Áp thấp nhiệt đới vào TP.HCM, di dân tại huyện Cần Giờ - Dân Làm Báo

Áp thấp nhiệt đới vào TP.HCM, di dân tại huyện Cần Giờ



Chiều 1-4, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 15g, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng ven biển các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8. - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

SGTT.VN - Từ sáng hôm nay 1.4, bão số 1 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đã gây mưa diện rộng trên địa bàn TP.HCM. Theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, sáng 1.4, phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã có mặt tại trụ sở UBND huyện Cần Giờ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão.


Lực lượng thanh niên xung phong được tăng cường từ các quận phát cơm miễn phí cho bà con xã đảo Thạnh An vào đất liền tránh bão. Ảnh: Thuận Thắng/TTO

Tin trên báo này cho biết, đầu giờ chiều 1.4, các lực lượng bộ đội, dân quân, đơn vị cứu nạn cứu hộ, thanh niên xung phong tiếp tục mang nhiều bao cát, dây thừng xuống các khu vực ven biển như bến Cầu Đò, Cầu Đen, bãi tắm 30-4, chợ thị trấn huyện Cần Giờ và công viên huyện Cần Giờ để chằng lại nhà cửa, biển báo.

Đến chiều cùng ngày, đã có 2.295 người dân của hai xã và thị trấn ven biển huyện Cần Giờ là xã Thạnh An, xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh đến nơi trú bão an toàn.

Số hàng cứu trợ trong và ngoài huyện Cần Giờ cũng đã được tập trung sẵn sàng hỗ trợ người dân chống bão với 700 thùng mì gói, 106 thùng mì ly, 1.300 bình nước uống loại 5 lít, 190 thùng nước loại 20 lít, 50 thùng xúc xích và 500 cái mền.

Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ còn hỗ trợ người dân gần 7.000 phần ăn sáng, trưa, chiều trong ngày bão đổ vào.


Bản thông báo phà Bình Khánh (Nhà Bè) ngừng hoạt động được dán ngay đường vào quầy vé lúc 15g ngày 1.4. Ảnh: Sơn Lâm/TTO

Lúc 14g30, ông Nguyễn Văn Đua chỉ đạo phà Bình Khánh (nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè) tạm dừng hoạt động chờ bão đi qua.

Trong khi đó, báo Thanh Niên đưa tin cho biết, ông Lê Minh Đức, giám đốc sở NN-PTNT Long An cho biết, lốc xoáy kèm theo mưa giông ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Tân Hưng và Vĩnh Hưng đã gây thiệt hại nặng nề tại đây.

Theo thống kê đến chiều 1.4, chỉ riêng ở 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước, đã có 189 căn nhà bị sập và tốc mái; hơn 8.500 ha lúa ở nhiều huyện bị hư hại, ước thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh đã điều động 2 đại đội bộ đội đến 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc để giúp dân khắc phục hậu quả, đồng thời giúp sơ tán người già và trẻ em đến nơi an toàn, chuẩn bị đón cơn bão số 1 đang đổ bộ vào đất liền vào tối nay.


Hàng nghìn tàu cá vào neo đậu tránh bão tại cảng Cà Ná (H.Thuận Nam). Ảnh: L.Xuân/TNO

Cũng bị ảnh hưởng do cơn bão, sáng 1.4, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận xuất hiện mưa to, biển động mạnh. Đã có một tàu cá bị chìm và một nạn nhân bị nước cuốn trôi.

Vào khoảng 7 giờ sáng, anh Trần Xuân Hậu (25 tuổi, trú thôn Phương Cựu 3, xã Phương Hải, H.Ninh Hải) bị nước cuốn trôi khi đi qua bờ tràn Cây Trôm. Đến gần 9 giờ sáng cùng ngày, thi thể anh Hậu được tìm thấy.

Cùng ngày, UBND H.Ninh Hải đã xuống thăm hỏi, động viên gia đình anh Hậu đồng thời trích ngân sách địa phương 4,5 triệu đồng hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho nạn nhân.

Theo tin từ trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, chiều 1.4, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 15g, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng ven biển các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8

T.H


TP.HCM: cây cối gãy đổ vì áp thấp nhiệt đới

SGTT.VN - Bão số 1 (Pakhar) suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi đổ bộ vào đất liền trưa nay 1.4.2012, gây mưa lớn và gió mạnh trên diện rộng tại TP.HCM. Đến 20g tối 1.4, khu vực TP.HCM vẫn còn mưa to gió lớn, cây cối gãy đổ ở nhiều khu vực nội thành.

PV SGTT ghi nhận một số hình ảnh về diễn tiến cơn áp thấp nhiệt đới này tại TP.HCM.


Một cây xanh đổ ngang trên đường Đông Du, quận 1.


Cây gãy trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1.


Du khách nước ngoài đội mưa tại khu vực trung tâm thành phố.


Lực lương CSGT quận 1 có mặt tại các điểm xảy ra tai nạn để hạn chế phương tiện lưu thông vào khu vực nguy hiểm.


Dù mưa to gió lớn, công nhân vệ sinh vẫn cố gắng dọn dẹp đường phố.

HỒNG THÁI (THỰC HIỆN)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo