singapore cũng không ngoại lệ, 2 năm qua, khi 2 khu casino khổng lồ đi vào hoạt động đã có nhiều tội phạm bị bắt vì tội lừa đảo, trộm cắp, rửa tiền. 

Bất lực trước sức cám dỗ 

Singapore thừa hiểu những mặt trái của casino khi đưa ra những quy định có vẻ chặt chẽ để hạn chế người dân sở tại vào đánh bạc, như quy định người Singapore muốn vào sòng bạc phải đóng lệ phí cao, khoảng 79,5 USD/ngày hoặc 1.590 USD/năm. 

Trung Quốc cũng tìm cách hạn chế công dân của mình đến Macau đánh bạc bằng cách cho phép họ chỉ được đến đó 15 ngày/năm. 

Những biện pháp đó cũng chẳng có tác dụng mấy đối với những con bạc “khát nước”. Chính phủ Singapore còn bắt cảnh sát phải học đánh bạc, hiểu cách chơi bạc ở các sòng bài để chống loại tội phạm này hiệu quả hơn. 

Singapore còn nghiên cứu những biện pháp tâm lý lẫn công nghệ để ngăn chặn, hạn chế những con bạc “khát nước”, thành lập cả những đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp để giúp các con bạc “khát nước” kiềm chế, yêu cầu các sòng bạc “ghi sổ đen” những con bạc không làm chủ được mình để giúp họ biết dừng lại trước khi quá muộn. 

Những biện pháp đó có vẻ khoa học nhưng trên thực tế khó phát huy được tác dụng khi mà ai cũng biết cờ bạc có đầy ma lực và “canh bạc cuối cùng” với họ luôn ẩn chứa nhiều hy vọng để cuối cùng phải “chết”. 

Không nên bắt chước Singapore 

Dù hiện nay, các sòng bài hiện đại đều núp trong những khu nghỉ dưỡng – giải trí phức hợp lộng lẫy, sang trọng nhưng hoạt động cờ bạc vẫn đem lại nhiều lợi nhuận nhất. Cờ bạc luôn song hành với các tệ nạn xã hội, không chỉ làm cho nhiều người, trong đó có người nghèo, tán gia bại sản mà còn kéo theo nạn cho vay nặng lãi, bảo kê, mại dâm… 

Sự tán gia bại sản phá vỡ các tế bào xã hội, phá vỡ các mối quan hệ xã hội vốn đã ổn định. Đặc biệt, nạn rửa tiền rất khó kiểm soát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng mỗi năm có đến 1.500 tỉ USD được rửa, chắc chắn trong số đó có chuyện rửa tiền ở các casino. 

Sức hấp dẫn của các khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino là rất lớn, buộc nhiều quốc gia phải thay đổi chính sách cấm cửa đối với casino. Sự thành công về mặt tài chính của 2 khu phức hợp - nghỉ dưỡng- casino ở Singapore hình như là “tấm gương” rất hấp dẫn với nhiều nước châu Á. 

Tuy nhiên, những quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ, như Singapore chẳng hạn, dù có thể điều chỉnh được những mặt trái của hoạt động casino nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần hệ lụy từ nó. 
Đầu tháng 3-2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có chuyến thăm Singapore, làm việc với Hội đồng Quản lý các hoạt động kinh doanh vui chơi có thưởng Singapore, cho thấy Việt Nam đang phát đi những tín hiệu chấp nhận hoạt động casino. 

Nhưng nên nhớ rằng Việt Nam khác Singapore. Singapore có một hệ thống luật pháp chặt chẽ, thu nhập người dân cao, ý thức trách nhiệm công dân của họ cũng ở một trình độ có thể kháng lại những cám dỗ. 

Không phải hội nhập là phải có casino, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn hẳn về kinh tế so với Singapore để có thể từ chối casino mà không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Casino không tạo ra sản phẩm
Các chuyên gia kinh tế khẳng định rằng các hoạt động casino đem lại nhiều tiền nhưng đó không phải là một ngành kinh tế, đó là công nghiệp cờ bạc có nhiều yếu tố nhạy cảm, để lại nhiều hệ lụy xã hội.
Một chuyên gia nghiên cứu về công nghệ cờ bạc của Đại học Illinois, GS John Warren, cho rằng casino không tạo ra sản phẩm cho xã hội, nó là một ngành phi sản xuất.
Nên nhớ rằng Macau là “vương quốc cờ bạc”. Các casino đem lại thu nhập chính cho Macau nhưng năm 2006 đã nổ ra cuộc biểu tình rất lớn với sự tham gia của hơn 5.000 người dân. Họ biểu tình cảnh báo chính quyền Macau đang làm giàu, còn người dân thì nghèo đi, vậy tiền đó chính quyền làm gì? Họ cũng lên tiếng báo động về khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng nới rộng ở Macau, buộc tội chính quyền thu nhận lao động nhập cư.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo