Thành Văn (Phapluattp) - Đưa Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu ý dân vào chương trình chuẩn bị năm 2013; thông qua Luật Biển Việt Nam tại kỳ họp tới. Đó là những nội dung đáng chú ý được nêu ra trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013. Trong đó đáng chú ý là các nội dung về sửa đổi Luật Cư trú, Luật Đất đai và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Nhập cư vào thành phố sẽ khó gấp ba
Theo quy định hiện hành tại Luật Cư trú, công dân muốn đăng ký thường trú vào các TP trực thuộc trung ương chỉ cần có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại TP đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản… Tại bản thuyết trình sửa đổi Luật Cư trú, Chính phủ cho rằng do các quy định thông thoáng trên nên tại Hà Nội và TP.HCM đã xuất hiện tình trạng lợi dụng các quy định này để nhập hộ khẩu vào hai TP, làm tăng dân số cơ học và gây sức ép về vấn đề quản lý trật tự, an toàn xã hội.
Tương tự, Đoàn đại biểu QH TP Đà Nẵng - một trong những địa phương đang bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì ban hành các quy định về tạm dừng nhập cư sai luật, cũng đề nghị sớm sửa đổi Luật Cư trú. Trong đó, Đà Nẵng cũng kiến nghị xem xét lại những điều kiện nhập khẩu vào các TP lớn.
Để khắc phục những bất cập trên, Chính phủ dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú theo hướng tăng thêm các điều kiện về nhập cư. Trong đó, tăng thời gian tạm trú từ một năm lên ba năm và quy định về diện tích chỗ ở tối thiểu 5 m2/người đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Dự kiến, Luật Cư trú sửa đổi sẽ trình ra xin ý kiến QH vào kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2013).
Theo dự kiến, Luật Cư trú sửa đổi sẽ tăng thêm các điều kiện về nhập cư.
Trong ảnh: Làm thủ tục nhập hộ khẩu tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HTD
Làm rõ về quyền sở hữu đất đai
Theo định hướng của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ làm rõ những vấn đề về quyền sở hữu đất đai của Nhà nước; các quyền chung của các chủ thể quản lý, sử dụng đối với đất đai và khái niệm người sử dụng đất bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cũng như quy định về thời hạn, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
Theo chương trình xây dựng ban đầu, dự án trên sẽ được trình ra xin ý kiến QH tại kỳ họp thứ tư cuối năm nay và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ năm vào giữa năm 2013. Tuy nhiên, Chính phủ kiến nghị lùi thời gian trình sang kỳ họp thứ năm và thông qua tại kỳ thứ sáu, với lý do chờ sửa Hiến pháp.
“Dự án Luật Đất đai là dự án luật rất quan trọng, đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được đại biểu QH và nhân dân cả nước quan tâm. Do đó, cơ quan soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án luật này” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Kiểm soát thu nhập của cán bộ có chức vụ
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Theo đó, định hướng sửa đổi là hoàn thiện quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan PCTN chuyên trách theo hướng tăng tính độc lập. Đồng thời, bổ sung hành vi tham nhũng trong khu vực tư về tội danh đưa, nhận hối lộ và tham ô tài sản; hoàn thiện quy định về bảo vệ nhân chứng, chuyên gia và nạn nhân là người đã cung cấp lời khai, cung cấp thông tin liên quan đến tố giác tham nhũng. Ngoài ra, quy định xử lý bằng biện pháp hình sự đối với hành vi đưa và nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác có liên quan đến công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế.
Bên cạnh đó, dự án luật cũng sẽ bổ sung quy định về kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn. Đặc biệt, sẽ nghiên cứu xây dựng quy định kiểm tra, giám sát tài sản của người trong gia đình hoặc cộng sự có liên quan tới cá nhân đang hoặc đã giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Dự kiến, dự án Luật PCTN sửa đổi sẽ được xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2013).
Đổi mới toàn diện cơ chế quản lý DNNN
Ngày 19-4, Chính phủ đã trình ra UB TVQH đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, Chính phủ đề ra hàng loạt các nhóm giải pháp như: Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững; Đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý và sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế.
Đặc biệt Chính phủ nhấn mạnh sẽ đổi mới sâu sắc, toàn diện cơ cấu và cơ chế quản lý DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, trước hết là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
|