Khánh Hòa: Dân cùng đường làm ăn vì các đại dự án - Dân Làm Báo

Khánh Hòa: Dân cùng đường làm ăn vì các đại dự án


Tấn Lộc (Phapluattp) Xã anh hùng Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) sẽ bị xóa tên trên bản đồ hành chính với việc di dời gần 1.500 hộ để lấy đất thực hiện các đại dự án. Hàng ngàn người dân hoang mang không biết làm gì để sinh sống vì chỉ được tái định cư chứ không có tái định canh.

Sáng 27-4, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở chức năng của tỉnh Khánh Hòa đối thoại với 74 hộ dân xã Ninh Phước để chuẩn bị chuyển đến khu tái định cư, nhường đất cho dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong với Nhà máy nhiệt điện Vân phong 1 của tổ hợp nhà đầu tư Sumitomo/Bachdang - Hanoinco. Theo ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, dự án này triển khai trên diện tích hơn 343 ha, ảnh hưởng đến 318 trường hợp, trong đó có 74 hộ bắt đầu di dời, chuyển đến khu tái định cư từ tháng 5-2012. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đây là bước khởi đầu để chuẩn bị giải tỏa trắng toàn bộ xã Ninh Phước với gần 1.500 hộ, lấy đất thực hiện hàng loạt dự án lớn, trong đó có dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Do đó, buổi đối thoại thu hút hàng trăm người dân xã Ninh Phước đang thấp thỏm chuẩn bị di dời. 

Dân không biết làm gì để sinh sống 

Câu hỏi đầu tiên và cũng là điều lo lắng, bức xúc nhất của hầu hết người dân Ninh Phước là khi chuyển đến khu tái định cư, họ không biết làm gì để sinh sống vì dự án này không có chính sách tái định canh. Ông Võ Ái Nhân (ngụ thôn Ninh Yển) nói: Tỉnh chỉ quan tâm làm sao để nhanh chóng di dời dân, lấy đất làm dự án chứ không hề quan tâm rồi đây người dân làm gì để sinh sống. Ông Võ Ái Nhân là người đã có công làm cho Ninh Phước trở thành vùng đất trồng tỏi nổi tiếng mấy năm gần đây và phần lớn các gia đình ở đây trở nên khá giả nhờ tỏi. 


Ông Nguyễn Đông bức xúc nói: “Người dân mất đất, mất việc làm hết 
nhưng Nhà nước không hỗ trợ chuyển đổi nghề”. Ảnh: TẤN LỘC 

Năm 1988, ông Nhân từ xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đưa gia đình vào Ninh Phước lập nghiệp. Mấy năm sau, ông phát hiện vùng đất cát ở nơi ở mới phù hợp với giống tỏi Lý Sơn nên về quê ông mang giống tỏi này vào trồng. Đến nay, cả xã Ninh Phước đã có gần 200 ha chuyên trồng tỏi Lý Sơn và trở thành một làng nghề truyền thống nổi tiếng. Trong những hộ trồng tỏi hiện nay ở Ninh Phước có hơn 80 hộ quê gốc huyện đảo Lý Sơn, riêng gia đình ông Nhân có gần 20.000 m2 đất trồng tỏi, thu nhập trung bình mỗi năm gần 400 triệu đồng. Thế nhưng bây giờ gia đình ông Nhân chỉ được cấp 200 m2 đất để làm nhà tại khu tái định cư, ngoài ra ông không còn một tấc đất để sản xuất. Hầu hết các gia đình khác ở Ninh Phước cũng đều lâm vào hoàn cảnh tương tự như ông Nhân. “Tôi đau nhất là làng nghề trồng tỏi bị xóa sổ nhưng bà con không biết lấy đâu ra đất để gầy dựng lại” - bà Hồ Thị Giống nghẹn ngào. 

Trong số các hộ dân ở Ninh Phước di dời đợt này có 17 hộ phải di dời lần thứ hai. Ông Nguyễn Thanh Phước, người được 17 hộ dân này cử làm đại diện tại buổi đối thoại, nói: “Năm 1996, chúng tôi đã phải di dời để Nhà nước lấy đất cấp cho Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin. Bây giờ, nhiều gia đình vừa cất được ngôi nhà thì phải phá bỏ; nhiều hộ khác vẫn chưa ổn định thì phải di chuyển lần nữa. Trước đây, trước khi dân di dời, Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin hứa sẽ nhận con em chúng tôi vào làm việc. Thế nhưng đến nay cả xã Ninh Phước không hề có con em nào được vào làm trong nhà máy này. Bây giờ, chúng tôi không còn tấc đất, làm sao để sinh sống. Người dân không còn tin những lời hứa suông nữa

Nhiều người dân làm nghề biển ở Ninh Phước lo lắng nói rằng bây giờ đến khu tái định cư, chỗ neo đậu tàu thuyền lại rất xa nơi khai thác thủy sản nên chi phí sẽ cao hơn và càng khó khăn hơn. Ông Nguyễn Đông (ngụ thôn Ninh Yển) bức xúc: “Hầu hết người dân Ninh Phước đều mất đất, mất việc làm lâu nay. Khu tái định cư vừa ở xa vừa nằm giữa vùng đất khô cằn, mỗi gia đình chỉ 200 m2, Nhà nước cũng không hỗ trợ chuyển đổi nghề, người dân không biết tương lai thế nào”. 

Ông Nguyễn Chiến Thắng thừa nhận khi di dời đời sống người dân chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Về vấn đề không hỗ trợ tái định canh, ông Thắng giải thích: “Thị xã Ninh Hòa không còn quỹ đất nên không thể bồi thường bằng đất sản xuất cho người dân mà chỉ đền bù bằng tiền một lần, luật cũng cho phép như vậy”. Ông Thắng cho biết thêm, tỉnh đã chỉ đạo thị xã Ninh Hòa quy hoạch một khu đất sản xuất khác rộng khoảng 50 ha, sau này người dân nào muốn tiếp tục trồng tỏi thì đăng ký với xã. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Minh, nhanh nhất phải 2-3 năm nữa mới có thể triển khai sản xuất tại khu đất mới này. 

Bà Đỗ Thị Dù, Chủ tịch UBND xã Ninh Phước, nói: “Đời sống người dân xã này chỉ mới ổn định mấy năm gần đây nhưng bây giờ cả xã phải di dời. Không có đất sản xuất, tôi rất lo không biết người dân làm gì để sinh sống”. 

Dân vẫn ôm nỗi bức xúc 

Một bức xúc chung khác của nhiều người dân Ninh Phước là giá bồi thường công trình kiến trúc, vật liệu xây dựng không thỏa đáng. Ông Lê Văn Dẻ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết do giá bồi thường này tính từ năm 2010 nên hiện nay tỉnh đã quyết định hỗ trợ thêm 50% so với giá tính trước đây. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều cho rằng với giá bồi thường này, họ khó có thể xây dựng lại nhà cửa ở khu tái định cư. Ông Nguyễn Thanh Phước hỏi lại ông Dẻ: “Nếu Nhà nước cho rằng giá bồi thường đã thỏa đáng, gia đình tôi xin mời Sở Xây dựng xây lại ngôi nhà của tôi y như hiện nay với số tiền bồi thường mà ông giám đốc cho là đã hợp lý”. Ông giám đốc Sở Xây dựng không trả lời câu hỏi này. 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau buổi đối thoại trên, ông Nguyễn Chiến Thắng nói: “Cái được lớn nhất của buổi đối thoại là đã tạo được sự đồng thuận ở người dân. Tôi hoàn toàn yên tâm vì đa số người dân đều hiểu và ủng hộ để triển khai các dự án”. Tuy nhiên, hầu hết người dân khi ra về vẫn ôm nỗi bức xúc chưa được giải tỏa. Ông Nguyễn Đường, Bí thư chi bộ thôn Ninh Yển, nói: “Bà con đã nêu ra bao nhiêu bức xúc về những khó khăn ở khu tái định cư, mất việc làm, không có đất sản xuất, bất hợp lý trong bồi thường… nhưng chưa được những người có trách nhiệm trả lời cụ thể”. 

Bà Đỗ Thị Dù nói: Thực ra không ai muốn di dời đến nơi ở mới vì thổ nhưỡng ở khu tái định cư không bằng nơi này, chắc chắn người dân sẽ rất khó khăn. Trước đây, tỉnh, huyện cũng có bàn đến việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho hơn 6.500 người dân khi chuyển đến nơi ở mới nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể gì. Một nỗi băn khoăn nữa của phần lớn cán bộ, nhân dân địa phương là rồi đây cái tên xã anh hùng, vùng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến Ninh Phước không còn nữa”.


Để giải tỏa trắng xã Ninh Phước, trước đây tỉnh Khánh Hòa thống nhất địa điểm tái định cư tại xã Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa. Theo phương án này, việc tái định cư sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi như quỹ đất lớn, màu mỡ để duy trì được các nghề truyền thống, vị trí giáp biển thuận lợi cho ngư dân làm nghề. Tuy nhiên, do địa điểm này vướng dự án khu dân cư Ninh Thủy của Công ty TNHH Hoàn Cầu đang “treo” mấy năm nay. Do đó, tỉnh Khánh Hòa quyết định phương án tái định cư phân tán xã Ninh Phước để “né” dự án trên. Theo phương án mới, gần 1.500 hộ với hơn 6.500 người được chia theo các tiêu chí: Các hộ làm nghề biển đến ở tại khu tái định cư xóm Quán, xã Ninh Thọ với diện tích 40 ha; các hộ làm nghề nông và làm nghề khác tái định cư tại xã Ninh Thủy rộng 100 ha. Giai đoạn 1 di dời 900 hộ với 3.500 người của hai thôn Mỹ Giang, Ninh Yển. Tuy nhiên, cả hai khu tái định cư trên đều ở xa biển và không có đất sản xuất.

Tấn Lộc



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo